Mài kiếm dưới trăng, tranh sơn mài
Phần I
Trong hàng ngàn bài Thất ngôn bát cú luật thi của Việt Nam cũng như của Đường thi Trung Quốc mà tôi đã đọc, những bài liên quan đến tâm sự người tráng sĩ trước vận nước không hề có một bài nào có thể so sánh được với bài “Cảm hoài” của tráng sĩ thi nhân Đặng Dung của chúng ta, kể cả thơ của Tô Đông Pha, thi nhân rất nổi tiếng đời Tống. Có lẽ cả trong dòng Thất ngôn bát cú này, một bài khác có thể để bên viên ngọc quý này là bài “Hoàng hạc lâu” (xem tại đây, và tại đây, webmaster ghi chú) của Thôi Hiệu, tuy nhiên tâm sự của Thôi Hiệu lại là dòng tâm sự thương nhớ quê hương. Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu thật khó mà so sánh được với Cảm hoài của Đặng Dung cả về nội lực văn chương, cả về nhãn quan lẫn văn phong. Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu đã được đề cập nhiều tại Việt Nam, nay tôi không bàn về Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu nữa vì xem như khách thơ đã biết; nay tôi tập trung bàn về bài Cảm hoài của Đặng Dung mà thôi.
Thơ văn của Đặng Dung chỉ còn lưu lại chỉ mỗi một bài Cảm hoài. Đó là một bài thơ mà tám câu thẩy đều xuất sắc, mỗi câu là một trang sử, lời thơ chứa nhiều kiến văn của một người có sức học rất rộng, tài hoa trong việc chọn điển từ, điển tích, quyết đoán trong việc đánh giá ai xứng đáng được gọi là anh hùng, ai là tên tiểu tốt hay loại bần tiện trong lịch sử Tàu và Việt. Là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ trong cơn quốc nạn. Danh sĩ Lý Tử Tấn người đồng khoa tiến sĩ với Nguyễn Trãi, là phó soái Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú thời vua Lê Thánh Tông, vào giữa thế kỷ XV, khi nhận Xét về bài thơ này, Lý danh sĩ phê “phi hào kiệt chí sĩ bất năng” (nếu không phải là người hào kiệt, tráng sĩ thì không thể trước tác nổi).
Đọc đến đây làm sao mà khách thơ không thích thú cho được khi hồi tưởng một thời trung học của mình đã từng được học qua, nay còn nhớ đôi câu trong trí:
Thời lai đồ điếu 4 thành công dị
Vận khứ 5 anh hùng ẩm hận đa
Đó là câu 3 và câu 4 trong nguyên tác đã gây bao nhiêu cảm Xúc cho người thời nay, cụ Phan kế Bính năm xưa đã dịch:
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Cụ Tản Đà dịch:
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Và người bây giờ dịch:
Gặp thời tiểu tốt lên sao dễ,
Lỡ vận anh hùng nhận thế ta!
Xin các bạn hãy cùng tôi, chúng ta cùng đọc kỹ lại thơ ông để xem lời bình của danh sĩ Lý Tử Tấn đúng đến mức độ nào, và tiện thể cũng để xác định cho chắc một lần cuối rằng, trong thể Thất ngôn bát cú nói về khí phách tráng sĩ không bài nào qua mặt nổi bài Cảm hoài của Đặng Dung tài danh của Việt Nam chúng ta. Để có thể thưởng ngoạn cho tận hết “cái hay” của bài trên, xin khách thơ cùng tác giả đọc lại lịch sử cũng như các huyền thoại thoại dân gian.
I- Bài thơ của Đặng Dung được sáng tác trong bối cảnh nào?
Lấy cớ tên đại gian tặc Hồ Quý Ly (gốc Tàu), kẻ đã cướp ngôi nhà Trần, do sự bất cẩn của vua Trần nuôi ong tay áo, không nghe lời của quan tư đồ Trần Nguyên Hãn; quân nhà Minh diệt dễ dàng nhà Hồ, sử ghi tướng Tàu là ”Trương Phụ thắng trận đi đến đâu giết hại quân dân và làm những điều tàn bạo gớm ghê là Xếp người thành núi, hoặc rút ruột người treo lên cây, hoặc nấu thịt người để lấy dầu. Còn những người An Nam ai phục tùng nhà Minh mà giết được nhiều người bản quốc thì được thưởng cho làm quan. Thật bấy giờ tha hồ cho bọn hung ác đắc chí” sđd (1) trang 204. Thế sự du du nại lão hà (câu 1) là thế.
Chỉ vì xuất phát lòng căm thù trước sự tàn ác và dã man của bọn giặc Tàu xâm lược mà các hào kiệt như Đặng Tất khởi binh trước đó, tiếp tục sau này là các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, con trai của danh tướng Nguyễn Cảnh Chân, Trần Quý đi tìm con cháu nhà Trần dựng cờ khởi nghĩa. Họ đã tổ chức lực lượng chống trả kẻ thù, dẫu biết kẻ thù đã mang sang nước ta một lực lượng quân binh chính quy hùng mạnh đông gấp nhiều lần về cả ba phương diện vũ khí, con người, quân lương. Các vị anh hùng đã đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với một binh lực hơn hẳn mình. Có lúc họ cũng đã thắng nhiều trận lẫy lừng (sđd (1), tưởng chừng như đã thắng, nhưng dài hơi thì cuộc đọ sức đã không cân sức. Than ôi! họ đã bại trận! Trên đường bị đưa về Yên kinh (Bắc Kinh ngày nay) để làm nhục, vua tôi họ đã ca hát như không có chuyện gì xảy ra, thắng bại là lẽ thường tình đối với người tráng sĩ một khi họ đã toàn tâm toàn ý, hết lòng, hết sức vì dân tộc này. Đặng Dung, trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến đã ngâm cho vua tôi nghe khúc ca cảm khái này, vừa ngâm vừa gõ nhịp xuống ván gỗ thuyền, cùng vui và sẵn sàng đón nhận mọi sự trả thù tàn bạo của kẻ thù; dân tộc ta đâu xa lạ gì sự tra tấn đầy thú tính của người Tàu đối với dân bị trị, xin khách thơ cùng đọc đoạn sử này “Năm 1410, Trần Quý Khoách khi thấy sức đã yếu, kéo dài cuộc chiến chỉ làm kiệt sức dân, hao binh tổn tướng, nay tạm chấp nhận thua thiệt trước mắt để tính kế lâu dài. Vua bèn cử Nguyễn Biểu làm sứ giả sang dinh của Trương Phụ bàn chuyện hòa giải. Trương Phụ bắt trói sứ giả Nguyễn Biểu vào chân cầu để nước triều lên thì Nguyễn Biểu phải chết ngộp”. Một quốc gia côn đồ thì có binh tướng côn đồ, có văn minh của xứ nào trên thế gian này lại đi giết sứ giả, khi mà họ đến trại giặc với hai tay không. Sử sách nay vẫn còn ghi chép rõ ràng tội ác đó, sđd (1). Phan kế Bính đánh giá bọn “bần tiện” quả không nặng lời! Không muốn mình phải chịu cảnh ô nhục trong tay địch, thừa lúc sơ ý của bọn lính canh của giặc, vua tôi cùng nhào xuống biển tuẫn tiết. Oanh liệt và hào hùng!
II-Toàn văn nguyên tác và bản dịch quốc âm
Dân tộc ta đã được may mắn đọc lại khúc ngâm anh hùng ca này là do hai công ghi chép, một là tiến sĩ Lý Tử Tấn đời Lê Thánh Tông có chép lại dưới tên là Cảm hoài và viết lời bình; hai là của Lê Quí Đôn (1726 – 1784) trong Toàn Việt Thi Lục có chép lại bài này dưới tên Thuật hoài. Một bài thơ duy nhất còn lại của thi nhân tráng sĩ Đặng Dung nhưng là thiên hạ đệ nhất thi.
