Vào khoảng tháng 8 năm 1960, tôi sống với anh chị tôi ở An Cựu, phía nam sông Hương của thành phố Huế. Trời đang mùa mưa, buồn thật buồn. Cái mưa ở xứ Huế ấy mà, cứ rả rích…rả rích… lại càng buồn thê thiết:
…Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
. . . . . . . .
Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ những đêm say…
Nhà thơ Nguyễn Bính đã “thấm” cái mưa xứ Huế như vậy không biết trong bao lâu. Còn tôi, tôi mới chỉ nếm mùa mưa đầu trên đất Thần kinh mà đã thấy nản. Vài người bạn thân trong Quảng cùng ra Huế với tôi đã lần lượt bỏ tôi mà đi. Kẻ lên Đà Lạt. Người vào Sài Gòn. Không còn đồng xu dính túi để ngồi cà-phê Lạc Sơn ngắm nhìn thiên hạ, buồn quá đành đêm đêm thao thức than thở một mình:
Đốt bóng trăng khuya ngồi đếm bạn,
Một thằng đi, rồi hai thằng đi…
Ở lại nơi đây sầu gối lẻ,
Tiền tiêu chẳng có nhớ nhung chi?!
Biết được tình cảnh “sầu gối lẻ” của tôi, anh Nguyễn Toản gởi thư cho tôi: “Tưởng ngồi đếm bạc thì ở lại, còn ngồi đếm bạn thì về đi. Anh đang chờ chú về để giúp anh một tay…”.
Mừng quá. Nhận được thư tôi vội bay về ngay. Tưởng giúp việc gì. Thì ra anh ấy cho mình làm thầy giáo dạy học. Thế cũng hay. Đó là ước vọng của tôi ngay từ những ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường. Vừa về đến nhà, tôi xuống ngay quê hương Sung Tích của anh để gặp anh ngay. Tôi háo hức như đứa trẻ mong chờ ngày Tết. Sau khi trò chuyện một lúc, tôi hỏi ngay:
- Trường nằm ở chỗ nào vậy anh?
Anh Toản nhìn tôi, cười:
- Chưa có trường. Hay nói đúng hơn là trường đang xây. Chắc phải còn cả tháng nữa trường mới xong.
- Tại sao lại chậm vậy.
- Vì chạy chưa đủ tiền cần thiết cho nhà thầu.
Tôi hụt hẫng:
- Vậy thì mình dạy ở chỗ nào?
- Chú khỏi lo. Đã có căn nhà trống ở gần chợ Châu Sa của người bà con. Mình dạy tạm chừng một tháng thôi.
Vậy là bắt đầu từ đó, tôi làm thầy giáo dạy các môn văn sử địa cho các lớp đệ thất và đệ lục.
Đúng một tháng sau, học sinh bắt đầu vào học trường mới.
Đó là trường trung học tư thục TỰ LỰC, nằm ở phía sau sân vận động Châu Sa, dựa lưng vào di tích thành Hời thuộc xã Sơn Thành (nay là xã Tịnh Châu), huyện Sơn Tịnh. Trường quay mặt về Nam nhìn ra con đường tỉnh lộ Quán Cơm - Mỹ Khê.
Ngôi trường Tự Lực khiêm tốn so với nhiều ngôi trường khác trong tỉnh cũng đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng thầy trò chúng tôi.
Đọc lại mấy vần thơ của Nguyễn Bích Lâm, người học sinh tài hoa vắn số của Tự Lực, đã tạo cho tôi những xúc động lạ thường:
Áo trắng bay bay sao quá thương
Đầy hoa phượng thắm đỏ ven đường
Trường xưa Tự Lực sao nhung nhớ
Nền cũ còn đây trải mấy sương?
(Chạnh nhớ trường xưa – Nguyễn Bích Lâm)
Nguyễn Bích Lâm đã bỏ thầy, bỏ bạn, bỏ bao người thân yêu mà ra đi rồi. Xin cho tôi thắp một nén hương muộn màng cầu nguyện cho Nguyễn Bích Lâm.
