LỜI BÌNH CỦA CỤ PHAN THANH GIẢN VỀ BÀ THIÊN Y A NA TRONG BÀI BI KÝ “THIÊN Y TIÊN NỮ TRUYỆN KÝ”
Tháng 3 âm lịch là tháng lễ hội Thiên Y A Na của vùng đất Khánh Hòa: ngày mùng 1, 2, 3 tháng 3 âm lịch lễ hội Thiên Y Thánh Mẫu Đại An - Núi Chúa thuộc thôn Đại Điền Trung I, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Hai mươi ngày sau đó, vào ngày 20, 21, 22 tại Tháp Bà Pô Na Ga ở Nha Trang cũng diễn ra lễ hội. Tại Tháp Bà trong những năm gần đây rất nhiều người Chăm về tham dự lễ hội. Lễ hội tại Am Chúa gọi là ngày Bà Thiên Y A Na “hiển nhân”, còn lễ hội tại Tháp Bà gọi là ngày Bà “hiển thánh” qua câu nói được lưu truyền: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh”. Ngoài ra vào ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch tại miếu Bà Thiên Y A Na trong khu vực chùa Quan Âm Sơn Tự (chùa Suối Đổ) thuộc thôn Cư Thịnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh cũng diễn ra lễ hội Thiên Y nhưng không biết lần này Bà Thiên Y A Na “hiển…” gì đây? Cứ tạm gọi là “hiển linh”!
Theo như tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn xong năm 1806 khi ghi chép về sự tích Bà Thiên Y A Na ở Tháp Bà Nha Trang như sau: “Kỳ như linh thần sự tích, tuế đại kinh cửu, bất khả tường tri” (còn như sự tích thần linh thì vì đã quá lâu nên không hiểu rõ được) (1).
Sau khi dân Việt vào định cư trên phần đất của người Chăm đã tiếp thu tín ngưỡng thờ Pô Na Ga (Bà Mẹ Xứ Sở) của người Chăm và người Việt đã dần dần Việt hóa thành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na. Do những di dân nghèo khổ tiếp thu tín ngưỡng cho nên ít quan tâm đến sự tích cho nên sự tích “bất khả tường tri”.
Năm Tự Đức thứ 9 (1856) cụ Phan Thanh Giản nhân việc quan, đi ngang qua vùng đất Khánh Hòa đã thu thập những lời kể của các bậc cao niên và cụ Phan đã đúc kết nên bài “Thiên Y tiên nữ truyện ký” (2):
“Văn tích Thiên Y chủ chi sự, hận vô tải tịch khả khảo, đồ kinh Khánh Hòa tuân chi cố lão du hữu năng ngôn chi giả. Cập đắc dã thặng nhi lược hữu đoan tự yên” (Nghe chuyện chúa Thiên Y thuở xưa, mà hận không có sách để khảo cứu, nhân kinh lược qua tỉnh Khánh Hòa, hỏi thăm các bô lão, còn có người kể lại và tìm được sách ghi chép việc cũ ở vùng quê, ít ỏi nhưng có đầu mối) (3).
Sau khi thu thập lời kể của các bô lão, với ngòi bút của vị Tiến sĩ, cụ Phan Thanh Giản đã đúc kết nên sự tích Bà Thiên Y A Na từ lúc “hiển nhân” tại núi Đại An cho đến khi “hiển thánh” tại Tháp Bà, Cù Lao một cách khúc chiết, mạch lạc. Cuối bài bi ký, dưới góc độ một môn đồ của Nho gia cụ Phan Thanh Giản đã đem giáo lý “tam tòng” trong Nho giáo để bình phẩm về Bà Thiên Y A Na:
“Y! Dị tai, nhược Thiên nữ giả hồ vi hồ lai tai thủy giả. Sơn a hú bộ, nhược tương chung thân yên. Vô cố từ viên hạc, lăng ba đào, tự nam nhi bắc, hoàng hoàng tương hà chi dã. Nãi khán lệ phương ân, tình duyên hốt đoạn, xá bách linh chi kết, nhi phản hồ cố vũ, tắc hựu hà vi dã. Cập nham huynh ký khải, vật thị nhân phi, nhiên hậu thừa phong giá vân, phương hiển kỳ oai, thần tương hành chỉ chi gian, tuy quỷ thần diệc bất năng tự chủ da. Thử hựu kỳ chi kỳ dã.”
(Ôi lạ thay! Ví bằng tiên nữ ở đâu mà đến? Ban đầu ở bên sườn núi nhờ ơn nuôi dưỡng, tưởng đã trọn đời ở đó. Vô cố giã từ vượn hạc, vượt sóng gió từ Nam lên Bắc. Vội vàng đi đâu vậy? Vợ chồng đang nồng thắm, tình duyên bỗng dứt, xả bỏ kết nghĩa trăm năm mà về chốn cũ, cũng thật lạ thay! Đến lúc cửa hang đã mở, cảnh đó người đâu! Sau lại cưỡi gió lướt mây hiển rõ uy linh. Việc thần đi hay ở cũng chẳng tự chủ được chăng? Ấy lại là cái kỳ trong cái kỳ vậy!) (4).
Trong “tam tòng” của Nho giáo: Tại gia tòng phụ; Xuất giá tòng phu; Phu tử tòng tử. Nhưng với Bà Thiên Y A Na thì có khác, Bà được ông bà tiều phu nhận làm con nuôi, đang sống với ông bà tiều thì tự dưng bỏ ông bà tiều không một lời từ biệt để nhập vào cây kỳ nam trôi sang Bắc hải. Sau khi đã thành vợ thành chồng với Thái tử Bắc hải và có hai con, tình duyên nồng thắm thì tự dưng bỏ Thái tử Bắc hải cũng không một lời từ biệt, đem hai con về quê cũ. Thực là “thần tương hành chỉ chi gian, tuy quỷ thần diệc bất năng tự chủ da. Thử hựu kỳ chi kỳ dã!” (việc thần đi hay ở cũng chẳng tự chủ được chăng? Ấy lại là cái kỳ trong cái kỳ vậy!)
Đối với thần thánh, cụ Phan thừa biết: “Quỷ thần chi vi đức, kỳ thạnh hỹ hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn; thể vật nhi bất khả di”. (Những việc do quỷ thần làm ra thì mạnh mẽ biết chừng nào! Mắt chúng ta chẳng thấy được các ngài, tai chúng ta chẳng nghe được các ngài; song các ngài ở khắp nơi khắp vật) (5)
Do đó tín đồ phụng thờ Bà Thiên YA Na chủ trương “bất khả tư nghị (nghì)” (không thể nghị bàn) đối với Bà Thiên Y A Na, nhưng riêng cụ Phan Thanh Giản đã “tư nghì” về việc làm của Bà Thiên Y A Na. Tại sao cụ Phan “cả gan” như vậy? Cụ Phan là một môn đồ chánh tông của Nho giáo cho nên Cụ phải bảo vệ chánh đạo. Đối với Nho giáo nam thì phải giữ “tam cương, ngũ thường”; nữ thì giữ “tam tòng, tứ đức”, không một ai có thể vượt ra ngoài vòng lễ giáo ấy.
Thời Nho giáo thịnh hành, lời phẩm bình của cụ Phan trong bài bi ký chính là “dĩ văn tải đạo” để “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” (Kẻ sĩ - Nguyễn Công Trứ).
Nguyễn Văn Nghệ
7A Hồng Bàng, Nha Trang
Chú thích:
1- Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, trg. 273 [phần chữ Hán không phiên âm, trang 1149- (5a)]
2- Hiện sau lưng tháp chính ở Tháp Bà Nha Trang có 4 tấm bia đá (hai bia bằng chữ Hán, hai bia bằng chữ quốc ngữ) cùng nằm trên một trục thẳng. Tấm bia “Thiên Y tiên nữ truyện ký” bằng chữ Hán do cụ Phan Thanh Giản soạn nằm vị trí số 1 tính từ bắc vào nam
3- Bản dịch của Đỗ Văn Khoái và Trần Văn Hữu:
www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2175&Catid=478
4- Lời bình của cụ Phan được một số người dịch:
Bửu Cầm dịch: “Ôi lạ thay! Thiên nữ ở đâu mà đến? Ban đầu ở nơi sườn núi nhờ ơn dưỡng dục, tưởng đã trọn đời ở đó. Thế mà tự nhiên giã từ vượn hạc, cưỡi sóng từ Nam lên Bắc. Vội vàng đi đâu vậy? Lại đến khi duyên đang đằm thắm thì dứt tình bỏ bạn trăm năm, trở về nơi cũ, thật cũng lạ thay! Đến lúc cửa hang đã mở, cảnh đó người đâu, cưỡi gió ra đi, hiển lộng oai thần. Việc đi hay ở của các vị thần cũng không rõ được: Như thế cũng kỳ lắm thay!” (Việt Nam khảo cổ tập san số 3, Saigon, 1952, trg. 233).
Thái Văn Kiểm dịch: “Có một điều mà tôi lấy làm lạ, nếu Ngài quả là một Thiên nữ thời đến đấy làm chi, toan sống trọn đời với núi non thì lại bỗng dưng vượt biển Nam qua Bắc kết duyên âu yếm cùng Thái tử rồi lỗi hẹn trăm năm mà trở về núi cũ; đến sau, cảnh còn, người mất, gió mây trôi nổi ra oai thần thánh như vậy thì hành vi bậc thần thánh không tự chủ nhất định được hay sao, thật tôi thấy rất làm lạ” (Thái Văn Kiểm, Đất Việt trời Nam, Nxb Nguồn sống, Sài Gòn, trg. 371)
Trần Thúc Lâm - một nhà Nho sống ở đất Nha Trang - dịch: “ Ôi! Lạ thay. Ví bằng Thiên nữ làm sao đến đây buổi đầu vậy? Mé rừng bú mớm, đem cả đời mình vô cớ từ vượn, hạc, cát sâu, lại trải qua, sóng to bể lớn hầu làm tốt đẹp chi vậy? Tình khảng lê đang nồng, mối tình duyên thoạt dứt, bỏ sự kết hợp trăm năm mà trở về chốn cũ, thì lại làm gì vậy? Kịp đến khi cửa hang đá đã mở, phải vật không phải người, rồi lại cưỡi gió lướt mây, pháp thuật rạng uy thần, trong lúc làm và thôi dù là quỷ thần mà không tự chủ được hay sao? (Quách Giao, Hướng về Tháp Bà Thiên Y, Nxb Hội Nhà văn, tr. 232)
5- Đại Học, Trung Dung (Đoàn Trung Còn dịch), Nxb Thuận Hóa Huế, 1996, tr. 58-59.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com