2.1- Nguyên tác
感 懷
世 事 悠 悠 奈 老 何,
無 窮 天 地 入 酣 歌。
時 來 屠 釣 成 功 昜,
運 去 英 雄 飲 恨 多。
致 主 有 懷 扶 地 軸,
洗 兵 無 路 挽 天 河。
國 讎 未 報 頭 先 白,
幾 度 龍 泉 戴 月 磨。
2.2- Phiên âm
Cảm hoài
Thế sự du du1 nại lão hà 2
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca 3
Thời lai đồ điếu 4 thành công dị
Vận khứ 5 anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa 6 hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh 7 vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch 8
Kỷ độ Long Tuyền 9 đái nguyệt ma.
Đặng Dung
2.3- Chú các từ mang tính lịch sử:
1. Thế sự du du (1), khắp đất nước nơi đâu cũng hoang mang vì bị giặc Tàu mượn cớ họ Hồ cướp ngôi của nhà Trần, họ mang binh sang xâm lăng và tàn phá và thiết lập chế độ đô hộ nước ta, toàn dân tộc ta chưa có giải pháp nào khả dĩ để đánh đuổi quân xâm lược.
2. nại lão hà (2), già rồi làm sao chừ, bối rối sâu.
3. hàm ca (3), là khúc ca vui khi đấng trượng phu mượn rượu để nói lên chí khí mình;
tỉ như Lý Bạch đã từng như thế trong bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”; hay như Nguyễn Phi Khanh trong bài các bài minh, bài phú, sđd (2).
4. đồ điếu (4) đồ là người đồ tể, chỉ Phàn Khoái, chiến hữu của Hán Lưu Bang; điếu là người đi câu, chỉ Hàn Tín, đại tướng của Lưu Bang. Cả hai giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán (dưới mắt Đặng Dung cả hai đều là bọn bần tiện, đồ tiểu tốt)
5. Vận khứ (5) chỉ thời vận nhà Trần đã qua, sự việc Giản định đế đã u mê giết tướng Đặng Tất, cha Đặng Dung, khiến cho sức chiến đấu của lực lượng khởi nghĩa suy yếu.
6. Trí chúa (6) ý nói lòng quyết tâm tiếp tục phò tiên triều (Trần). Gác qua mối thù giết cha, Đặng Dung đã lập Trần Quý Khoách lên làm vua, tôn Giản Định đế lên làm thái Thượng hoàng, lo đánh đuổi giặc Tàu xâm lược là nhiệm vụ trước mắt.
7. Tẩy binh (7), Ý nói đất nước thanh bình không còn cảnh binh lửa, sau khi thắng trận trở về, các tướng cầm quân tìm đến bãi sông rộng để binh sĩ được tắm mát nghỉ ngơi.
Điển từ “Tẩy Binh” lấy trong bài Tẩy Binh Mã (Tẩy rửa binh mã) của Đỗ Phủ:
An đắc tráng sĩ vãn thiên hà;
Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng.
Tạm dịch nghĩa:
Yên được tráng sĩ kéo ngược sông Ngân hà
Tẩy sạch giáp binh dài lâu không dùng đến nữa.
8. đầu tiên bạch (9), nhắc tích Ngũ Tử Tư, một nhân vật thời Đông Châu, trong một đêm chờ qua lọt cửa thành mà đầu bạc trắng, khi lòng mang nặng mối thù nhà.
9. Long Tuyền (9) thanh Tể tướng kiếm, đây là thanh dương, một trong bốn kiếm báu trong kho tàng điển tích Tàu.
(Xin xem chi tiết các chú thích từ, điển ở phần hai)
2.4- Tạm dịch nghĩa
Nỗi niềm hoài bão.
Thế sự mang mang lại (+) tuổi già
Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca
Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận
Hết lòng vì chúa có hoài bảo xoay trục đất
Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà
Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước
Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền.
2.5- Điểm qua đôi nét tài hoa của người xưa
01- về âm vận, Đặng Dung đã dùng âm “a” là một âm vang, âm vui khi sáng tác bài này.
Ông đã dùng rất nhiều điển tích và điển từ của người xưa từ Đỗ Phủ (tẩy binh) đến các bài minh, bài phú của tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh (hàm ca).
02- về nội hàm câu 2 -“Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” đã mang một nội hàm như sau:
Vô cùng thiên địa, lấy ý tưởng trong Luận ngữ của Khổng tử, “Thiên hạ ngôn tai!, tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai!”, nghĩa là: “Trời có nói đâu!, bốn mùa vận hành, trăm vật nẩy nở, trời có nói đâu!” sđd (2); các thi nhân Tàu đời Đường mượn nó để diễn đạt cho từ ước lệ “du du” trong thi ca của họ.
+nhập hàm ca, vậy thì ta (Đặng Dung) hãy nói lên cái chí hướng của mình bằng khúc “hàm ca”, như ngài Nguyễn Phi Khanh ngày ấy: “Kiền khôn chi quang tể nan thường, hào kiệt chi kinh luân hữu hội, an đắc tố tử thanh, sung bích hư, tông du u tạo hóa chi sở ngoại da!” tạm dịch: Trời đất quang tạnh không thường, hào kiệt làm việc kinh luân có hội, ta mong muốn làm sao được lên khoảng trời tía trong vắt kia, muốn được xông vào cõi biếc thẳm không hư để theo chơi nơi hội ngộ cùng Tạo hóa!”. Sđd (2).
Câu “Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” laiquangnam xin tạm dịch thoát ý thơ là “hãy hòa nhập cùng trời đất huyền ảo để thỏa cái chí của mình”; vì lẽ đó, điều hay nhất là bạn hãy cố gắng nhớ thuộc lòng câu thơ nguyên tác vô cùng kỳ ảo, thay vì vừa ngâm vừa gõ vào miệng ly rượu mà hát nghêu ngao “vô cùng trời đất gõ bầu mà ca”, quả thật khó có câu thơ thất ngôn bát cú nào xưa nay chuyển tải hết được lời của người xưa trong bảy chữ như thế !
03- Phù địa trục trong câu 5, “Trí chúa hữu hoài phù địa trục”, xin tạm dich nghĩa “hết lòng với chúa có hoài bảo nâng trục trái đất“ (riêng Phù địa trục, là xoay đổi trục quay trái đất, là xoay thời vận, làm thay đổi mệnh trời); trí tưởng tượng của người xưa thật phong phú. Ông bà ta “Cóc nghiến răng trời phải sợ” nữa mà! Trong bài Hạo ca hành, của Bạch Cư Dị có nhắc về thời vận, ông nói muốn cho tâm mình được thập phần an lạc thì hãy chớ nên cãi mệnh trời:
功名富貴須待命,
Công danh phú quý tu đãi mệnh,
命若不來知奈何。
Mệnh nhược bất lai tri nại hà?
Vinh hoa chờ mệnh vuông tròn
Mệnh mà chưa đến chớ hòng hơn thua! Sđd (6)
Rõ ràng phong cách Việt được người tráng sĩ Đặng Dung thể hiện xoay mệnh trời cũng đủ nói lên cái khí phách của tiền nhân ta hơn hẳn người Tàu, triết lý ba Tàu dạy họ luôn chịu cúi mình theo mệnh trời mà Bạch cư Dị (浩歌行) là một điển hình. Hãy hết sức mình, hãy cố mà xoay trục đất lỡ thất bại thì hòa mình cùng trời đất mà vui “Vô cùng trời đất hát hàm ca” của Đặng Dung là vậy.
03- Mỗi câu hàm chứa một giai đoạn lịch sử có thật xảy ra trên đất nước ta thời ấy. Điển từ và điển tích được ông chọn rất kỹ (Ngũ Tử Tư, kiếm Long Tuyền) (xin xem phần II, đọc thêm).
04- Ông đã đánh giá lại hai nhân vật Phàn Khoái (đồ), Hàn Tín (điếu), ông xếp họ vô loại tiểu tốt, cụ Phan Kế Bính còn dùng từ nặng hơn, họ là bọn bần tiện, đó là một lối đánh giá khác hẳn với cách đánh giá khác với giới sĩ phu Tàu, trong đó thi nhân Đặng Dung cũng cho Trương Phụ người đã thắng ông, và cả đất nước của Trương Phụ cũng là xứ sở bần tiện cực kỳ. Vậy anh hùng là ai? xin thưa, đó là vua tôi ông và các tướng chiến hữu của ông (xin xem phần II, đọc thêm).
04- Sự dũng mãnh của người tráng sĩ đâu phải chỉ biết cầm gươm xông pha trận mạc, mà còn ý chí, mà còn lối suy tư đứng đắn của một người tể tướng, như các câu 5 và 6.
05- Lời nhắn gởi kinh nghiệm của người lãnh đạo cuộc kháng chiến, một đời mài thanh tể tướng kiếm Long Tuyền bảo vệ tổ quốc, truyền khí thế, như là di ngôn nhắc nở cho muôn đời sau với kẻ thù phương Bắc. (Xin xem phần II, đọc thêm), các câu 7 và 8.
2.6- Dich thơ quốc âm
Cảm hoài
(Đặng Dung)
Thế sự mang mang lại tuổi già!
Vô cùng trời đất gõ bầu ca 10
Gặp thời tiểu tốt lên sao dễ 11,
Lỡ vận anh hùng nhận thế ta! 12
Phò chúa một lòng xoay trục đất,
Rửa binh không lối kéo ngân hà!
Quốc thù canh cánh đầu tiên bạc!
Gối nguyệt… mài gươm… mấy độ qua!
(Lại Quảng Nam)
Chú riêng: gõ bầu ca 10 là cách thể hiện “hát hàm ca” ngày nay khi chúng ta đã quá quen thuộc bài Hồ trường, vô cùng, 11 lên sao dễ, 12 nhận thế ta là các cụm thành ngữ đa ngữ nghĩa.
2.7- Bản dịch của một thời làm học sinh trung học:
Cụ Phan kế Bính dịch:
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Cụ Trần Trọng Kim trích đưa bản dịch vào sách Việt Nam sử lược của Cụ, nhờ vậy đã được rất nhiều người thuộc do đọc lịch sử. Ngày nay bạn có thể vào google mà tìm sẽ gặp nhiều các bản dịch khác.
III- Lời cuối, đề nghị của người viết.
Tác giả đề nghị bạn nên học thuộc bản văn nguyên tác, bởi khó có một bản dịch nào lột được tất cả ý người xưa, các chữ “hàm ca, đồ điếu, tẩy binh, đầu tiên bạch, long tuyền…”, do hiệu ứng quả cầu tuyết trong ngôn ngữ, chúng đã mang trong mình một sức truyền cảm và gây nên một cảm thú riêng cho khách thơ.
Tại sao đối với một bộ phận chúng ta khó học thuộc nguyên tác nhất là những khách thơ không phải là dân văn chương nhà nòi; có lẽ do vì, có thể có những từ Hán mà chúng ta ngày nay không sao hiểu chính xác được nghĩa vì quá ư xa lạ, hoặc có thể khiến ta hiểu lầm nghĩa gốc khi chúng ở dạng ký tự vuông. Nhằm hỗ trợ các bạn, laiquangnam xin cập nhật phần chú dưới đây:
01- những từ Hán đã được Việt hóa gần hoàn toàn
Thế sự, vô cùng, thiên địa, hận, đa, quốc thù, đầu tiên, bạch, địa trục, vị báo thì các bạn đã rõ.
02- và những từ Hán còn đang chờ thuần hóa,
du du là mang mang; dị là dễ, như giản dị; ẩm là uống, ẩm hận là nuốt hận; trí là làm hết bổn phận, ví dụ trí lực là hết sức; hữu hoài là có hoài bão; phù là nâng; tẩy binh là rửa binh giáp; vãn là kéo lại, xoay lại; vị là vì; kỷ độ, đã bao thời qua, kỷ là bao nhiêu, độ là đã qua, kỷ độ là bao nhiêu lần qua…; đái là đội; ma là mài, như chữ ma sát trong vật lý học.
Chỉ cần bấy nhiêu các bạn có thể học thuộc nguyên tác được rồi đó. Đọc để nhớ tiền nhân, đọc để cất đi mặc cảm là chỉ có thơ Đường là nhất, quả là quá sức sai lầm do sự “nổ” của những người biết năm ba chữ Tàu! Hãy đọc đi! dòng thơ chữ Hán của tiền nhân ta còn nhiều lắm.
Xin mời bạn đọc lại một lần nũa, hy vọng lần này thấm hơn, thú vị hơn
Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
Đặng Dung
Tham khảo
01- Trần trọng Kim, Lịch sử Việt Nam, nxb THTPHCM, 2005, chương XII nhà Hậu Trần, và các chương khác về sự bạo tàn của Tàu đối với dân Việt trong suốt 1000 Bắc thuộc. Đặc biệt cụ TTK chỉ dùng trước sau một từ Tàu, để chỉ Trung Cộng ngày nay.
02- Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập V, (Tư tưởng Việt Nam thời Hồ, 1380-1407) nxb TPHCM, 1998.
03- Nguyến Hưng Quốc, Nghĩ về thơ, Văn nghệ, California, USA, 1989
04- Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, Văn hóa thông tin, 2001
05- trong quá trình viết bài này laiquangnam có xử dụng một số tư liệu khác trên mạng internet, Vvi-wikipedia.com và đã đọc chừng trên dưới hơn 2000 bài thơ Đường để viết lời Xác quyết trên.
06- Laiquangnam, Đường thi nửa chặng, laiquangnam chọn và dịch các bài thơ Đường hay nhất, chưa xuất bản.
Phần II – Thế sự du du …
Theo truyền thuyết dân gian của dân tộc ta, tương truyền rằng cái chết của người anh hùng tráng sĩ Đặng Dung đã làm động lòng trời đất. Ông được Trời rước về phong thần cai quản cung trăng. Rõ ràng bên mõm đá trên chiếc đĩa vàng vằng vặc treo giữa trời lộng gió kia, có muôn ngàn ngôi sao lóe sáng vây quanh kia, có một người tráng sĩ nước Đại Việt đang ngồi mài gươm, không sao lầm được trong ý đôi mắt người Việt rải ra khắp thế gian hiện nay. Cạnh họ, Ai đó ngâm khẽ:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
(Đặng Dung)
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan kế Bính dịch)
hay
Quốc thù canh cánh đầu tiên bạc!
Gối nguyệt… mài gươm… mấy độ qua!
(Lại Quảng Nam)
…, thế sự du du…, thời lai, đồ điếu…., vận khứ anh hùng, xoay trục đất, kéo ngân hà, mài kiếm long tuyền …bao kỷ độ? Và: thù nước chưa xong…đầu đã bạc trước…ngàn năm mài kiếm dưới ánh trăng mờ… .
Ngôn từ trong bài ca với âm “A” vui và phấn khích sao mà sao vẫn làm lòng người Việt ray rức rối bời vì vận nước. Họ nhận ra ngay người đồng hương mình. Đi xa gặp đồng hương đã vui, gặp người có cùng nỗi niềm tâm trạng thì có gì hạnh phúc cho họ hơn. Tuyệt tác là vậy. Cầu nối vô tận hiện nay của bài Cảm Hoài, nguyên tác của thi nhân tráng sĩ Đặng Dung khiến cho cộng đồng Việt chúng ta xít lại gần nhau hơn để cùng sưởi ấm cho nhau phát xuất từ tấm lòng của người anh hùng vị quốc vong thân.
Xưa nay đối với Người Việt, trăng là chứng nhân, trăng là người bạn tâm tình nhất là lúc nửa đêm thức giấc. Đối với lớp người xưa, đôi khi họ ngâm đôi câu thơ Lý Bạch:
舉頭望明月, Cử đầu vọng minh nguyệt
低頭思故鄉, Đê đầu tư cố hương
(Tĩnh dạ tư)
Ngẩng đầu trăng vãi trắng trời,
Cúi đầu đối bóng bồi hồi nghĩ (xót, nhớ) quê!
Một khi trăng còn treo trên trời, ngàn sao sáng còn vây quanh lấy nó, ngày đó con dân nước Việt cho dù họ cách xa ngàn dặm cũng cùng một nỗi niềm như nhau. Họ ngước nhìn lên giữa đĩa vàng sáng rực, họ luôn thấy người anh hùng tráng sĩ kính yêu Đặng Dung của mình vẫn còn đang ngồi đó mà mê mãi mài thanh gươm báu:
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan kế Bính dịch)
“Người nay không thấy thời xa xưa của trăng, nhưng Trăng ngày nay từng chiếu tỏ rạng người thời xưa” (ý thơ LB). Và dấu ấn Người xưa đã được trăng vàng khắc ghi rõ mồn một trên bề mặt mình. ”Người nay không thấy trăng xưa, Người xưa gươm sắc đang mài trăng nay”.
Là người Việt hiện nay cho dù bạn đang ở bất cứ nơi nào đó trên trái đất này, tuổi đời tuy có khác nhau, sức học có khác nhau, giới tính tuy có khác nhau, điều kiện sống tuy có khác nhau, thẩy đều đôi lần mượn một trong bốn cặp câu của bài “Cảm hoài” để tự ru mình trong niềm trăn trở, nghĩ về quê hương đất nước. Bởi thế, vào những đêm trăng tròn tại quê người, bạn thấy ai đó đang thơ thẩn, bước đi chầm chậm, ngước nhìn trời, rồi cúi đầu xuống đất như hoài niệm một lời trăn trở của ai đó, bạn hiền không cần nghe tiếng nói của họ, 100 phần 100 người ấy hẳn là một người Việt tha hương.
Cảm hoài của Đặng Dung là bài đệ nhất thi trong dòng thất ngôn bát cú luật thi. Trác tuyệt là ở đó.
Nhớ xưa,
Thế sự du du nại lão hà…
Khi Giản Định Đế vì một phút u mê mà giết người anh hùng Đặng Tất (cha của tráng sĩ Đặng Dung) và danh tướng Nguyễn Cảnh Chân (cha của người anh hùng Nguyễn Cảnh Dị). Đặng Dung giận điên lên, ông muốn ăn tươi nuốt sống ngay lập tức vì vua này. Vậy mà ông cố dằn và tự nhủ, mình không thể giết Giản Định Đế, nóng vì thù nhà mà đan tâm làm hỏng đại cục! Nếu giết thì cuộc kháng chiến lâm vào vòng bế tắc, lòng người thêm hoang mang ly tán, chấp nhận Giản Định Đế là hoàng thượng của mình thì lòng đau như cắt khi nhìn kẻ đã giết cha ta! Nay mình là thuộc hạ. Một tiếng thở dài. Thế sự du du… Cuối cùng ông tự quyết định lấy một cách hết sức khó khan. Bước một ông sai tướng Trần Súy bắt Giản Định Đế từ Nghệ An mang về Thanh Hóa và lập Trần Quí Khoách lên ngôi, hiệu là Trùng Quang Đế. Bước hai: Đặt Giản định Đế lên làm thái thượng hoàng, để mình còn tránh mặt mỗi lúc nhớ cha già. Đặng Dung lúc này được phong làm Tư mã, ông cùng Nguyễn Cảnh Dị con của tướng Nguyễn Cảnh Chân ngày đêm lo việc phục quốc đánh trả quân thù. Nguyễn Cảnh Dị, Trần Súy, Đặng Dung, Trần Quý Khoách (tức Trùng Quang Đế) có nhân cách cao đẹp, họ đã làm hết sức mình những gì mà họ có thể làm được cho dù vượt quá khả năng họ, đã đề cập ở phần một.
Trong suốt hai chục năm xâm lăng Đại Việt, Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc và Minh Tuyên Tông xem như cơ hội ngàn vàng bởi hơn 500 năm qua, Đại Việt hoàn toàn độc lập tách ra một lập một cõi trời riêng. “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, Minh thành Tổ Vĩnh Lạc đã tập trung cao độ mọi cố gắng chiến tranh xâm lược sau khi đuổi được Quân Nguyên Mông tại chính đất nước họ. Phương Bắc hành xử như một con sói. Khi bị cắn, bị thương tật thì nằm yên, sau khi lành lặn lại giương mắt sói trong đêm tìm đến Phương Nam săn mồi. Cơ hội đến, Phương Nam có loạn, tóm được cha con họ Hồ giải về Kim Lăng ngay lập tức, Vua Minh nói với Hồ ”Trung Quốc như thế sao không phục mà dám xấc xược chống cự!”.
Năm 1406, trong lần xuất binh thứ hai, họ đã huy động 80 vạn quân dân binh các loại, quyết tâm làm cỏ nước ta và xóa sạch đất nước này trên bản đồ thế giới. Tàu không bao giờ muốn Đại Việt như cục xương luôn chận cổ họng mình khiến họ không sao tìm đường trực tiếp xuống Phương Nam được. Họ lập tức lập kế hoạch hủy diệt quốc gia Đại Việt thật sạch, phá thật nát. Với kế hoạch chu đáo vô cùng độc ác, họ quyết tâm biến nước ta thành quận huyện của Tàu, mà tiền nhân họ, đời Hán, đời Đường vẫn chưa sao làm trọn gói được.
Minh Thành Tổ chỉ đạo cho Trương Phụ và chư tướng bằng văn bản hành động cụ thể, lệnh truyền rằng: ”chỉ trừ những bản kinh sách về Thích, Đạo không hủy, còn tất cả những bản in sách, giấy tờ cho đến các bài trẻ con học như: ”Thương đại nhân, Khâu ất kỷ “thì nhất thiết một mảnh giấy, một chữ cũng phải hủy đi cho kỳ hết”. Đốt sạch hủy sạch, họ làm triệt để hơn những gì mà 1000 năm trước Mã Viện đời Hán đã làm với nước ta. Lệnh truyền rằng, “Chỉ những bia nào do Ta (tức Tàu) dựng lên từ ngày trước thì để lại, còn những bia nào do An Nam lập ra thì phải hủy cho kỳ hết, một chữ cũng không được để sót”.
Đến tháng 6 năm 1407 nhà Minh nhắc lại một lần nữa, đến tháng 8 năm 1418 thì họ gom cú chót chở về Tàu. Binh thư Lý Trần mất sạch”, không những thế mà họ còn mang 200 * sư sãi về Đại Minh học lại tiếng Hán cho thuần với (sđd (9, TVG) chính quốc trong đầu Y (vua Minh) chỉ có bọn thầy Chùa mới này mới đủ nội lực đẩy lùi dòng thiền Phật giáo nhập thế Lý Trần trên đất nước Đại Việt xưa. Âm Hán Đường mà người nước ta tạm dùng đã quen tưởng như của riêng mình với cách hành văn phảng phất tiếng nôm trong văn thư, văn học nay nhà Minh muốn nó phải được đọc lại theo âm Yên kinh (Bắc kinh) ngày nay. Bởi họ không hiểu người Đại Việt nói gì khi phát âm đó với cùng một ký tự. Luyện tay sai phải luyện phát âm cho giống mẫu quốc. Họ đem về Yên Kinh đào tạo và tái đào tạo lại bọn Sĩ (士), bọn đội Hán mới, nhóm này men theo đường khoa bảng xuất hiện 70 năm sau tại Đại Việt (cuối đời Lê Thánh Tông, và dẫn đến cuôc chiến tranh Nam Bắc dài dằng dặc trong lịch sử Đại Việt) sau này.
Kinh sợ thay cho một bàn tay của xếp đặt của nhà vua Tàu, Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc. Than ôi, văn hóa Đại Việt “cắc ca cắc củm” trong gần 500 năm, do một phút ngu muội của vua Trần Nghệ Tông, dại dột nuôi ong tay áo, bị thằng giặc Hồ Quý Ly dụ dâng cô cho đứa con gái rặc Tàu của hắn mà nhà vua mê mệt và mê muội để dẫn đường cho cha vợ mình cướp ngôi tiên đế.
Văn hóa Đại Việt bị tiêu hủy sạch!
… thế sự du du… vì quân lực, vũ khí đâu còn! Thôi thì hãy nhắc cho nhau nghe lời hịch tướng sĩ năm xưa của Hưng Đạo Đại Vương với các dòng sau mà ông còn nhớ trong ký ức:
“Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; Có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm…
… Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; Mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; Vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; Chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; Giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai…“
“Nay các ngươi Ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức…”
Nhờ vào hào khí năm xưa vẫn còn đọng lại đâu đó trong lòng người Đại Việt, nay có dịp sống dậy. Họ nhận ra ngay lỗi của mình và xông ra vác súng gươm xung trận.
Bên ta, ai là người xông pha ra trận chống kẻ thù đều được gọi là anh hùng, là Kẻ Sĩ. Ngay từ lớp đệ thất, đệ lục thời VNCH, tức lớp 6, 7 bây giờ, thế hệ tôi cũng được học qua câu trong Bích câu kỳ ngộ hai câu: ”Anh hùng mấy mặt xưa nay ,Trăm năm nát với cỏ cây cũng là”. Người nào đã từng nghe, từng tắm gội thấm nhuần tính cách người xưa, phục cái khí khái của người xưa thì lòng yêu nước sẽ ăn sâu vào trong tim họ, đó là là chuyện thường tình. Xã hội nào sản sinh con người ấy. Danh sĩ Lý Tử Tấn đời Hồng Đức đã khen: “phi hào kiệt chi sĩ bất năng“, sau Dương Văn An trong sách “Ô châu cận lục” cũng khen tiếp, hai cha con họ Đặng: ”Đương lúc vận nhà Trần sắp hết mà hai người đều tận tâm, tận lực đánh giặc cứu quốc, nâng vận nước khi sắp hết, chống nhà lớn lúc đã xiêu….”. Những con người như Nguyễn Cảnh Dị, Trần Súy, Đặng Dung, Trùng Quang Đế; họ xứng đáng được gọi là anh hùng, là kẽ sĩ “Chớ đem thành bại luận anh hùng” [Đào Duy Từ], và bạn hiền vốn là người yêu lịch sử chắc nhớ câu thơ gần đây nhất của anh hùng Nam Bộ Nguyễn Hữu Huân ngâm vào lúc bi giặc Pháp hành hình
Anh hùng mặc bả doanh du luận
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu
Anh hùng có sá chi thua được
Tiết nghĩa nào phai với đất trời!
(Nguyễn duy Nhường dịch)
Hơn nhau là khí phách. Thất bại này không sao, nó sẽ nhóm lửa một mồi cho ngọn lửa sẽ bùng cháy dữ dội vào ngày mai. Gian khổ phải qua tôi luyện. Nhờ vậy mà Bình Định Vương Lê Lợi đã thành công sau đó; nhưng nước ta cũng đã tan hoang rồi!.
Văn hóa Đại Việt đã bị nhiễm độc do Minh triều cấy vào từ chính sách đào tạo bọn tay sai của họ, chính sách đào tạo Sĩ (士), quan Bờm. Chùa chiền thì nay đã thay da đổi thịt, đã có một lớp tu sĩ Tàu mang giáo lý sặc mùi Đạo giáo vào Phật giáo do Minh Vĩnh Lạc cấy vào. Dấu ấn này nay còn ghi dấu trong lá bài có tên là Thầy, cửu Thầy hay Thầy Chùa trong Bộ bài Chòi (hay bài tới Quảng Nam). Cửu Thầy là anh có học gian ác bậc thứ 9, còn cao hơn cả anh đại tham quan bậc tám là Bát Bồng, viên quan Bờm gom đến cả bộ lư hương của dân chúng về nhà mình cho bằng được mới thôi. Và anh cửu Thầy hay Thầy Chùa thì đầu đã mọc sừng, mặt che quạt mo.
Sức học chữ hán của mấy anh là sức học của một tá điền cảm nhận.
Nhớ xưa
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Đó là hai câu thơ trong căp (3, 4) của bài Cảm Hoài. Là hai câu đúc kết trong phần luận anh hùng của người thi nhân tráng sĩ Đặng Dung. Là người con dân nước Đại Việt, là tráng sĩ, là thi nhân mang tâm hồn Việt, ông đã được thủ đắc một nền văn hóa thời Trần, thời sinh sản ra Đức Thánh Trần, Hưng Đạo Đại Vương lừng lẫy trong binh sử không những của Đại Việt mà còn trong binh sử thế giới nữa. Đặng Dung giữ chức Tư Mã, tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống Minh. Ông là con nhà nòi, dòng họ ông là dòng họ “ăn học” và khoa bảng. Muốn con mình trở thành tướng tài, người cha yêu của Đặng Dung dạy ông bổn phận trách nhiệm và tư cách của một người làm tướng nước Đại Việt, đã từng ngồi dạy ông từng trang sử, từng trang trong Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại Vương” rồi nay ông giở ra học tập, nghiền ngẫm;
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối,
Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa;
Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù;
Dẫu cho
Trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ,
Nghìn thây ta bọc trong da ngựa,
Cũng nguyện xin làm!
“Hịch tướng sĩ”.
Hưng Đạo Đại Vương là vị thánh sống của dân tộc Đại Việt. Đọc dòng cổ sử sau đây có thể bạn hiền không sao cầm được nước mắt. Một danh tướng phải luôn có một nhân cách lớn, giỏi cả văn lẫn võ, biết thương yêu và tiếc thương xương máu đồng bào mình. Quên thân vì đại cuộc. Cho dù Ngài là được đồng bào mình nhất mực tôn thờ, kính thương gọi là Quốc Phụ, vậy mà Ngài khi nhắm mắt lại có một lời dặn cực kỳ đơn giản với người con rễ là danh tướng Phạm Ngũ Lão mà ngài rất mực thương yêu, truyện kể rằng, Ngài cầm tay vị tướng họ Phạm này vào lúc lâm chung:
“Đời làm tướng của ta, trước đây khi ta đang còn chỉ huy binh sĩ, vì việc chung, vì nghiêm lệnh, mà ta đã nhiều lần dấu đi dòng nước mắt để án tử được thi hành **, gia đình họ có người vì không hiểu lòng ta nên đã để bụng căm thù. Vậy, khi ta đã mất đi, các con hãy giữ lời nguyện này mà thiêu ta và mang tro bụi nhục thể ta mà rải trên khắp non sông cẩm tú này. Các con hãy rải các nơi ta đi từng đi qua. Rải nơi ta đã từng chiến đấu bên đồng đội ta. Rải nơi ta đã từng cùng buồn, cùng vui khi ta ngồi cùng với hàng thuộc tướng, hàng binh sĩ dưới bóng cây nhân lúc nghĩ trưa. Rải nơi ta đã cùng đói cùng no với họ, cùng chia nhau củ khoai, bát nước khi bị giặc vây hãm hay trên đường rút lui để bảo toàn lực lượng. Hãy mang rải nơi các anh hùng vô danh vị nước vong thân mà cho đến bây giờ ta chưa kịp thắp nén nhang tưởng niệm trên từng nắm mồ của họ. Xin hãy để cho ta được yên nghĩ muôn đời nằm bên họ. Rằng cuối đời, họ nào có khác gì ta. Ta họ luôn có nhau”.
Phạm Ngũ Lão làm thinh, cúi đầu nghe lời di huấn. Tướng quân họ Phạm cố nuốt nước mắt vào trong, cố gắng hết sức mà cũng chỉ là gật gật cái đầu ngầm tỏ ý vâng lời. Ngài mĩm cười mãn nguyện, sờ tay người rể yêu lần cuối cùng rồi lặng rẽ ra đi. Cái chết của một đại danh tướng, một đại văn nhân, một vị thánh sống có thật của dân tộc ta là như thế, nó cũng đã khác người đời thường.
Hưng Đạo Đại Vương, đức Ngài không có lăng, ngày nay Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đều nhận Đức Thánh Trần là người con ưu tú của quê hương mình. Nay người Việt muốn tìm đến lăng Ngài để trầm ngâm suy nghĩ lời khôn dại thì biết tìm ở đâu? Thì nó ở trong mỗi trái tim người Việt trên khắp thế gian này. Bạn thử đưa bàn tay phải lên ngực trái của mình, bạn sẽ gặp Ngài. Ngay tại Saigon, trên đường Võ thị Sáu, Q.I, ngày nay, tức đường Hiền Vương ngày xưa, lăng Ngài ngày đêm vẫn luôn ấm áp vì hương khói do các người con Ngài thuộc hội Bắc Việt tương tế thay phiên nhau chăm sóc. Ngài sống vĩnh hằng trong lòng dân tộc Việt.
Chính vì những giòng sử vàng như thế khiến Đặng Dung đánh giá rất thấp bọn họ, bọn Phàn Khoái và Hàn Tín. Dưới mắt ông và tiền nhân chúng ta sau này, bọn họ không có cửa để gọi họ là anh hùng. Họ chỉ là bọn “đồ điếu”, là bọn bần tiện. Bạn hiền hãy tìm nghe âm ”đồ điếu” của do người đất Bắc đọc bạn sẽ thấy rất đổi thâm trầm. Họ là những “Thằng Mặt Lì”!
Thân ái.
Quê người ngày giỗ Ngoại
Lại Quảng Nam.
01-11-2018
* * *
Vài bài dịch thơ quốc âm và chú thích
* Theo nguyên tắc của văn học sử thì bài thơ trên bắt buộc phải gọi là CẢM HOÀI tên thương hiệu của nó, một danh tác mang dấu ấn Đặng Dung. Tên Cảm Hoài đã được Lý Tử Tấn đời vua Lê Thánh Tông chép lại và công bố trước tiên. Mấy trăm năm sau trong Toàn Việt Thi Lục của Lê Quí Đôn (1726 – 1784) thì nhà bác học này mới chép lại và ghi lại là “Thuật hoài”.
Xin hãy dành tên “THUẬT HOÀI” để tưởng nhớ về một danh tác tác khác của người anh hùng Phạm Ngũ Lão. Một trong các chiến công của Phạm tướng quân là cuộc vây bắt tên Việt gian do một người phụ nữ Việt xấu số chẳng may vơ phải một anh Tàu lái buôn vùng Quảng Ninh, người Quảng Đông sinh ra nó, nó tên là PHẠM NHAN.
Phiên âm
Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
(Đặng Dung).
01
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan kế Bính dịch)
02 Cảm hoài
(Đặng Dung)
Thế sự mang mang lại tuổi già!
Vô cùng trời đất gõ bầu ca
Gặp thời tiểu tốt lên sao dễ,
Lỡ vận anh hùng nhận thế ta!.
Phò chúa một lòng xoay trục đất,
Rửa binh không lối kéo ngân hà!
Quốc thù canh cánh đầu tiên bạc!
Gối nguyệt… mài gươm… mấy độ qua!
(Laiquangnam dịch)
** Ý nói Ngài hồi tưởng lại kỷ niệm xưa.
Câu chuyện về con voi trận sa lầy tại giòng sông Hóa giang thuôc tỉnh Thái Bình.
Trong một lần xuất quân trong cuôc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II, lúc vượt giòng sông HÓA, binh sĩ phải đưa con voi trận của Ngài xuống thuyền vượt sông. Chẳng may khi bước xuống thuyền, thuyền nghiêng, voi bị trựợt chân và bị sa lầy. Lại gặp lúc triều lên biết không cứu voi trận được ngài ra lệnh bỏ lại. Nhìn voi lần cuối, Ngài mà rơi nước mắt. Ngày ấy dân còn mê tín, ai đó trong hàng binh sĩ xì xào ”mới xuất quân mà gặp xui chắc là mình sẽ…”. Binh sĩ có phần hoang mang. Ngài buộc lòng phải ra lệnh chém nếu ai còn bàn bạc chuyện không may này. Lúc từ biệt voi, ngài cầm gươm chỉ xuống giòng sông Hóa mà thề rằng: “Nếu không thắng được trận này thì ta thề không thể bao giờ quay lại khúc sông này”. Binh sĩ biết đó là lời thề tử chiến cùng kẻ thù của một đại vương danh tướng nên họ dốc hết sức và quân ta đã thắng trận; tất cả Họ đều đã quay về. Ngài ra lệnh làm một con voi đá tại bến sông này để tưởng nhớ con vật thân yêu.
*** Phùng nhập kinh sứ của Sầm Than là một bài thơ tứ tuyệt có nội dung tạm tóm tắt như sau: ”…Mắt luôn ngóng nhìn về nơi phía xa mờ kia, ở đó có vườn nhà ta mờ ảo nằm dưới bóng mây. Lòng thương nhớ quê hương, nước mắt thấm đầm hai ống tay áo. Sáng nay ta vào kinh nhận nhiệm sở mới, gặp bạn đồng khoa nói mình sẽ nhậm chức tại quê nhà. Mừng quá nhưng trên lưng ngựa làm gì có giấy bút. Thôi thì …và hai câu cuối là
“Nay gặp bạn, ta lại không giấy bút,
Nhắn miệng dùm ta trời bên nớ ta vui”.
theo ý thơ Sầm Tham http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_samtham_phungnhapkinhsu.htm
Tham khảo:
1- Sử gia TTK, năm 1919, ghi là Trần Quí Khoách. Sử gia Hà Nội gọi là Trần Quí Khoáng.
2- Laiquangnam, Đường thi nửa chặng, bản thảo.laiquangnam chọn và dịch các bài thơ Đường hay nhất, chưa xuất bản
3- Trần Trọng San dịch, Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, tủ sách ĐHTH TPHCM, 1990
4- Ngô Nguyên Phi, Những nhân vật Hán Sở, nxb Lao Động 1994,
5- Sử ký Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, 2003, Chương Hoài Âm Hầu liệt truyện, trang 575, nxb Văn Học, 2003
6- Hịch tướng sĩ, của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, bản dịch của Ngô Tất Tố
7- Lý Tôn Ngô (1879-1944) người Thành Đô, ông viết Hậu Hắc Học, tính đến năm 1990 sách ông đã bán trên 30.0000 bản. Ông là giáo sư ĐH tại Tứ Xuyên, có tham gia cách mạng Tân Hợi (1911) Người dịch là Nguyễn Trinh Huy Sinh, nxb VHTT, 2000.
8- Hữu Tuấn Trang, sách hồn nước, nxb trẻ, 1998
9- Đại Việt Sử Ký toàn thư
10- Trần Văn Giàu chủ biên, Lịch sử Việt Nam, gồm 3 tập, NXB Trẻ, trang 187 tập 1
Tâm tình, ghi vội,
© Sau này trong lịch sử dân tộc ta Gia Long cũng hành xử y như thế. Hiền tài tan, quốc gia suy vong. Pháp vào Việt Nam như chỗ không người với một đội quân vô cùng ít người Pháp đã chiến thắng. Người Việt mất nết chạy theo ”bợ đít” làm Việt gian cho giặc. Điều này đậm nét hơn khi mà Gia Long cam tâm đặt nền đội Hán lên đầu vương triều mình.
11- Laiquangnam giới thiệu thi nhân tráng sĩ Đặng Dung.
Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn:
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn“.
Nguồn ”Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn cùng pho sách lịch sử” của sử gia Nguyễn Khắc Thuần.
* * *
Phần phụ lục của webmaster:
Nhân tiểu luận nầy, xin giới thiệu đến độc giả phần trích đoạn một bài viết liên quan đến bài “Cảm hoài” của Đặng Dung được một người Mỹ dịch sang Anh ngữ, đăng trên một tờ báo Mỹ. Bài viết có chủ đề về “dịch thuật, phê bình” nhưng có đề cập sơ qua đoạn dịch bài Cảm Hoài.
Trích:
2. Những trường-hợp dịch thuật đáng đề cập.
Trước tiên, trong cuốn “Spring Essence, The Poetry of Ho Xuan Huong” do nhà xuất-bản Copper Canyon ấn-hành, một người Mỹ dịch thơ của Hồ-Xuân-Hương. Trong bản dịch có câu:
-“Kind sir, if you love me, pierce me with your stick”, dịch giả chuyển ngữ câu: “Quân tử có thương thì đóng cọc”.
Ta có thể xem dịch giả chuyển ngữ như vậy bởi kiến-thức hạn hẹp về ý và lời. Tuy trong sách có lời giải-thích: “mít có thể chín sớm nhờ đóng cọc, theo kinh-nghiệm của người Việt” nhưng để diễn dịch ý quân tử có thương thì đóng “cái cọc của chàng vào” thì người Mỹ nầy hoàn-toàn không biết.
Còn câu:
“Rúc-rích thây cha con chuột nhắt
Vo-ve mặc mẹ cái ong bầu”
thì ông ta dịch:
“The little father mouse squeaking about, doesn’t care,
nor the mother honeybee buzzing along, fat with pollen”.
“Thây cha con chuột nhắt” mà lại dịch là “con chuột cha” với “mặc mẹ cái ong bầu” là “con ong mẹ” thì rõ-ràng người dịch chưa thật sự thấm nhuần Việt ngữ bao nhiêu, chưa hiểu “thây cha”, ”mặc mẹ”, một lối nói ví-von trong dân-gian Việt là gì.
Một trường-hợp khác. Trong tuần-báo U.S. News & World Report, số ra tháng 3-1998, trong mục Special Report viết về Thống Tướng William C. Westmoreland, Tổng Tham-Mưu Trưởng Quân đội Hoa-Kỳ. Tác-giả bài viết là Phillip Jones Griffiths đã dịch hai câu thơ của một người Việt khi lấy cuộc đời của cố tác-giả nầy để so-sánh sự-nghiệp của vị danh tướng của Hoa-Kỳ nói trên. Ông ta lấy hai câu:
“Thời lai đồ-điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”
trong bài Cảm hoài của Đặng-Dung, dịch ra Anh ngữ như sau:
“With luck even a fool wins gloriously
Without it a hero is helpless”.
Hai câu chuyển ngữ rõ-ràng chưa ổn, chưa đầy-đủ ý nghĩa mà tác-giả muốn nói, dịch giả chưa hiểu trọn vẹn cái ý của chữ “đồ-điếu”. Câu dịch còn không đưa độc giả Mỹ hiểu được cái hùng tráng của một người có tài, trung hiếu nhưng không có thời, chỉ nêu lên việc “gặp thời thì thành-công”, nêu lên sự khôn ngoan tầm thường, lấy việc rủi may trong sự thành bại ở đời để luận anh hùng.
Đồng ý rằng tác-giả thông hiểu Việt-ngữ, có thể do nghề-nghiệp, chẳng hạn là nhân-viên ngoại giao, nhân viên của CIA, là giáo-sư ngoại-ngữ ở các đại-học Mỹ hay là nhà xã-hội-học, nhà truyền giáo hoặc những lý-do khác... hoặc ông ta thích thơ Đặng-Dung nên đã lấy 2 câu thơ này để diễn-tả tình-cảnh của Tướng Westmoreland khi bị thất-sủng sau cuộc chiến Việt-Nam mà ông xem giống như tình-cảnh ông Đặng-Dung, nhưng ông đã mắc phải vài sai lầm đáng nói.
Trước hết, thời mà Đặng-Dung sống không phải ở thế-kỷ 18 như Griffiths nói mà là cuối thế-kỷ 14 đầu 15 khi ông nối chí cha là Đặng-Tất phò vị vua nhà Trần cuối cùng là Trần-Quí-Khoách. Ông ta gọi Đặng-Dung là “nhà ái-quốc”, theo Việt sử, Đặng-Dung là “trung-quân” (trong Việt-Nam Sử Lược (tr. 80), Trần Trọng Kim ghi là “trung liệt”). Lấy Đặng Dung đem so-sánh với Westmoreland là một danh-tướng của Hoa-Kỳ, hai trường-hợp hoàn toàn không giống nhau.
Đọc lại tiểu-sử của Tướng William C. Westmoreland, chúng ta biết ông ta không phải là phường “đồ điếu”. Óc chỉ-huy của Westmoreland có thể được cho là thiên-phú: khi mới 12 tuổi đã là một đội-trưởng hướng-đạo, 15 tuổi được đề cử đại-diện cho Hướng Đạo Hoa-Kỳ tham dự “Họp bạn Hướng-Đạo Thế-giới” tổ-chức tại Anh Quốc.
Vào quân ngũ, nhập học ở trường võ-bị danh tiếng West Point, được đề cử chức vụ Đại-đội Trưởng khóa sinh, tốt-nghiệp thủ-khoa, được lãnh thanh gươm danh-dự Persing, một vinh-dự lớn lao cho bất cứ quân nhân nào vì thanh gươm này chỉ trao mỗi khóa cho người đỗ thủ-khoa mà thôi. Lễ mãn khóa ông theo học cũng là kỷ-niệm lễ mãn khóa lần thứ 50 của trường nầy. Vinh hạnh hơn nữa là ông nhận thanh gươm do con người huyền-thoại lừng danh của quân-sử Mỹ là Thống Tướng John J. Persing, cựu Tư-Lệnh Lực-Lượng Hoa-Kỳ trong Thế chiến thứ nhất chính tay trao tặng.
Ra trường, sau một thời gian, ông được chỉ định làm giảng viên Trường Cao Đẳng Chiến-Tranh Lục quân ở Carlisle Barrack (Pennsylvania), Trường Cao đẳng Chỉ-huy và Tham-Mưu ở Fort Leavenworth và Trường Nhảy Dù tại Fort Benning (Georgia), Tư Lệnh Sư-Đoàn 101 Nhảy Dù, với nhiều quân-công, chiến-công tại các chiến-trường trong Thế chiến thứ hai, tham-dự các trận nổi tiếng ở Ý, Đức, Pháp, Bắc-Phi, Triều-Tiên,... danh-tiếng của ông lừng-lẫy, các cấp nể phục, lắm kẻ thèm thuồng. Westmoreland được Tổng Thống Eisenhower chọn như vị tư-lệnh tương-lai cho quân-lực Mỹ. Ngoài việc ông đã tốt-nghiệp các khóa học trong quân-đội Mỹ, luôn khóa cao-đẳng chiến-tranh, ông còn được gởi đi trường Đại-học danh-tiếng Havard để học quản-trị và điều-hành.
Tài-cán và tương-lai đang lên, thế nhưng vận may không đến với ông khi Westmoreland được Tổng-Thống Johnson chọn làm Tư-lệnh Cơ-quan Yểm-trợ Quân-đội Mỹ tại Việt-Nam (COMUSMACV, Commander, United States Military Assistance Command, Vietnam) qua lời giới-thiệu của vị Tướng nổi danh là Douglas McArthur để thay thế cho Tướng Paul D. Harkins trong thời Mc Namara làm Bộ trưởng Quốc-Phòng.
Chính trường Hoa Kỳ lúc đó do phe bồ-câu nắm quyền sinh-sát, đảng Dân Chủ đa số tại Quốc-hội Mỹ nên họ làm áp-lực lên chính-phủ và những kẻ hoạt-đầu chính-trị lợi-dụng những quyền tự-do pháp định để xúi giục những cuộc biểu tình phản chiến, đốt thẻ quân dịch, trốn lính (trong đó có ông Bill Clinton, John Kerry) v.v... Những hành-động do họ gây nên đã bó tay quân-đội Mỹ, đẩy kết-quả chiến-tranh từ mặt trận trở lại bàn giấy, làm uy-danh một đội quân hùng-mạnh bị đổ-vỡ, kéo theo vị chỉ-huy khét tiếng là tướng Westmoreland tiêu-tan danh-vọng.
Bài báo còn nói thêm vài vị tướng Mỹ khác như McArthur, Patton... cũng lâm vào mạt-vận bởi nhiều nguyên-nhân không do họ gây ra nhưng điều chắc-chắn là những vị tướng Mỹ này không phải là hạng “đồ điếu” như Phillip J. Griffiths gán-ghép. Trước những áp-lực từ nước Mỹ, Tướng Westmoreland bị triệu-hồi về nước, bị cách chức bằng một sự vinh-thăng một địa-vị hữu danh vô thực tại Hoa-Thịnh-Đốn.
Như thế, tác-giả bài báo trên U. S. News & World Report chưa “đủ trình-độ” để hiểu rõ chữ “đồ điếu”, chưa hiểu rõ lịch sử Việt-Nam, chưa cho độc giả Mỹ biết những con người tài-năng trung-hiếu như trường-hợp Đặng Dung là hạng người như thế nào. “Đồ điếu” là một tập hợp ngữ 2 chữ: “đồ” (là “đồ tể”, tên thiến heo, người Bắc gọi là “hoạn lợn”) và “điếu” (người câu cá). Đặng Dung lấy từ ngữ nầy để chỉ điển tích 2 nhân vật trong sử Tàu, 2 người có công giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán. “Đồ” chỉ Phàn Khoái, trước khi đầu quân dưới trướng Lưu Bang thì Phàn Khoái làm nghề mổ heo, bán thịt ngoài chợ. “Điếu” chỉ Hàn Tín, khi chưa gặp thời làm nghề câu cá độ nhật, sau giúp Lưu Bang diệt được quân Sở, lập nên nhà Hán. Ông Đặng Dung xem thường 2 công thần đã giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán nầy. Tóm lại, việc Phillip Jones Griffiths lấy 2 nhân vật Đặng Dung và Westmoreland so sánh qua câu thơ trên là điều sai lầm to lớn. Cả hai người không ai thuộc hạng “đồ điếu” như ông ta có ý gán ghép khi đề cập đến câu thơ trên trong bài viết của mình.
Nhân việc tờ U. S. News & World Report nói về tướng Westmoreland, ta thử so-sánh sơ qua vị tướng Mỹ nầy với tên tướng Việt-Cộng Võ-Nguyên-Giáp, cùng một hoàn-cảnh. Khi thất-thời, ông tướng họ Võ chỉ còn cái quyền chỉ-huy một tổ-chức được chính quyền Hà-Nội đặt tên “kế hoạch sinh đẻ”. Thời đó, có câu thơ truyền tụng trong dân gian:
“Ngày xưa Đại tướng cầm quân,
Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em”
để diễu-cợt, mỉa-mai cái “chức” của ông Tướng hết thời. Có người cho rằng có lẽ Hà Nội “trả thù” một cách cay độc với người đồng chí của họ vì ông ta đã “nướng” hàng mấy triệu thanh thiếu niên Việt-Nam trên các chiến-trường khi ông cầm quân qua “cái chức” trên nhưng điều nầy chắc không đúng.
Trong lịch-sử của Cộng-sản, đảng này đã giết người hay tạo ra những hoàn cảnh để con người phải chết làm sao kể xiết, với con số tính bằng đơn-vị triệu từ cái “lò” là Liên-bang Sô-Viết thì quả tim sắt của ông Tướng nầy đâu biết rung động. Họ đã từng tuyên-bố: thời-gian, con số thương vong đối với họ không quan trọng, miễn sao họ chiến thắng thì thôi. Người ta cho rằng Hà-Nội “bắt” ông chứng kiến việc sinh đẻ, nuôi nấng một mạng người khó khăn như thế nào dưới chế độ Cộng-sản bởi việc sinh đẻ dưới chế-độ Cộng-sản phải “có phép” của đảng. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu lời phẫn uất của nhân dân, chẳng hạn:
“Trời ơi! Hợp tác hợp te,
Ruộng đất lấy hết
Còn cái “khe” cũng bắt đặt vòng”
hay:
“Bọn Cộng nô vô cùng tàn ác
Chúng tự tung, tự tác hoành hành
Chị em phụ nữ hiền lành
Chúng “cùm” âm hộ để thành bệnh nhân”
hoặc là lời cay cú hơn:
-“Cô đi cùm lồn” (xin lỗi độc giả!) (*), câu trả lời của một phụ nữ đang trên đường đến nơi đặt vòng theo lệnh của chính quyền, khi có người hỏi bà ta đi đâu.
Người ta đâu ngờ cái thời “vinh quang” của ông đã qua được thay thế bằng mấy chục triệu cái vòng xoắn ngừa thai trong tay. Chắc ông Tướng hết thời họ Võ, “người hùng Điện-Biên” (sic) không ngờ Đảng mà ông yêu quý đối-xử với ông cạn tàu ráo máng, quên tình bội nghĩa đến độ như vậy. Điều đáng nói là từ người nhận chức “tham vị đến mức mù-quáng” cho đến những kẻ phong chức cho kẻ khác “bạc đãi đến mức táng-tận” lại thường xảy ra trong xã-hội Cộng-sản, một xã-hội mà nhân-loại kinh-tởm, đã ruồng-bỏ nhưng cũng còn lắm kẻ điên cuồng chấp-nhận, đủ thấy chế-độ đó ra thế nào rồi.
Chuyện Phillip J. Griffiths dịch và đưa thơ Đặng-Dung, một người Việt lên mặt báo Hoa-Kỳ, dù rất hạn hẹp nhưng đó cũng là điều an-ủi cho Đặng Dung tuy dịch giả chưa lột được hết cái hồn của nguyên tác, một bài thơ mà cách đến mấy trăm năm qua, khi đọc lại ta vẫn thấy cái hay, cái hùng tráng của nó. Như thế, tuy không hoàn-thành ý nguyện phò nhà Trần nhưng Đặng-Dung đã thành-công khi mấy thế-kỷ qua, bài thơ ông vẫn còn nhiều người ngưỡng-vọng và nhất là bài thơ là niềm an-ủi to lớn cho những kẻ bất-đắc-chí, những người sinh bất phùng thời như ông.
. . . . . . . . . (Hết trích)
Nguồn: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=1350
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài : click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com