Hãy yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng nhé, Bích Lâm!
Cùng thời với Nguyễn Bích Lâm, đó là Nguyễn Tấn Ích tức nhà thơ Mặc Hàn Vi, tác giả của các thi phẩm Mùa Thay Lá (1994), Trầm Hương (1995), và Sóng Đời (1996). Mặc Hàn Vi đã gợi cho tôi nhớ lại những tháng ngày Tự Lực, thầy trẻ trò nghèo vẫn luôn đùm bọc thương yêu nhau, giúp đỡ cho nhau trên bước đường cầu học. Lâu lâu đọc lại mấy vần thơ Mặc Hàn Vi gởi tặng thầy Nguyễn Toản và tôi mà bùi ngùi xúc động đến nao lòng:
Học hành thiếu trước, hụt sau
Ơn thầy chỉ dạy nhớ câu trường về
Trên đường qua chiếc cầu tre
Không tiền học phí thầy nghe giúp liền
Bây giờ hai ngả cách miền
Thương thầy chỉ biết khẩn xin ơn trời…
(Ơn thầy – Mặc Hàn Vi)
Tình nghĩa thầy trò sao mà tha thiết quá, dù rằng tuổi tôi và tuổi Mặc Hàn Vi chênh lệch nhau không bao nhiêu. Cái tinh thần “tôn sư trọng đạo” của những ngày xa xưa ấy như vẫn ăn sâu bén rễ vào tâm khảm những người học sinh thuở nào:
…Em ngồi thao thức tàn đêm
Nhớ thời tuổi dại càng thêm nhớ thầy
Trở trăn nhìn ánh trăng gầy
Bốn mươi năm ấy nay thầy ở xa
Tuổi hồng qua chợ Châu Sa
Ngôi trường Tự Lực quê nhà còn đâu
Lang thang một cánh chim sầu
Bay qua cõi tạm một màu tang thương…
(Kỷ niệm ngày thơ – Mặc Hàn Vi)
“Ngôi trường Tự Lực quê nhà còn đâu?”. Còn chứ, Mặc Hàn Vi. Ngôi trường Tự Lực vẫn còn đó trong tâm tưởng của những thầy, những trò đã hơn một lần gắn bó với ngôi trường Tự Lực thân yêu. Cũng như Mặc Hàn Vi vẫn “luôn hoài ước” về ngôi trường Tự Lực đó thôi. Còn “hoài ước” là ngôi trường vẫn còn:
Ngôi trường Tự Lực luôn hoài ước
Ngọn sóng sông Trà mãi vấn vương…
(Tìm về kỷ niệm – Mặc Hàn Vi)
Tôi dạy TỰ LỰC cho đến hết niên khóa 1963-1964.
Mùa Hè 1964, anh Nguyễn Toản cho xây một ngôi trường mới tại thị trấn Châu Ổ. Ngôi trường nằm về phía nam con đường Châu Ổ - Cầu Bi cách quốc lộ 1 chừng 300 mét, mặt nhìn về Bắc. Bên kia đường xế về phía tây là trường tiểu học Bình Vân và trên trường Bình Vân là trường bán công Huỳnh Thúc Kháng.
Đó là trường trung học tư thục HÀN THUYÊN.
Trước khi cho xây trường, anh Nguyễn Toản đã ra Đà Nẵng gặp thầy Trần Hoàng để mời thầy làm Hiệu trưởng và bàn về nhân sự của trường. Sau khi nhận được sự đồng ý của thầy Trần Hoàng, anh Nguyễn Toản giao cho tôi lo công việc điều hành trường trong khoảng thời gian thầy Trần Hoàng còn bận công việc ở Đà Nẵng.
Xin nhắc lại lại một chút kỷ niệm xưa. Vừa khai giảng, trường đã gặp ngay một trở ngại: tên trường. Khi nộp hồ sơ cho bộ Quốc gia Giáo dục tại Sài Gòn xin mở trường, trường lấy tên là trung học tư thục Hàn Thuyên. Thế nhưng, nghe đâu lúc đầu Bộ đã không chấp nhận tên Hàn Thuyên vì hình như thuở đó, các trường tư thục không được lấy tên danh nhân để đặt tên trường, ngoại trừ những trường đã được cấp phép từ trước. Ban Giám đốc và hội đồng giáo sư chúng tôi họp bàn, định đổi tên là Minh Đức, lấy ý từ câu đầu trong sách Đại học của Nho giáo: Đại học chi đạo tại minh minh đức… (Mục đích của sự học rộng cốt làm sáng cái Đức sáng của mình…) hoặc lấy tên Tự Lập để làm anh em với trường Tự Lực, bởi lẽ 2 trường cùng người sáng lập là thầy Nguyễn Toản.
Trong lúc còn đang lưỡng lự chưa biết chọn tên nào thì được tin thầy Nguyễn Biên, hiệu trưởng trường trung học tư thục Chấn Hưng, lúc bấy giờ đã là Dân biểu Quốc hội Đệ nhị Cộng hòa đơn vị Quảng Ngãi cùng các dân biểu cùng đơn vị là dân biểu Nguyễn Ấn và dân biểu Trần Vạn Phiên, đều là những người bạn thân của thầy Trần Hoàng, can thiệp với bộ Giáo dục cho lấy tên Hàn Thuyên và đã được Bộ chấp thuận. Vậy là trường được chính thức mang tên trung học tư thục HÀN THUYÊN.
Tôi đã gắn bó với ngôi trường Hàn Thuyên từ niên khóa đầu tiên (1964-1965) với nhiều trách nhiệm và khó khăn. Tôi cũng đã gắn bó với ngôi trường Hàn Thuyên vào những niên khóa cuối cùng với nhiều niềm vui và ước vọng. Và tất cả, tất cả đã tan biến theo cái ngày định mệnh: Thứ Sáu, 21 tháng 3 năm 1975 khi tiếng đạn pháo kích nổ đì đùng ở chi khu Bình Sơn và tiếng súng nhỏ nổ dòn ở bên mạn bắc cầu Châu Ổ. Không ai bảo ai, thầy trò bỏ trường mà chạy. Và trường Hàn Thuyên đóng cửa luôn từ ngày hôm đó.
Đã hơn 40 năm trôi qua…
Cho dù đã phải trải qua bao nhiêu là đổi thay, Tự Lực và Hàn Thuyên vẫn mãi mãi in đậm những kỷ niệm vui buồn trong tâm trí của tôi.
Tôi làm sao quên được hình ảnh của mỗi mùa khai giảng, nhìn những nét mặt hớn hở vui mừng của đám học sinh quay quần bên nhau ríu rít chuyện trò sau ba tháng hè xa cách.
Tôi làm sao quên được hình ảnh của những ngày bế giảng của mỗi năm học, có nhiều điều khác nhau, nhưng có một điều không khác, đó là những nét mặt buồn buồn của đám học sinh biết rằng rồi đây họ sẽ xa thầy xa bạn, dù chỉ là xa nhau trong mấy tháng hè.
Tôi làm sao quên được vài ngày cuối cùng của mỗi niên học. Hàng phượng trước hiên trường khoe sắc hoa đỏ thắm râm ran tiếng ve ngân nga trong ánh nắng trưa hè. Từ mỗi phòng học lại vẳng ra những giọng hát hoặc e ấp nghẹn ngào “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” hoặc thẹn thùng nuối tiếc “Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi…”
Những hình ảnh đó, những âm thanh đó vẫn âm thầm theo đuổi mỗi khi nhớ về khoảng thời gian tôi gắn bó với Tự Lực và Hàn Thuyên.
Đặc biệt là với Hàn Thuyên.
Giờ đây, có ai đó nhắc đến tên Hàn Thuyên là tôi lại miên man nghĩ về ngôi trường thân yêu đó. Hàn Thuyên, ngôi trường trong bài thơ “Nỗi nhớ không quên” của Châu Phan, đã một thời có những cô nữ sinh duyên dáng từng làm người yêu trong mộng cho những chàng trai si tình, sau mỗi giờ tan học lại “trồng cây si” trước cổng trường:
Nhớ quá Thu xưa dáng nhỏ sân trường
Tay e ấp che nghiêng vành nón
Giờ tan học mình anh đứng lặng
Nhìn em về qua ngõ đường quen
Nhớ vô cùng mái trường cũ Hàn Thuyên
Mực tím học trò bức thư hò hẹn
(Nỗi nhớ không quên – Châu Phan)
Sau biến cố 1975, đã có bao nhiêu con người từng gắn bó với Hàn Thuyên đã phải lưu lạc bốn phương trời?
Có một người trong đám luân lạc lâu ngày đó, bỗng một hôm thấy nhớ quê hương kỳ lạ. Chàng nhớ về bến sông xưa, nhớ cái nơi mà ngày xưa khi còn là một cậu học sinh trung học chàng đã từng đứng nơi đó để lắng nghe một âm vang quen thuộc:
Thuở học trò tôi hay đứng bờ xa
Nghe sóng đập dưới chân cầu Châu Ổ
Và trong một khoảnh khắc lạ kỳ, chàng bỗng nhớ lại ngôi trường ngày xưa chàng đã từng theo học, ngôi trường có hàng phượng nở hoa đỏ thắm vào mỗi độ hè về, nhớ về những người bạn ngày xưa của một thuở học trò nay không biết lưu lạc nơi nào. Và chàng thấy lòng mình chùng xuống một nỗi nhớ khôn nguôi:
Còn chăng nhỉ trường Hàn Thuyên phượng đỏ?
Những bạn bè thuở đó lạc nơi đâu?
Đó là những câu thơ trong bài thơ “Bao giờ về thăm Quảng Ngãi” của T.T.T. – những câu thơ đã khắc sâu vào tâm trí của tôi không biết tự bao giờ.
Cho dù ngôi trường có thay tên đổi họ, Hàn Thuyên vẫn mãi mãi tồn tại trong trí nhớ của những con người đã từng một thời gắn bó với Hàn Thuyên.
Thầy hiệu trưởng Trần Hoàng đã đi xa rồi!
Thầy Nguyễn Toản, giám đốc sáng lập 2 trường Tự Lực và Hàn Thuyên đã đi xa rồi!
Thầy hiệu trưởng Chấn Hưng Nguyễn Biên, dân biểu Nguyễn Ấn, dân biểu Trần Vạn Phiên – những người đã từng góp công mang lại cái tên cho Hàn Thuyên – cũng đã đi xa rồi!
Thế nhưng, Tự Lực – Hàn Thuyên vẫn mãi mãi trong tôi. Những người bạn trẻ của một thời Tự Lực, những người bạn trẻ của một thời Hàn Thuyên, dù ở đâu đó, dù xa dù gần, dù còn hay đã mất, vẫn để lại trong tôi những hình ảnh thật khó quên. Tôi đã được gặp lại một số học sinh của ngày xưa Tự Lực. Tôi cũng đã được gặp lại một số học sinh của ngày xưa Hàn Thuyên. Gặp nhau ở quê nhà. Gặp nhau ở quê người. Tình thầy trò, nghĩa sư đệ vẫn thắm thiết như ngày nào. Đó có lẽ là phần thưởng cao quý nhất, đáng trân trọng nhất của những con người đã một thời chọn nghề dạy học.
Xin cảm ơn Tự Lực. Xin cảm ơn Hàn Thuyên. Tự Lực và Hàn Thuyên, hai ngôi trường đã cưu mang tôi một thời tuổi trẻ.
Los Angeles, 5-2017
ĐÀO ĐỨC NHUẬN.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Biên khảo: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com