Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
NHỮNG CÁI TẾT QUÊ NHÀ (Bùi Hữu Đăng)
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Các con thương yêu,

 

Hẹn rày hẹn mai riết, cuối cùng cha cũng phải kể cho các con nghe về những ngày Tết ở quê nhà thời cha còn nhỏ.

 

Cha hoàn toàn không nhớ những gì đã xảy ra trước khi cha lên bảy tuổi, tức là lúc cha vô học lớp hai trường làng. Cái Tết năm đó, trong lúc cả nhà đang lo gói bánh tét, chẳng biết làm gì ngoài việc hỏi bà nội quần áo mới của cha đâu. Bà nội nói phỉnh cha là bà nội quên may cho cha rồi, vậy là cha nằm lăn ra đất khóc bù lu bù loa. Bà nội phải ôm cha vào lòng dỗ cho nín rồi lấy ngay bộ đồ mới tinh còn thơm phức mùi long não đưa ra cho cha coi, cha mới hết khóc. Đó là kỷ niệm đầu tiên trong đời về Tết cha còn nhớ. Nhiều cái Tết kế tiếp theo sau cũng vậy, năm nào bà nội cũng may cho cha một bộ đồ mới để bận trong mấy ngày Tết, rồi sau đó mới được bận đi học.

 

Những năm còn học tiểu học, vào ba ngày Tết cha không được ra khỏi nhà một mình. Cứ mỗi sáng mồng một Tết, bà nội đánh thức cha dậy. Ăn sớm mai xong, bà nội cho cha bận bộ đồ mới cắt chỉ. Đến khoảng gần trưa, ông nội dắt cha về nhà thờ họ để cúng tổ tiên. Tại đây, thỉnh thoảng cha được các bác, các chú cho tiền lì xì, cha bỏ tiền lì xì vô một cái túi nhỏ bà nội may sẵn. Sáng mồng một ở nhà thờ về là cha phải ở nhà với bà nội để ông nội đi thăm bà con chòm xóm. Chứ mỗi lần có khách đến chúc Tết là cha được tiền lì xì. Được tiền lì xì cha mừng lắm, bởi vì, có tiền lì xì cha mới có tiền mua cà rem khỏi phải xin tiền bà nội.

 

Ngồi trong nhà ngó ra đường cái quan thấy kẻ đi lên, người đi xuống, kẻ dắt trẻ con, người dẫn cụ già, áo quần tươm tất, đủ sắc đủ màu… Cha hỏi bà nội họ đi đâu vậy, bà nội nói họ đi thăm chúc Tết bà con, đi chùa, đi nhà thờ lễ bái đầu năm chớ đi đâu. Té ra ngày Tết là vui như vậy đó, ai cũng ăn bận mới hết.

 

Qua ngày mồng hai, có năm qua ngày mồng ba, cha mới được ra khỏi nhà theo bà nội đi thăm bà con chòm xóm. Cũng vui lắm. Tới nhà nào cha cũng được mấy bà bác, mấy bà thím cho tiền lì xì, cho ăn bánh nổ, cho ăn mứt dừa, mứt củ lang. Trên đường theo bà nội đi thăm bà con chòm xóm, cha có thấy mấy đám chơi “bầu cua tôm cá” hay chơi xóc dĩa. Chỉ thấy thôi chớ bà nội không cho đứng lại coi. Có năm bà nội dẫn tới khu chơi bài chòi, chơi lô tô do xã tổ chức ở sân trường tiểu học. Cũng chỉ được coi thôi.

 

Đến năm 11 tuổi, cha thi đậu vô trường Trần Quốc Tuấn ở thị xã. Đây là trường trung học lớn nhứt tỉnh. Từ nhà ông nội lên trường trên đoạn đường dài hơn 3 cây số, cha cùng vài anh em trong xã lội bộ ngày hai lượt đi và về. Lúc đầu còn thấy mỏi nhưng sau quen lần lại thấy vui. Sau khi lên lớp sáu, cha mới thực sự được ông bà nội cho đi chơi Tết một mình. Ngoài những chuyện bình thường giống mấy năm trước như đi về nhà thờ họ, theo bà nội đi thăm bà con, qua ngày mồng hai Tết, cha rủ mấy anh bạn học đi chơi. Lần đầu tiên đi chơi Tết một mình cha giống như con chim được sổ lồng. Rủ mấy anh bạn đi chơi mà chưa biết đi chơi ở đâu. Có một anh bạn học lớp tám trường Hùng Vương rủ mấy anh em bạn của cha đi chơi “bầu cua tôm cá” và chơi chẵn lẻ tức chơi xóc dĩa.

 

Năm nào cũng vậy, dường như thành thói quen, cứ tới ngày mồng hai Tết là mấy người lớn tuổi lại gầy sòng “bầu cua tôm cá” hay sòng “xóc dĩa” nơi cây dầu lai ngã ba ông Ấm để quyến rũ đám trẻ lứa tuổi như cha hoặc lớn hơn sà vô chơi. Ngoài trò chơi này, cha và mấy anh bạn lại rủ nhau tới sân trường tiểu học xã để coi nhiều trò chơi Tết dân gian. Nơi này,  xã đã cho dựng một dãy chòi thô sơ để tổ chức chơi bài chòi hay làm một cái sân khấu dã chiến để tổ chức chơi lô-tô. Coi chơi bài chòi vui lắm. Người ta làm 9 cái chòi chia làm 2 dãy, mỗi chòi vừa đủ kê một cái chõng tre cho vài người ngồi. Ông hô hiệu hát bài chòi cho từng con bài nghe hay lắm. Tên mỗi con bài cũng ngộ nữa, như là Ông Ầm, Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ba Bụng, Tứ Cẳng…

 

Còn trò chơi lô-tô gần giống như chơi bingo ở xứ Mỹ này. Có năm xã tổ chức chơi trò bịt mắt đập niêu. Trò chơi này hấp dẫn lắm. Họ treo khoảng 10 hay 12 cái niêu đất, bên trong có cái đựng tiền, có cái đựng kẹo, có cái đựng bánh, có cái đựng nước… mỗi thứ 1, 2 hay 3 niêu không chừng. Những cái niêu này được treo trên một xà ngang cao chừng hơn 3 thước. Người chơi bị bịt mắt và cầm một cái gậy vừa đủ với tới cái niêu. Đập trúng niêu tiền thì người chơi được lấy số tiền trong niêu đã rớt xuống đất, bánh hay kẹo cũng vậy. Đập trúng niêu nước thì thiên hạ đứng bên ngoài cười ồ lên. Mỗi lần chơi chỉ có một người. Đập được niêu rồi thì người khác vô thay. Chơi như thế cho đến khi không còn cái niêu nào. Đó là những trò chơi ngày Tết mà cha đã được thấy hoặc đã được tham gia.

 

Sang năm lớp bảy và mấy năm sau, ngoài những thú vui Tết bình thường, cứ đến ngày mồng ba Tết là mấy anh em bạn học lại tổ chức đi chúc Tết thầy cô, những giáo sư cư ngụ ở xung quanh thị xã. Có năm cha và các bạn tổ chức đi thăm các thầy cô ở mấy quận xa bằng xe đạp hay đi xe lambretta chở khách. Đi thăm thầy cô vui lắm. Mỗi lần đi rủ nhau  cả chục đứa nam có, nữ có. Đến nhà thầy nào, cô nào cũng được tiếp đón ân cần. Ăn bánh, ăn mứt thỏa thuê. Đến khi về, thầy cô còn lì xì cho mỗi đứa một ít tiền để ăn quà vặt.

 

Các con thương yêu,

 

Cha sắp học xong lớp 9 thì xảy ra biến cố long trời, lở đất, miền Nam bị mất vào tay cộng sản. Vì là cán bộ xã, ông nội con bị bắt đi học tập cải tạo trên núi không hẹn có ngày về. Mới ở tù hơn 6 tháng, bệnh gan của ông nội con tái phát. Người ta nói vì ông nội lo nghĩ nhiều quá nên bệnh gan của ông nội mỗi ngày một nặng, khó đường cứu chữa. Còn bao nhiêu tiền dành dụm, bà nội  mua hết thuốc trên thị xã gởi lên trại tù cho ông nội.

 

Tết năm này quả là một cái Tết buồn thảm. Không có gói bánh tét, không còn làm bánh làm mứt như mọi năm. Thậm chí đến đêm 30 Tết, bà nội cũng không nghĩ đến cúng giao thừa nữa. Qua sáng mồng một Tết, ngó ra đường không thấy mấy người ăn mặc tươm tất, trẻ con không còn mặc quần áo mới như mấy năm. Cha thì nằm ru rú ở nhà không dám đi đâu.

 

Ở tù chưa đầy một năm, ông nội con chết trong trại tù, không được mang xác về nhà để chôn. Sau cái tang đau buồn này, nghe lời khuyên của ông Tư, em ruột của bà nội, bà nội bán nhà cho một tên cán bộ tập kết mới về rồi đưa cha vô Bà Rịa sinh sống. Tại đây, vì phần nhớ thương chồng,  phần nữa sức khỏe bà nội quá kém, bị một trận thương hàn không thuốc cứu chữa, bà nội các con cũng quy tiên luôn. Sẵn có mấy cây vàng của bà nội mới bán nhà để lại, cộng với số vàng ông Tư dành dụm được, ông Tư liền tìm người đưa cha và con trai của ông ấy tìm đường tẩu thoát. Một chuyến một, cha và chú Nghị con ông Tư đến Mỹ và sinh sống tại Mỹ cho đến bây giờ.

 

Cha đã kể hết sức sơ lược những cái Tết mà cha đã sống qua ở quê nhà Quảng Ngãi. Cha hy vọng, chỉ bấy nhiêu thôi, các con cũng có thể hình dung được cái Tết ở quê mình thời quê hương miền Nam còn thanh bình như thế nào.

 

Cha của các con

 

BÙI HỮU ĐĂNG.

 

*  *  *

 

Xem trang Đào Đức Nhuận: click vào đây
Xem bài trên trang Biên khảo: click vào đây
Xem bài trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh