Lý-Sơn là hải đảo duy nhất của tỉnh Quảng-Ngãi, dân gian thường gọi là cù-lao Ré (có lẽ vì nơi đấy mọc nhiều cây ré), từ nội địa có thể trông thấy đảo Lý-Sơn, nhưng vì cách trở đường biển nên lắm người chưa một lần ghé thăm thắng cảnh kỳ diệu nầy. Tôi ghi được phần nào theo lòng nhớ cố hương.
Từ nhiều năm qua, hàng chục ngư thuyền xuất phát từ Lý-Sơn ra khơi đánh cá quanh đảo nhà bị tàu thuyền Trung-Cộng (TC) đâm chìm, giết người, tịch thu ngư cụ và kết tội “xâm phạm lãnh hải quần đảo Tây-Sa” của họ. Lý-Sơn cách Hoàng-Sa 123 hải-lý (=228 Km) về hướng Đông-Bắc, sao có thể thuộc về Hoàng-Sa? cũng không nằm trong lưỡi bò TC tự vẽ chiếm trọn Biển-Đông!
TC đã xâm chiếm quần đảo Hoàng-Sa của nước Việt-Nam Cọng-Hòa (VNCH) từ năm 1974; đến nay TC đã sát nhập Hoàng Sa trực thuộc hành chánh vào đảo Hải-Nam. TC đã hoàn thành phi trường chiến lược, quân cảng cho hạm đội và đặt các vũ khí, hỏa tiễn hiện đại nhất tại Hoàng-Sa nhằm độc chiếm Biển-Đông, trực tiếp khống chế bờ biển VN, vì thế đảo Lý-Sơn là tiền đồn cùa tỉnh Quảng-Ngãi bị đe dọa. Tiếp tục sách lược "tằm ăn dâu", TC chiếm quần đảo Trường-Sa năm 1988, rồi sẽ sáp nhâp VN là một tỉnh tự trị của TC, có thể y theo diễn tiến như VC giao chủ quyền Trường-Sa cho TC (sẽ lược thuật ở cuối bài).
Bản đồ Biển đông có quần đảo Hoàng Sa (Paracels) quần đảo
Trường-Sa (Spratlys); đảo Lý-Sơn nhỏ hẹp (nằm tại chữ T của
VIỆT NAM trong bản đồ) cách xa Hoàng Sa và ngoài lưỡi bò do TC tự vẽ.
A) Địa lý Thiên nhiên và Nhân văn đảo Lý-Sơn
Về Thiên nhiên:
Hải-đảo Lý-Sơn cách bờ biền Quảng-Ngãi 20Km, cách đều các cửa biển Sơn-Trà, Cổ-Lũy, Mỹ-Á chừng 25 km. Diện tích Lý Sơn 19 km2, nằm giữa vĩ độ 15 độ Bắc và kinh độ 108 độ Đông. Đảo Lý-Sơn do núi lửa phun trào nham thạch, hiện còn chứng tích của 5 núi lửa không còn hoạt động từ nhiều thiên niên kỷ trước. Chính những núi lửa đã trải ra lớp đất bazan thích hợp cho thảo mộc đa dạng, và những rạng đá ngầm làm nơi sinh trưởng cho nhiều loài thủy tộc. Đảo Lý-Sơn có hình dạng đa giác cạnh so le với chiều dài 7 km, chiều ngang 3 km và 2 đảo nhỏ là Hòn Bé và Hòn Mù-Cu. Hòn Bé thuộc xã Bình-Vĩnh, có đất trồng trọt, sản xuất ra “hành lao” nổi tiếng và “tỏi lao” thơm ngon, bán rộng rãi vào nội đia (tiếng hành lao, tỏi lao là tiếng gọi tắt của hành và tỏi từ cù-lao, mà các bà nội trợ tìm mua cho bằng đươc!). Đất Lý Sơn thích hợp trồng dừa và đậu phộng; xơ dừa bện thành giây thừng cho ghe thuyền, cơm dừa và hột đậu phụng ép hay nấu ra dầu ăn (phụ nữ ở đây còn dùng dầu dừa chải lên tóc cho đen mượt).
Phía Đông hải đảo Lý-Sơn có Cửa Động, mặt xây ra biển, miệng mở ra như miệng cá sấu, sâu 8 m đến 12 m, bên trên là cây đá chập chùng. Động nằm sâu trong lòng núi, có chùa thờ Phật, có giường và ghế đá thiên nhiên. Bốn mùa hơi đá tỏa ra mát mẻ cùng với ánh sáng tự nhiên trong hang chiếu rọi. Quả là một kỳ quan, cùng với các thắng cảnh khác của đảo Lý-Sơn cầm chân du khách.
Ở xã Bình-Vĩnh còn có giếng Xó-La xây sát mép biển bằng đá đen, sóng biển vỗ vào sát thành giếng mà nước giếng vẫn ngon ngọt, pha trà đượm hương vị. Dân chúng ở cách xa vẫn luôn luôn đến gánh nước giếng Xó-La về nhà tiện dụng quanh năm. Tương truyền mạch giếng thông với đất liền và được xây nên dưới thời vua Gia-Long, vị vua khai sáng triều nhà Nguyễn.
Bờ biển phía Bắc Lý-Sơn thì khúc khuỷu vì núi đá; phía Nam xuôi thoai thoải, có bến ghe thuyền, có ngọn hải-đăng cao 55 m đã dựng lên từ thời Pháp bảo-hộ, chính là nơi tàu thuyền ra vào tránh bão tố. Đời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) mới có người Việt ra khai khẩn và định cư tại 2 phường Vĩnh-An và An-Hải (nay là Bình Yến, Bình-Vĩnh)
Sáng sớm tai bãi biển đảo Lý-sơn, người thiếu phụ ngồi trông đợi
chồng về, đâu đã biết ngư thuyền và chồng nàng bị TC đâm chìm
rồi bắn chết 2 ngày trước.
Về Nhân-văn:
Dân chúng hải đảo Lý-Sơn thờ 8 vị Tiền hiền đầu tiên lập cư tại đây. Ở Bình-Yến còn thờ 7 vị Thất tộc là những vị đầu tiên mang họ tộc rồi truyền thừa họ ấy đến hậu duệ hiện tại. Hằng năm, vào tháng 7 âm lịch có Lễ hội Đua ghe trên mặt biển rất sôi nổi, trống giục liên hồi, đó cũng là ngày giỗ Tổ. Tiếng nói người bình dân Lý Sơn chưa nghe quen, còn lạ tai tưởng như thổ ngữ. Một lần tôi hỏi thăm đường đi, bà cụ vừa đưa tay chỉ phía trước vừa nói "đi hồ lin trỉn", tôi ngẩn ngơ thì bạn đồng hành chuyển âm giúp là "đi hoài lên trển" (tiếng TRỂN là nói gọn của 2 tiếng “trên ấy” của người “xứ nẫu”!). Dân chúng Lý Sơn quí trọng nếp sống thuần lương, tính hồn nhiên, chất phát, thích coi hát bội, cải lương, ưa nằm võng hát nghêu ngao ca dao, tục ngữ. Họ hát “thẳng ruột ngựa” trong tục ngữ kén chồng:
Chê thằng mòng-hóng,
Đóng thằng đen thui.
Chê thằng ghẻ ruồi,
Đóng thằng ghẻ phỏng.
Ca dao tình cảm thì văn vẻ ủy mị, như:
Con chim "tra trả" ai vay mà trả?
Cái bui "gai sưng" ai vả mà sưng?
Đây người dưng, đó cũng người dưng,
Cớ sao nước mắt rưng rưng nhỏ hoài?
Hai tay ôm vạt áo dày,
Chặm lên con mắt, chặm hoài không khô!
Đặc tính hiếu khách và hào phóng của dân chúng Lý-Sơn được biểu hiện trong lần chúng tôi cắm trại và du ngoạn nơi đây. Đó là vào mùa Hè năm 1973, trường trung học Bồ-Đề Quảng-Ngãi đưa 250 học sinh (số đông mới Tốt nghiệp, sắp rời trường) được tàu tuần duyên Hoa-Kỳ đón tại bến Kỳ-Hà, gần căn cứ Chu-Lai, vượt biển ra Lý-Sơn. Trong đêm Văn nghệ lửa trại rất đông dân chúng Lý-Sơn tham dự, họ còn hào phóng biếu nước dừa, bánh bột mình tinh cho trại sinh. Nhằm ngày Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I, bay trực thăng thị sát đảo Lý-Sơn, ông dừng lại nói chuyện với toàn trại, trước khi tiếp tục bay thị sát bờ biển Quảng Ngãi, chú trọng đến Sa-Huỳnh. Tôi hiểu được viễn kiến của tướng Trưởng củng cố đảo Lý-Sơn và duyên hải Quảng-Ngãi đề phòng quân đội VC sẽ vượt Bến-Hải tràn vào, đồng thời từ dãy Trường-Sơn đổ xuống.
B) Lý-Sơn là hải đảo tiền đồn của tỉnh Quảng-Ngãi:
Tiền đồn là cứ điểm trước tiên phải đi qua mới vào đến cơ sở chính, nói cách khác: tiền đồn là cửa ngõ để vào hậu cứ. Hiện nay, tình hình tiền đồn Lý-Sơn rất khẩn thiết, mà từ trước chỉ là cảnh giới: Thời Nguyễn triều, do Pháp bảo hộ, một võ quan chỉ huy đội lính Việt-Pháp canh phòng cù lao Ré phối hợp với các viên chức Thủ-ngự canh phòng các cửa khẩu dọc bờ biển Quảng-Ngãi. Thời kỳ Việt-Minh kháng chiến (1946 - 1954) chiến thuyền Pháp thường xuất phát từ đảo Lý Sơn đổ bộ càn quét ven biển Quảng-Ngãi. Việt-Minh phòng ngự bằng cách kéo bồ (ban đêm treo đèn) lên cột vọng hải đài trên đỉnh núi gần biển, căn cứ vào mật hiệu từ đảo Lý-Sơn để báo động và tản cư; đồng thời dân chúng phải "gác biển" hắng đêm. Thời VNCH (1955 - 1975) thiết lập ngay Nha Lý-Sơn vững mạnh về hành chánh, luân chuyển một đại đội địa phương quân bố phòng, mở rộng trường học công lập và trạm y tế...
Hiện nay, TC ngang ngược tuyên bố “đảo Lý-Sơn nằm trong quần đảo Tây-Sa thuộc chủ quyền của Trung-Quốc” (sic). Trung Cộng gọi Hoàng Sa là “Tây Sa”, gọi Trường Sa là “Nam Sa” và gọi bãi cạn Macclesfield cùng bãi cạn Scarborough là “Trung Sa”. Vào ngày 24-7-2012, ba vùng đảo nầy chính quyền Bắc Kinh gọi là “Tam Sa”, một địa cấp thị (thành phố cấp địa khu) thuộc tỉnh Hải Nam và có “chính quyền nhân dân” (sic) đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Cộng gọi là đảo Vĩnh Hưng).
Nhìn vào thực trạng và bản đồ nêu trên thì quần đảo Hoàng-Sa nằm trong phạm vi 15000 km2 giữa kinh tuyên 1110 đến 1130 Đông (khoảng 95 hải-lý), từ vĩ tuyến 17005' xuống 15045' Bắc (khoảng 90 hải lý), ngang bờ biển Quảng-Trị + Thừa Thiên + Quảng-Nam của nước ta. Hoàng-Sa cách lục đìa Trung Cộng 235 hải lý, cách bờ đảo Hải-Nam 140 hải lý, nên TC xâm chiếm Hoàng-Sa đã là phi pháp, huống hồ vơ vào cả đảo Lý-Sơn. Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đã ban hành Sắc lệnh đặt quần đảo Hoàng-Sa là xã Định-Hải, một đơn vị hành chánh trực thuộc quận Hòa-Vang tỉnh Quảng-Nam. Đến năm 1997, VC đổi thành huyện Hoàng-Sa trực thuộc Thành-phố Đà-Nẵng.
Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), Liên hiệp quốc qui định Lãnh hải nền tảng là khu vực biển cách bờ 12 hải lý và vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ, Exclusive Economic Zone) đến 200 hải lý (370,4km) quốc gia trên bờ trọn quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa đều nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế có thềm lục địa VN. Đảo Lý Sơn nằm trên thềm lục địa cận duyên VN mà TC xấc xược vơ vào chủ quyền của mình, cho thấy TC có dã tâm sẽ chiếm đoạt Lý-Sơn làm bàn đạp tấn công Quảng Ngãi nếu có căng thẳng giữa 2 đảng CS Trung, Việt. Xác xuất có hải chiến phòng ngự Lý-Sơn rất nhỏ vì Hải quân VC yếu kém không dám đương đầu, lại vâng lệnh Tổng bí thư đảng CSVN dâng nộp cho TC, như VC đã từng bán đứng lãnh hải và lãnh thổ quan yếu của Tồ quôc VN cho TC. Hãy nhìn lại chiến thuật trận hải chiến bảo vệ Hoàng-Sa hay bị khuất phục tại Trường-Sa để dự đoán số phận của đảo tiền đồn Lý-Sơn một khi việc đến phải đến.
Hiện nay, nguyện vọng người dân VN biểu hiện nơi một số người yêu nước đã biểu tình mang quốc kỳ VNCH màu vàng ba sọc đỏ; số công dân khác tổ chức Lễ truy điệu Tử-sĩ Hoàng Sa, có vài tướng lãnh VC âm thầm nghiêng mình kính chào trước di ảnh anh hùng Ngụy Văn Thà. Biết lòng dân và thế nước, nên Bộ Giáo dục & Đào tạo đã in lại Bộ "Lịch-sử Việt-Nam" vào năm 2017 có điều chỉnh lại những chuyện nhạy cảm đã bị che dấu trước đây. Lần đầu, lịch sử VC công nhận nước VNCH và công nhận trận hải chiến Hoàng Sa để bảo vệ Tổ quốc. Dụng ý của VC phục hoạt chủ quyền Hoàng-Sa để nhận quyền thừa kế chủ quyền liên tục trong lịch sử từ nước VNCH, mới đủ chứng lý về chủ quyền liên tục trước quốc tế, bác bỏ ngụy biện của TC về chủ quyền Hoàng-Sa đã có lịch-sử chứng minh.
Trận hải chiến Hoàng-sa năm 1974 (có tham chiếu với hồ sơ tiết lộ của Hoa-Kỳ):
Tương quan lực lượng tham chiến chênh lệch: quân đội Trung Cọng vượt trội hơn Quân lực VNCH cả về hải quân và không quân. TC sử dụng lực lượng Hải quân hùng hậu gồm hơn 16 chiến thuyền đủ loại từ tàu đánh cá Nan-yu cho đến 2 chiến hạm loại Hai-nan 281 và 282, 2 chiến hạm loại Jiang-nan 27 và 274 cùng với 4 phi tiền đỉnh Konar mang số 133, 137, 139 và 145.
Trong khi đó Hải-quân VNCH chỉ có tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, những ngày sau mới tăng cường 3 chiến hạm HQ-4, HQ-5 và HQ-10. Lúc ấy có hải và không quân Hoa-Kỳ, cả hạm đội 7 ở gần đó, nhưng từ chối yểm trợ VN. Chiến hạm TC chỉ trang bị đại bác 100ly (3.9 inches) hay đại bác 85 ly (3.5inches); còn chiến hạm HQ-16 có đại bác 127 ly và HQ-10 có đại bác 76.2 ly. TC áp dụng chiến thuật bám sát chiến hạm VNCH rất gần nên đại bác của HQ-16 không sử dụng được.
Lúc 10 giờ ngày 19/1/1974 Đại tá Hà Văn Ngạc là chỉ huy chiến thuật (OTC) tại mặt trận, đang ở trên soái hạm Trần Bình Trọng HQ-5 biết chiến hạm hai bên quá gần nhau trong thế "cài răng lược" liền ra lệnh cho toán đổ bộ của HQ-16 dùng thuyền cao-su chèo ra chiến hạm, vừa ra khơi thì trận chiến bùng nổ. Trận hải chiến kéo dài 45 phút. Hộ tống hạm HQ-10 bị bắn nghiêng về bên phải, sắp chìm, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh cho Hạm phó và thủy thủ đoàn phải rời tàu đào thoát, chỉ riêng ông cương quyết ở lại chết theo chiến hạm của mình với 24 chiến sĩ tử thương và 25 chiến sĩ mất tích, 23 thủy thủ trôi dạt, 10 ngày sau được tàu của hãng Shell cứu vớt. Hai khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 và Trần Bình Trọng HQ-5 bị hư hại, mỗi chiến hạm có 2 chiến sĩ tử thương. Tuần dương hạm HQ-16 do Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy, bị trúng đạn nghiêng một bên, được lệnh quay về Đà-Nẵng, có 1 chiến sĩ tử thương và 16 thủy thủ trôi dạt trên thuyền cao-su về đến Qui-Nhơn. TC bắt giữ 48 tù binh kể cả 1 người Mỹ.
Phía TC: hộ tông hạm Kronkstad-274 bị bắn chìm; hộ tống hạm Kronkstad-271 và 2 trục lôi hạm 389, 396 bị hư hại nặng. Các sĩ quan là Vương Kỳ Mỹ, Triêu Quát, Diệp Minh Hải đều tử trận cùng với nhiều thủy thủ thiệt mạng, TC không công bố.
Tc tấn công chiếm Trường Sa năm 1988, VC không chống cự nên bị tận diệt.
Năm 1988, quần đảo Trường-Sa đã thuộc quyền quản lý của Việt-Cọng, bấy giờ TC đưa chiến hạm đến tấn công chiếm cứ nêu lý do thuộc lãnh hải của mình. Phía VC lúc ấy có Công binh trên đảo và 3 chiến hạm HQ-505, HQ-604, HQ-605. Chiến hạm TC ào ạt nổ súng tấn công chiếm 7 hải đảo trong quần đảo Trường-Sa. Phía chiến hạm và công binh VC không chống cự, không bắn trả một phát súng nào vì có lệnh “không chống trả, không bắn trả đồng chí TC” từ bộ trưởng quốc phòng Đại tướng Lê Đức Anh. Hậu quả 2 chiến hạm VC bị bắn chìm, 1 bị trọng thương kịp thời đào thoát. Lính công binh trên đảo là bia thịt cho quân TC bắn thả dàn, bắn chết ngay 64 người.
Không có thể gọi là trận hải chiến Trường-Sa, phải gọi đúng là VC đầu hàng vì không chống trả, tự ý nộp quần đảo Trường-Sa cho TC. Đó là cách ứng xử của TC và VC đều không còn nhân tính.
Lời kết:
Hải đảo Lý Sơn (người xưa gọi là Cù lao Ré) có những cảnh đẹp huyền diệu như Cửa động thờ Phật, giếng Xó-la nước ngon ngọt bên mép biển. Dân chúng Lý-Sơn hiền hòa, nay căm phẫn TC liên tục đánh chìm ngư thuyền của đảo nhà đánh cá trên hải phận Lý-Sơn mà TC tuyên bố là xâm phạm vùng biển Hoàng-Sa họ đã chiếm giữ và quản-lý. Cách hành xử ngang ngược, tuyên bố hàm hồ, vơ cả đảo Lý-Sơn vào quần đảo Hoàng-Sa là phi lý, bất chấp Luật biển UNCLOS. Lý Sơn cách Hoàng-Sa 123 hải lý và Hoàng-Sa cách luc địa Trung-Cộng 235 hải lý; vậy Lý-Sơn không thể thuộc về quần đào Hoàng-Sa, ngay cả Hoàng-Sa cũng là xâm chiếm vô quyền từ lãnh hải VN ở cách xa nhiều vĩ tuyến.
Tỉnh Quảng-Ngãi có 2 nơi xung yếu là hải đảo Lý Sơn và giải đất Sa-Huỳnh (Sa-Huỳnh tôi đã phân giải tính xung yếu qua lịch sử trong bài "Đức-Phổ, huyện quan trọng của tỉnh Quảng-Ngãi").
Cầu xin Hồn Thiêng Sông Núi phù trì cho Tổ quốc VN toàn vẹn, an bình và thịnh vượng./.
Lễ Tạ ơn, 22-11-2018
TRƯƠNG QUANG.
* * *
Xem các bài của cùng tác giả, click vào đây
Xem trang QN: Đất nước, con người, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com