Chiếc phi-cơ dành riêng cho tổng thống Hoa-Kỳ tại vị được biết đến dưới tên Air Force One (sẽ viết tắt là AF 1), còn được gọi là “pháo đài bay trên không” hay “phòng bầu dục bay’” (phòng Bầu dục là tên gọi phòng làm việc của TT Mỹ trong Tòa Bạch Ốc), hay “Không Lực Một”, do hãng Boeing chế-tạo. Đây là những chiếc phản lực cơ Boeing tối tân nhất cùng loại vào lúc nó xuất xưởng, giá mua cũng vào hạng nhất nhì, chỉ thua một chiếc chiến đấu cơ đắt giá nhất là chiếc B-2 mà thôi. Tuy là con chim sắt nhưng AF1 lại là một biểu tượng quyền-lực của chính-phủ Hoa-Kỳ. Tổng thống Mỹ dùng nó để đi đây đó, ông có thể ban ra những mệnh lệnh cần thiết khi còn đang trên không-trung giống như ông đang làm việc tại các nơi khác dưới đất. Nếu viết chi tiết về nó có thể là một cuốn sách, chúng ta thử lướt sơ một số đặc tính và kỹ thuật cần biết về nó xem sao.
I. Lịch-sử của Air Force One:
Lần theo lịch sử các đời tổng-thống Mỹ dùng phi-cơ khi công-du, tài liệu cho thấy Franklin D. Roosevelt là vị tổng-thống Mỹ đầu tiên xử dụng phi-cơ trong công-vụ vào năm 1944 khi đang nắm quyền. Ông đi trên chiếc C-54 Skymaster có tên là “Sacred Cow”. Trong thập niên 50, danh hiệu AF1 dành cho bất cứ chiếc máy bay nào có tổng-thống Mỹ đang đi trên đó, không phải là chuyên cơ cho tổng-thống như ngày nay. Tổng-Thống Truman sử dụng chiếc DC-6 Liftmaster mang tên Independence từ 1947-1953. Tổng-Thống Eihenhower đi trên chiếc Columbine II và chiếc Columbine III từ 1953-1961. Đến năm 1962, chiếc phản-lực cơ được mua riêng cho tổng-thống Mỹ mang tên là AF1 là chiếc Boeing 707.
Như vậy, John F. Kennedy là tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng máy bay riêng mang tên AF1, trên chiếc C-118. Chiếc phản-lực-cơ chở tổng-thống Mỹ đầu tiên là chiếc DC-137A mang số 586970 chở Tổng-Thống Eisenhower đi Thụy-Sĩ, Pháp và Scotland, rời Andrew Air Force Base vào ngày 26-8-1959. Chiếc máy bay này được “về hưu” vào tháng 12-1995 và hiện được trưng bày tại Bảo-tàng viện Hàng-không Boeing Field tại Seattle, tiểu-bang Washington.
Chiếc AF1 lịch-sử mang số 26000 là chiếc C-137C chở Tổng Thống John F. Kennedy đi kinh-lý thành-phố Dallas, Texas vào 22-11-1963 và cũng chính nó mang xác Kennedy về lại Hoa-Thịnh-Đốn. Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson tuyên-thệ chức vụ Tổng-thống thứ 36 của Hoa-Kỳ trên chiếc 26000 tại Love Field, Dallas, Texas. Cũng chính chiếc phi-cơ này đã mang xác của Johnson về lại Texas vào ngày 24-01-1973.
Năm 1972, Tổng-Thống Richard Nixon làm cuộc thăm viếng lịch-sử Bắc-Kinh và Liên-bang Xô-Viết vào tháng 5 cùng năm trên chiếc 26000. Chiếc 27000 thay thế chiếc 26000, đã đưa các cựu Tổng-Thống Richard Nixon, Gerald Ford và James Carter đi Cairo, Egypt vào ngày 19-10-1981 để đại-diện cho Hoa-Kỳ dự tang lễ của Tổng-Thống Ai-Cập, ông Anwar Sadat. Chiếc VC-25A đầu tiên tên AF1 được mang số 28000 vào ngày 23-8-1990 và chiếc thứ hai được mang số 29000 vào ngày 23-10-1990. Đến ngày 6-9-1990, AF1, lần đầu tiên chở Tổng-Thống George H. W. Bush đi Topeka (Kansas), Tallahassee (Florida) rồi trở về Hoa-Thịnh-Đốn. Ngày hôm sau đi Helsinski, Phần Lan. Chiếc mang số 29000 bay vào ngày 26-3-1991. Chiếc mang số 29000 chở Tổng-thống Bill Clinton và 2 cựu Tổng-thống Jimmy Carter, George H. W. Bush đi Do-Thái dự tang lễ của Thủ-Tướng Israel, ông Yitzhak Rabin.
Động cơ phản-lực Jumbo được trang bị vào năm 1995 trên loại DC-10 (sau đó cho VC-25A) lăn bánh khỏi nhà chứa phi-cơ vào tháng 9-1989. Trong cuộc bay thử vào ngày 26-01-1990 bởi phi-công Paul Bennet và Thiếu-Tá Không-quân Ray Johns, động-cơ nầy hoạt-động tốt nên sau đó được chấp-thuận bởi cơ-quan FFA để trang-bị cho phi-cơ Boeing riêng cho Tổng-thống.
Từ đó đến nay, AF1 luôn thay đổi, với kiểu tối-tân nhất, được trang-bị những thiết-bị, công-nghệ, kỹ-nghệ, quân sư,... tuyệt mật và hiện đại nhất. AF1 là chiếc chuyên cơ được đặt chế-tạo riêng cho tổng thống Mỹ, một đặc ân cho tổng thống mà ít có quốc gia khác thực hiện được trước đây. Ngày nay, vài quốc-gia cũng đã theo chân Hoa-Kỳ cung-cấp những phi-cơ riêng để cho vị nguyên-thủ quốc-gia họ xử dụng khi tại vị.
Hiện nay là pháo đài bay sinh đôi: Có hai chiếc AF1 giống hệt nhau mang số đuôi là SAM-28.000 và SAM-29.000, phiên bản của Boeing 747-200B Series, tên chính thức là Boeing VC-25A. Địa chỉ của công-ty Boeing: Boeing Defense & Space, P.O. Box 3999 Seatle, WA 98124 USA; Phone: (206) 773-0530 Fax: (206) 773-4261.
II- Hoạt-động.
Trên danh-nghĩa, AF1 là chiếc máy bay quân sự trực thuộc Không Quân Mỹ (United State Air Force, USAF), quản trị và bảo-trì, mỗi một giờ, được trả tiền thuê đến $10,000 USD (năm 2003) mỗi khi chính phủ Mỹ sử dụng nó. Hiện nay (2019), cứ mỗi giờ Air Force One bay, phí tổn là $206.337 USD; chưa kể đến mọi phí tổn của nhiều đơn vị khác liên hệ mỗi khi hỗ trợ cho AF1. Mỗi lần AF1 cất cánh được xem như một nhiệm-vụ hàng đầu của Không lực Mỹ, là một phi vụ quân sự quan trọng. Do đó, mọi nỗ-lực đều dồn vào chiếc phi-cơ nầy khi nó cất cánh. Không chỉ mang tính vận-tải đơn-thuần, AF1 còn là một phương tiện hữu hiệu, biểu tượng nổi bật tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của các Tổng thống Hoa Kỳ.
Tưởng cũng cần biết thêm giá tiền của những chiếc máy bay đắt nhất thế giới hiện nay, tính đến tháng 2-2019: 1/ B-2 Spirit – giá $737 triệu USD (là phi cơ quân sự, đó là giá ban đầu vào năm 1997, chi phí trung bình $929 triệu USD mỗi chiếc, bao gồm phụ tùng, thiết bị, trang bị thêm và hệ thống máy tính; tổng chi phí bao gồm dự án, kỹ thuật và thử nghiệm, thì giá trung bình là $2,1 tỷ USD cho mỗi chiếc (averaged $2.1 billion per aircraft in 1997) và lên đến 2,2 tỷ USD (năm 2000). 2/ Air Force One – $660 triệu USD. 3/ Airbus A340-300 – $600 triệu USD. 4/ Airbus A380 Superjumbo Jet – $500 triệu USD. 5/ Boeing 747 – $153 triệu USD. 6/ Trump's Boeing 757 – $100 triệu USD. 7/ BD-700 Global Express – $47.7 triệu USD. 8/ Gulfstream IV – $38 triệu USD (dân sự và quân sự: có 19 quốc gia sử dụng cho quân sự).
Tưởng cũng cũng nên biết thêm về chuyện màu sơn của AF1. Vào thời tổng thống John Kennedy, Không quân Hoa Kỳ dự tính chọn màu sơn cho máy bay với màu đỏ và vàng kim loại, tên của quốc gia viết bằng chữ vuông góc. T.T. Kennedy nghĩ rằng như thế máy bay sẽ nhìn quá lộng lẫy nên ông đã tìm gặp nhà thiết kế công nghiệp Mỹ gốc Pháp là Raymond Loewy để trợ giúp ý kiến về màu sơn cho máy bay dự trù sẽ đóng. Loewy đã gặp Kennedy, rồi ông đến Viện Lưu trữ Quốc gia, nơi ông đã nhìn vào bản copy của Bản tuyên ngôn Độc lập, thấy tên của quốc gia được cách rời ra rất nhiều, sử dụng một font chữ gọi là Caslon. Từ những gợi ý đó, ông đã thiết kế mẫu màu sơn: hai màu, xanh dương xám tượng trưng cho nước cộng hòa, và một màu xanh dương nhạt, tượng trưng cho tương lai và hiện tại, con dấu tổng thống Hoa Kỳ cũng được thêm vào hai bên của phần thân gần mũi cùng một lá cờ Hoa Kỳ ở trên đuôi, hai bên có ghi dòng chữ "United States of America" được viết hoa hết tất cả. Thế là khuôn mẫu và màu sơn đó giữ mãi cho AF1 đến nay.
Air Force One được trang-bị 4 động cơ phản-lực General Electric CF6-80C2-B1. Phi-cơ có chiều dài là 231 ft. 10 inches (70.7m); chiều cao 63 ft. 5 inches (19.3m); sãi cánh: 195 ft. 8 inches (59.6m); tốc độ: 701 MPH (Mach 0.95); trần cao 45,100 ft (13,74 m), trọng lượng 833,000 pounds (374.850kg), trọng tải: 285.770kg; bay xa 9,600 miles (15.360 km); nhiên-liệu: 202.940 lít, phi hành đoàn 26 người, chở được tối đa 102 người. Giá ban đầu mỗi chiếc 747-200B là $660 triệu USD nhưng với những trang-cụ đặc biệt, giá thực sự mỗi chiếc gần như gấp đôi. Nhà để chứa AF1 tại căn-cứ Andrew xây với giá $50 triệu USD và nhà kho, phụ-tùng lên tới $100 triệu USD.
Trên AF1, tổng-thống có phòng riêng, các nhân-vật quan-trọng (VIP) ngồi phía trước, đoàn tùy-tùng, phóng viên ngồi phía sau. Sau một thời-gian xử-dụng, AF1được thay bằng máy-bay mới để bảo đảm tính an-toàn. AF1 được thiết-kế tất cả các phương-tiện hiện-đại nhất, cần thiết như một cơ-sở dưới đất. Chỉ riêng về hệ-thống liên-lạc, có đến 87 đường dây điện-thoại trong đó có 28 đường dây tuyệt mật được gài code an-toàn do vệ-tinh Watch Bird canh giữ password, nếu kẻ thù có vào được cũng không biết nói thứ tiếng gì. Khi AF1 đang bay, tất cả các hệ-thống trên phi-cơ đều bật nút ON, phi-hành đoàn đặt trong tình-trạng “ứng-chiến 100%”. Trên lộ trình bay, tất cả các căn-cứ Không quân, Hải quân, các căn cứ Bộ binh, Lực Lượng Tuần Duyên, các Hàng-Không mẫu hạm, các căn-cứ nổi, các tàu chiến, các đài Không lưu, các điện đài, hệ-thống quan-sát, vệ-tinh v.v… thuộc Hoa Kỳ đều được thông báo khi nó bay gần đến khu vực trách nhiệm, khi đó, các đơn vị nầy “đặt trong tình-trạng báo-động”, xem đó là một nhiệm vụ quan trọng. Tùy theo từng vùng không phận, AF1còn được các chiến đấu cơ của quân đội Mỹ bay theo hộ vệ nếu cần ngoài các vệ tinh viễn thông Mỹ đang bay trên bầu trời theo dõi và chuyển đến các tổng hành dinh trực thuộc biết những tin tức cần thiết liên hệ đến phi vụ đặc biệt nầy.
Bộ ngoại giao, Không và Hải-Quân Mỹ còn phải liên-lạc với các quốc-gia liên-hệ khi AF1 đang bay gần hay sắp vào không phận một nước nào đó. Ngoài ra, các điểm “khả-nghi” cũng được các lực-lượng trực-thuộc Hoa-Kỳ coi chừngï vì AF1 có thể bị tấn-công từ các điểm nầy. Các đơn vị tình-báo phải làm việc đắc-lực hơn, phải điều-nghiên, quan-sát các hoạt động của phe địch, luôn cả các “đồng-minh chí-cốt” của Mỹ để bảo vệ an ninh cho AF1. Các Hàng-không mẫu-hạm, các chiến hạm không được về bến khi AF1 bay qua vùng trách-nhiệm để phòng ngừa sẽ làm nhiệm-vụ cấp-cứu nếu cần.
Một đoạn văn sau đây cho thấy việc theo dõi, bảo vệ, yểm trợ … cho AF1 là nhiệm vụ quan trọng cho tất cả mọi đơn vị, tổ chức của Mỹ khi AF1 đang bay. (trích, nguyên văn)
Vào ngày 11-9-2001, tổng thống George W. Bush trong lúc đang thăm trường Tiểu học Emma E. Brooker ở Sarasota, Florida thì bị gián đoạn (trng vụ tấn công vào Hoa Kỳ năm 2001). Sau khi chiếc thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam ở thành phố New York, thì ông đã cất cánh từ Sân bay Quốc tế Sarasota - Bradenton trên chiếc AF1 VC-25 cùng với Đại tá Mark Tillman, chỉ huy của Không lực Một lúc ấy. Một lúc thì trạm kiểm soát không lưu cảnh báo: “có một chiếc máy bay thương mại bay rất gần Không lực Một, và không trả lời tín hiệu không lưu”. Mark nói: "Khi mà chúng tôi bay ngang qua Gainesville, FL, chúng tôi nhận được tin từ Trung tâm kiểm soát không lưu Jacksonville. Họ nói rằng “Không lực Một, bạn có một chiếc máy bay đằng sau bạn và ở trên cao hơn bạn và hiện đang hạ độ cao dần, còn chúng tôi thì không tài nào liên lạc được với chiếc máy bay ấy cả - họ đã ngắt tín hiệu”. Và ngay lúc đó, tôi nghĩ rằng ai đó đang bám theo chúng tôi ở Sarasota, họ thấy chúng tôi cất cánh, và cứ giữ độ cao rồi bám theo chúng tôi đến lúc ấy. Chúng tôi lúc đó cũng không biết bọn khủng bố có khả năng như thế nào cả."
Để đối phó lại mối đe dọa này, Đại tá Mark Tillman nói rằng ông đã “bay về hướng Vịnh Mexico để xem chiếc máy bay ấy có bám theo nữa không”. Chiếc máy bay ấy hóa ra tiếp tục bay tiếp đoạn đường bay của nó, và Tillman giải thích rằng chiếc máy bay ấy đã mất đi hộp tín hiệu (transponder), và phi công trên chiếc máy bay ấy đã không chuyển tín hiệu ấy qua một tần số khác. Hộp tín hiệu là bộ phận trên máy bay có nhiệm vụ phát ra tín hiệu nhận dạng máy bay trên màn hình kiểm soát không lưu.
Một mối đe dọa nữa lại một lần nữa xuất hiện, một thông báo nói rằng một cuộc tấn công nữa sắp xảy ra tới Không lực Một. "Chúng tôi nhận được thông báo từ phó tổng thống và nhân viên rằng “Tiếp theo là Angel”. Angel là biệt danh bí mật dành cho Không lực Một. Một khi chúng tôi đã bay ra vùng Vịnh [Mexico] thì họ gởi thông báo ấy cho chúng tôi, ngay lúc đó tôi gọi và yêu cầu một chiếc chiến đấu cơ để hỗ trợ. Nếu có một chiếc máy bay chở khách nữa là một phần của việc tấn công, thì sẽ rất tốt nếu có một chiếc chiến đấu cơ đi trước và lo phần đó cho chúng tôi." Một lúc sau, trạm kiểm soát không lưu nói với Tillman rằng Cục hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã đóng cửa toàn bộ không phận Hoa Kỳ, và “Không lực Một là chiếc máy bay duy nhất lúc này đang bay trên bầu trời nước Mỹ”. Lúc đó, Tillman nói rằng kế hoạch muốn đưa tổng thống về trở lại Washington D.C đã bị hủy bỏ và thay vào đó hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Barksdale, Louisiana và Căn cứ Không quân Offutt, Nebraska, nơi mà tổng thống đã có một bài phát biểu. Tillman nói rằng lý do là vì lo lắng về mối đe dọa, Không lực Một có thể bị tấn công khi đang bay trở về Căn cứ Không quân Andrews. (hết trích).
Nhìn chung, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, khi AF1 cất cánh là mọi lực-lượng của Mỹ phải có nhiệm-vụ canh chừng, bảo-vệ tối-đa.
Ngoài việc được một lực-lượng bảo-vệ hùng-hậu và hữu-hiệu nhất, AF1 còn có khả năng hữu-hiệu tự chống lại khi bị tấn-công nhờ được gắn các thiết bị chống hỏa tiễn trên phi-cơ. AF1 có thể tự phát sóng để đánh lạc hướng radar, phi-cơ địch. Hệ-thống này phát các làn sóng điện-từ đến các máy radar gắn trên các căn-cứ hay trên máy bay địch, các làn sóng điện nầy sẽ làm nhiễu-xạ radar hay thấy năm ba chiếc hoặc không đúng hướng, đúng vị-trí. Các thiết bị tối tân này còn được trang bị trên vài loại máy bay của Không quân Mỹ, trong đó có loại Black Bird SR-72.
Về lịch sử an-toàn, AF1 có một lịch sử bay hoàn hảo nhất, được xem là chiếc máy bay an toàn nhất trên hoàn vũ. Muốn trở thành phi công của AF1, các ứng cử viên phải có hơn 2.000 giờ bay, có nhiều kinh nghiệm về điều khiển Boeing, nhiều kinh-nghiệm lái chiến-đấu cơ, kinh-nghiệm về săn bắt phi-cơ địch, đã từng bay trên đường bay quốc-tế và có hồ sơ lý-lịch hoàn toàn “sạch”, có niềm tin tôn-giáo tốt đẹp và cao-độ, có nghĩa phải là một người “đạo-đức”, phải có yếu nhân Mỹ giới thiệu hay bảo đảm.
Một ê-kíp phi-công của AF1 gồm 12 người túc-trực thường-xuyên dù không có việc gì cần (phi hành đoàn có 26 người). Không một ai biết trước ai sẽ bay chuyến nào, lộ-trình bay ra sao, chỉ biết một mệnh-lệnh duy nhất: “Air Force One đang chờ”. Phi-công chỉ được chọn vào giờ phút cuối trước khi phi cơ khởi động máy. Phi-công trên AF1 phải hiểu rất rõ mình phải làm gì nếu không được điều-khiển bởi một lệnh đặc-biệt từ một trung-tâm chỉ-huy hay một khẩu lệnh đặc-biệt của tổng thống Mỹ. Xăng cho phi-cơ là loại xăng đặc-biệt, được bảo mật, xe chở xăng chỉ vào giờ cần-thiết mới đến bơm vào, có một toán mật-vụ thuộc Toán An-ninh đi kèm, chú ý việc bơm xăng vào phi cơ. Mọi hoạt động của toán tiếp liệu được nhân-viên an-ninh giám sát chặt-chẽ, việc kiểm-soát rất chi-tiết, không bỏ sót một việc nhỏ nhặt nào, bằng mắt, bằng camera, bằng computer, bằng máy giám sát ghi hình và các chuyên viên trách nhiệm đều bắt buộc phải ký biên-bản khi hoàn-tất một nhiệm-vụ nào đã thi hành.
Mỗi chuyến bay, các biện-pháp an-ninh, các hoạt-động chuẩn-bị đều khác nhau. Cận-vệ chỉ được Phòng An-ninh Tổng-Thống phủ đề cử vào phút chót. Trước khi cất cánh, một toán mật vụ mang tên Special Task Force đến nơi máy bay đang đậu kiểm-soát lại tất cả lần chót các chi-tiết. Từ chỗ đậu đến lối ra phi-đạo cũng được kiểm-soát trước khi phi-cơ lăn bánh. Lệnh “Được phép bắn” ban-hành khi máy-bay cất cánh hay hạ cánh vì đây là thời điểm nguy hiểm, các biến cố có thể xảy ra.
Air Force One có hai nhà bếp: một dành cho tổng-thống, một dành cho quan khách. Dĩ nhiên đầu bếp phải được chọn lựa, thức ăn phải kiểm-soát an-toàn, canh giữ kỹ và phải do Toán An ninh mua sắm. Phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc, phòng thuyết-trình trên AF1 rất sang-trọng, được trang-bị đầy đủ dụng-cụ cần-thiết, màn ảnh, Tivi thuộc loại tốt nhất. Một phòng trao đổi thông tin để tổng thống cùng các quan chức khác có thể tiến hành những cuộc điện đàm đã được mã hóa tới bất kỳ nơi nào cần trên trái đất. Từ phòng họp, phòng truyền-tin, phòng ngủ của tổng-thống đều được gắn Laptop computer, trong đó, có chứa tất cả các dữ kiện cần-thiết cho người lãnh-đạo nước Mỹ. Tại đó, lệnh của tổng thống được ban ra, đến bất cứ nơi nào, bất cứ giới-chức nào trực-thuộc Hoa-Kỳ, ngay cả việc ra lệnh ném bom nguyên-tử.
Khi tổng-thống Mỹ lên đường công du nước khác, Lực lượng Mật vụ Mỹ (United States Secret Service - USSS, “Lực Lượng Mật vụ Mỹ” hay “Lực Lượng Cận vệ Mỹ” hoặc “Lực lượng Công tác Đặc biệt Mỹ”) chuyên bảo-vệ tổng-thống cử một “đội tiền trạm” đi trên một chiếc phi cơ khác chở chiếc Limousine tới địa điểm mà tổng thống sẽ tới. Chiếc Limousine Chevrolet của Tổng-thống Mỹ là chiếc xe hơi được cho là an-toàn nhất: chiếc xe bọc thép, có khả-năng chống khủng-bố, tấn-công. Công ty Mỹ O'Gara-Hess & Eisenhardt, sáng lập vào năm 1876, cơ sở tại tiểu bang Ohio đã cung cấp các xe bọc thép cho cho tổng thống Hoa Kỳ kể từ T.T. Harry Truman. Giàn kính cũng như vỏ bọc của loại xe này có thể chống lại sự xuyên-phá của các loại súng nhỏ. Kính xe được tráng thêm lớp bọc Polycarbonate, có đủ sức chịu đựng sức đập mạnh bằng búa, chống được đạn nhỏ. Bên trong thân xe được bọc thêm các tấm đệm bằng sợi Aramid-fiber có công-dụng như một áo giáp. Lườn xe bọc thép để chống mìn. Bánh xe loại nầy cũng được chế-tạo đặc-biệt, có thể chạy được với vận-tốc 50 MPH khi bánh xe trúng đạn bị xẹp, chiếc xe vẫn chạy được trên những lớp đệm bọc bằng cao-su đặc, đủ sức để xe thoát khỏi khu vực bị tấn công. Trong xe, có đầy đủ tiện nghi cần thiết, có gắn điện-thoại để tổng-Thống liên-lạc khi cần.
Ngoài những chi-tiết thông thường được công-bố, trên AF1 còn có biết bao thiết-bị, chi-tiết tuyệt mật không được công-bố, chỉ có người có trách-nhiệm mới biết những phần hành nào liên-quan đến nhiệm vụ của mình mà thôi, ngoài ra ít biết đến các thiết bị khác.
III. Những chuyện bên lề:
Sau đây là cảm tưởng của những nhân vật đã được đi trên chiếc Air Force One:
-“Đi Air Force One, tôi không sợ lạc hành lý của tôi”, “Khi bước lên máy bay, tôi phấn khích đến nỗi quên mất cả mẹ mình. Trên đó, tôi hoàn toàn tự-do, không còn điện-thoại gọi từ Quốc-Hội nữa”, đó là lời Tổng thống James Carter thổ lộ khi được hỏi cảm tưởng.
-“Trên đó, chúng tôi là một gia đình lớn”, cựu tổng thống Bill Clinton phát biểu ý kiến.
Tổng thống George H. W. Bush thì nói:
-“Trước khi lên Air Force One, lòng tôi phơi-phới như ngày xưa tôi đi phi-cơ qua Virginia thăm gia đình vợ vậy”.
-“Cũng như hình dung của mọi người, an ninh cho chiếc AF1 luôn được tăng cường ở mức tối đa. Chúng tôi may mắn là được phép quan sát mọi thứ mà trước đây chưa ai từng chứng kiến, quay phim mọi thứ mà trước đây chưa ai từng quay. Và trong những trường hợp như vậy, mọi thứ vẫn phải được giữ bí mật tuyệt đối”, Peter Schnall, nhà sản xuất, đạo diễn phim tài liệu AF1 kể lại.
- “Họ thấy thoải mái có lẽ chính bởi họ đã tìm được một nơi để có thể nghỉ ngơi, tĩnh tâm sau những ngày căng thẳng ở Bạch Cung cũng như Phòng Bầu Dục. Bush cha đôi lúc đến căn cứ không quân Andrews đêm trước khi công du. Ông nghỉ qua đêm ở đó rồi thức dậy giữa không trung”, Peter Schnall ký giả báo National Geography kể lại khi ông được phép lên chiếc AF1.
Là một quốc-gia giàu-có, Hoa-Kỳ có đủ phương-tiện tối tân để trang-bị cho các viên chức chính-quyền, dĩ-nhiên tổng-thống Mỹ phải được ưu-tiên một. Chúng ta còn nhớ, trong phi-vụ do-thám Nga vào năm 1962, những chiếc máy bay U-2 trong “Phân-đội Tình-báo 10-10” đã được xem là “những xa-xí-phẩm” đối với tất cả các nước trên thế-giới. Trước khi bí-mật của vụ U-2 bị phơi bày, các tay tổ gián-điệp của Anh, Pháp đã tỏ ý ghen-tỵ về cái phương-tiện do-thám đắt giá này của Mỹ khi họ còn là đồng-minh của Mỹ để chống lại khối Đỏ. Một nhân-viên trong chính-phủ Anh đã nói với giám-đốc CIA - lúc đó là ông Allen Dulles - như sau: “Chúng tôi không bao giờ có nổi cái phương-tiện do-thám này. Những phi-vụ của U-2 quả là một công-tác tình-báo dựa trên sự sản-xuất hàng loạt”. Phân-đội Tình-báo 10-10 bắt đầu từ năm 1953 khi hãng chế-tạo phi-cơ Lockheed Martin (Boeing Corporation) của Hoa-Kỳ yêu-cầu các kỹ-sư Mỹ nghiên-cứu để chế-tạo một loại phi-cơ bay xa và cao hơn loại chiến-đấu cơ F-104 Starfighter, do đó chiếc U-2 ra đời, và sau đó, những điệp vụ do-thám qua lãnh-thổ Nga thành-công với phương-tiện hiện-đại, được các phi-công Mỹ gọi đùa là “các chuyến đi dạo thường xuyên”. U-2 vẫn còn được xử dụng đến hiện nay cho dù khoa học kỹ thuật đi bằng đôi hia ngàn dặm, nhiều loại phi cơ tối tân ra đời đủ sức thay thế nó nhưng nó vẫn chưa được cho “về hưu”, đủ thấy tầm hữu dụng của loại phi cơ nầy thế nào.
Tuy đặt trong tình-trạng an-toàn tuyệt-đối để bảo vệ vị nguyên thủ quốc gia nhưng cũng đã có tai nạn xảy ra hoặc được phát-giác. Tổng-Thống Eisenhower bị một tai-nạn phi-cơ khi ông đi trên chiếc máy bay mang tên “Air Force 8610”. Riêng Tổng thống George W. Bush đã thoát được hai âm mưu sát hại khi ông công du ngoại quốc trên chiếc AF1. Kẻ âm-mưu giết Tổng-thống George Bush không ai khác hơn là tổ-chức khủng-bố của Osama bin Laden và các nhân vật Taliban cao cấp do Mohammed Haqqani chỉ huy.
Sau khi mưu sát, Đô đốc Eugene Carrol thuộc Ủy ban tình báo Quốc hội Mỹ tiết lộ các kế hoạch của bọn khủng-bố. Lần thứ nhất dự định diễn ra vào cuối tháng 7/2001 khi Tổng thống Bush đến tham dự Hội nghị G8 tại thành phố Genoa (Italy). Sau khi thu thập được các tin tức về lộ trình của Tổng-Thống George W. Bush, chúng lập kế hoạch như sau: Ngày 27/7, khi chiếc AF1 chuẩn bị đáp xuống sân bay Genoa (Christopher Columbus Airport) thì một chiếc máy bay mang đầy thuốc nổ do bọn el Qaeda lái sẽ cất cánh từ một sân bay gần đó sẽ bất thần đâm vào Air Force One làm nổ tung. Thế nhưng trước đó 24 giờ, máy bay đặc biệt loại B-707 AWACS của NSA chuyên thu thập thông tin từ mặt đất đã thu được nhiều mệnh lệnh của bin Laden gửi cho Al-Qaeda yêu cầu sẵn-sàng để thực hiện vụ ám sát cảm tử này. Lập tức lệnh báo động được ban ra cho tất cả các lực-lượng Mỹ và Ý. Chính phủ Ý ban hành lệnh báo động khẩn-cấp trên toàn lãnh thổ. Một trong các biện-pháp là các hoạt động cất cánh, hạ cánh của mọi máy bay trong vòng bán kính 200 km quanh sân bay Genoa bị đình chỉ cho đến khi AF1 đáp xuống. Vì thế, âm mưu bất thành.
Mưu đồ lần thứ nhì cũng do bin Laden cùng Mohammed Haqqani, chỉ huy lực lượng an ninh Taliban lập kế hoạch mưu sát Tổng thống Hoa-Kỳ khi ông đến Trung Cộng dự Hội nghị APEC từ ngày 20 đến 21/10/2001. Kế hoạch ám sát dự trù thực hiện theo cách mà bọn chúng đã thành công trong vụ ám sát thủ lĩnh Liên minh phương Bắc Ahmed Shah Masood hôm 9/9/2001 tại Afghanistan. Theo kế-hoạch nầy, một nhóm khủng bố el Qeada cải trang thành phóng viên truyền hình, mang sẵn chất nổ cài trong máy ghi hình để có thể qua mắt được kiểm-soát, thừa cơ-hội bất thần cho phóng thẳng chất nổ vào George Bush khi ông trả lời phỏng vấn.
Tuy nhiên, âm mưu này cũng bại lộ trước đó không lâu khi “các máy nghe trộm” của NSA ghi được và giải mã các trao đổi giữa nhóm khủng bố với tổng hành dinh Al-Qaeda tại Afghanistan và các tin tức GBU (Cơ quan tình báo Trung Quốc) thu lượm được. Lệnh báo động được chính-quyền ban hành khắp Thượng Hải, nơi Hội nghị APEC diễn ra. An ninh Trung Cộng tung tất cả các nhân viên để kiểm soát bất cứ cá nhân nào khả nghi cũng như kiểm soát gắt gao các phương tiện của phóng viên. Đô đốc Mỹ Eugene Carroll cho biết:
-“Lực-lượng bảo-vệ đặc biệt của Tòa Bạch Ốc đã phối hợp chặt chẽ với an ninh Trung Cộng nhằm hạn chế tối đa mọi cơ hội để bọn khủng bố có thể đến gần rồi hạ sát Tổng thống Bush. Các vệ sĩ không rời ông nửa giây suốt 2 ngày Tổng-Thống Bush dự hội nghị”.
Dự tính của bọn khủng-bố bị đổ-vỡ.
Sau hai lần tổ chức ám sát không thành, Mohammed Haqqani và bin Laden lên tiếng treo giải 50 triệu USD cho bất cứ ai giết chết được Tổng-Thống George W. Bush. Đầu tháng 11/2001, Mohammed Haqqani tuyên bố:
-“Chúng tôi tin rằng số tiền 50 triệu USD sẽ được thưởng cho bất cứ ai mang cái chết đến cho kẻ thù không đội trời chung của chúng ta. Điều đó là cần thiết vì hắn chính là thủ phạm gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân Afghanistan hiện nay”.
Từ sau các vụ ám-sát hụt này, Giám đốc CIA là ông George Tenet cử ông Larry Johnson phụ trách đơn vị tình báo bảo vệ yếu nhân của CIA, phối hợp với Cục An ninh đặc biệt của Tòa Bạch Ốc lập các phương thức bảo vệ Tổng thống Mỹ trong các chuyến công cán trong nước cũng như đi ngoại quốc. Ngày nay, số-lượng nhân-viên của lực lượng bảo vệ an ninh Tòa Bạch Ốc tăng lên 1.550 người so với 1.050 người dưới thời các vị Tổng thống tiền nhiệm của ông George Bush, dĩ nhiên lực lượng bảo vệ chiếc AF1 cũng tăng.
Chiếc AF1 dùng trong những chuyến viễn du. Khi di chuyển gần, tổng thống Mỹ còn có chiếc phi-cơ trực thăng để xử dụng, đó là chiếc Marine One Squadron 1 (HMX-1) có tên là Nighthawks. Đây là chiếc trực thăng trực thuộc Thủy Quân Lục Chiến, đậu tại Căn cứ ở Quantico, Virginia, chuyên phục-vụ cho tòa Bạch-Ốc để chở Tổng thống và các yếu nhân khi cần thiết.
Trường hợp tổng thống Mỹ công du ngoại quốc cần xử dụng chiếc Nighthawks, nó sẽ được vận tải cơ khổng lồ C-5 Strategic (lúc trước) hay Globemaster C-17 (hiện nay) chở đến trước. Dĩ nhiên, nó cũng được bảo vệ an-toàn, mọi chuẩn-bị phải ở mức hoàn hảo, từ nhân viên phi hành, lực lượng bảo vệ đến mọi trang-thiết bị, giống như chiếc chuyên cơ AF1.
HMX-1 phục vụ lần đầu tiên, là chiếc HMX-1 UH-34 Seahorse chở Tổng thống Eisenhower vào năm 1957. Vào ngày 7-9-1957, khi đang nghỉ hè tại nhà ở Newport, Rhode Island, có việc cần phải trở lại Tòa Bạch Ốc gấp. Thông thường, từ Newport, phải mất hàng giờ xe vượt qua vịnh Narragansett để lên Rhode Island, rồi từ Căn cứ Không quân Andrews dùng xe để trở về Washington DC., nếu đi HMX-1 sẽ nhanh hơn nhiều. Mỗi khi viễn du, Tổng thống Hoa Kỳ dùng Marine One từ Tòa Bạch-Ốc đến Căn cứ Andrews để lên AF1.
Từ đó đến nay, Marine One được thay đổi bằng nhiều chiếc phi cơ mới. Trong “lịch-sử an-toàn” của HMX-1, với hơn 273,500 giờ bay kể từ phi vụ đầu đến nay, chưa có tai nạn, rủi-ro nào xảy ra, chỉ có ba trục-trặc nhỏ khi còn ở trên mặt đất. Hai trạm chuyên sửa chữa, tu bổ HMX-1 mang tên Execuitive Flight Detachment và Marine Corps Aircraft Maintenance.
Về phía Nga-sô, chính-quyền Nga, thấy Hoa-Kỳ cấp máy bay riêng cho Tổng-thống, họ cũng trang-bị cho người cầm đầu đất nước họ một chiếc máy bay. Dĩ-nhiên, các chi-tiết đến nay vẫn được họ giấu kín nhưng những tin-tức lọt ra cho thấy sự chuẩn-bị của họ đang tiến-hành đến giai-đoạn chót: đó là một chiếc Ilyushin-96. Theo đài truyền hình NTV Mir của Nga, những chi tiết kỹ thuật về máy bay là “bí mật quốc gia”, chỉ có một số chi tiết thông thường mới được họ công bố. Bên trong chiếc máy bay Ilyushin-96 vừa dùng làm văn phòng, vừa làm tư dinh cho tổng thống, được nhóm kỹ sư tại Ulyanovsk bên bờ sông Volga thiết kế. Tuy vậy, công việc lắp đặt các thiết-bị lại được tiến hành ở Anh với sự tham gia của 10 chuyên gia người Anh nên tin mới bị lộ ra ngoài để công chúng biết. Việc khởi công thiết kế chiếc Ilyushin-96 bắt đầu tại Voronezh mấy năm về trước, lúc ông Putin còn là Thủ tướng Nga. Trong khoang máy bay có một phòng hội thảo, trang trí với cờ và quốc hiệu Nga. Phía trong trang trí đơn giản, không có thứ nào được dát vàng, dát bạc, chỉ có nhựa và thép không rỉ. Dấu hiệụ xa xỉ duy nhất là các vách tường phủ lụa.
Đài NTV Mir dẫn lời Oleg Glushkov, một trong những người thiết kế, cho biết:
-“Chiếc Ilyushin-96 không những tạo cảm giác thư thái cho Tổng thống mà còn đem tới cho ông một không gian thoáng đạt để làm việc một cách hiệu quả nhất. Chiếc máy bay không đơn giản chỉ là một phòng hạng sang, nó còn là trung tâm điều khiển và một văn phòng trên không trung”.
Dù cố-gắng đến mấy đi chăng nữa, nếu đem so-sánh với Marine One, chiếc Ilyushin-96 chắc chắn sẽ thua xa, và không những nó mà cho bất cứ chiếc chuyên cơ nào của bất cứ ai, cho đến hôm nay.
Lê Chánh Thiêm
San Jose, 2003 (có sửa đổi và thêm).
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com