Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
KHOẢNH KHẮC CỦA SỰ THẬT (THE MOMENT OF TRUTH)
LÊ CHÁNH THIÊM

 

Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều chuyện lạ, có lắm chuyện bất thường mà câu chuyện người viết sắp mời quý vị xem sau đây là một điển hình: Khoảnh khắc của sự thật.

 

 

Vào năm 2008, hãng truyền hình Fox của Mỹ trình chiếu một chương trình “game show” dựa trên định dạng “que Nada más que la verdad (Không có gì ngoài sự thật, Nothing but the truth)” của Colombia, gây chấn động mang tên “Khoảnh khắc của sự thật” (The Moment of Truth). Chương trình được Mark L. Walberg đặt ra, được điều hành bởi Ron de Moraes. Các cuộc thi được trực tiếp truyền hình và trình chiếu trên hệ thống truyền hình Fox News, trên toàn nước Mỹ, bắt đầu từ ngày 23-01-2008 đến ngày 08-8-2009. 

 

Trong chương trình nầy, trong 6 vòng (tier) thi, người tham gia (thí sinh, contestants) sẽ được hỏi cả thảy 21 câu hỏi về đời tư của họ, về những vấn đề thầm kín nhất, đáng xấu hổ nhất, những hành động sai trái nhất, những câu hỏi khó khăn nhất v.v… Những câu hỏi điển hình: Bạn đã từng ngoại tình chưa? đã ăn cắp lần nào chưa? còn “yêu người yêu cũ” sau khi lấy chồng (lấy vợ) không? có bao giờ đụng vào chiếc xe khác rồi bỏ chạy (hit and run) mà không để lại giấy báo cho “khổ chủ” không? có bao giờ nghi ngờ người phối ngẫu lừa đảo mình chưa? Có bao giờ bạn làm tình trên giường ngủ của bố mình không? có tin rằng Chúa Jesus chấp thuận cho việc bạn ghép vú không? v.v...

 

Máy khám phá nói dối (lie detector) sẽ được gắn vào người của thí sinh trong suốt chương trình. Các câu hỏi được soạn trước cho từng thí sinh. Ngoài rất đông khán giả tham dự còn có thân nhân trực hệ (cha/ mẹ, chồng/ vợ, bạn gái/ trai, anh chị em ruột, bạn bè than thích…) của thí sinh cùng hiện diện trong chương trình nầy. Ban giám khảo lấy đó làm đòn tâm lý đánh vào thí sinh trước khi họ trả lời câu hỏi vì câu trả lời sẽ làm cho người trực hệ, người phối ngẫu, cha mẹ hay thân nhân… biết sự thật về suy nghĩ hay đã có hành động của thí sinh đối với họ. Đây là một “quyết định tối quan trọng” bởi câu trả lời có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của thí sinh khi người khác biết “mọi chuyện sâu kín” nhất của họ. Trong đời mỗi người thế nào cũng có chuyện muốn giấu mọi người, nếu có chuyện đã giấu kín từ lâu nay bị “xì” ra, sẽ bị đánh giá là kẻ không thành thật.

 

Nếu trả lời “thành thực” trong cả 21 câu hỏi, phần thưởng cao nhất sẽ là $500.000 USD, một số tiền rất lớn, không tốn kém gì, nhưng không phải ai cũng làm được. Nghe thì rất dễ, nhưng trong suốt các show của chương trình nầy, duy nhất một người vượt qua 21 câu hỏi. Hầu hết các thí sinh không sẵn sàng đánh đổi các mối quan hệ, danh dự của mình, của gia đình mình để có tiền, chỉ cần một câu trả lời không thật là mất tất cả.

 

Thí sinh tham dự thuộc nhiều giới tính, đủ trình độ về học vấn, nhiều thành phần trong xã hội Mỹ. Đa số thí sinh tham gia chỉ vì “thích thú” với trò chơi nầy chứ không vì tiền thưởng nên thường họ tiếp tục cuộc thi khi vượt qua từng vòng thi một, chỉ bỏ cuộc khi máy trả lời “false”. Hầu hết người “Mỹ chính cống” [không kể “Mỹ giấy” (người nhập cư, do thân nhân bảo lãnh) hay Mỹ “lậu”] thích cảm giác mạnh, thích phiêu lưu mạo hiểm, thích thử thách bằng những công chuyện khó khăn nên thích tham gia vào trò chơi nầy. Về phần ban tổ chức, không dễ gì họ “biếu không” tiền (rất nhiều) bằng những câu trả lời nên ban tổ chức đặt ra những câu hỏi thật hóc búa, thí sinh phải đủ thông minh, đủ sáng suốt, phải nhanh trí khi chọn câu trả lời vì nó đánh đổi đôi khi bằng cả cuộc đời của họ.

 

Khi vào cuộc, khi nghe câu hỏi người điều hợp đọc lên, thí sinh được suy nghĩ trước khi trả lời. Câu trả lời là một trong hai chữ: “có” (yes) hay “không” (no) mà thôi tuy rằng trước đó thí sinh có thể dẫn giải ngắn gọn với người điều khiển chương trình (người đọc câu hỏi soạn trước). Sau câu trả lời, máy khám phá nói dối cho biết kết quả “thật” (true) hay “dối” (false) ngay. Cuộc chơi tiếp tục bằng câu hỏi kế nếu máy khám phá nói dối cho biết kết quả “thật” (true); ngược lại, trò chơi coi như đã chấm dứt (game over).

 

Người Mỹ không coi máy khám phá nói dối như một dụng cụ để tìm ra sự dối trá mà là một phương tiện “để buộc ứng viên nói thật một cách cưỡng bức (ngoài ý muốn) với họ” (it makes people tell the truth, it’s a kind of compulsion with them). Phương pháp nầy khiến cho nhiều người đang bị thử thách có khi không chịu nỗi căng thẳng tinh thần nên bị loại, với lý do “thiếu cân bằng cảm xúc” (emotionally unstable). Phần đông các thí sinh bị loại qua các kỳ khảo nghiệm về tinh thần (nervous strain) hơn là về thể chất bởi khó vượt qua được loại máy nầy.

 

Thí sinh phải cho Ban giám khảo biết sơ qua cuộc đời họ để đặt câu hỏi liên hệ trong trò chơi nầy. Đây là điều thỏa thuận trước giữa hai bên. Ví dụ thí sinh là một cầu thủ bóng bầu dục của một trường đại học (football), câu hỏi đại loại là “Bạn có bao giờ vượt qua một kỳ sát hạch tại trường bởi bạn là một cầu thủ không?” (tức là vượt qua kỳ thi mà không do năng lực học hành mà do có thành tích trong đội thể thao của trường); hay “bạn có bao giờ nhìn trộm (speak a peek) đồng đội (ở truồng) khi cùng tắm chung không?”.

 

Cuộc chơi có 6 vòng (tier). Nếu thí sinh vượt qua (trả lời thành thật) số lượng câu hỏi của vòng nào sẽ nhận được tiền thưởng ấn định cho vòng đó nếu thí sinh đó tự động chấm dứt sau câu hỏi cuối vòng. Khi tiếp tục cuộc chơi, nếu trả lời sai câu nào thì sẽ chấm dứt cuộc chơi ngay lúc đó và thí sinh sẽ bị mất tất cả số tiền đã thắng trong các vòng trước đó.

 

Vòng một (tier 1) có 6 câu hỏi, giải thưởng là $10.000 USD; tương tự: vòng hai: 5 câu hỏi, được số tiền là $25.000; vòng ba: 4 câu hỏi, được số tiền là $100.000; vòng bốn: 3 câu hỏi, được số tiền là $200.000; vòng năm: 2 câu hỏi, được số tiền là $350.000; vòng sáu: 1 câu hỏi, được số tiền là $500.000. Số tiền cuối vòng là tổng số tiền của các vòng trước đó cộng lại.

 

Trong suốt game show của đài Fox, thí sinh duy nhất vượt qua 21 câu hỏi, đã trả lời trung thực để giành chiến thắng là cô Melanie Williams, một thành viên của một nhóm đa thê. Hầu hết các câu hỏi xoay quanh những bí mật của chế độ đa thê và những gì đã diễn ra trong nhóm, trong đó Williams là một thành viên. Câu hỏi cuối cùng dành cho Williams là “Liệu cô tin rằng cha cô đã có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên không?”, cô cho biết cô “cảm thấy cha mình đã làm”, và máy dò nói dối xác định cô trả lời “thật” và cô là người duy nhất “ẳm” giải nầy.

 

Đây là một show truyền hình thành công của hãng truyền hình Fox. Trong show đầu tiên, có 23 triệu người Mỹ xem chương trình nầy, đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các đài truyền hình.

 

Nước Mỹ có nhiều chuyện lạ mà “The Moment of Truth” là một. Quả là Hoa Kỳ…cục!

 

Lê Chánh Thiêm tổng hợp.

 

*  *  *

 

Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây

Xem các bài cùng tác giả, click vào đây 
Xem trang Kiến thức tài liệu, click tại đây 
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh