Kể từ khi việc giao-tiếp giữa các dân-tộc phát-triển, nhất là khi có chữ viết, con người đi gần lại với nhau hơn. Từ đó, có sự trao đổi các thành quả, các kinh-nghiệm sống đến những sáng-kiến, các phát-minh để học hỏi, bổ-sung đã giúp cho nhân-loại tiến-bộ như ngày nay. Một trong những phương cách trong giao tiếp quan-trọng là chữ viết, một phương-tiện ghi lại các trao đổi. Với việc chuyển dịch các văn bản từ ngôn ngữ nầy qua ngôn ngữ khác được gọi là phiên dịch.
Trong bài nầy, chúng ta thử bàn thêm sơ qua việc dịch thuật, đánh giá và phê bình, việc làm từng được nhiều vị học-giả đề-cập nhiều trước nay, riêng trong phạm-vi văn-chương, đặc-biệt là về các tác-phẩm văn học mà thôi.
1. Vấn đề dịch thuật.
Chúng ta biết rằng có nhiều tác phẩm được dịch ra một ngôn-ngữ khác. Những sáng-tác càng hay, có giá-trị (những tuyệt-tác còn được gọi là cổ kim tuyệt xướng) càng được dịch ra nhiều ngoại-ngữ. Như vậy, nhiệm vụ của dịch và phê bình rất quan-trọng vì giá-trị của tác-phẩm lệ-thuộc phần lớn từ việc làm nầy.
Thông thường, các tác-phẩm trong lãnh-vực văn-chương, nội-dung ít nhiều có mang tâm-sự của người sáng-tác, được nêu rõ hay ẩn-dụ. Những tâm-tình nầy thể-hiện qua thi văn như nói lên nỗi-niềm riêng của người sáng-tác hay “cảm” cái cảnh của người chung quanh, thay họ mà lên tiếng.
Thí-dụ trong Khuê Ai Lục của Ngô-Thời-Sĩ, ta thấy nỗi-niềm của ông khi có người bạn thân vĩnh-viễn ra đi, trong Ai Tư Vãn ta gặp tâm-tình của Ngọc-Hân Công-Chúa thương khóc Vua Quang-Trung, trong các bài thơ của Bà Huyện Thanh-Quan nói lên tâm-tình “nhớ nước, thương nhà” của bà.
Đọc truyện Kim-Dung, ta thấy ý-tưởng “thiên triều”, “độc-tôn”, cái ý “trung” (Trung quốc) trong ông ta khi dựng các nhân-vật của truyện. Kim Dung dựng nên: Đông tà Hoàng Dược Sư, Bắc cái (ăn mày) Hồng Thất Công, Tây độc (Âu Dương Phong),... là những kẻ không ra gì, là các địch thủ của “Trung” thần-thông (Vương-Trùng-Dương): nhân-vật có võ-công cái-thế, đáng trọng; và như nhóm chữ “bá quyền Bắc-Kinh” mà có lúc Việt Cộng gán cho “chị hiền Trung-Hoa” vào thời “môi hở răng lạnh” thuở nào. Ta còn gặp trong biết bao sáng-tác khác nữa cũng thế.
Biết được điều nầy, mỗi khi dịch một tác-phẩm, dịch-giả phải hiểu mục-đích, ý-nguyện, lý-do, hoàn-cảnh khi tác-phẩm đó ra đời; phải hiểu về tác-giả, có như vậy mới dịch đúng được nội-dung của tác-phẩm, phần nào lột được ý của tác-giả để gởi đến độc-giả.
Có những sáng-tác, qua đó, tác-giả nói lên nhân-sinh-quan của mình hoặc dựng nên một đề-tài để khen, để tán-dương các tình-tiết trong đó nhưng thâm ý thì trái ngược lại. Có khi người dịch phải biết “ẩn ý” của tác-giả, mượn việc nầy để nói điều khác, phải biết đóng vai một thi-sĩ, một người có chút máu văn-nghệ, triết-học, luân-lý,...thì mới “chuyển” được cái hay cái đẹp của tác-phẩm đó, phần nào làm đúng nhiệm-vụ dịch thuật.
Người làm nhiệm-vụ dịch thuật cần có các điều-kiện ắt có và đủ: ngoài việc hội đủ các yếu-tố căn-bản của công-tác còn cần phải giỏi ngôn-ngữ đó, phải giỏi tiếng mẹ đẻ và phải có một kiến-thức nhất-định.
* Thứ nhất, người dịch phải biết những nguyên-tắc căn-bản của công việc, như một người muốn làm toán phải biết 4 phép tính chính.
* Thứ nhì, phải thông-suốt ngôn-ngữ nguyên-tác. Đừng tưởng là khi học và giỏi một ngoại ngữ nào là ta sẽ dịch được tất cả các tác-phẩm thuộc ngoại ngữ đó một cách dễ-dàng, trôi chảy. Mới nghe qua, tưởng đây là một nghịch-lý nhưng là một sự thật không thể chối cãi được. Một dịch bản hay không thể có ở một dịch giả chưa tinh thông ngôn ngữ đó.
* Thứ ba, có ngoại-ngữ là điều kiện cần nhưng chưa phải đủ: còn phải thông-thạo tiếng mẹ đẻ nữa. Không phải dịch giả nào cũng giỏi tiếng mẹ đẻ. Ví dụ là người Việt, ta nói rành tiếng Việt nhưng không một ai dám xác-quyết là mình biết tất cả nghĩa của chữ Việt, các từ ngữ Hán-Việt, tiếng được lập nên do chữ nước ngoài, thổ ngữ, tử ngữ, danh-từ chuyên-môn, tiếng lóng v.v... Muốn dịch một tác-phẩm ra Việt ngữ cho hay, súc-tích, tiếng Việt phải thông-suốt thì lời văn mới trôi chảy, đọc dễ nghe.
Ngoài ra, còn có biết bao nhiêu thứ khác cũng cần-thiết như kiến-thức về địa-lý, dân-tộc, lịch-sử, phong-tục, thổ-ngữ,...nhìn chung, là kiến-thức liên-quan đến tác-phẩm.
2. Những trường-hợp dịch thuật đáng đề cập.
Trước tiên, trong cuốn “Spring Essence, The Poetry of Ho Xuan Huong” do nhà xuất-bản Copper Canyon ấn-hành, một người Mỹ dịch thơ của Hồ-Xuân-Hương. Trong bản dịch có câu: “Kind sir, if you love me, pierce me with your stick”, dịch giả chuyển ngữ câu: “Quân tử có thương thì đóng cọc”.
Ta có thể xem dịch giả chuyển ngữ như vậy bởi kiến-thức hạn hẹp về ý và lời. Tuy trong sách có lời giải-thích: “mít có thể chín sớm nhờ đóng cọc, theo kinh-nghiệm của người Việt” nhưng để diễn dịch ý quân tử có thương thì đóng “cái cọc của chàng vào” thì người Mỹ nầy hoàn-toàn không biết.
Còn câu: “Rúc-rích thây cha con chuột nhắt/ Vo-ve mặc mẹ cái ong bầu” thì ông ta dịch: “The little father mouse squeaking about, doesn’t care, nor the mother honeybee buzzing along, fat with pollen”.
“Thây cha con chuột nhắt” mà lại dịch là “con chuột cha” với “mặc mẹ cái ong bầu” là “con ong mẹ” thì rõ-ràng người dịch chưa thật sự thấm nhuần Việt ngữ cho mấy, chưa hiểu “thây cha”, ”mặc mẹ”, một lối nói ví-von trong dân-gian Việt là gì.
Một trường-hợp khác. Trong tuần-báo U.S.News & World Report, số ra tháng 3-1998, trong mục Special Report viết về Thống Tướng William C. Westmoreland, Tổng Tham-Mưu Trưởng Quân đội Hoa-Kỳ. Tác-giả bài viết là Phillip Jones Griffiths đã dịch hai câu thơ của một người Việt khi lấy cuộc đời của cố tác-giả nầy để so-sánh sự-nghiệp của vị danh tướng của Hoa-Kỳ nói trên. Ông ta lấy hai câu:
“Thời lai đồ-điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”
trong bài Cảm hoài của Đặng-Dung, dịch ra Anh ngữ như sau:
“With luck even a fool wins gloriously
Without it a hero is helpless”.
Hai câu chuyển ngữ rõ-ràng chưa ổn, chưa đầy-đủ ý nghĩa mà tác-giả muốn nói, dịch giả chưa hiểu trọn vẹn cái ý của chữ “đồ-điếu”. Câu dịch còn không đưa độc giả Mỹ hiểu được cái hùng tráng của một người có tài, trung hiếu nhưng không có thời, chỉ nêu lên việc “gặp thời thì thành-công”, nêu lên sự khôn ngoan tầm thường, lấy việc may rủi trong sự thành bại ở đời để luận anh hùng.
Đồng ý rằng tác-giả thông hiểu Việt-ngữ, có thể do nghề-nghiệp, chẳng hạn là nhân-viên ngoại giao, nhân viên của CIA, là giáo-sư ngoại-ngữ ở các đại-học Mỹ hay là nhà xã-hội-học, nhà truyền giáo hoặc những lý-do khác... hoặc ông ta thích thơ Đặng-Dung nên đã lấy 2 câu thơ này để diễn-tả tình-cảnh của Tướng Westmoreland khi bị thất-sủng sau cuộc chiến Việt-Nam mà ông xem giống như tình-cảnh ông Đặng-Dung, nhưng ông đã mắc phải vài sai lầm đáng nói.
Trước hết, thời mà Đặng-Dung sống không phải ở thế-kỷ 18 như Griffiths nói trong sách mà là cuối thế-kỷ 14 đầu 15 khi ông nối chí cha là Đặng-Tất phò vị vua nhà Trần cuối cùng là Trần-Quí-Khoách. Ông ta gọi Đặng-Dung là “nhà ái-quốc”, theo Việt sử, Đặng-Dung là “trung-quân” (trong Việt-Nam Sử Lược (tr. 80), Trần Trọng Kim ghi là “trung liệt”). Lấy Đặng Dung đem so-sánh với Westmoreland là một danh-tướng của Hoa-Kỳ, hai trường-hợp hoàn toàn không giống nhau.
Đọc lại tiểu-sử của Tướng William C. Westmoreland, chúng ta biết ông ta không phải là phường “đồ điếu”. Óc chỉ-huy của Westmoreland có thể được cho là thiên-phú: khi mới 12 tuổi đã là một đội-trưởng hướng-đạo, 15 tuổi được đề cử đại-diện cho Hướng Đạo Hoa-Kỳ tham dự “Họp bạn Hướng-Đạo Thế-giới” tổ-chức tại Anh Quốc.
Vào quân ngũ, nhập học ở trường võ-bị danh tiếng West Point, được đề cử chức vụ Đại-đội Trưởng khóa sinh, tốt-nghiệp thủ-khoa, được lãnh thanh gươm danh-dự Persing, một vinh-dự lớn lao cho bất cứ quân nhân nào vì thanh gươm này chỉ trao mỗi khóa cho người đỗ thủ-khoa mà thôi. Lễ mãn khóa ông theo học cũng là kỷ-niệm lễ mãn khóa lần thứ 50 của trường nầy. Vinh hạnh hơn nữa là ông nhận thanh gươm do con người huyền-thoại lừng danh của quân-sử Mỹ là Thống Tướng John J. Persing, cựu Tư-Lệnh Lực-Lượng Hoa-Kỳ trong Thế chiến thứ nhất chính tay trao tặng.
Ra trường, sau một thời gian, ông được chỉ định làm giảng viên Trường Cao Đẳng Chiến-Tranh Lục quân ở Carlisle Barrack (Pennsylvania), Trường Cao đẳng Chỉ-huy và Tham-Mưu ở Fort Leavenworth và Trường Nhảy Dù tại Fort Benning (Georgia), Tư Lệnh Sư-Đoàn 101 Nhảy Dù, với nhiều quân-công, chiến-công tại các chiến-trường trong Thế chiến thứ hai, tham-dự các trận nổi tiếng ở Ý, Đức, Pháp, Bắc-Phi, Triều-Tiên,... danh-tiếng của ông lừng-lẫy, các cấp nể phục, lắm kẻ thèm thuồng. Westmoreland được Tổng Thống Eisenhower chọn như vị tư-lệnh tương-lai cho quân-lực Mỹ. Ngoài việc ông đã tốt-nghiệp các khóa học trong quân-đội Mỹ, luôn khóa cao-đẳng chiến-tranh, ông còn được gởi đi trường Đại-học danh-tiếng Havard để học quản-trị và điều-hành.
Tài-cán và tương-lai đang lên, thế nhưng vận may không đến với ông khi Westmoreland được Tổng-Thống Johnson chọn làm Tư-lệnh Cơ-quan Yểm-trợ Quân-đội Mỹ tại Việt-Nam (COMUSMACV, Commander, United States Military Assistance Command, Vietnam) qua lời giới-thiệu của vị Tướng nổi danh là Douglas McArthur để thay thế cho Tướng Paul D. Harkins trong thời Mc Namara làm Bộ trưởng Quốc-Phòng.
Chính trường Hoa Kỳ lúc đó do phe bồ-câu nắm quyền sinh-sát, đảng Dân Chủ đa số tại Quốc-hội Mỹ nên họ làm áp-lực lên chính-phủ và những kẻ hoạt-đầu chính-trị lợi-dụng những quyền tự-do pháp định để xúi giục những cuộc biểu tình phản chiến, đốt thẻ quân dịch, trốn lính (trong đó có ông Bill Clinton, John Kerry) v.v... Những hành-động do họ gây nên đã bó tay quân-đội Mỹ, đẩy kết-quả chiến-tranh từ mặt trận trở lại bàn giấy, làm uy-danh một đội quân hùng-mạnh bị đổ-vỡ, kéo theo vị chỉ-huy khét tiếng là tướng Westmoreland tiêu-tan danh-vọng.
Bài báo còn nói thêm vài vị tướng Mỹ khác như McArthur, Patton... cũng lâm vào mạt-vận bởi nhiều nguyên-nhân không do họ gây ra nhưng điều chắc-chắn là những vị tướng Mỹ này không phải là hạng “đồ điếu” như Phillip J. Griffiths gán-ghép. Trước những áp-lực từ nước Mỹ, Tướng Westmoreland bị triệu-hồi về nước, bị cách chức bằng một sự vinh-thăng một địa-vị hữu danh vô thực tại Hoa-Thịnh-Đốn.
Như thế, tác-giả bài báo trên U. S. News & World Report chưa “đủ trình-độ” để hiểu rõ chữ “đồ điếu”, chưa hiểu rõ lịch sử Việt-Nam, chưa cho độc giả Mỹ biết những con người tài-năng trung-hiếu như trường-hợp Đặng Dung là hạng người như thế nào. “Đồ điếu” là một tập hợp ngữ 2 chữ: “đồ” (là “đồ tể”, tên thiến heo, người Bắc VN gọi là “hoạn lợn”) và “điếu” (người câu cá). Đặng Dung lấy từ ngữ nầy để chỉ điển tích 2 nhân vật trong sử Tàu, 2 người có công giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán. “Đồ” chỉ Phàn Khoái, trước khi đầu quân dưới trướng Lưu Bang thì Phàn Khoái làm nghề mổ heo, bán thịt ngoài chợ. “Điếu” chỉ Hàn Tín, khi chưa gặp thời làm nghề câu cá độ nhật, sau giúp Lưu Bang diệt được quân Sở, lập nên nhà Hán. Ông Đặng Dung xem thường 2 công thần đã giúp Lưu Bang xây dựng nhà Hán nầy. Tóm lại, việc Phillip Jones Griffiths lấy 2 nhân vật Đặng Dung và Westmoreland so sánh qua câu thơ trên là điều sai lầm to lớn. Cả hai người không ai thuộc hạng “đồ điếu” như ông ta có ý gán ghép khi đề cập đến câu thơ trên trong bài viết của mình.
Nhân việc tờ U. S. News & World Report nói về tướng Westmoreland, ta thử so-sánh sơ qua vị tướng Mỹ nầy với tên tướng Việt-Cộng Võ-Nguyên-Giáp, cùng một hoàn-cảnh. Khi thất-thời, ông tướng họ Võ chỉ còn cái quyền chỉ-huy một tổ-chức được chính quyền Hà-Nội đặt tên “kế hoạch sinh đẻ”. Thời đó, có câu thơ truyền tụng trong dân gian: “Ngày xưa Đại tướng cầm quân/ Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em” để diễu-cợt, mỉa-mai cái “chức” của ông Tướng hết thời. Có người cho rằng có lẽ Hà Nội “trả thù” một cách cay độc với người đồng chí của họ vì ông ta đã “nướng” hàng mấy triệu thanh thiếu niên Việt-Nam trên các chiến-trường khi ông cầm quân, qua việc họ “ban” cho ông cái chức trên nhưng điều nầy chắc không đúng vì người Cộng sản làm gì có lương tâm để nghĩ đến các cái chết do họ gây ra mà nếu có thì chỉ với lý do “phe phái” triệt hạ lẫn nhau mà thôi.
Trong lịch-sử của Cộng-sản, đảng này đã giết người hay tạo ra những hoàn cảnh để con người phải chết làm sao kể xiết, với con số tính bằng đơn-vị triệu từ cái “lò” là Liên-bang Sô-Viết thì quả tim sắt của ông Tướng nầy đâu biết rung động. Cán bộ đầu sỏ Việt Cộng đã từng tuyên-bố: “thời-gian, con số thương vong đối với họ không quan trọng, miễn sao họ chiến thắng thì thôi”. Người ta cho rằng Hà-Nội “bắt” ông chứng kiến việc sinh đẻ, nuôi nấng một mạng người khó khăn như thế nào dưới chế độ Cộng-sản bởi việc sinh đẻ dưới chế-độ Cộng-sản phải “có phép” của đảng. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu lời phẫn uất của nhân dân, chẳng hạn:
“Trời ơi! Hợp tác hợp te,
Ruộng đất lấy hết
Còn cái “khe” cũng bắt đặt vòng”
hay:
“Bọn Cộng nô vô cùng tàn ác
Chúng tự tung, tự tác, hoành hành
Chị em phụ nữ hiền lành
Chúng “cùm” âm hộ để thành bệnh nhân”
hoặc là lời cay cú hơn:
-“Cô đi cùm l…” (*), câu trả lời của một phụ nữ đang trên đường đến nơi đặt vòng theo lệnh của chính quyền, khi có người hỏi bà ta đi đâu.
Người ta đâu ngờ cái thời “vinh quang” của ông đã qua được thay thế bằng mấy chục triệu cái vòng xoắn ngừa thai trong tay. Chắc ông Tướng hết thời họ Võ, “người hùng Điện-Biên” (sic) không ngờ Đảng mà ông yêu quý đối-xử với ông cạn tàu ráo máng, quên tình bội nghĩa đến độ như vậy. Điều đáng nói là từ người nhận chức “tham vị đến mức mù-quáng” cho đến những kẻ phong chức cho kẻ khác “bạc đãi đến mức táng-tận” lại thường xảy ra trong xã-hội Cộng-sản, một xã-hội mà nhân-loại kinh-tởm, đã ruồng-bỏ nhưng cũng còn lắm kẻ điên cuồng chấp-nhận, đủ thấy chế-độ đó ra thế nào rồi.
Chuyện Phillip J. Griffiths dịch và đưa thơ Đặng-Dung, một người Việt lên mặt báo Hoa-Kỳ, dù rất hạn hẹp nhưng đó cũng là điều an-ủi cho Đặng Dung, tuy dịch giả chưa lột được hết cái hồn của nguyên tác, một bài thơ mà cách đến mấy trăm năm qua, khi đọc lại ta vẫn thấy cái hay, cái hùng tráng của nó. Như thế, tuy không hoàn-thành ý nguyện phò nhà Trần nhưng Đặng-Dung đã thành-công khi mấy thế-kỷ qua, bài thơ ông vẫn còn nhiều người ngưỡng-vọng và nhất là bài thơ là bài thơ đó là niềm an-ủi to lớn cho những kẻ bất-đắc-chí, những người sinh bất phùng thời như ông.
Nhân đây xin nói thêm về tờ U.S.News & World Report, một trong những tờ báo từng dùng quyền tự-do ngôn-luận hiến-định để cùng với các hệ-thống truyền-thông khác chống đối chính-quyền Mỹ với nhiều mục-đích. Sau vụ khủng-bố 11-9-2001, mới đây, cây viết Kenneth Walsh của tờ báo nầy đã so-sánh Tổng Thống George W. Bush và các tin tình-báo về vụ bọn khủng-bố tấn-công nước Mỹ như: “Richard Nixon với vụ Watergate, Ronald Regan với vụ Irancontra và Bill Clinton với vụ Whitegate” để rồi cuối cùng với lời kết tội: “Ông ta đã biết những gì? và biết tự bao giờ?”. Thật sự, Tổng-thống Bush, CIA, FBI không biết “chi-tiết” vụ khủng-bố nầy vì trên đất nước mà sự tự-do được tuyệt-đối tôn-trọng nầy, có gì dấu được dân-chúng, nhất là dấu được hệ-thống truyền-thông Mỹ, những kẻ thừa khả năng biến “trái núi có thể thành con chuột nhắt”, những kẻ “có thể len lỏi đến những chỗ mà con người bình thường không thể chen tới được”, như lời một nhà bình-luận đã viết. Truyền thông Mỹ a dua theo đảng Dân Chủ nên họ chống bất cứ nhân vật lãnh đạo nào thuộc đảng Cộng Hòa đối lập với họ, trong bất cứ mọi chức vụ dân cử nào. Chúng ta thử biết qua vài chuyện.
Sau vụ khủng bố vào Mỹ của bọn không tặc Hồi giáo, trong chuyến công-du Âu Châu, tại Pháp quốc, trong một cuộc họp báo cùng với Tổng-Thống Pháp Jacques Chirac được trực-tiếp truyền hình trên toàn thế-giới, Tổng-thống Mỹ George W. Bush đã bị các phóng-viên ngoại-quốc chất-vấn về mọi vấn-đề với những câu hỏi hóc-búa của những tay phóng-viên “tầm cỡ thế-giới”. Điều người ta không ngờ tới là ký giả David Gregory thuộc hệ-thống NBC của Mỹ lại định “hạ” ông Bush trước hàng tỷ cặp mắt khán-giả trên hoàn-vũ với câu hỏi:
-“Ông có tự hỏi tại sao đang có những cảm nghĩ mạnh-mẽ ở Châu Âu chống lại ông và chính-quyền của ông? Đặc-biệt là vì sao có cái nhìn như ông và chính-quyền của ông đang cố áp-đặt ý muốn của nước Mỹ lên phần còn lại của thế-giới, nhất là vấn-đề Trung Đông và về bước kế tiếp của cuộc chiến-tranh chống khủng-bố?”.
Sau khi hỏi ông Bush xong, viên ký giả nầy quay sang Tổng thống Pháp Chirac, vênh-váo hỏi bằng tiếng Pháp: “Và thưa tổng-thống, có lẽ ông muốn bình-luận về việc nầy?”.
-“Ông Bush bỗng trở nên linh-động”, một nhà bình-luận thời sự ở Mỹ ghi vậy, rồi mỉm cười, hóm-hỉnh nói: “Hay lắm, anh nầy đã nhớ được bốn thứ tiếng và anh đã trình-diễn giống như người liên-lục-địa”.
Viên ký-giả đỡ đòn: “Tôi có thể tiếp tục nói?”.
-“Tôi đã phục tài anh rồi – que bueno”, ông Bush dùng tiếng Tây-Ban-Nha, có nghĩa “thật tuyệt vời”; và rồi ông nói đùa: “Và bây giờ tôi là người biết hai ngôn-ngữ”.
Câu nói làm cả phòng họp báo trong điện Élyseé rộn lên tiếng cười. Sau đó, ông Bush nghiêm-nghị trình-bày những tiến-trình mà chính-phủ Hoa-Kỳ đã thực-thi liên-quan đến câu hỏi được đặt ra.
David Gregory còn nài-nỉ:
-“Thưa ông (Sir.), nếu tôi có thể nói tiếp” nhưng ông Bush lạnh lùng, dứt-khoát “Xin cám ơn!”.
Đối với người Mỹ, người ta không ngạc nhiên trước sự kiện một vị Tổng thống bị “bắt bí” như vậy hơn là ở các dân tộc khác. Những hiện tượng như vậy không bao giờ có trên các đất nước khác nên việc họ ngạc nhiên không là điều khó hiểu mấy.
Sau đó, đến phiên ông Chirac trình-bày quan-điểm của chính-phủ Pháp về mối liên-hệ thiện-cảm giữa hai dân-tộc Pháp Mỹ, không có chuyện chống đối Mỹ như những lời cáo-buộc. Các cuộc biểu tình chỉ là bên lề, là bình thường trong xã-hội tự-do, không đáng để ý và không thể xem là quan-điểm của các chính-phủ và nhân-dân các nước có các cuộc biểu tình xảy ra đối với chính quyền và nhân-dân Hoa-Kỳ, theo lời tường thuật của một bài bình-luận.
Tại Mỹ, sự tự-do bị giới truyền-thông tự-do thiên tả - thực ra là những "con rối" theo đảng Dân Chủ, hết lòng phụ vụ cho đảng và thi hành các chỉ thị của đảng đưa ra, vì thế được dân chúng Mỹ gọi là "truyền thông Dân Chủ" hay "truyền thông thiên tả" - của Mỹ lạm-dụng một cách lố-bịch để chống chính-quyền hành-pháp nằm trong tay của đảng Cộng-Hòa. Đảng Dân-Chủ nắm trong tay ngành truyền-thông: hầu hết các hệ thống truyền hình, truyền thanh (ABC, CBS, NBC, CNN, MSNBC..., trừ ra Fox News), báo chí (Washington Post, New York Times, Los Angeles Times, Wall Street Jouenal,...). Do vậy, họ triệt-để khai-thác mọi thời-cơ để làm giảm uy-tín của đảng đối-lập mặc dù hành động đó có thể gây phương hại cho quốc gia. Các cơ quan truyền thông thiên-vị đã đánh-lừa, mê-hoặc độc-giả (với báo-chí), thính-giả (truyền-thanh, truyền-hình), vo tròn bóp méo tin-tức, tung tin thất thiệt với mục-đích duy nhất là có lợi cho đảng Dân Chủ. (Đoạn dưới sẽ viết thêm về chuyện nầy).
Điển hình, chỉ với nội dung một nguồn tin, bọn họ đã áp dụng chiến lược "xa luân chiến" để đánh T.T. George W. Bush, rồi "gia tăng buộc tội" ông ta thêm lên. Chúng ta còn nhớ, ngày 15-5-2002, David Martin của hệ-thống truyền-hình CBS tung tin “TT Bush đã nhận được báo cáo từ tháng 8-2001 rằng bọn khủng-bố có khả-năng cướp máy bay” để rồi vài giờ sau đó, tên Judy Wooddruff chuyển tin nầy trên hệ-thống CNN, trở thành “TT Bush đã biết trước bọn al Qaeda đang có kế-hoạch cướp một chiếc máy-bay của Mỹ” và sáng hôm sau, Katie Couric của hệ-thống NBC tán rộng ra thêm tin trên để rồi sau cùng với lời buộc tội: “Ông ta đã biết những gì? và biết từ bao giờ?”. Hệ-thống ABC cũng không bỏ lỡ cơ-hội, họ phụ-họa thêm trong những lời bình-luận và tạo nên đám mây mù với lời buộc tội của Charlie Gibson: “một âm-mưu trong Bạch cung” rồi chấm dứt với thắc-mắc: “Không biết TT Bush có “thực sự ngạc nhiên không” khi nghe tin bị tấn công?”. Rõ ràng họ chống phá có hệ-thống, có tổ-chức, có lớp-lang, có tuồng-tích đàng hoàng. Đòn phép độc thật! Và cũng đáng tởm thật!
Ta hãy nghe ý kiến về ngành truyền-thông thiên tả như sau:
-“Bọn họ cùng một giuộc với nhau, cứ tụ-họp ở một số quán nhậu đâu đó rồi bốc phét, tung tin giả, làm mất lòng tin nơi người đọc”, lời phát biểu của Salman Rushdie - nhà văn Anh, người đã bị Giáo-chủ Iran là ông đạo Ayatollah Khomeini kết án tử hình lúc xuất bản cuốn Những Vần Thơ Ác Quỷ (The Satanic Verses) vào năm 1988, khi ông nói về báo giới lúc ông đươc một tờ báo Đức phỏng-vấn tại New York. Ông còn cay-cú đả-kích các nhà báo Anh, cho họ là “những tay nhà báo cay-nghiệt” (hatchet journalists), tưởng cũng không ngoa vậy. Quyết-liệt hơn, “họ bị hiện-thực hóa chính-trị đô-hộ”, như lời một nhà chính-trị Mỹ nói cùng báo giới.
3. Những trường hợp dịch thuật đặc biệt:
Trong dịch thuật, ta cũng gặp những tình-huống đặc-biệt. Thí dụ trong tiếng Anh, “hot, warm, cool, cold,” tương-đương với “nóng, ấm, mát, lạnh” trong Việt-ngữ. Hai từ ngữ hot, cold (nóng, lạnh) không có gì đáng nói nhưng “warm, cool” tuy tương-đương với tiếng Việt là “ấm, mát” nhưng có thể hiểu khác một chút. Chữ “warm” có nghĩa là “nóng” mà cũng là “ấm”, có thể diễn-tả cái “khó chịu” cũng như cái “dễ chịu”. Khi nói “It’s getting warm in here!” (ở đây coi bộ nóng!) diễn-tả cái “khó chịu” (so với các chỗ khác) và “It’s getting warmer today” (hôm nay trời coi bộ ấm) diễn-tả cái “dễ chịu’”. Như thế, khi dịch, ta phải tùy theo hoàn-cảnh mà ta phải dịch là “nóng” hay “ấm”. Tiếng Việt thực-tế hơn, nói “ấm” có nghĩa là không lạnh hơn các ngày khác, diễn-tả cái “dễ chịu” mà ai ai cũng hiểu, chữ “mát” biểu-hiện trạng-thái dễ chịu ngay, không thể nhầm lẫn được, người dịch ra ngoại ngữ phải hiểu điều nầy.
Từ ngữ “trên” và “dưới” của Việt ngữ mang nghĩa không được xác thực lắm, cái gì “trên” giới hạn của cơ thể con người đều gọi là “trên”: trên trời (trong khi Anh ngữ là “in sky”) và ngược lại, đều dùng “dưới” (dưới nước, Anh ngữ là “in water”). Người dịch phải biết điều nầy mới có thể dịch đúng được.
Một điều khác nữa trong Việt-ngữ đáng để ý là hai từ-ngữ mang ý nghĩa trái ngược nhau nhưng chỉ là một, đó là “cái áo lạnh” hay “cái áo ấm”. Người ngoại-quốc cảm thấy khó hiểu tiếng Việt như họ từng khó hiểu: con chó đen gọi là con chó mực, ngựa đen thì gọi là ngựa ô, mèo đen gọi mèo mun, mắt đen gọi là mắt huyền, gỗ đen gọi là gỗ mun v. v...
Ngoài ra, có nhiều điều đáng nói khác. Ta còn gặp câu “...đã có khoảng nửa chục người đến họp”, chắc chắn rằng dịch như vậy không đúng, người Việt ta không ai nói “nửa chục” hay “nửa tá” người mà nói “dăm bảy” người. Câu “Ông ta trạc cuối tứ tuần” cũng là sai, trong Việt ngữ không ai nói “cuối tứ tuần” mà nói trạc gần năm mươi (hay hơn hoặc trên 50). Rồi đến câu “Anh ta ăn cơm nguội ăn với dưa”, một dịch giả đã dịch chữ “dưa” là “watermelon”; rõ ràng dịch giả nầy chưa biết loại dưa mà người Việt đem muối dùng để ăn với cơm là gì. Watermelon là dưa hấu, không phải là loại dưa đề-cập trong câu nói trên.
Một trường hợp khác có liên-quan đến ngôn-ngữ. Mới đây, án-lệnh của ông quan Tòa số 1 thuộc Quận hạt Harris, Texas có ghi một câu: “Plaintiff Vu Khanh is a renowned Vietnamese vocalists of the Vietnamese”, rõ-ràng là sai-lầm về việc dùng chữ. Người ta có hai suy đoán. Một là tổ-hợp luật-sư Tammy Tran (do ca sĩ Vũ Khanh mướn) trình lý-lịch thân chủ họ cho vị quan tòa này: thân chủ ông ta là “một ca sĩ người Việt Nam tên là Vũ Khanh” nhưng ghi là “ca sĩ của người Việt-Nam”. Thứ hai là có thể sai lầm do tòa án này gây nên. Không ai có thể “là ca-sĩ của người Việt-Nam được” (of the Vietnamese), mà “là ca sĩ người Việt-nam”. Chỉ một chữ “of” mà nghĩa đã khác nghĩa nhau một trời một vực. Được biết đây là một án lệnh liên-hệ đến việc tác-quyền trong lãnh-vực ca nhạc, liên quan đến ca-sĩ Vũ Khanh.
Một số từ-ngữ Việt chắc cũng “gây khó khăn” cho dịch-giả ngoại-quốc, tỷ-dụ như chữ “làm thinh”. Nếu giải nghĩa đen theo lối chiết-tự (như chữ Hán), “thinh” là thanh, âm-thanh, tiếng động, “làm” là dùng công sức để tạo ra một cái gì; ghép lại, làm thinh là gây nên tiếng động nhưng chữ “làm thinh” mang nghĩa trái lại, là “giữ im-lặng”. Rồi tìm về nguồn-gốc chữ “làm thinh”, qua những “biến-đổi ngữ-âm”, ta lại khám-phá ra chữ “làm” nguyên là chữ “hàm”nghĩa là ngậm [trong chữ hàm-ân, hàm-huyết (hàm-huyết phún nhân: ngậm máu phun người)]; “hàm-thinh” tức ngậm, giữ âm-thanh lại, không cho phát ra, tức giữ im-lặng.
Như thế, một dịch-giả ngoại-quốc cho dù thông hiểu tiếng Việt chưa đủ mà phải biết từ-ngữ Hán-Việt, phải hiểu những “biến-đổi ngữ-âm” qua thời-gian như trường-hợp vừa nêu khi dịch chữ “làm thinh”. Rồi chữ “ăn” trong các chữ: “ăn giỗ, ăn tân-gia, ăn cướp, ăn bám, ăn ảnh, ăn diện, ăn chận, ăn đời ở kiếp, ăn nhằm, ăn thua, v.v...” không phải chữ “ăn” nào cũng có nghĩa diễn-tả hành-động đưa thức ăn vào dạ-dày cả, hiểu hết là điều không dễ cho người ngoại quốc.
Trong truyện Kiều, nhiều từ-ngữ rất khó dịch ra ngoại ngữ sát nghĩa như cụ Nguyễn Du viết. Chữ “gìn vàng giữ ngọc” (trong câu “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”) là những lời Kim-Trọng dặn-dò Kiều trước khi đi thọ tang cho chú, được Nguyễn Du sử dụng ẩn dụ, theo thiển nghĩ, rất khó mà người ngoại quốc hiểu được. Chính vì những lời tha-thiết nầy, khi biết mình không còn giữ được “vàng, ngọc” cho người yêu, Thúy Kiều đã khóc than: “Ôi Kim lang, hỡi Kim lang, Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” hay những lời hối tiếc “Biết thân đến bước lạc-loài/ Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung”.
Còn chữ “màu”, không phải lúc nào cũng chỉ “sắc”. Trong câu “Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu”, chữ màu có nghĩa là trạng-thái, sắc thái; còn trong câu “rừng phong thu đã nhuốm màu quan-san”, chữ “màu” ngoài nghĩa đen có thể hiểu theo nghĩa thi-vị-hóa là dáng dấp, vẻ, còn hiểu theo nghĩa tâm-lý học, trước tình-cảnh chia tay, xa cách của hai kẻ yêu nhau, rất khó cho người ngoại quốc dịch “lột” hết ý của tác-giả được.
Nói đến số đếm trong tiếng Việt, thiết nghĩ cũng “làm khó dễ” cho các dịch giả không ít. Số 1: đứng một mình là 1, đứng sau các số khác, có khi là “mốt” (21, 31), khi trở lại 1 (101, 201); có khi đọc là “mốt” (110, 210) nhưng nghĩa không phải là 1 mà là hàng chục. Tương-tự, số 5, khi đứng trước các số khác là 5 nhưng đứng sau có khi đọc là “lăm” (15, 55) có khi đọc là “nhăm” (25, 35).
Đến danh-từ Hán-Việt lại càng rắc-rối. Ai cũng hiểu chữ “phu” là chồng, “phụ” là vợ; khi nói người chồng vụng về người ta dùng chữ “chuyết-phu” nhưng khi nói “người vợ vụng về” lý ra phải dùng “chuyết-phụ”, nhưng người ta lại dùng chữ “chuyết-kinh”.
Còn nữa, chỉ riêng nhân xưng đại-danh-từ ngôi số một “tôi” không thôi, tùy người nói ra, ta gặp những chữ: quả nhân, cô gia, kẻ hèn, bỉ nhân, bổn soái, bổn tướng, mạt tướng, hạ quan, ti chức, hạ thần, vi thần, thiểm chức, bản chức, bần tăng, bần đạo, bản tòa, ông, bà, ba, mẹ, con, cháu, em, chị, anh, tôi, tao, ta... Rõ-ràng ngôn-ngữ Việt-Nam “giàu” quá, đôi khi cũng lắm phiền-phức.
Một điều đáng để ý nữa là khi dịch một ngôn-ngữ, một chữ có nhiều nghĩa là một việc đôi khi chữ nầy còn mang một nghĩa đặc-biệt hơn. Ví dụ chữ “speaker”, nếu dịch ra Việt ngữ là “phát-ngôn-viên” nhưng danh-từ trong pháp-chế một số nước Âu-Mỹ, chức-vụ “Speaker of the House” không là “phát-ngôn-viên Quốc-hội” mà là “Chủ-tịch Quốc-hội” nhân-vật đứng đầu trong Hạ-viện, người duy-trì quyền-hành và trật-tự các phiên họp tại Hạ-viện, giữ vai-trò hoàn-toàn độc-lập, không được thiên-vị đảng-phái”, rất khác chức-vụ “Chủ tịch Hạ viện” của VNCH chúng ta ngày trước.
Người ta nhắc đến giai-thoại có lần một xướng-ngôn-viên Việt-ngữ của đài BBC (Anh quốc) đã dịch từ-ngữ “Speaker” là “phát-ngôn-viên” trong một bài bình-luận nói về một chuyện xảy ra tại Quốc hội Iran dưới thời cai-trị của ông đạo Ayatollah Khomeini liên-quan đến ông Chủ-tịch quốc-hội Iran.
Cho dù người ta hiểu là vị xướng ngôn viên nầy mắc lỗi do vội-vã hay sơ-xuất nhưng đây cũng là bài học “nhớ đời” cho sự cẩu-thả khi dùng chữ, nhất là cho những người làm nghề truyền-thông. Dĩ-nhiên, vị xướng-ngôn-viên nầy rất ân-hận và chuyện nầy đã thành một giai-thoại trong ngành truyền thông.
Trong Anh ngữ, có những từ-ngữ nếu dịch sát nghĩa sang Việt ngữ sẽ không xác thực theo từng tình-huống. Ví dụ chữ “fresh” có nghĩa là “tươi” nhưng khi nói "fresh coffe" có nghĩa là cà-phê nóng chứ không ai nói cà-phê tươi; tương tự, nếu “fresh tea” dịch là “trà tươi”, người Việt ta sẽ hiểu là nước trà được nấu bằng lá trà còn xanh (chưa phơi khô, chưa được ướp) mà không nghĩ là trà nóng.
Ngoài ra, khi dịch một văn bản, khi nội dung văn bản nói về tình huống, về hoàn cảnh, về “hạng” người nào, người dịch phải biết tế nhị, phải chừng-mực để dẫn dắt độc giả vào đúng vị trí được nói trong bản văn. Xin nêu ra hai dẫn chứng cho trường hợp nầy.
Thứ nhất, chữ gift (quà tặng, biếu, hiến, dâng), trong Kinh thánh có nói đến chữ nầy, trong câu: “But each man has his own gift from God, one has this gift, another has that”. Nếu dịch “Nhưng Đức Chúa Trời ban cho mỗi người một tặng vật riêng, người được tặng vật nầy, kẻ được tặng vật khác” sẽ không xác thực, không hợp với tình huống mà phải dịch là “ân tứ” mới hợp, mới sát nghĩa với ơn phước từ một đấng quyền năng vô hình.
Thứ hai là trường hợp chữ “crowed” được ông Stanley Karnow dùng trong bài “Vietnam’s shadow Lies Across Iraq” đăng trên tờ Los Angeles Times, số ra ngày 26-9-2003, trong mục Commentary, trang A 19. Với nguyên văn: “By God, we’ve kicked the Vietnamese syndrome, President George H. W. Bush crowed after his swift triumph in the Gulf War in 1991”. Trong đó, chữ “crowed” được ông Nguyễn Bá Trạc của tờ Việt Mercury xuất bản tại San Jose, California, số 249 ra ngày 31-10-2003, dịch là “gáy”. Đã có nhiều người không đồng ý, phản đối. Ở San Jose, ai lạ gì giọng điệu của tờ báo nầy về quan điểm chính-trị, trước đây đã bị một người Việt tỵ-nạn Cộng-sản sở tại đem ra tòa về tội "ăn cắp tác quyền" khi dùng chữ của ông ta trong một bài báo. Hành động thân Cộng cũng vì tờ báo mẹ của nó có văn phòng đại diện tại Việt Nam hiện nay. Ông Stanley Karnow là một sử gia Mỹ thiên tả, đã viết một cuốn sách nói về cuộc chiến Việt Nam, thiên về Việt Cộng, bày tỏ quan điểm không thiện cảm với chính quyền Mỹ.
Thật ra, chúng ta không lạ gì các “đòn phép” xử dụng ngôn ngữ để “hạ” đối phương của ngành truyền thông của Hoa Kỳ như đã đề cập ở đoạn trên, nhưng theo thiển nghĩ, như thế là không nên, cả người viết cũng như người dịch. Lời nói sẽ theo gió bay đi nhưng chữ viết sẽ còn tồn tại lâu dài, những ngôn từ lịch sự, lễ-độ, khiêm nhường, chừng mực,… bao giờ cũng vẫn hơn, vì ảnh hưởng lâu dài của nó. Hành động nầy không khác gì Việt Cộng sau năm 1975, đặt tên ông Thiệu ông Kỳ cho chó, "chó Thiệu", "chó Kỳ"... Tại miền Nam Việt Nam, trong thời chiến tranh giữa 2 miền, dù người người căm ghét Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng... nhưng chưa có ai gọi là "chó Hồ", "chó Đồng" cả, chưa có ai miệt thị các ông nầy, từ người dân giả đến người khoa bảng, từ anh binh nhì đến vị sĩ quan dù họ căm thù Việt Cộng đến mức nào đi nữa.
Ngôn từ, cách hành văn thể hiện phần nào tư cách, con người của người viết luôn cả người dịch cho dù được quyền viết thứ gì muốn theo thể pháp định, cho dù biện hộ bằng bất cứ lý do gì đi chăng nữa, độc giả vẫn thấy cái dã tâm trong cách hành văn. Vấn đề dịch chữ “crowed” này được đem ra bàn trong nhiều nơi, xin nêu lên vài nhận xét chính. Thứ nhất, có người cho rằng quyền bày tỏ ý kiến phải được tôn trọng hoàn toàn, ai muốn viết gì tùy ý họ. Thứ hai, tuy tự do nhưng phải có một chút lịch sự, lễ độ vì là người cầm bút đương nhiên có học, phải biết tôn trọng người khác. Thứ ba, người dịch có thể chưa đủ ngôn từ để dịch cho đúng tình huống cho dù tác giả viết sao đi chăng nữa. Nhận xét cuối, có hơi hà khắc một chút: “chủ nào tớ đó”, khiếm nhã, thiếu văn-hóa, dùng mọi mánh khóe (ngay cả chữ nghĩa) để thỏa mãn cái sở trường của họ. Nếu họ đem chuyện Bill Clinton “o mèo” ngay tại Bạch Cung; chuyện ngày cuối trong chức vụ ông tha cho bao nhiêu tội phạm đáng lý không thể tha; chuyện Roger Clinton, em trai cùng cha khác mẹ của cựu Tổng thống Bill Clinton đã vận động hành lang trong suốt 5 năm để xin ân xá cho Rosario Gambino, một tay buôn lậu heroin; đến độ con trai của Rosario Gambino là Tommy Gambino đã nói “chúng tôi sẽ chăm sóc ông nếu bố của tôi được thả ra khỏi tù” v.v... ra “bàn tán” như họ “moi” chuyện con, cháu ông Bush uống rượu, hút thuốc lá ra làm ầm ỉ thì chắc thiên hạ cũng có thể “tin” phần nào cho tính “truyền thông trung thực” mà họ thường rêu rao.
Chắc chúng ta không quên vụ ký giả Peter Arnet của hệ thống NBC News bị sa thải trong cuộc chiến Iraq. Ỷ mình là “cây cổ thụ” trong nghề (68 tuổi, được giải Pulitzer nhờ chiến-tranh Việt-Nam, chiến tranh vùng Vịnh 1991 khi làm cho hãng CNN), ông ta đã tự cho mình “có quyền” khi để cho “đài truyền hình của chính phủ Saddam Hussein phỏng vấn và đưa ra những lời bình luận cùng nhận xét riêng theo ý ông ta”, đặc biệt là “trong thời chiến”.
Khi lỗi lầm nầy bị phanh phui, ngay sau đó, Arnet lên tiếng xin lỗi “Tôi đã đánh giá sai” trên NBC Today. Thế nhưng 24 giờ sau, khi được tờ Daily Mirror, một tờ báo phản chiến thuộc loại “lá cải” ở Luân-Đôn (Anh quốc) mướn, ông ta lại tuyên-bố: “Tôi tường trình sự thật những gì đang xảy ra tại Baghdad và sẽ không xin lỗi về việc ấy”. Chỉ chừng ấy cũng cho chúng ta thấy rõ ràng con người ấy thế nào rồi. Trong quá khứ, Peter Arnet có những bài phóng sự đã tạo ra các sóng gió, gây nhiều tranh luận. Gần nhất, trong năm 1998, ông viết “quân-đội Mỹ đã sử dụng chất độc Sarin để giết hại các quân nhân Mỹ đào-ngũ ở Lào”, gây xôn xao dư luận cả ở Mỹ cũng như thế-giới, làm dân chúng Mỹ và thế-giới có cái nhìn thù ghét quân đội Mỹ. Hệ thống CNN cho thẩm tra, tin này sai lạc và hai người làm chương-trình nầy bị đuổi việc nhưng ông ta thì chỉ bị CNN cảnh cáo. Sau đó, NBC mướn ông ta. "Truyền thông Dân Chủ" xử sự hay thiệt: "chánh phạm" thì "vô tội", kẻ "thừa hành" thì "lãnh đủ!". Quả là "truyên thông đảng Dân Chủ" có khác!
Qua các điều vừa đề cập, ngôn từ, hình ảnh của giới truyền thông lắm khi khó trung thực, đôi lúc đi ngược lại quyền lợi đất nước, nhân dân mà chỉ phục vụ cho mục đích của họ với những hành động vị kỷ, sai lạc, gây hoang mang trong dư luận, làm tổn hại danh dự nhiều người.
Trở lại việc dịch thuật, khi dịch một ngoại-ngữ, ta thấy có nhiều chữ rất khó dịch thoát được ý của nguyên-tác hay cái đích của tác-giả. Thí-dụ như chữ “tâm” (trong câu “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của Nguyễn Du), làm sao người ngoại quốc hiểu được cái “tâm” đúng nghĩa của Đông phương mà cụ Nguyễn Du muốn diễn tả. Chữ “hiếu” trong ngôn-ngữ Việt ta dùng để chỉ bổn phận của con cái đối với cha mẹ (lúc còn sống hay lúc đã qua đời), là bổn phận to lớn bao gồm sự tôn-kính, lòng thờ phụng, hành-động phụng-dưỡng...mà khó thể thấy có từ-ngữ tương-đương trong Anh-ngữ với cùng ý-nghĩa bao-trùm đó. Rồi đến chữ “mình” trong câu “Mình ơi! em (anh) thương mình nhiều lắm!”, dễ gì người ngoại-quốc có được từ ngữ tượng thanh tượng hình như vậy; nghe qua, ta tìm gặp một âm-hưởng dịu ngọt cho tâm-hồn. Tương tự, chữ “nhà tôi” để nói về người phối-ngẫu của mình với người khác,... Rồi từ-ngữ “tiết-hạnh”, dùng để chỉ bổn-phận của người vợ đối với người chồng (dù người chồng còn sống hay đã chết), bao-gồm sự giữ-gìn chữ trinh (về thể-xác lẫn tinh-thần), sẵn-sàng thủ-tiết, không muốn tái-giá..., trong tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác khó có từ-ngữ mang toàn ý-nghĩa đó. Lời chúc “mẹ tròn con vuông”, nếu không hiểu ý-nghĩa của Việt-Nam, dịch sang một ngoại-ngữ nào đó, có phải là lời chúc “buồn cười” hay không!
Đến đây, tưởng cũng nói qua về việc thông dịch, một phần của đề tài được đề cập. Đối với việc thông dịch (translate) cho các yếu nhân, các cuộc họp, các cuộc đối thoại chính trị, nhất là cho các cuộc đối thoại của các nhân vật đứng đầu chính phủ là một việc làm vô cùng khó khăn cho các thông dịch viên (translator). Họ là người bắt nhịp cầu trong sự liên hệ, đóng vai trò không thể thiếu khi các yếu nhân không biết trôi chảy ngôn ngữ của nhau, nhiệm vụ có vẻ đơn giản nhưng không phải như vậy.
Chỉ cần một sai lầm, một sự thiếu nhạy cảm, thiếu kinh nghiệm, một sơ sót nhỏ...của thông dịch viên là có thể biến cuộc đối thoại không dẫn đến kết quả mong muốn, đôi khi đi ngược lại. Trong đối thọai, một câu nói kèm theo nụ cười, những sai lầm của người thông dịch có thể biến “nụ cười” trở thành “hăm dọa”, một sai lầm nhỏ đôi khi có thể làm thay đổi cả thế giới.
Các “ông lớn” thường hay có giọng điệu “kẻ cả” nhất là trong bàn cãi, nếu giận dữ, họ không còn giữ được bình tĩnh khi sử dụng ngôn từ cho dù họ biết họ đang nói chuyện với người nào. Do vậy, người dịch phải biết khéo léo, tế nhị, nhún nhường. Thông dịch viên có thể chuyển đạt từ lời “khen” thành “đe dọa”, từ quan điểm “mềm dẻo, nhân nhượng” thành “cứng rắn”. Nếu họ biết “hạ giọng” của câu nói, biết bỏ qua chữ “không” thì có thể dẫn cuộc đàm thoại đi đến chỗ tốt đẹp, và ngược lại.
Lịch sử cận đại ghi nhận trong các yếu nhân thế giới, Nikita Sergeyevich Khrushchev, người được mệnh danh là “con cáo già Cộng sản”, được kể là người nóng nảy, vui buồn bất chợt, đôi khi có những cử chỉ và lời nói thô lỗ nhất, đã từng “làm khổ” nhiều thông dịch viên khi làm nhiệm vụ. Và ông ta đã gặp rắc rối vì "cái tật" của mình trong lời tuyên bố "sẽ chôn vùi" phương Tây. (Xem tại đây:. . . .)
Trong chương trình Breaking The League Barrier do James Robbins đảm trách trên kênh Radio của BBC, một số thông dịch viên nổi tiếng đã kể lại những buồn vui, những khó khăn, các giai thoại trong cuộc đời làm nghề thông dịch của họ cho các lãnh đạo quốc gia. Họ thú nhận đôi khi họ cố tình không dịch chữ “không” vì biết tầm nguy hại của từ ngữ nầy. Đôi khi vì vậy, sau đó họ đã nhận lỗi. Thật tế, không có bằng chứng nào cho thấy lịch sử thay đổi do việc chuyển ngữ nhưng không có nghĩa là không có ảnh hưởng, trừ trường hợp của người thông dịch riêng của Thủ Tướng Khrouchtchev.
Nhân đây, xin nêu vài trường hợp với nan đề vừa nói.
* Thứ nhất, trong cuộc họp thượng đỉnh Paris năm 1960 giữa Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower và Thủ tướng Nga Nikita Khrouchtchev, những ngôn từ của ông ta đã gây cho thông dịch viên nhiều bối rối, phải dứt quảng nhiều lần để tìm từ ngữ thích hợp. Giận dữ do việc máy bay U-2 của Mỹ dọ thám đất Nga mới bị bắn hạ, vừa vào cuộc, Khrouchtchev dùng những từ ngữ nặng nề, cứng rắn, to tiếng dần đến độ chửi rủa rồi bỏ ngang cuộc họp. Ông ta đã quen tính với những hành động mà người ta thường thấy nơi ông ta tại các cuộc họp ở Hội-đồng Tối-cao Xô-viết tại Nga. Những từ ngữ đầy giận dữ lần nầy của ông đã gây nhiều khó khăn cho người chuyển ngữ trong một hội đàm mà thông dịch viên biết trước sẽ rất cam go do những biến cố mới xảy ra trước đó nhưng vẫn bị lúng túng.
* Thứ hai là lời kể của ông Igor Korchilov, một thông dịch viên từng phục vụ cho các lãnh đạo Xô Viết từ Khrouchtchev đến Gorbachev. Igor đã kể lại cuộc gặp gỡ giữa Mikhail Gorbachev và George Herbert Walker Bush trong thời gian chiến tranh lạnh sắp chấm dứt. Hai ông thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí của hai khối. Khi thảo luận đến chỗ “kiểm soát” thì bị bế-tắc: máy bay bên nào được phép bay trên lãnh thổ phía kia để kiểm soát việc tuân thủ thi hành hiệp ước, cuộc tranh luận chú trọng đến hai chữ “kiểm soát” và “bị kiểm soát”.
Sau khi Mikhail Gorbachev nói, Igor Korchilov dịch lại cho Tổng thống Bush nghe. Sau khi nghe, ông Bush yêu cầu Gorbachev lặp lại lời vừa nói. Và sau khi nghe lời của thông dịch viên lần nầy, Gorbachev nói ngược lại ý lần nói trước. Về việc nầy, Igor Korchilov kể lại:
-“Gorbachev không phát âm rõ ràng âm cuối của một trong hai từ ngữ vốn rất quan trọng trong văn cảnh khi đó. Ông ta nói một từ Nga mà tôi nghe thành phía “kiểm soát”, và dĩ nhiên đi ngược lại quan điểm của phía Nga”.
“Ngoại trưởng James Baker và Tổng thống Bush tỏ ra ngờ vực. Họ nhìn tôi và có vẻ thích thú khi Gorbachev thay đổi quan điểm. Nhưng để cho chắc, họ (TT Bush và ông Bộ trưởng James Baker) yêu cầu Gorbachev nhắc lại điều vừa nói”.
“Khi tôi dịch ngược lại tiếng Nga, Gorbachev nói:
-“Không, tôi không nói thế. Tôi nói phía “bị kiểm soát” phải được quyền cung cấp phi cơ chứ không phải phía đi “kiểm soát”.”
“Sau cuộc họp, tôi gặp TT Bush để xin lỗi. Ông ấy (TT Bush) chăm chú nghe tôi giải thích rồi nói:
-“Chà, đó là tin xấu!”. “Rồi ông vỗ vai tôi, thân thiện bảo:
-“Nhưng đừng lo. Tin tốt là ông đã không tạo ra Thế chiến thứ ba”.
* Chuyện cuối, liên quan đến nguyên Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Là một người đàn bà nhưng ngôn ngữ của bà rất cứng rắn, nhất là các cuộc đối thoại liên quan đến chính trị, quân sự mà các vấn đề đó đi ngược lại quan điểm của bà. Ông Charles Powell, cố vấn ngoại giao của bà Thủ Tướng kể lại một giai thoại. Trong đó, một câu nói đã đặt thông dịch viên vào chỗ khó xử vô cùng. Ông Charles Powell kể:
-“Một lần, Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu văn phòng Thủ Tướng nên gặp Tổng Thống Congo (một nước Phi Châu), một người nổi tiếng theo Cộng-sản và là một nhà Marxist. Vị đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đi gặp đại diện Tổng thống Congo và nhận được yêu cầu xin gặp mặt Thủ tướng Thatcher”. “Sau nhiều nài nỉ, bà miễn cưỡng đồng ý gặp ông ấy (TT Congo)”.
“Vị Tổng thống được đưa đến văn phòng bà Thủ Tướng, ngồi xuống đối diện với bà TT. Bà Thủ tướng nghiêng mình tới, với cái nhìn ác cảm, bà nói: “Tôi ghét những người Cộng sản!”. “Người thông dịch tiếng Pháp trông thật tội nghiệp, khá là bị sốc, đã chuyển ngữ thành “Thủ Tướng Thatcher nói bà không hoàn toàn ủng hộ tư tưởng của Kark Mark. Tôi nghĩ đó là một cố gắng dũng cảm trong hoàn cảnh ấy”.
Các trường hợp điển hình nêu trên cho thấy những khó khăn trong việc chuyển ngữ ở các cuộc hòa đàm chính trị, đó cũng là một trong các nhiệm vụ phiên dịch.
Đối với việc dịch thơ, là điều khó khăn; nếu là những bài thơ nổi tiếng, lại càng phải cẩn trọng hơn vì lời thơ khác xa với văn vần, mang nhiều ý nghĩa hơn. Trong kho tàng văn chương Việt, chúng ta biết có nhiều dịch giả đã thành công trong các bản dịch của họ. Điển hình là Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị; Nhất Linh và Khái Hưng dịch bài “Sonnet d’Arver”; Tản-Đà nhất quyết làm thơ cũ, dịch thơ cũ nhưng “tinh thần” dịch lại “mới”; Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ-ngôn Pháp nhưng lời thơ lại “mới”, người ta cho là còn mới hơn bài “Tình già” của Phan Khôi, một bài thơ được cho là “đại-diện” cho phong-trào thơ mới ở nước ta thời đó.
Chúng ta không thể bỏ qua kiệt tác Chinh phụ ngâm khi nói đến dịch thuật được, một tác phẩm mà nhiều người đều cho là “bản dịch hay hơn nguyên tác”. Tác giả là Đặng Trần Côn (quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông), tương truyền lúc trẻ có làm thơ, đưa cho bà Đoàn thị Điểm xem nhưng bị bà chê dở, sau đó ông cố gắng dồi-mài và sáng tác Chinh phụ ngâm, được bà Đoàn Thị Điểm dịch ra quốc âm, một tác phẩm được kể là tiêu-biểu cho quốc văn cùng với Truyện Kiều.
Trước nghi vấn được đưa ra là “bản dịch chữ Nôm là của ông Phan Huy Ích chứ không phải là của bà Đoàn Thị Điểm”, mới đây, giáo-sư Đại-học Sorbonne, Pháp là bà Phạm Thị Nhung, với những luận cứ vững chắc dựa vào những văn bản có nguồn gốc khả tín, qua những ngôn ngữ cổ và văn bản Nôm do ông Nguyễn Văn Xuân cho biết đã tìm thấy trong hậu duệ của gia đình Phan Huy Ích để dẫn đến kết luận rằng: bản Nôm của Chinh Phụ Ngâm khúc đang lưu hành chính là bản của bà Đoàn Thị Điểm mà không thể là của ông Phan Huy Ích được. Sách “Tang thương ngẫu lục” có ghi: “Khoảng năm về già, ông (Đặng Trần Côn) làm ra khúc Chinh phụ ngâm, cả thảy đến mấy nghìn lời. Làm xong, đưa Ngô Thời Sĩ (cha Ngô Thời Nhiệm) xem, ông Ngô thán phục mà rằng: “Văn này đánh đổ cả lão Ngô này chớ còn gì nữa”.
Hai câu kết, Đặng Trần Côn viết:
“Tương hội chi kỳ, tương ký ngôn
Ta hồ! trượng phu đương như thị”. (*)
(Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mõi.
Than ôi! trượng phu nên như thế)
được bà Đoàn Thị Điểm dịch:
“Ngâm nga mong gửi chữ tình,
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu”.
Hai câu dịch cho chúng ta thấy dịch giả đã gởi gắm tình-cảm của mình cùng lòng mến phục cũng như khen tặng đến tác gia, một cách dịch mà nhiều ngưới cho là khó có người dịch hay hơn. Đây cũng là một luận cứ chứng tỏ bản dịch Nôm là của bà Đoàn Thị Điểm, mượn bản dịch để giải bày tình cảm của mình, phần nào để tạ lòng của tác-giả. Bà đã không theo cách dịch bình thường là chỉ dịch ý rồi “đổ” vào “khuôn” có sẵn của từng loại thơ (Đường, lục bát, song thất lục bát,...), cho nên những lời khen tặng dành cho tác-giả của bản dịch là không quá đáng vậy.
Hai câu (*) dịch sang Anh ngữ:
I sing and with my love send you this wish:
thus may you act and live, a gallant man!.
Dịch sang Pháp ngữ:
Je fais cette lgie pleine de mon amour,
Qu’un homme tel que vous comprendra, j’en suis sre.
4. Vấn-đề phê-bình:
Ngoài những điều quan-trọng trong việc dịch một tác-phẩm, việc phê-bình một tác-phẩm còn quan-trọng không kém. Người phê-bình phải nắm vững tất cả mọi vấn-đề liên-quan đến tác-phẩm đó, phải biết rõ bổn-phận của mình. Việc làm nầy tương-tự như nhiệm-vụ của một bồi-thẩm trong một phiên tòa: phải nắm vững mọi yếu-tố, khía cạnh, nguyên-nhân,...đã dẫn đến vụ án để rồi đi đến kết-luận nghi can có tội hay không. Đây là một việc làm cần phải cẩn-trọng vì người bồi-thẩm nắm vận mạng của nghi can trong tay mình, giống như người phê-bình với tác-giả.
Lắm người phê-bình một tác-phẩm mà không biết hoàn-cảnh, lý-do nào tác-phẩm đó ra đời, đôi khi còn mù tịt về tác-giả, đó là điều tai-hại. Ngoài ra, có người phê-bình còn lấy hoàn cảnh của thời họ sống để so-sánh với hoàn-cảnh của tác-phẩm lúc ra đời, lấy nhân-sinh-quan của họ mà phê-bình nhân-sinh-quan tác-giả, lấy hoàn-cảnh xã-hội của họ để so-sánh với hoàn-cảnh lúc tác-phẩm ra đời.
Nguy hại hơn nữa, một số người lại nghĩ cứ mỗi lần dịch một tác-phẩm nào đó phải có “lời bàn”, phải làm bổn-phận của Mao-Tôn-Cương, Kim-Thánh-Thán ở Trung-Hoa, phải như một Vissarion Belinsky của Nga, muốn làm Saint-Beuve của Pháp hay muốn là một John Ruskin của Anh,... thì độc-giả mới phục mình, mới tỏ được kiến-thức uyên-bác của mình. Có người đọc được một tác-phẩm, một bài thơ, một câu chuyện thì phê-bình, mổ xẻ để rồi khen, chê,... với chủ ý họ là người cầm đuốc soi đường cho kẻ khác đi trên con đường chữ nghĩa, văn-chương mà con đường nầy vốn lắm khó-khăn, gập-ghềnh, mênh-mông hơn là khen chê đơn-thuần khi đọc một tác-phẩm.
Phê-bình cũng không là một hành động bắt chước, thấy người kia người nọ làm được nghĩ rằng mình cũng có thể làm như ai nhưng nếu phê bình không đúng, đôi khi chỉ làm trò cười. Chuyện kể thuở xưa có một ông nông-dân nọ ở cạnh nhà một ông đồ. Một hôm, ông nông dân nghe tiếng ông đồ dạy vợ rồi sau đó có tiếng roi, tiếng bà đồ khóc. Ông ta nghĩ mình phải thuộc câu dạy vợ của ông đồ để sau nầy dạy vợ, cho ra vẻ mình là người trí thức. Một hôm, bà vợ ông ta làm điều trái ý, ông ta “nện” cho bà vợ một trận nên thân, vừa đánh vừa nói: “Sự mất chén dĩa tao mới đánh mầy chứ tao cũng biết gáo tra dài cán”. Thật ra, câu dạy vợ của ông đồ là: “Sự bất đắc dĩ tao mới đánh mầy chứ tao biết giáo đa thành oán” nhưng nghe lóm thóm thành dùng sai.
Chúng ta phải hiểu rằng công việc tìm-tòi, nghiên-cứu, phê-bình là một công việc rất cần nhưng đòi-hỏi người thực-hiện việc nầy phải có một trình-độ cần-thiết, phải có một cái nhìn tổng-quát, có đủ đức-tính cần-thiết, có khả-năng tổng-hợp hoàn-chỉnh, nhạy-cảm; phải biết suy-luận chính-xác, khoa-học mới mang lại kết-quả thực-tiễn. Đây là một công việc đầy khó-khăn, không phải ai cũng làm được và cần hiểu điều-kiện tiên quyết là phải thật cẩn trọng. Người làm nhiệm-vụ phê-bình văn-học không giống như người nghe nhạc, khán thính giả có thể chê ca-sĩ, nhạc-sĩ, họ không làm được việc đó nhưng họ được nghe và có sự so-sánh; khác với người xem thể-thao khi họ có thể chê cầu-thủ nhưng họ không chơi hay hơn; nhà phê-bình văn-học phải nắm vững mọi yếu-tố liên-quan đến tác-phẩm mà họ phê-bình vì đó là nhiệm-vụ, là việc họ tự nguyện, không bị ai ép buộc.
Trên bình-diện phê-bình văn-học, người ta dựa trên hai quan-niệm: phê-bình cũ hay phê-bình truyền-thống và phê-bình mới hay phê-bình hiện-đại. Ở quan-niệm phê-bình thứ nhất, còn gọi là phê-bình cổ-điển, dựa trên nhiều yếu-tố; trong đó có yếu-tố chủ-quan: người viết dựng nên nhân-vật, người phê-bình có quyền phê-phán theo nhân-sinh quan của mình. Trong các yếu-tố liên-tục, chủ-quan, luân-lý, tâm-lý, ấn-tượng,...của vấn-đề, người phê-bình không thể “bảo” tác-giả phải viết thế nầy, thế kia theo quan-niệm của họ.
Quan-niệm phê-bình mới, dựa trên tính-cách đa-nguyên của cuộc sống, dựa trên cái tôi khách-quan, nhiều chiều theo quan-niệm văn-chương hiện-đại. Ngoài chi-tiết dễ thấy, người phê-bình phải tìm cho ra chi-tiết tiềm-ẩn trong tác-phẩm, phải tìm cho được con đường đa-nguyên để làm nhiệm-vụ trung-gian giữa người viết và người đọc. Muốn làm được như vậy, người phê-bình phải có kiến-thức, cần có đủ nguồn thông-tin (về tác-giả, tác-phẩm, thời-thế, hoàn-cảnh, tâm-sinh-luân-lý...) cần-thiết, chính-xác và nhất là phải có tâm-hồn, sự cảm-thông sâu-sắc với tác-phẩm và tác-giả, phải đứng trên bình-diện nghệ-thuật để phê-bình. Có như vậy, người phê-bình mới chu-toàn nhiệm-vụ một cách vô-tư và dĩ-nhiên việc phê-bình mới chính-xác.
Lấy thí-dụ, khi Vũ Ngọc Phan phê-bình quyển “Làm Đĩ” của Vũ-Trọng-Phụng, dựa theo quan-niệm của mình, ông ta đã cho tác-giả là “sai lầm, xấu” và ông ta dùng quan-điểm tâm-lý để bảo tác-giả “phải viết theo ý ông” thì mới đúng. Điều nầy đã bị các nhà phê-bình khác đả-kích.
Một thí dụ khác: bài thơ Tiết-Phụ-Ngâm của Trương-Tịch.
Chúng ta biết ông ta bị buộc phải sáng-tác bài thơ để giải-thoát hoàn-cảnh của mình trước tình-hình đen tối của thời-cuộc lúc đó. Ông ta đã mượn thân-phận người con gái đã có chồng để nói thân-phận của mình; một khi đã thờ chúa này rồi thì cần phải trọn đạo trung-thần theo quan-niệm Đông phương thời đó:
“Trung thần bất sự nhị quân
Liệt nữ bất canh nhị phu”.
Nước Tàu thời Trương Tịch sống, trên danh-nghĩa, có chính-quyền trung-ương nhưng chính-quyền nầy không có thực quyền, đất nước bị cai-trị bởi nhiều phiên-trấn. Mỗi phiên-trấn nằm dưới quyền sinh-sát của một vị Tiết-độ-sứ. Lúc đó, Trương-Tịch chưa ra hợp-tác với triều-đình trung-ương, ông là một tân-khách trong mạc-phủ của một vị Tiết-độ-sứ. Bấy giờ, Lý-Sư-Đạo, một Tiết-độ-sứ nghịch với chính quyền trung-ương, vốn là một tay quật-cường, dũng-mãnh, binh-lực hùng mạnh. Biết Trương-Tịch là người có tài-đức nên ông ân-cần viết một phong thư, cùng với lễ vật, sai bộ-hạ đem đến đón Trương-Tịch về giúp cho ông ta trong công-cuộc xây-dựng sự-nghiệp riêng.
Hiểu được tình-thế chung lúc đó cũng như bản-tính, thực lực của họ Lý, ông cũng biết hoàn-cảnh cá-nhân mình không thể về giúp cho vị Tiết-Độ-Sứ nầy được nhưng không dám từ khước ngay. Ông biết rõ thế lực của Lý thì mạnh, nếu ông cự-tuyệt ngay thì chắc-chắn hai trấn phải sinh ra đấu chiến hơn thua. Nếu việc này xảy ra, phiên-trấn mà Trương-Tịch phục-vụ chắc bị thua thiệt, do đó, Trương-Tịch phải nhận thư và quà biếu, gởi lời cám-ơn để rồi sẽ tìm cách thoái-thác sau. Đó là kế hoãn binh tốt nhất cho cả ông và quân dân trong hai phiên-trấn. Sau đó, ông làm bài thơ gởi đến Lý Sư Đạo.
Lời lẽ bày-tỏ trong bài thơ cho chúng ta thấy nỗi-niềm, tâm-sự riêng của ông, một sự đã-rồi không nuối-tiếc nhưng quyết-liệt. Lời thơ tỏ ý “ai có thương đến thì ông cám-ơn”. Được thơ, sau khi xem qua, vị Tiết-độ-sứ họ Lý sinh lòng cảm-mến, hiểu tâm-tình của Trương-Tịch nên ông ra lệnh cho thuộc-hạ không được sinh-sự, quấy-rầy gì với Trương Tịch nữa.
Sau nầy, bài “Tiết phụ ngâm” đã được một số người đem ra mổ xẻ cùng với những lời phê-phán nặng nề, bằng tất cả những giận-dữ, uất-hận đổ lên đầu tác-giả. Họ đã dùng những lời buộc tội ông “dụng tâm chiếm đoạt một người đàn-bà có chồng”, đã cho hành-động của người thiếu-phụ trong thơ là một tấm gương nhơ của xã-hội. Họ quên đi hoặc không biết mục đích tác-giả mà chỉ xét qua khía cạnh tình ái tầm thường.
5. Những sai lầm, những giai-thoại:
Nhiều sai lầm xảy ra trong khi dịch thuật, hiệu đính, chú giải, phê bình các tác-phẩm văn học. Trong cuốn Truyện Kiều của Nguyễn-Du “bị” hiểu sai nhiều chỗ. Điển hình, khi đề-cập đến con ngựa “truy phong” của Sở Khanh (trong Kiều, câu 1107), trước nay đã được nhiều người giải nghĩa là “ngựa chạy thật nhanh, có thể đuổi theo gió” (truy phong = đuổi gió) {trong “Truyện Kiều chú giải” của Đào Duy Anh}.
Thật ra, từ ngữ Truy phong không phải như vậy. Theo sách “Quảng-Sự loại”, Truy Phong là tên con ngựa hay nhất trong 7 con ngựa quý của Tần Thủy Hoàng, con thứ nhì là Nhiếp-Cảnh (quyển thượng, trang 283). Trong “Hán Đại Thành Ngữ Đại Tự Điển”, giải nghĩa như sau:
-“Theo sách Cổ Kim chú (thiên điểu thú: thiên nói về chim và thú) của Thôi Báo đời nhà Tấn thì Tần Thủy Hoàng có hai con tuấn mã tên Truy Phong và Nhiếp Cảnh. Về sau người ta dùng tên hai con ngựa nầy làm nên thành-ngữ “truy phong nhiếp cảnh” để miêu tả (động-tác) ngựa chạy mau lẹ.
Như vậy, thành ngữ nầy không phải là một từ-ngữ động-từ Truy Phong (đuổi gió) mà là tên con ngựa. Sau nầy, thành ngữ “truy phong nhiếp cảnh” được nói thành “truy phong nhiếp ảnh” vì theo ông Vương Lực, xét về nguồn gốc, ông đã chứng minh “cảnh” và “ảnh” là những “đồng nguyên tự”. Ta cũng cần phân biệt với một thành ngữ gốc Hán khác là “bộ phong tróc ảnh” để nói một hành động, một ý tưởng không thiết thực.
Đến câu 917, khi Kiều Oánh Mậu hiệu-đính cuốn Truyện Kiều (xuất bản ở Hà-Nội năm 1902) đã sửa thành “Rừng Thu rỗ biếc ố hồng” và giảng: rỗ biếc là lốm-đốm biếc như những nốt người bị bệnh lên đậu; ố hồng là sắc đỏ lan ra một chòm, hóa ra sắc hơi vàng. Việc hiệu đính nầy đã bị nhiều người bất đồng. Rồi cây “phong”, ở nước ta không có nên khi chú giải, nhiều người cứ việc cho cây phong là cây bàng, cả L.V.H. trong Truyện Kiều chú giải và Đào Duy Anh trong Hán-Việt tự-điển vẫn giảng như vậy. Cụ Nguyễn-Du đã đi sứ bên Tàu, biết cây phong, chứng-kiến cây phong vào mùa Thu nên đã tả cảnh một cách thần-tình: “Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan-san”. Riêng chữ nhuốm, một từ-ngữ để tả trạng-thái lá cây phong đổi màu dần từ xanh sang vàng, sang hồng hay sang đỏ, được cụ Nguyễn Tiên-Điền áp-dụng một cách thần-tình, khó có người sánh kịp. Ngày nay, với nhiều tư-liệu khả tín, nhiều người cho rằng Truyện Kiều đã “được hiệu đính” nhưng chưa đúng với nghĩa của chữ hiệu đính.
Ngoài ra, trong văn-chương, đôi lúc tác-giả dùng những từ-ngữ diễn tả một sự thật hiển-nhiên với một dụng ý. Trong Lục Vân Tiên có câu:
-“Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái ta là phận trai”.
Ai ai cũng hiểu các điều hiển-nhiên: Kiều Nguyệt Nga (nàng) là “gái”, Lục Vân Tiên (ta) thuộc phái nam, là trai; và “ngồi đó” đương nhiên là “chớ ra” nhưng trước nay có ai chê cụ Nguyễn Đình Chiểu viết dỡ, ngây-ngô, ngớ-ngẫn, theo cách gọi “sự thật theo kiểu La Palice” (La vérité de La Palice) của người Pháp bao giờ đâu.
Chúng ta còn gặp trong Truyện Kiều có lắm chỗ cần xem xét kỹ khi dịch, phê-bình. Câu “Đêm đêm Hàn-thực, ngày ngày Nguyên-tiêu”, không ai cho là Nguyễn Du đã lầm lẫn khi sáng tác. Đáng lý ra phải là “Đêm đêm Nguyên-tiêu, ngày ngày Hàn-thực” mới đúng vì chữ “tiêu” là “đêm” nhưng người ta cho là trong lúc làm thơ không thể tránh khỏi những trở ngại trước chuyện vần điệu ràng buộc.
Một chỗ khác, câu “Bên là Ưng Khuyển, bên là Sở Khanh”, nếu kể theo cách đối, một bên là Sở Khanh chỉ là một người thì bên kia Ưng Khuyển cũng là một nhưng thực tế, Ưng, Khuyển là hai người, nguyên là dân buôn trên biển sau vào làm đầy tớ cho nhà họ Hoạn nên đổi thành Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển.
Với câu “Chữ trinh còn một chút nầy”, nếu nghĩ theo thường tình, sẽ có người dè bỉu “Kiều đã làm thân gái điếm, mấy lần thanh lâu, mấy lượt thanh-y mà nói chuyện tiết trinh” nhưng phải hiểu chữ “trinh” một cách rộng hơn. Chữ trinh hiểu theo hai nghĩa: “tích trinh” (trinh thể-xác) và “tâm trinh” (trinh tinh-thần) như lời ông Vũ-Trinh (1759-1828) hay “chút lòng tự-trọng nầy gọi là trinh tiết” theo ông Đào Duy Anh hoặc là “sự trong sạch của tâm-hồn” như nhiều nhà phân-tích truyện Kiều đã giải nghĩa.
Một chữ khác, trong câu “Còn nhiều ân ái với nhau” (2411), nếu hiểu “ân ái” theo thường tình là chuyện chăn gối trai gái, thì sẽ có người cho là Giác Duyên có bệnh “đồng tính luyến ái”, một điều sai lầm tai-hại trong khi ở đây có nghĩa là “ân nghĩa”. Người dịch phải biết các điều vừa kể mới tránh được sai lầm khi dịch và phê-bình truyện Kiều.
Trong kho-tàng văn-chương nước ta còn lưu lại một giai-thoại về dịch thơ. Năm 1908, Đốc-học Hà-Nội mở cuộc thi dịch thơ Đường với chủ-trương “tìm một hướng để cải-cách văn-hóa”. Bài đưa ra để mọi người dịch là bài thơ “Thu hứng” của Đỗ Phủ, một thi-hào Trung-Hoa, được dịch âm như sau:
Văn dạo Tràng An tự dịch kỳ,
Bách niên thế sự bất thăng bi
Vương hầu đệ trạch gia tân chủ.
Văn vũ y quan dị tích thì,
Trực Bắc quan san kim cổ chấn,
Chinh Tây xa mã vũ thư trì
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh.
Cố quốc bình cư hữu sở ti (tư).
Nhiều bài dịch được gởi đến dự thi nhưng có một bài đặc-biệt hơn hết làm mọi người chú ý. Xem ra mới biết đó là bài của Từ-Diễn-Hồng, người làng Hà-Hồi, Thường-Tín, Hà-Đông.
Tính nết ông Từ ngang-tàng, hay châm-biếm, hài-hước, ngay cả trong thơ văn. Ông sinh ra trong một gia-đình nghèo nhưng nổi tiếng thơ hay, đỗ Tú-tài năm 1906. Là một người yêu nước nên không ra làm việc với chính-quyền thực-dân mà ở nhà dạy học và bốc thuốc độ nhật, vui trong cảnh thanh-bần với văn-chương, ruộng vườn.
Bài dịch của ông Từ như sau:
Nghe nói trong kinh lắm chuyện đùa.
Nước đời sao lắm nỗi cay chua.
Những con nhà khá đi đâu cả.
Một bộ đồ tuồng rặt mới mua.
Tiếng trống lừng vang tin Bắc được (1)
Mảnh tờ sao chẳng báo Tây thua.
Rồng nằm bể cạn heo may lắm.
Nước cũ ai là chả nhớ vua (2)
(1) ý ông nói đến việc nghĩa quân của Đề Thám thắng trận Yên Thế, Bắc Giang mà chính quyền thực dân Pháp muốn dấu.
(2) ý nói vua Hàm Nghi. Lúc ấy còn nhiều người quý mến, thường nhắc đến vua Hàm Nghi luôn.
Bài dịch của Từ-Diễn-Đồng chỉ là một bài phỏng dịch nên không sát nguyên văn, mang tính trào-phúng, nhưng đã được nhiều người chú ý và khen hay, ngay cả một số người trong ban giám-khảo nên các quan trường đành phải tặng thưởng. Bản dịch mang tâm ý của ông, một người nặng lòng với quốc-gia dân-tộc nhưng sức cùn lực mỏi, được dịp, ông dùng ngòi bút để đánh-thức mọi người. Tuy vậy, sau đó, ông bị bắt giữ mấy ngày, chịu phạt với tội danh “nói xiên nói xéo, láo xược”.
Bài dịch trên không sát nghĩa nhưng không bị ai chê vì mọi người hiểu ý tác-giả, coi đó là cơ-hội để đánh tiếng chuông phản-tỉnh trước tình-cảnh đất nước, giống như trường-hợp tác-giả bài “Chí thành thông thánh” đã gởi gắm tâm-sự mình trong một cuộc thi bằng một bài thơ mà bài thơ đó đã đi vào lịch-sử dân-tộc Việt-Nam về văn-chương cũng như vào trang sử đấu-tranh của dân-tộc.
Ta có bản dịch bài “Thu hứng” như sau:
Nghe nói Trường An tựa hí trường!
Trăm năm thế cuộc lắm bi thương
Công hầu dinh thự thay người mới
Văn vũ y quan đổi khác thường
Chiêng, trống ầm vang lên Bắc tái
Quân, thư chậm trễ đến Tây phương
Sông thu lạnh vắng hơi tăm cá
Cố quốc thanh bình mãi ước mong.
Chi Điền
(Đường Thi Tuyển Dịch 3)
6. Việc đánh giá tác-phẩm:
Từ việc phê-bình sẽ dẫn đến việc đánh giá một tác-phẩm. Nếu phê-bình đúng thì đánh giá không sai và ngược lại. Trong lời phê bình đã nói lên quan-điểm riêng của người phê-bình và phần nào đó sẽ dẫn-dắt độc-giả đi theo hướng nầy, nhất là nếu người phê-bình là người có uy-tín với độc-giả. Việc phê-bình tùy-thuộc vào kiến-thức, khả-năng phân-tích, lý-luận, trình-bày những ý-kiến,...của họ nhằm cung cấp cho độc giả một số dữ kiện để đi đến kết-luận: khen hay chê.
Việc đánh-giá một tác-phẩm, nhất là về thơ, còn phải nhìn mọi khía-cạnh của bài thơ, khi bài thơ ra đời, chớ nên nhìn phiến-diện hay chỉ thấy một chi-tiết nào mà đánh giá toàn bài thơ, vì như lời Vương-Sĩ-Trinh nhận-định:
-“Thi như thần long, kiến thủ bất kiến kỳ vỹ, hoặc vân trung lộ nhất trảo, nhất lân, an đắc toàn thể” (thơ như rồng thần, thấy được đầu mà không thấy được đuôi, hoặc trong mây lộ ra cái móng, cái vẩy, làm sao thấy được toàn thể).
Thế nên người phê-bình phải có cái nhìn tổng thể, một cách đúng-đắn thì việc phê-bình mới xác-thực. Và như một nhà văn đã nói:
-“Cái bất hạnh của nhà văn là bị người ta chồng-chất lên vai quá nhiều trách-nhiệm” thì cũng chẳng sai.
Trên bình diện thơ, ta phải hiểu rằng điều kỳ-diệu của thơ là xóa đi ranh-giới giữa tác-giả và người cảm-thụ, làm độc-giả cảm thấy điều “thơ muốn nói” chính là cảm-khái, là tâm-trạng của mình. Do đó, việc phê-bình một tác-phẩm văn-học là một khó-khăn to lớn, phải thật cẩn-trọng mới được. Viết-văn, dù chỉ một câu, một đoạn hay viết sách báo,...ít ai dám nói rằng ý mình đưa ra là hoàn-toàn đúng. Vì vậy, yếu-tố khiêm-tốn đôi khi cũng là cần-thiết mặc dù ai nấy đều hiểu rằng cái chủ quan của người viết nằm trong sự khiêm-tốn đó, là một cách bày tỏ dễ mến.
Việc phê-bình đúng một tác-phẩm giống như việc đem những hương sắc tô điểm thêm cho loài hoa. Việc phê-bình sai lầm, ngoài việc giống như bôi mùi xú-uế cho bông hoa mà còn làm ô nhiễm không-khí chung quanh; mà hương và sắc vốn dĩ là hai điều cần-thiết cho loài hoa. Và trong khái-niệm căn-bản về văn-hóa trong đó ngôn-từ là phương-tiện diễn-tả văn-hóa thì ngôn-từ và suy-tư có một mối liên-hệ chặt-chẽ để nói lên phong-cách hành-xử của con người.
Khi mối liên-hệ giữa người viết với người dịch, người phê-bình được đặt trên phong-cách tôn-trọng, tương-xứng lẫn nhau thì đó là sự biểu-hiện phong-cách, hành-động của nền văn-hóa nhân-bản, phù-hợp với văn-minh và dĩ-nhiên, ngược lại. Mối liên-hệ giữa người viết, người dịch, người phê-bình cùng người đọc như nằm trong một định-luật giao-lưu trong văn-hóa nhưng cần mang bản-sắc nhân-bản và dân-tộc; nhất là giữa những người cùng có chung một dòng máu văn chương, văn-nghệ luân-lưu trong huyết-quản.
7. Lời kết:
Để chấm dứt bài viết, điều cần-thiết cho việc dịch, phê-bình và đánh giá một tác-phẩm văn-học phải như thế nào, xin mượn lời của một số người nhận định. Trước nhất là lời ông Nguyễn Hưng Quốc:
-“Viết, như một hành động sáng tạo, là viết trong ý hướng sáng tạo, nghĩa là, trước hết, để tạo ra một cái đẹp bằng chữ nghĩa”. “Viết để chữ nghĩa được đặt vào một cấu trúc hoàn hảo như một thế trận thật đẹp, bất chấp sự kiện được mô tả trong đó có đầy đủ chính xác hay không...”. “Viết để người khác xúc động trước tình cảm nồng nhiệt của mình là cái viết của một tình nhân hoặc của một người tuyên truyền; viết để người khác bị mê hoặc trước chính cách viết của mình mới là cái viết của một thi sĩ”.
Thứ hai, là lời cảnh giác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
“Văn chương không phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu”.
Thứ ba là lời của ông Louis De Sidanier:
-“Phận sự đầu tiên của nhà phê bình đâu phải đóng vai một bậc thầy để sửa trị những đứa học-trò khó dạy mà là phải phục-vụ, và có thể tóm tắt trong 3 danh từ nầy: thông cảm, soi đường và truyền-bá”.
Cuối cùng là nhận-định của một nhà phê-bình văn-học:
-“Sáng tác, nếu dở, chỉ có hai cách dở: hoặc không biết cách viết hoặc viết theo khuôn sáo, nhưng nếu hay, có vô số cách hay khác nhau. Phê bình, ngược lại, nếu dở, có vô số cách dở, từ dở trong cách hành văn đến dở trong cách phân tích, cách so sánh, cách cảm thụ, cách nhận định v.v..., nhưng nếu hay, chỉ có hai cách hay: hoặc phát hiện ra một cái đẹp mới hoặc phát hiện ra một cách đọc mới”.
Quả dịch thuật, phê bình là việc làm thiên nan vạn nan vậy!
Lê Chánh Thiêm.
8/2005.
(*) Sở dĩ người viết phải ghi nguyên văn từ ngữ tục như vậy mới lột rõ tình huống được đề cập, mới hợp vói ngôn từ của người dân nghèo ít học, mới nói lên sự “căm giận tột cùng” của người bị ép buộc làm điều họ không muốn. Họ nói lên cho “hả giận”. Nhân đây, xin kể thêm hầu cùng độc giả một câu chuyện cũng nói lên sự dồn nén căm hận lâu ngày, được dịp thố lộ.
Ở Nga thời Cộng sản, người dân Nga “chán ngán” tờ báo Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn-luận của Đảng Cộng-sản Nga. Người dân không có báo nào khác để đọc ngoài báo nầy, và không nói chắc độc giả cũng hiểu, do chủ đích “tuyên truyền” và sự nghèo nàn đến độ hiếm thấy về “sự thật” của báo nầy (cũng như các báo Cộng sản khác) là nguyên nhân chính mà ra.
Nhưng rồi tờ Pravda cũng phải “chết” theo cùng với đảng Cộng-sản tại Nga, nơi khai sinh ra nó. Chuyện kể khi tờ báo Pravda đình bản:
Thông thường, tại các quán cà-phê ở Nga, khách thường gọi một ly cà phê và một tờ báo Pravda để đọc trong lúc uống cà phê. Biết tờ báo bị đình bản nhưng một hôm có một người khách vào gọi một ly cà phê và một tờ Pravda. Người bồi bàn chỉ đem ra một ly cà phê mà không có báo, với lời giải thích: “Thưa đồng chí, tờ báo đã đóng cửa rồi”.
Một lát sau, người khách gọi lại tờ báo lần nữa; và khi gọi đến lần thứ ba, với giọng giận dữ, to tiếng hơn. Người bồi bàn (cũng là một người ghét Cộng sản) đến trả lời cho ông ta, cũng to tiếng:
- “Tôi đã nói với ông là nó đã “chết ngủm” rồi. Muốn đọc, ông hãy theo ông Karl Mark mà hỏi".
Chừng đó, ông ta mới phá lên cười và sảng khoái nói:
- ”Tôi cần phải nghe nhiều lần, nghe thật rõ. Có thế chứ!!!”
Không hiểu chừng nào sẽ có “chuyện vui” tương tự xảy ra với tờ "Nhân Dân", cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản tại Việt Nam đây?
Bài nầy đăng lần đầu vào lúc 11:396:49 PM, May 18, 2007
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net