Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 14, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN SÀI-GÒN, GIA-ĐỊNH
NGUYỄN CAO CAN
Các bài liên quan:
    NHÂN CÁCH TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
    TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
    TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ MỘT VỊ QUAN LIÊM KHIẾT
    TRƯƠNG ĐĂNG ĐỒ, MỘT BỀ TÔI TIẾT NGHĨA
    DANH THẦN TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ: MỘT TÂM HỒN THƠ NẶNG LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG
    TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ, NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ!


Trong quá trình phát triển vùng đất mới ở phía Nam tổ-quốc, Sài-Gòn Gia-Định đã trải qua nhiều giai-đoạn lịch-sử chuyển đổi nối tiếp không ngừng với nhiều biến cố quan trọng. Cha ông ta đã làm gì để Sài Gòn, Gia-Định trở thành “hòn ngọc Viễn Đông”?

Một trong những người có công lớn ấy là Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế, một danh nhân nổi tiếng dưới triều Nguyễn.

* Vài nét về Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế:

Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai và một hiệu khác là Quảng Khê Tẩu (ông già Quảng Khê), sinh ngày 01 tháng 11 năm Quý Sửu (1793); người làng Mỹ Khê, xã Sơn Mỹ (Tịnh Khê), Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

- Năm Gia Long thứ 18 (1819) thi đỗ Hương Tiến (cử nhân) trường Trực Lệ (Thừa Thiên), khai khoa của Quảng Ngãi.

- Năm Minh Mạng thứ nhất (1820): Khởi đầu ông được sơ bổ Hành Tẩu Bộ Lễ.

- Năm Minh Mạng thứ hai (1821) lãnh Hàn Lâm Viện Biên Tu, sung Trực Học rồi sung Bạn Độc (chức dạy con cháu nhà vua). Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) thăng Hàn Lâm Viện Thị Độc, sung Tán Thiện Tập Thiện đường (dạy Hoàng Tử), rồi thăng tiến mãi qua nhiều chức vụ quan trọng tại các bộ: Lễ, Lại, Công, Hộ, Binh... giữ vai trò trọng yếu trong các ngành chánh trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn hóa và giáo dục suốt 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

- Lúc sung trực học (1821) Bạn Độc (1822) hay giảng học và chủ khảo các kỳ thi Hội (1835, 1838...) Độc quyển Thi Đình (1832, 1838, 1844...) ông đã góp phần đào tạo và đề bạt khá nhiều nhân tài cho đất nước.

- Lúc lãnh việc lập sổ bộ tuyển binh tại Bắc Thành (1834), Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình (1838) và Khánh Hòa (1840), hoặc đánh dẹp, khuyến dụ thổ phỉ nổi loạn ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng (1833) dẹp giặc ở Bắc Kỳ (1835) và Thanh Hóa (tháng 12-1836) để an dân.

- Lúc kinh lược Nam Kỳ Lục Tỉnh (1836) lo việc duyệt tuyển, đạc điền, lập địa bạ, điền bạ..., công điền, công thổ ổn định cuộc sống ở vùng đất mới phía Nam tổ quốc.

- Lúc lãnh Chánh Sứ kinh lược Bắc Kỳ (1853) lo việc sông ngòi và đê điều để phát triển kinh tế ở đồng bằng Bắc Bộ, thăng đến Phụ Chính đại thần, Văn minh điện Đại học sĩ.

Đến lúc tuổi già mà vẫn còn giữ nhiều chức vụ quan trọng:

- Cơ mật viện đại thần

- Kinh Diên Giảng quan

- Tổng tài Quốc sử Quán Kiêm Quản Khâm Thiên Giám

Hàm:

Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ (*) Thái Sư (**)

Chú thích:
(*) Tứ Trụ: người đứng đầu điện Cần Chánh, điện Văn Minh, điện Võ Hiền, và Đông Các Đại Học sĩ.


(**) Tam Công: Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo.

Tước:

- Tuy Thạnh Quận Công
- Tam Triều Thạc Phụ
- Lưỡng Triều Cố mạng Lương Thần.

Khi người Pháp xâm lăng, ông là người đứng đầu phe chủ trương chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước.

Năm Quý Hợi 1863 (Tự Đức 16) ông về quê Mỹ Khê dưỡng già dưới mái nhà đơn sơ như lúc còn thư sinh, sau 43 năm (1820-1863) làm quan đến chức tuyệt đỉnh ở Triều nhà Nguyễn.

Ông mất ngày 14-2 năm Ất Sửu 1865 (Tự Đức 18) thọ 73 tuổi. Vua Tự Đức đã ra lịnh bãi triều 3 ngày quốc tang và tặng hàm Thái Sư, tên Thụy là Văn Lương.

* Ông để lại hậu thế các tác phẩm:

- Nhật bản Kiến văn lục
- Quảng Khê văn tập
- Trương Quảng Khê văn tập
- Trương Quảng khê thi văn
- Trương Quảng Khê tiên sinh tập

* Biên tập các sách:

- Đại Nam liệt truyện Tiền biên
- Đại Nam thực lục Tiền biên
- Đại Nam Hội điển toát yếu
- Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên.
- Minh mệnh niên giám biểu văn
- Nam giao nhạc chương

* Tham gia duyệt các sách:

- Chiếu biểu luận thức
- Tự Đức cơ dư tự tỉnh thi tập.

Chúng ta thử nghe người xưa, những nhân vật nổi tiếng, những vương tước lỗi lạc thời bấy giờ nói về Trương Đăng Quế: Tuy Lý Vương Miên Trinh đã viết về Trương Đăng Quế trong Vỹ Dạ Hợp Tập (từ tờ 9b-16b) như sau:

- “Từ ngày được sung vào nội các...mọi người đều đề cao Trương tiên sinh như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu vậy...:

Mới lập Nội các, Tiên sinh vào Nội các

Mới xây dựng viện Cơ Mật, Tiên sinh sung Cơ mật (3)

Vừa mở Tòa Kinh Diên, Tiên sinh đến giảng lại Kinh Diên

Vừa định Phủ phụ chính, Tiên sinh vào làm Phụ Chính.

Các phép tắc, điều lệ, tại những cơ quan nói trên đều do Tiên sinh xin Hoàng Thượng đặt định, mãi về sau các quan trong triều vẫn còn giữ chẳng mất.

(1) Viện cơ mật: cơ quan cao cấp nhất giúp vua giải quyết những việc hệ trọng của đất nước (Minh Mạng lập năm 1834)

Lấy sự nghiệp chính trị cao cả, bề thế, cùng cái học sâu rộng... tìm đến nghìn xưa cũng rất hiếm thấy. Cao cả, bề thế biết bao!

Những sách lược, cơ mưu tiên sinh dâng lên đấng Chí tôn còn rành trong các tập Thi Văn, Ngự chế tại các triều đại: Thánh Tổ, Hiến Tổ, Dực Tông. Các công trạng rộng lớn, sâu dày đã ghi rõ trong Quốc sử...”

Tùng Thiện Vương Miên Thẫm viết cho Học văn Dư Tập:

- “Ngài Trương Đoan Trai là phần anh hoa của sao “Chu Tước” vốn dòng họ Thiếu Hạo ngàn xưa. Tuổi thanh niên dáng vẻ phơi phới xem như mình hóa bướm hớn hở thưởng hoa, đêm đêm nghiền ngẫm kinh điển từ tốn, sâu sắc như tằm ăn dâu. Rồi lo chức trách hết lòng trung cang, dâng nghĩa lý trong sách quý, vượt trội hẳn lên khi lãnh việc giảng học nơi cung đình, được người khen tài nhớ kỹ... Đấng chí tôn mến tưởng đặt làm khuôn phép, dễ đâu thẹn thò mai một với đàn hậu tấn nối tiếp.

Thật lấy nghĩa vua tôi, cá nước mà áp dụng và tưởng lệ bậc thần tử lương đống. Tiên sinh giống như Trịnh Đàm giữ trọng trách 30 năm không rời kinh khuyết, tiếp dự cơ mật ngót 20 năm khác nào Chu xã: Rạng rỡ nhà vàng, tín cẩn thẻ son.

...Thậm chí như công dẹp tai nạn ở miền Bắc, kinh sinh ruộng đồng ở quận Nam, múa giáo Tào Man trên sông làm nên ca khúc tuyệt vời, biến hóa các nét văn vẻ trong phép do ruộng đất của Quản Tử, ngâm ngợi bao nhiêu thơ phú, áng văn, trong cái nhỏ thấy được điều lớn, giấu kín hạt cát chứa núi Tu Di...”

Kinh lược Nam kỳ Lục tỉnh năm Bính-Thân (1836).

Tình hình Sài-Gòn, Gia-Định nói riêng và Nam kỳ lục tỉnh nói chung những năm trước khi Trương Đăng Quế kinh lược có nhiều thay đổi và rối ren. Năm 1831, Minh Mạng dẹp Bắc thành, còn Gia Định thành thì đợi đến năm 1832 khi Lê Văn Duyệt mất thì mới dẹp luôn. Bỏ cấp Gia-Định thành, 5 trấn cũ chia thành 6 tỉnh mới. Mọi quyền hành ở tỉnh (trước là trấn) từ nay tập trung hết về triều đình Huế không còn phân ra ở cấp “thành” nữa. Trấn Phiên-An nay nay đổi thành tỉnh Phiên-An, thành Bát quái nay gọi “tỉnh thành Phiên-An”. Tháng 8 năm 1833, tỉnh Phiên-An đổi thành tỉnh Gia-Định. Năm 1834, 6 tỉnh được mệnh danh là Nam Kỳ lục tỉnh gồm có: Gia-Định, Biên-Hòa, Vĩnh-Long, Định-Tường, An-Giang và Hà-Tiên. Sài-Gòn đã trở thành tỉnh lỵ. Vị-trí chính-trị của Sài-Gòn đã ở cấp “kinh” xuống cấp “thành” và bây giờ là cấp “tỉnh”. Sự thay đổi ấy có ảnh hưởng nhất định đến đời sống chính trị của Sài-Gòn, Gia-Định.

Hơn nữa, sau khi Tổng-trấn Lê Văn Duyệt chết, Minh-Mạng đã “sắc cho hai Cơ Vệ Tả quân đi thú ở Gia-Định triệt về kinh. Vệ quân Minh Nghĩa triệt về nguyên tịch tỉnh Quảng Nghĩa. Vệ An thuận chờ chôn cất ông Duyệt xong rồi sẽ về kinh” (1). Những vệ và cơ kể trên thuộc quân “bản bộ” của Lê Văn Duyệt khi Lê Văn Duyệt chết tất phải giải thể. Nhưng khi Vệ Minh Nghĩa chưa kịp về Quảng Nghĩa theo sắc vua thì Minh Nghĩa Vệ úy Lê Văn Khôi đã làm binh biến chiếm lấy thành Bát quái ngày 18-5 năm Quý Tỵ (1833) và hầu khắp miền Nam.

Đến tháng 7 năm Ất Vỵ (1835), quân Triều đình dùng toàn lực mới chiếm được thành Bát quái. Kết thúc là “thâu phục được thành Phiên-An, quân giặc bị bắt sống và bị chém cả thảy 1.831 đứa, không còn sót đứa nào; quan binh bị thương hơn 400 người, chết 60 người” (2).

Sài-Gòn, Gia-Định đã sống những ngày thật kinh hoàng. Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi là cuộc nổi dây to lớn nhất của Nam kỳ. Nó đã quy tụ được nhiều thành phần dân chúng của Sài-Gòn đương thời như người Gia-Định tức người sinh-trưởng tại chỗ, người thanh Kiều, người Khmer, người theo đạo Gia-Tô, người Minh Nghĩa gốc Quảng-Nghĩa, người Bắc Thuận gốc Bắc kỳ, người Thanh Thuận gốc Thanh-Hóa, người An-Thuận gốc Nghệ-An, người Hồi Lương gốc đàng ngoài...

Họ bất mãn với sự thay đổi chính sách thống trị của Minh Mạng ngay sau khi Lê Văn Duyệt chết. Họ càng bị bách hại, kết tội, bóc lột bởi nhóm quan-lại mới bổ đến, đặc biệt là Bố-Chánh Bạch-Xuân Nguyên rất tàn bạo và tham-lam. Tình hình các tỉnh thì người giàu bá chiếm nhiều ruộng đất, người nghèo phần lớn chỉ làm thuê thiếu ruộng cày, xã hội phân hóa trầm-trọng.

Triều-đình Huế đã thấy rõ tầm vóc quan trọng và sự bất-ổn của vùng đất mới nên sau khi thu-hồi được thành Phiên-An, Minh-Mạng kịp thời đề cử Trương Đăng Quế cầm đầu phái-đoàn kinh-lược Nam kỳ lục tỉnh.

* Thành-phần phái-đoàn:

Phái đoàn kinh lược Nam kỳ lục tỉnh năm 1836 rất quan trọng. Cầm đầu phái đoàn là những trọng thần uy-tín nhất triều đình lúc đó. Minh-Mạng đã dụ rằng “chuyến đi nầy quan hệ trọng đại, các ngươi đều là đại thần ta lựa chọn cho đi, nên hết lòng làm việc, lấy lợi trừ hại, thân oan lý uổng, cho địa-phương được nhờ, cũng như ta đi tới nơi vậy” (3). Thành phần phái đoàn gồm có:

- Binh Bộ Thượng Thư Cơ Mật Đại thần Trương Đăng Quế.
- Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Kim Bảng sang làm Kinh-lược Đại-sứ.
- Thự Lễ Bộ Thị Lang Tôn Thất Bách và Thự Thông chánh sứ Nguyễn Đắc Trí sang làm phó sứ.
- Nhằm giờ lành ngày 18-2 mang cờ và đem theo các viên dịch tùy biên lên thuyền vào Nam. Thuyền đi 6 ngày đã đến Gia-Định. Vừa tới Cần Giờ đã có sẵn 200 biền binh (lính chánh quy), một quân cơ và 4 xuất đội đến nghinh tiếp, làm thuộc hạ để sai phái. Riêng Nguyễn Kim Bảng đến Gia-Định ngã bịnh chết. Trấn Tây Tướng quân Trương Minh Giảng thay thế làm Kinh lược Đại sứ.

Ngày 24-2 năm Bính Thân (1836) Trương Đăng Quế tới Sài-Gòn với 3 nhiệm vụ chính, rất quan-trọng:

- Duyệt sổ dân và tuyển chọn quân lính (duyệt tuyển)
- Đo lại ruộng đất và lập địa bạ (đạc điền)
- Giải quyết tại chỗ một số vấn đề khẩn trương khác để ổn định và phát triển vùng đất mới.

* Phân công:

- Phó sứ Tôn Thất Bách và Nguyễn Đắc Trí thì đi Biên-Hòa, Định-Tường để khám đạc

- Trương Đăng Quế ở lại Gia-Định năm ba ngày xếp đặt việc chung rồi lên đường đi Vĩnh-Long, An-Giang. Như vậy một nửa phụ trách miền Đông và một nửa phụ trách miền Tây.

* Việc duyệt tuyển và đạc điền:

Để thi hành việc duyệt tuyển và đạc điền, người sinh quán đâu phải về đó. Quan tỉnh Gia-Định tâu về kinh “Năm ngoái thuê mướn dân phủ ở tỉnh hạt và ở Vĩnh-Long, Định-Tường để san bằng chân thành Phiên-An cũ và lấp các hào rãnh, đến nay công việc mới được quá nửa. Bây giờ có việc tuyển lính và đạc ruộng, dân các tỉnh gián hoặc có người phải đăng lính, có người phải nhận ruộng đất. Vậy xin hãy tạm thả cho họ về, chờ khi vãng việc sẽ tiếp tục làm” (4).

Việc duyệt tuyển và đạc điền toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ làm hoang mang dân chúng lúc đầu nhưng nhờ công việc làm tiến hành một cách khoa học và nhanh chóng nên kết quả rất tốt đẹp. Việc khám ruộng và đạc điền thì các quan từ kinh đô, kết hợp với các phủ huyện tổng xã và các đương sự có ruộng để làm việc công khai.

Mọi sự khiếu nại có thể giải quyết ngay tại hiện trường. Trương Đăng Quế đã nhìn thấy sự thỏa thuận chung là cần thiết. Ông đã tâu về vua Minh-Mạng: “Lính mới tuyển ở Gia-Định, Biên-Hòa, Vĩnh-Long, Định-Tường đã gần đủ số. Còn việc đạc ruộng đã làm thử ở chỗ gần, thấy dân tình cũng có một vài người không vui, nhưng phần đông đều muốn đạc vì Nam kỳ chứa chất tệ hại đã lâu, cường hào cậy mạnh bá chiếm, người nghèo không đất cắm dùi. Xưa kia ruộng đất chỉ khai báo là “thửa” không biết to nhỏ thế nào, đóng thuế bao nhiêu cũng được, chứ chưa bao giờ có việc hạ thước xuống đo cho thành sào, mẫu chính xác. Nên có chỗ trước là một thửa, mà dài rộng quanh co đi đến nửa ngày đường mới hết chỗ cày cấy thực” (5).

* Việc lập sổ địa bạ:

Rất kỹ lưỡng, chu đáo. Địa bạ chẳng khác nào như tấm địa đồ của làng, theo đó ghi từng sở ruộng, diên tích bao nhiêu mẫu, sào, thước, tấc, tọa lạc tại đâu, giáp giới tứ chi thế nào, thuộc quyền sở hữu của ai, vì đâu mà có, trồng loại cây gì, làm nhà ở, xây mồ mả hay hoang phế. Ruộng lúa thì thuộc đẳng điền nào, nếu công điền, công thổ thì phải ghi riêng. Theo nguyên tắc, làng nào cũng có địa bạ vì ngay khi lập làng mới phải có địa bạ kèm theo. Khi tính thuế, căn cứ theo địa bạ để làm ra điền bạ. Trong điền bạ còn ghi rõ số lúa, số tiền thuế tính riêng từng thửa ruộng đất, rồi cộng chung cho cả làng.

Phái đoàn kinh lược Nam kỳ lục tỉnh năm 1836 thực hiện lần đầu ở Nam kỳ, những sổ địa bạ, điền bạ đó theo đúng quy cách chung của toàn quốc.

Sau khi hoàn tất việc kinh lý, Trương Đăng Quế, Tôn Thất Bách, Nguyễn Đắc Trí đi đường trạm về kinh phục mệnh, còn Trương Minh Giảng lại về thành Trấn Tây (tức Nam-Vang) giữ chức.

Trước hết, quan Kinh lược đệ trình “sách sổ mục điền thổ” và các điều khoản chước nghị tâu lên: “Trước ruộng đất nộp thuế là 20.195 sở, 13 dây, 8 khoảnh và linh tinh 3.464 mẫu. Nay đạc thành điền, thổ các khoản hơn 650.075 mẫu. Nguyên ruộng trước có 65 sở, nay khám ra thành 1.017 khẩu ao nuôi cá” (6).

* Định lại thuế điền thổ:

Ngoài ra Trương Đăng Quế còn cho định lại thuế điền thổ ở Nam Kỳ: “Ruộng sâu, mỗi mẫu nạp 26 thùng lúa, ruộng cạn mỗi mẫu nộp 23 thùng, thập vật mỗi mẫu 3 tiền. Đất trồng dâu, mía, trầu, mỗi mẫu 2 quan; vườn cau mỗi mẫu 1 quan, 4 tiền. Đất ở và đất trồng khoai đậu, mỗi mẫu 8 tiền, đất trồng tre, trồng dừa, mỗi mẫu 4 tiền. Còn vườn tiêu, ruộng muối đều cũng phân hạng đánh thuế”.

* Công điền, công thổ:

Cho đến nay chưa tìm ra “bản sách ghi số mục ruộng đất” hơn 630.075 mẫu đó để biết được số lượng công điền, công thổ của Nam kỳ lục tỉnh là bao nhiêu. Tuy nhiên bản kết toán kinh lý còn có nhiều khoản liên quan đến công điền, công thổ, trong “14 điều khoản châm chước bàn định để trình lên”. Sự kiện nầy chứng tỏ đoàn kinh lược có dụng ý thiết lập chế độ công điền, công thổ tại đây. Số lượng công điền, công thổ của mỗi làng nếu cộng chung lại chắc phải lên đến mức đáng kể.

Để hiểu về chế độ công điền, công thổ, biết thêm quan niệm của người xưa về cách cư trú, chiếm ruộng đất của xã thôn cũng như cách xử dụng và khai hoang ruộng đất, chúng tôi xin trích lại toàn văn của “14 điều khoản” (7) và chỉ nhấn mạnh những điều liên quan đến công điền, công thổ.

1. Trước trong sổ nộp thuế ruộng, nay khám đạc là thổ; trước trong sổ nộp thuế là thổ, nay khám đạc là ruộng. Trước hoang vu, nay đã thực sự cày cấy, đều theo sự thực khai vào các hạng. Trước trong sổ là ruộng thực mà nay khám ra toàn ruộng dâu, mía và cau, cũng có một hai phần tách ra thì cũng theo sự thực, khai vào các hạng thổ đánh thuế.

2. Các hạng ruộng đất nộp thuế trước hoặc các chỗ xây dựng miếu mạo, đền chùa và nơi để mồ mả thì tách ra liệt vào một hạng riêng, còn thì căn cứ vào sổ thực canh, chiếu đạc biên vào sổ.

3. Những đất dân cư, chỗ nào là đất hoang hoặc gò đống, trong sổ không ghi người nào trước đã nộp thuế thì liệt vào làm đất dân cư, miễn thuế. Nếu có chủ khai nhận thì cho dân đánh giá, nộp thuế theo hạng đất công (công thổ).

4. Trong sổ trước là thực trưng nay khám ra còn một hai chỗ hoang vu thì căn cứ vào ruộng thực canh, đã đạc thành mẫu, thành sào, trước-bạ, còn thì liệt vào hạng lưu hoang, đều do quan địa phương sức dân khai khẩn cày cấy thành ruộng cho làm hạng công điền bắt nộp thuế.

5. Các hạng ruộng đất của các xã thôn trước đã nộp thuế, có lệ thuế trong điền bạ ở thôn nầy mà ruộng đất tọa lạc tại thôn khác, và điền bạ theo tỉnh nầy mà ruộng đất lại tọa lạc ở tỉnh khác, nay cho trả về sổ địa bạ của tỉnh và thôn mà ruộng đất đã tọa lạc ở đó.

6. Ruộng đất thực canh ở trong sổ khai là cả thôn ấy cùng cày cấy, “bổn thôn đồng canh” thì cho là hạng ruộng đất công. Có những chủ ruộng trồn đi, hoặc chết mà không có con cái thì giao cho dân sở tại nhận cày cấy, nộp thuế theo hạng ruộng đất công.

7. Ở ngoài phụ quách thành Phiên An cũ (thành Bát quái) trừ ra những nơi đặt làm thành mới Gia-Định và những chỗ liệu để làm quan xá, quan trại, thủy đường, còn thì đạc được hơn 400 mẫu cho dân phụ cận lập sổ địa bạ, nộp thuế theo hạng công thổ.

8. Một thửa đất thành cũ Định Tường, trước đạc được hơn 400 mẫu, cho dân sở tại cày cấy nộp thuế theo hạng công điền.

9. Ở Gia-Định có 5 thửa ruộng, trước cấp cho đội An Lương khai khẩn cày cấy đã thành ruộng, nay đạc được 14 mẫu cho dân nhận lãnh canh tác nộp thuế theo hạng ruộng công.

10. Ở Hà-Tiên có 3 thức quan điền, trước không phải nộp thuế, cấp cho cơ Hà-Tiên cày cấy, nay đạc thành ruộng được 75 mẫu, vẫn để cho lính Cơ nộp thuế theo hạng quan điền.

11. Ở Định Tường, trước kia Tôn Thất Chương để lại 2 thửa ruộng cỏ, từ trước vẫn cho người tá canh nửa vời, các điền hộ chuyền tay nhau bán đi, nay khám ra là 50 thửa mà dấu tích tá canh hãy còn rõ ràng thì có 6 thửa đạc được 398 mẫu, vẫn giao cho chủ trước. Còn 44 thửa đạc được 359 mẫu thì cho nhân dân lãnh nộp thuế, liệt vào hạng ruộng công.

12. Nhân dân xã nào trốn tránh canh tác, địa phận của họ không ai đứng ra nhận đo đạc thì xuất cho tổng trưởng sở tại gọi những xã thôn bên cạnh nhóm lại tiếp nhận, khám đạc, rồi căn cứ vào số ruộng đất lập thành sổ địa bạ, cho người tá canh nộp thuế, đợi khi dân ấy về lại cho nhận ruộng cày cấy và cư trú.

13. Thôn xã nào trước đây không có địa phận, lại không có ruộng đất nộp thuế duy có mua được một hai thửa ruộng đất ở thôn khác để ngụ cư mà hiện có dân số và ngạch lính, thì cho tách lấy ruộng đất đã mua ấy làm địa phận, xây dựng địa bạ. Hoặc có một hai xã thôn trước không có địa phận cũng không có ruộng đất đã mua và đóng thuế mà chỉ ở nhờ ruộng đất người xã khác hiện nay đã thành làng xóm thì cũng lo xắn lấy số ruộng đã ở nhờ đó làm địa phận mình. Nếu thôn xã nào ở tản mác, không thành thôn xóm thì do quan địa phương xét xem trong hạt, những nơi rừng rú, gò đống bỏ hoang mà có thể cày cấy, cư trú được thì cho họ lập ấp, làm sổ địa bạ để họ được an cư.

14. Các hạng ruộng đất trước ở trong đó có chỗ trước bạ 2 lần hoặc có chỗ bỏ hoang mà không rõ tọa lạc nơi đâu, nay xét ra quả thật là đúng thì đều cho miễn trừ.

Những điều khoản trên đây rất súc tích và cụ thể, có thể cho ta hiểu được những khái niệm của người xưa về địa phận xã, an cư lạc nghiệp, lập ấp mới, sổ địa bạ, đồn điền, quan điền và đặc biệt hơn nữa, nơi đây là nguồn gốc của công điền, công thổ của miền Nam đất mới.

Sau khi nghe đọc xong bản tấu trình các điều khoản trên. Minh Mạng nói với nội các: “Nam kỳ lục tỉnh, bấy nay những xứ sở, bờ mốc ruộng đất đều lộn xộn. Nay Kinh lược Đại thần thân đi xem xét tại chỗ, bàn kỹ từng khoản đều được ổn thỏa, hợp lý, chuẩn cho thi hành như lời đã bàn... vậy truyền đi cho Đốc, Phủ, Bố, Án ở các tỉnh chuyển sức cho các phủ huyện, chiếu theo những xã thôn thuộc hạt phải lấy số ruộng mới đạc làm chuẫn đích lập rõ giới hạn, hoặc dùng viên gỗ, hoặc chôn mốc đá, ghi dấu rõ ràng để trong chỗ làng-mạc, cứ theo đấy cùng sống yên ổn” (8).

Triều đình Huế đã hãnh diện và rất hài lòng về chuyến kinh lý này nên Trương Đăng Quế được thăng Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng Thư Bộ Binh, xung cơ mật viện đại thần. Trương Minh Giảng được thăng chức Đông các đại học sĩ Trấn Tây Tướng quân lãnh Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên) và hầu hết các quan chức trong phái đoàn đều được thăng chức và trọng thưởng. Quan lại và lý dịch địa phương cũng được khen thưởng nhiều hay ít tùy công lao. Ngoài ra triều đình còn định lệ thưởng phạt cho quan lại và lý dịch tùy theo mức độ khai hoang hoặc để hoang nhàn ruộng đất.

Đia bạ 1836 đã làm cho “kẻ giàu không đựơc bá chiếm, người nghèo đều có tư sản” đã thiết lập chế độ công điền công thổ ở Nam Kỳ. Nhưng cái “tư sản” của người nghèo vẫn còn quá nhỏ nên chính quyền quân thủ đương thời đã tìm biện pháp nới rộng thêm phạm vi của công điền công thổ ngõ hầu đem cung cấp cho dân nghèo.

Theo nghiên cứu về địa bạ Lục tỉnh, vùng đất mới được khẩn hoang lập ấp, ta thấy số ruộng tư điền chiếm 9/10 tổng số ruộng thực canh. Xét lịch sử phát sinh và phát triển, có lẽ tư điền đây không phải là một quyền sở hữu tuyệt đối mà chỉ là một quyền sử dụng tư nhân trên một sở ruộng do chính đương sự đã khẩn hoang. Luro viết về thủ tục lập làng mới và sở hữu tư nhân trên ruộng đất ở NKLT xưa khá rõ ràng và sắc bén: “thế là một làng mới được thành lập, đất đai được chia cho các gia đình trong cộng đồng xã thôn. Mỗi gia đình chiếm lấy phần đất mà mình có khả năng khai thác. Cũnng từ đó quyền sở hữu tư nhân của các nông dân được thiết lập (Sự thật không phải ai xí phần đâu là có quyền sở hữu đó mà chỉ sở hữu trên ruộng đất thực canh mà chính quyền đã đo đạc rồi ghi vào đia bạ dể đánh thuế - NĐĐ) để đổi lấy thuế trả cho sự trị an mà sở hữu chủ được hưởng, chính quyền bảo đảm cho cá nhân được quyền sử dụng một mãnh đất vô giá trị mà khởi đầu chẳng có lợi ích gì khác ngoài lợi ích tự nhiên,nhưng không gắn liền với đất đai, tự nó không có ích lợi cho ai. Từ nguyên thủy không có giá trị, song với nổ lực can lao và trí tuệ của con người, mảnh đất ngày càng có giá trị nhờ hoa màu ngày càng tăng do sự canh tác. Vì thế mảnh đất ấy có thể trao đổi, mua đi bán lại. Vậy thì cái giá trị chỉ do cá nhân con người tạo nên bằng lao động và cố gắng của mình. Cái giá trị trao đổi ấy trước đây không hề có, nay phải thuộc về chính người tạo ra nó, chứ không thể ai khác được “ (3)

Cuộc kinh lý Nam kỳ năm 1836 đã giải quyết được rất nhiều việc như: duyệt dân, tuyển lính, thanh lọc hàng ngũ quan lại tham nhũng, trị tội bọn “mua quan bán chức” làm trong sạch bộ máy hành chánh, xếp đặt thể lệ vận chuyển đường sông, chia cắt lại đơn vị hành chánh, xếp đặt lính tráng bố phòng những đồn ải trọng yếu, định lệ thưởng phạt trong việc khai hoang lập ấp...Song kết quả đáng kể hơn cả là lập được Đinh-bạ và Địa-bạ cho mỗi thôn xã ở Nam kỳ. Đối với chính quyền thì chận đứng được phần lớn việc “trốn xâu, lậu thuế” hay lẫn vào trong bưng biền để “tụ tập khởi loạn”. Đối với xã hội thì “bờ cõi đã đúng, kẻ giàu không được bá chiếm, người nghèo đều có tư sản” (9).

Cách lập sổ bộ đó khá chính xác. Sau nầy, khi người Pháp cai trị thuộc địa cũng rất thán-phục, nhất là “địa bạ”, có trường hợp đến đầu thế kỷ 20 họ vẫn lấy đó làm căn cứ để giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất.

Mặc dù điều kiện đi lại thời đó thật khó khăn, xe ngựa, ghe thuyền là phương tiện chủ yếu, Trương Đăng Quế đã hoàn thành một cách xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng như duyệt tuyển, đạc điền và giải quyết tại chỗ một số những vấn đề khẩn trương như trừng trị bọn tham nhũng bấy lâu quấy nhiễu, bách hại dân lành... Việc nào cũng đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc, không bỏ sót, không gây xáo trộn, hoang mang cho dân chúng. Ông đã lãnh đạo hoàn thành tốt đẹp một khối công việc to lớn mà ít ai có thể làm được chỉ trong vòng 5 tháng.

Trước khi nhận sứ mệnh của vua Minh Mạng giao phó, Trương Đăng Quế đã nổi tiếng là người học rộng biết nhiều. Chuyến đi nầy của ông, ngoài việc thể hiện lòng tin của vua, cũng là dịp thử thách đối với ông. Vua Minh Mệnh muốn xem tài học của ông được vận dụng như thế nào. Vốn là người ngay thẳng, liêm khiết... ghét thói bạo ngược, tham ô, lại sẵn lòng thương dân, yêu nước, Trương Đăng Quế không coi đây là thử thách của nhà vua. Trái lại với ông, đây là cơ hội tốt để giúp dân giúp nước.

Trương Đăng Quế đã quy định rõ mức ruộng của người giàu, giới hạn không để người giàu bá chiếm vô số ruộng đất và người nghèo đến mấy cũng có ruộng đất để làm ăn sinh sống. Đó là đặc điểm nổi bật trong phép cai trị của ông. Chính điều nầy đã làm chậm quá trình phân hóa giai cấp và giúp xã hội Nam kỳ thời bấy giờ sớm ổn định. Những chính sách hợp lý cùng với công tác xây dựng các khu hành chánh chặt chẽ, thành lập các thôn làng mới, chống tham nhũng triệt để. Sự đóng góp của ông đã mang lại nhiều kết quả tích cực: người dân yên ổn làm ăn, những tranh chấp đã giảm đi rõ rệt, việc khuyến nông được đẩy mạnh. Chuyến kinh lý của ông đã tạo cơ sở để phát triển sản xuất ở miền Nam, cải thiện đời sống người lao động nghèo khổ. Khi sản xuất phát triển kéo theo mở rộng buôn bán, lúa gạo là hàng hóa lưu thông khắp nơi từ Nam chí Bắc kể cả viêc xuất cảng gạo ra nước ngoài.

Sài-Gòn, Gia-Định mỗi ngày tự khẳng định vai trò trung tâm dân cư, trung tâm thương mãi, trung tâm văn hóa, chính trị, trung tâm chiến lược cho cả miền Nam nước ta.

Sài-Gòn, Gia-Định phát triển nhanh chóng là nhờ chuyến kinh lý Nam kỳ của Trương Đăng Quế. Là người hiểu rõ đất Nam kỳ nên những nơi xung yếu đều được ông chú ý. Chỉ riêng việc ông tâu xin vua cho lập thành trì ở Côn-Sơn và Tây-Ninh là đủ thấy ông sáng suốt đến mức nào. Nếu không phát xuất từ nỗi lòng lo cho hạnh phúc của dân, lấy cái vui của dân làm cái vui của mình thì thật không thể nào ông hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc như vậy. Cũng chính trong chuyến đi kinh lý ấy, Trương Đăng Quế đã phát hiện chốn Côn Đảo đẹp lạ kỳ và có một vị trí rất lợi hại về kinh tế, quốc phòng nên ông tâu xin vua cho lập đồn canh giữ đất lâu dài. Ngày nay Côn Đảo đã trở thành địa danh thân yêu của đất nước với nhiều tài nguyên quý giá.

Sau chuyến kinh lý của ông, Nam kỳ lục tỉnh đã vào giai đoạn phát triển mới. Nông thôn thì phát triển sản xuất, thành thị tập trung mở rộng buôn bán, nhiều thương cảng mới đã ra đời.

Sài-Gòn nằm giữa hai hệ thống sông Đồng-Nai và sông Cửu-Long, tức giữa miền Đông và miền Tây. Cần-Giờ là một cửa khẩu thuộc loại tốt trên thế giới, tàu bè lớn ra vào dễ dàng. Sài-Gòn là cửa ngõ cả đường bộ lẫn đường thủy của Cao Miên và Hạ Lào. Ngoài hệ thống kinh rạch dày như mạng nhện và trung tâm là Sài-Gòn, còn có hệ thống “thiên lý cù” nối liền với cái vùng mới khẩn hoang, các làng xã, các khu hành chánh mới lập trong chuyến kinh lý đã thúc đẩy mạnh mẽ trong việc sản xuất, cũng như giao thương thông tới Nam-Vang, và thông ra Huế.

Sài-Gòn là một thương cảng ngày càng sầm uất, là đầu mối giao thương quốc tế và Sài-Gòn ngày càng xứng đáng là “hòn ngọc viễn Đông”.

Vì công lao to lớn ấy, năm Minh Mạng thứ 20 (1839) tiên sinh đã nhận sắc vụ của hoàng thượng ban: “Lần trước đây, Trương Đăng Quế đã đến Nam kỳ (1836) khám xét đo đạc ruộng dất, nhận định rõ ràng, chính xác tại chỗ, tùy theo đó đã làm nên việc, như thế chẳng khác nào đã mở rộng đất đai, vương giới, do đấy được tấn phong Tuy Thạnh Nam” (10).

Phần kết:

Để tưởng nhớ tiền nhân, chúng ta đã dở qua vài trang sử, biết được ông bà mình đã làm gì để Sài-Gòn, Gia-Định trở thành “hòn ngọc Viễn Đông” như ngày nay, trong đó Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế đã góp công không nhỏ. Chúng ta đã nhìn lại người xưa việc cũ cách xa gần 200 năm về trước để kết luận, chúng ta thử mượn lời người xưa nói về người xưa, những nhân vật tên tuổi hậu học hoặc đồng thời có người cùng tham gia nội các dưới các triều đại nhà Nguyễn nói về Trương Đăng Quế và nói về công tác kinh lược Nam kỳ lục tỉnh của ông như sau:

Trước hết, ta thử nghe Tuy Lý Vương Miên Trinh nói về Trương Đăng Quế:

“Dáng vẻ tiên sinh đoan trang trịnh trọng mà nổi bật lên, giữ cách hòa dịu hiền lành mà bàn giải, lúc thì đanh thép, mạnh bạo như gióng tiếng chuông lớn, chuông bé, lúc thì êm ái nhẹ nhàng như rút cái tằm lấy tơ chẳng hề dứt khúc, vấp váp, người nghe không cảm thấy mỏi mệt, thật là một cách khuyến khích, khen ngợi hay ho đặc biệt đối với kẻ hậu tiến. Anh Hoàng Mười (11) cùng Miên Trinh thường đem sách Đại Học bản xưa mà hỏi, tiên sinh vui tươi nét mặt mà rằng: “Lối học ngày nay kẻ sĩ đại phu sục tìm các môn mục trong tứ bộ, mười phần chẳng được một, hay khảo cứu lời chú sớ trong các kinh, trăm phần e chưa được một. Trực tiếp thể nghiệm điều đã học vào đời sống, một nghìn phần chẳng được một. Suy gẫm, tìm tòi để nhận biết sâu xa bản tính, lòng dạ chính mình lại muôn phần chẳng được một vậy. Ba mươi năm trở lại đây, ta tự học sách ấy, không có một người hỏi, tuy tên truyện chú lên hàng đầu mà theo, nhưng bản sách xưa, nghĩa xưa ắt không thể không biết được.

Các ông mới học mà đã hay biện luận để tìm hiểu đến như thế, đạo ta quả thật là có thể gởi gắm được vậy...” (12).

Có thể nói Trương Đăng Quế là người tài kiêm văn võ, lại có tầm nhìn kinh bang tế thế. Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ Sung Nội Các Hành Tẫu Lương Khê Phan Thanh Giản khi viết về Trương Đăng Quế với cuộc kinh lược Nam kỳ lục tỉnh đã nhận định:

“...Kịp khi đến cùng tiên sinh đồng thời ở trong nội các, có sự giao du qua lại, nhiên hậu mới biết được tiên sinh ôm ấp chí hạ, tài học bao la, chi từ xem là sức du. Xem như lúc ban đầu nhận mệnh đi đo đạc đất ở miền Nam ta, mọi quy mô kể cả bờ cõi, đều dùng phép tắc rất linh hoạt, không nhất nhất câu nệ ở số đo, thước tấc; không hề sách nhiễu tài sản vật dụng của dân. Việc lớn như thế mà chỉ làm trong khoảng không hơn 5 tháng đã xong, kịp trình tấu kết quả lên đấng chí tôn. Thêm nữa, tiên sinh hiểu rõ bờ cõi đất đai 6 tỉnh Nam kỳ, phàm các nơi xung yếu có thể gây trở ngại bế tắc; chẳng nơi nào là không được tiên sinh lưu tâm chú ý.

Trước hết, khi tiên sinh tâu xin lập thành trì ở Tây Ninh, tuy tôi là người Nam kỳ cũng chưa kịp nghĩ đến vậy.

Thường chi nếm thử một miếng thịt cũng biết vị canh ngon của bếp trời, nhìn một vệt lông cũng biết vẻ sáng đẹp của màu lông con báo.

Nếu không phát xuất từ lòng lo cứu sống dân được hạnh phúc, khỏi tai ách, làm nỗi lo của bản thân, lấy việc phòng bị biên cương còn mất làm nỗi suy nghĩ của riêng mình thì thật không thể nào tiên sinh làm được như vậy. Cho nên đấng bề trên đoái tình tri ngộ mà hậu đãi một cách đặc biệt, ban ơn mưa móc, tóm gởi lâu dài cho thân thuộc cũng là hợp đạo lý vậy.

Nay kẻ đàn em nầy khoa tay mà tự phụ nói rằng: Ta đã biết được mặt mũi đích thực của Lư Sơn vậy” (12).
Người xưa đã nói với người xưa như thế đấy.

Ôi! “Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bay giờ”

Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế quả là một danh nhân nổi tiếng dưới triều Nguyễn đã có công lớn đóng góp vào sự phát triển của miền Nam nói chung và của Sài-Gòn, Gia-Định nói riêng.

Kẻ hậu sinh chỉ “lần dở trước đèn” vài trang lịch sử để biết được phần nào Ông Cha mình đã làm gì cho Quê hương xứ sở, cho con cháu, cho nòi giống nói chung và Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế đã làm gì cho Nam Kỳ Lục Tỉnh, hay Sài gòn Gia định nói riêng trong cuộc kinh lược năm 1836.

Chúng ta hãy lắng lòng nghe nhà thơ cổ Trương Đoan Trai tâm sự về sứ mạng nặng nề của Trưởng phái đoàn Binh bộ Thượng Thư Cơ Mật Đại thần Trương Đăng Quế phải “Theo mệnh vua chấn chỉnh đất Nam kỳ”. Nào cường hào bá chiếm ruộng đất, dân nghèo không có ruộng cày. Nào quan lại tham ô nhũng lạm. Nào bờ cõi, biên giới chưa phân định rõ ràng, xóm làng có nhiều nơi chưa thành lập... Ngoài sứ mạng của một “Tổng trưởng Quốc phòng” đặc trách bình định, đạc điền, ông còn kiêm Viện Cơ Mật, một cơ quan cao cấp nhất để giúp vua giải quyết công việc hệ trọng của Quốc gia.

Thật khó khăn cho ông, Nam kỳ kinh hoàng sau cơn phiến loạn Lê Văn Khôi. Dân thì “khốn khó”, nhà vua, chính phủ thì muốn thu thuế nhiều để đủ chi tiêu. Phải đặt mức thuế như thế nào cho hợp tình hợp lý? Phải “Tính toan điều độ mức thu chi”. Điều đó đã nói lên tấm lòng thương dân, thương nước của người có trách nhiệm lãnh đạo.

Dù lòng dạ rối bời vì toan tính lo âu trước việc lớn, nhưng khi thuyền qua Quảng Ngãi, lòng không khỏi chạnh nhớ xót xa:

“Quê cũ đón đường lòng thấp thỏm
Tha hương đưa lối dạ mang mang “


Nỗi nhớ Quê hương, tấm lòng vì nuớc vì dân của Trương Đăng Quế trong cuộc Kinh lược Nam kỳ Lục tỉnh 1836 được thể hiện qua hai bài thơ dưới đây trích trong Học Văn Dư Tập của Trương Đoan Trai được hai ông Trương Quang Gia và ông Phạm Huệ phụng dịch:

- Khâm mạng kinh lược Nam Kỳ Lục Tỉnh
- Thuyền quá Quảng nghĩa cố hương

Nguyễn Cao Can
Đầu năm 2004.

(1) Quốc triều Chánh Biên trang 153
(2) Quốc triều Chánh Biên tr. 198.
(3) Đại nam thực lục tập XVII tr. 107.
(4) (5) (6) Đại Nam thực lục tập XVII tr. 108.
(7) Đại Nam thực lục tập XVII tr. 211–214
(8) Đại Nam thực lục tập XVII tr. 214.
(9) Đại Nam thực lục tập XVII tr. 290.
(10) Trích trang bài Minh, khắc trên bia thờ bên mộ quan Thái sư Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ Quản Lý Binh Bộ Sự Vụ Trung Thạnh Quân Công Trương Đăng Quế.
(11) Tùng Thiện Vương là hoàng tử thứ mười của triều Minh Mệnh (ghi chú của tác giả)
(12) Tuy Lý Vương Miên Trinh viết trong Vỹ-Dạ Hợp Tập của Trương Doãn Trai (tờ 9 đến tờ 16).
(13) Bài tựa Học Văn Dư tập, viết năm Minh Mạng thứ 17 (1836) sau tiết Hàn thực một ngày.

KHÂM MẠNG KINH LƯỢC NAM KỲ LỤC TỈNH

Hựu phủ tham mưu hoạch
Nam kỳ phụng chỉnh ly
Đồng thuyền thừa lãng sứ
Vũ bảo phất vân thùy.
Thi hạ hoàng thân tặng
Xuân lâm thụy nhật tri.
Thương sanh binh tiễn hậu
Điêu tề phi trù duy.

Trương Đoan Trai

Chú:

(1) Sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi, tháng bảy năm Ất vị 1835, đến năm 1836, tiên sinh được vua Minh Mạng cử đi kinh lược sáu tỉnh Nam kỳ.

Lê Văn Khôi nguyên trước tên là Nguyễn Hữu Khôi, làm loạn ở Cao Bằng, bị quan quân đuổi đánh, vào Thanh Hóa đầu thú với Lê Văn Duyệt, được thu dùng , đem về Gia Định cho làm chức Phó úy. Khi Bạch Xuân Nguyên Bố chánh Gia Định truy xét việc Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi bị bắt giam, nên âm mưu nổi loạn, giết quan tỉnh và chiếm thành Phiên An vào đêm 18 tháng 5 năm Quí tỵ (1833). Khôi xưng Đại nguyên súy, chia quân đánh phá các tỉnh Nam kỳ, định lập một triều đình riêng. Sau bị Trung quân là Thái công Triều phản, Lê Văn Khôi phải cố thủ thành Phiên An cầu cứu quân Xiêm, Quan quân triều đình một mặt đánh viện binh Xiêm, một mặt bao vây thành. Tháng chạp năm ấy Lê Văn Khôi chết, nhưng chiến trận kéo dài đến tháng 7 năm Át vị (1835), Tướng Nguyễn Xuân và Nguyễn Văn Trọng mới hạ thành được, Tháng 3 năm Bính Ngọ 1836, (Năm Minh Mạng thứ 17), Tiên sinh được cử đi kinh lý Nam kỳ để lo chấn chỉnh tổ chức hành chánh và quân dân.

Nhận mệnh vua đi kinh
lược 6 tỉnh Nam kỳ

Mệnh vua chấn chỉnh đất Nam kỳ,
Định kế trù mưu rõ tế vi.
Ào ạt thuyền đông phăng biển sóng,
Rùng rùng tàn lọng cuốn màn mây.
Hoàng thân thơ tặng tình lưu luyến,
Ngày đẹp xuân lan bước trù trì.
Binh lửa qua rồi dân khốn khó, (1)
Tính toan điêu độ mức thu chi.


Trương Quang Gia phụng dịch

Vâng mệnh Vua, lo việc Nam Kỳ
... bàn tán hoài việc nước
... xin lĩnh việc Nam Kỳ
Thuyền đồng cởi lưng sóng
Như gió vạch mây đi
Hoàng thúc làm thơ tặng
Xuân lâm hẹn ngày về
Dân ta sau mùa loạn
Quan trên hằng bỏ bê.


Phạm Huệ phụng dịch

THUYỀN QUÁ QUẢNG NGHĨA CỐ HƯƠNG

Xuân phong tống chinh nghích
Thuấn tức Việt trùng ba
Lộ chỉ cố hương quá
Tinh huyền du tử đa.
Không hoài Tang tử kính,
Trùng xướng Thử miêu ca.
Khởi lập thuyền đầu vọng,
Dao thôn ẩn nghiệt la.


Trương Đoan Trai

(Thuyền đi ngang quê cũ Quảng Nghĩa)

Gió xuân nhẹ tiễn chiếc thuyền lan,
Liếc mắt nhìn quanh sóng ngổn ngang.
Quê cũ đón đường lòng thấp thỏm,
Tha hương đưa lối dạ mang mang.
Chạnh niềm Tang tử (1) chiều vương vấn,
Ngõ ý Thư miêu (2) khúc rộn ràng.
Đứng tựa đầu thuyền (3) nhìn tít tắp,
Nhà thôn lùi khuất bóng cây làng.


Trương Quang Gia phụng dịch

Chú:

(1) Thiên Tiểu biện trong Tiểu nha kinh Thi có câu “Duy tang dữ tử tất cung kinh chi” (duy chỉ cây dâu cây tử ắt hẵn là nơi cung kính). Về sau cây tang (dâu), cây tử được dùng làm biểu hiệu cho quê hương, nơi đó là chốn chôn nhau cắt rún cho bản thân, có tổ tiên thân tộc và láng giếng sống với nhau nhiều đời, gây niềm quyến luyến.
(2) Thiên Thử miêu trong Tiểu Nhã kinh Thi ca ngợi Thiệu Mục Công xây dựng vững chãi đất Tạ là đất phong ấp của Thần hầu. Từ đó chê U vương kết oán Thần hầu đến mất (U vương dâm bạo không biết lo cho quan lại và dân gian được yên nghiệp).
(3) Trên đường kinh lý Nam Kỳ, công vụ quá bề bộn gấp rút, dầu đi ngang cũng không thể nào ghé thăm quê nhà được. Lóng tác giả xốn xang, không nằm yên được trong khoang thuyền mà phải tựa đầu thuyền lưu luyến nhìn cảnh xưa, gởi theo gió lòng nhớ nhung. Làng Mỹ Khê Tây thuộc huyện Bình Sơn (nay là Sơn Tịnh) tỉnh Quảng Ngãi (quê hương tác giả) nằm theo ven biển, khoảng giữa hải lộ từ kinh-đô Huế vào Nam kỳ.

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh