Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn học
CON CỌP TRONG TRUYỆN NGỤ NGÔN VIỆT NAM (Tinh Huy)
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

Trong kho tàng truyện ngụ ngôn Việt Nam, cọp là một số ít những con vật được dân ta chọn làm nhân vật của truyện.

 

Trong ngôn ngữ dân gian, cọp là một con vật có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo địa phương: cọp, hổ, hùm, khái, khểnh…Vì cọp hay quấy phá dân miền sơn cước, giết hại gia súc, đôi khi còn giết hại cả người, nên theo tục kiêng cữ của người Việt, nhiều nơi dân chúng kiêng gọi là con cọp mà gọi là ông cọp, ông khái, ông khểnh, ông ba mươi, hay còn gọi là chúa sơn lâm.

 

Như ta được biết, cọp là một loài thú ăn thịt, có sức mạnh vô địch và hung tơn, sinh sống ở vùng rừng núi.

 

Con cọp xuất hiện trong truyện kể dân gian không biết từ bao giờ. Tuy nhiên, ta chỉ biết cọp đã xuất hiện một cách hiếm hoi trong truyện cổ tích; trong truyện tiếu lâm hầu như không thấy xuất hiện bóng dáng con cọp; thế nhưng trong truyện ngụ ngôn, cọp lại xuất hiện khá nhiều lần nếu so với lượng truyện cổ tích, truyện tiếu lâm và truyện ngụ ngôn còn lưu hành trong dân gian cho đến ngày nay.

 

*  *  *

 

Sau đây, xin lược thuật một số truyện ngụ ngôn tiêu biểu lấy con cọp làm một trong những nhân vật của truyện.

 

Câu truyện ngụ ngôn nói về con cọp được chúng ta thường hay nhắc nhở đến nhiều nhất có lẽ là truyện “Trí khôn tao đây”.

 

Truyện kể rằng:

 

Xưa có một người thợ cày đánh đập, quát tháo thế nào con trâu cũng chịu. Con cọp ngồi trên bờ thấy thế bèn hỏi trâu:

 

- Này trâu, mày to lớn làm vậy sao lại chịu để cho con người nhỏ bé nhường kia đánh đập, quát tháo mày?

 

Trâu nói:

 

- Người bé nhưng trí khôn nó lớn.

 

Cọp lấy làm lạ, không biết trí khôn là gì, bèn lân la đến bên người thợ cày mà rằng:

 

- Người kia, trí khôn của mày để ở đâu cho ta xem thử?

 

Ngưới nói:

 

- Trí khôn tao để ở nhà.

 

- Mày về lấy cho ta xem đi.

 

- Tao về nhà, mày ở đây ăn mất con trâu của tao. Mày muốn xem thì để tao trói mày vào vào gốc cây này tao mới yên tâm về nhà lấy trí khôn cho mày xem.

 

Cọp muốn xem, thuận cho trói. Trói cọp xong, người thợ cày lấy bắp cày đánh cho con cọp một trận nên thân. Vừa đánh vừa nói:

 

- Trí khôn tao đây! Trí khôn tao đây!

 

Để mô tả hạng người có sức khỏe nhưng ngu đần, dễ bị đánh lừa, ta có những truyện như:

 

Truyện “Cáo mượn oai hùm” kể rằng:

 

Cọp là chúa tể sơn lâm, muông thú nào cũng sợ oai, duy chỉ có chú chồn tinh quái là hay trêu chọc cọp trước khi bỏ chạy. Cọp tức lắm. Một hôm, chồn đang ngủ say bị cọp vồ được. Cọp rít lên:

 

- Phen này mày phải chết vào tay ta.

 

Chồn tỉnh bơ đáp:

 

- Mày mà giết tao, tao sẽ bảo muông thú rừng này họp nhau lại mà xé xác mày ra.

 

- Mày chỉ nói khoác. Làm sao mày lại có thể sai khiến được muông thú trong rừng này chớ!

 

Chồn ỡm ờ đáp lại:

 

- Mày không tin thì để tao ngồi trên lưng mày đến gặp chúng nó mày mới thấy được cái oai của tao.

 

Cọp bằng lòng làm theo. Quả nhiên các muông thú trong rừng thấy cọp đi đến đâu đều sợ hãi bỏ chạy thục mạng. Cọp ngu đần tưởng là chúng sợ chồn, bèn cúi đầu xin chồn tha tội.

 

Truyện “Gan cóc tía” kể rằng:

 

Cóc tía rất hận cọp vì cọp thường ỷ mạnh ăn thịt các loài thú hiền lành. Một hôm gặp cọp giữa đường, cóc ta bèn chọc tức cọp:

 

- Ê, chú cọp kia,  mi có biết ta là ai không? Tránh đường cho ta đi kẻo ta xé xác ngươi ra bây giờ.

 

- Mày là ai mà dám chọc gan chúa tể sơn lâm vậy kìa?

 

Cóc cưởi khẩy:

 

- Mày không biết ta à? Ta là cậu ông Trời đây.

 

Cọp tức lắm thách thức:

 

-Đồ nhãi ranh, hãy thử tài xem ai hơn ai nào!

 

Cọp đòi thi nhảy. Cóc bằng lòng. Cóc dõng dạc nói:

 

-Tao cho mày đứng trước, tao đứng sau. Cả hai cùng nhảy thử xem ai nhảy nhanh và xa hơn.

 

Cóc biết cọp có tật quật đuôi trước khi nhảy nên cóc cắn cứng vào đuôi cọp. Khi cọp quật đuôi sắp nhảy, cóc đã phóng mình ra tới trước. Cọp vừa nhảy tới đã thấy cóc lù lù trước mặt mình thì sợ lắm bèn bỏ chạy một mạch. Gặp khỉ, cọp kể lại đầu đuôi. Khỉ nhăn răng cười:

 

-Ôi, đồ cóc tía có gì đáng sợ. Ông đưa tôi đến đó, tôi sẽ giết nó cho ông xem.

 

Cọp buộc khỉ vào lưng rồi xăm xăm chạy đến chỗ cóc. Thấy khỉ ngồi trên lưng cọp, tương kế tựu kế, cóc tía thét lớn:

 

-Thằng khỉ tinh ranh kia! Mày dẫn xác con cọp này về đây đó hả? Con cọp kia tao vừa mới ăn xong còn thấy thòm thèm đây!

 

Cọp nhìn thấy ở miệng cóc tía chòm lông của chính đuôi nó mà nó lại ngỡ là cóc tía đã ăn thịt con cọp thật bèn sợ quá mà chạy biến vào rừng. Khỉ bị va vào cậy chết tốt. Từ đó cọp thấy cóc đâu là lãng tránh đi chỗ khác.

 

Để mô tả hạng người có thế lực nhưng tráo trở, vô ơn bội ước, ta có những truyện như:

 

Truyện “Con cọp và con dê” kể rằng:

 

Xưa cọp chỉ ăn lá cây. Dê nghĩ bụng, chỗ nào có lá non ngon miệng, muông thú phải nhường cho chúa sơn lâm. Cọp ăn không hết, phần còn lại mình sẽ được hưởng. Vậy là dê tìm cách lân la  làm quen và xin được tháp tùng. Thế nhưng, ăn lá cây mãi cũng chán. Cọp bèn đổi món, thử ăn thịt xem sao. Thế là một hồm, thấy chú nai tơ đang ăn cỏ ở đằng xa, cọp bảo dê đến dụ nai lại để mình ăn thịt. Cọp bảo:

 

-Mày với nai chắc là bà con. Mày thử dụ nó đến đây để ta ăn thịt nó xem có ngon hơn ăn lá cây không nào.

 

Phần muốn tâng công, phần lại sợ cọp, dê buộc lòng phải lừa nai đến chỗ cọp để cọp ăn thịt. Cọp ăn gần hết con nai chỉ để cho dê một phần nhỏ. Cọp ăn xong vẫn còn thèm, trong lúc đó dê không cách nào nhá nổi miếng thịt nai. Cọp lại nói:

 

-Mày không ăn thịt nai hả? Thôi để đó cho tao.

 

Cọp lại ăn ngấu nghiến phần còn lại. Vẫn chưa đã thèm. Cọp nghĩ nai với dê có họ hàng với nhau. Thịt nai ngon, chắc thịt dê cũng ngon như thế. Thế là cọp ta vật dê xuống để ăn thịt. Dê van nài thế nào cũng không dược. Và người bạn chí cốt biến thành mồi ngon cho cọp.

 

Câu truyện “Con cọp và người học trò” kể rằng:

 

Một hôm cọp bị mắc bẫy, người học trò đi ngang qua thấy thế dừng lại xem. Cọp năn nỉ, thề thốt xin cứu mạng. Động lòng trắc ẩn, người học trò tháo bẫy cho cọp. Vừa ra khỏi bẫy, cọp đòi ăn thịt người học trò. Hai bên lớn tiếng cãi cọ thì vị thần núi nghe được đầu đuôi câu chuyện bèn hóa thành viên phán quan để phân xử. Anh học trò nói:

 

-Cọp bị mắc bẫy. Cọp hứa không ăn thịt tôi nếu tôi thả nó ra. Vậy mà vừa ra khỏi bẫy nó lại đòi ăn thịt tôi!

 

Cọp cãi:

 

-Tôi đang ngủ, nó đánh thức tôi dậy. Đói quá nên tôi đòi ăn thịt nó.

 

Viên phán quan liền bảo:

 

-Ta không tin lời nhà ngươi. Nhà ngươi to lớn như vậy làm sao nằm ngủ được ở một nơi nhỏ bé như thế kia. Có quả như vậy thì nhà ngươi vào nằm lại ta xem.

 

Cọp chui lại vào bẫy. Viên phán quan cho sập then bẫy xuống.

 

-Mày là đồ bội ước. Người ta cứu mày, mày lại lấy oán báo ân. Tội mày đáng chết.

 

Rồi thần nói với người học trò:

 

-Nhà ngươi nên nhớ: Lòng tốt chỉ để dành cho kẻ hiền lành. Đối với kẻ độc ác thì phải biết cách trừng trị.

 

Truyện “Chúa sơn lâm ngọa bệnh” nhằm mô tả tâm lý của hạng người quyền thế hách dịch. Truyện kể rằng:

 

Cọp bị thương phải nằm mãi trong hang. Chân lở loét hôi thối lắm. Muông thú trong rừng muốn vào thăm cho phải phép đối với vị chúa tể rừng xanh, nhưng chưa có con nào dám vào trước. Họp bàn mãi, muông thú cử chú cò vào trước để dò đường. Vừa thấy cò vào, cọp hỏi ngay:

 

-Mày thấy chân ta có mùi thế nào?

 

Vốn tính bộc trực, cò nói thẳng:

 

-Thối lắm, không thể chịu nổi.

 

Cọp giận dữ thét đuổi cò. Cò bay thẳng một lèo không dám nhìn lai. Không kịp hỏi han, cáo len lén bước vào:

 

-Mày thấy chân ta có mùi thế nào?

 

Vốn tính ưa nịnh hót, cáo liền thưa:

 

-Dạ thưa ngài, thơm lắm ạ!

 

Cọp trợn mắt:

 

-Đồ khốn kiếp, cút đi cho khuất mắt ta.

 

Cáo bẻn lẻn cúi đầu lui bước chẳng dám nhìn một ai. Chuột lấm lét bò vào. Cọp lại hỏi:

 

-Mày thấy chân ta có mùi thế nào?

 

Chuột giả bộ bị bệnh:

 

-Thưa ngài, con bị nghẹt mũi nên không nghe thấy mùi gì hết ạ!

 

Cọp lại thét:

 

-Đồ nhãi ranh láu cá, giả dối có nòi. Cút ngay đi.

 

Các con vật còn lại chẳng biết phải ứng xử thế nào cho vừa lòng cọp bèn lục tục kéo nhau bỏ đi hết.

 

Truyện “Con cọp và bầy trâu” lại nói lên ý thức đoàn kết gây sức mạnh. Truyện kể rằng:

 

Có một bầy trâu đang thảnh thơi gặm cỏ. Bỗng đâu một chú cọp từ xa lù lù tiến đến. Cả bầy hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn, duy chỉ có chú trâu tơ đứng lại chống cự với cọp. Vừa chống cự, trâu tơ vừa kêu:

 

-Các bạn ơi, lại đây ta hợp sức cả bầy, cọp sẽ không làm gì ta được đâu.

 

Nghe lời kêu gọi của trâu tơ, cả bầy trâu quay lại, xăm xăm nhắm vào cọp mà húc tứ phía. Cọp hoảng quá bỏ chạy một hơi. Từ đó,  cọp không dám bắt trâu trong bầy mà chỉ bắt trâu đi ăn lẻ một mình.

 

*  *  *

 

Ta có những thành ngử như “dữ như cọp”, “mạnh như hổ”, “khỏe như hùm”…Các thành ngữ này mô tả đúng tính chất của loài cọp. Tuy nhiên, trong truyện ngụ ngôn của ta, các đặc tính chính yếu này lại không được mô tả một cách triệt để. Nó chỉ được nhắc đến để làm nổi bật những đặc tính khác mà dân gian đã gán cho cọp, hay nói một cách khác, con cọp trong truyện ngụ ngôn tượng trưng cho một số đặc tính của nhân vật ngụ ngôn đã được dân gian mô tả và chấp thuận trải qua một thời gian bào lưu lâu dài.

 

Như vậy, đặc tính của nhân vật ngụ ngôn không nhất thiết phải là đặc tính đích thực của vật hay loài vật được chọn làm nhân vật. Chẳng hạn, trong các truyện ngụ ngôn của ta, chồn cáo là nhân vật ngụ ngôn mang tính chất lém lỉnh, khôn vặt; khỉ tượng trưng cho đặc tính nghịch ngợm, phá phách và hay bắt chước; rùa tượng trưng cho sự nhẫn nại; cọp tượng trưng cho sự hợm hĩnh, tráo trở, giảo hoạt…

 

Bởi vì nhân vật ngụ ngôn không mang những đặc tính đích thực của nó,  nên khi cấu tạo nhân vật ngụ ngôn dân gian để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng, có thể là những tưởng tượng không căn cứ vào sự thực. Thoạt đọc truyện, nếu lấy lý trí để phán đoán, dĩ nhiên ta không thể chấp nhận được những cử chỉ, hành vi của nhân vật trong truyện.

 

Ta không thể tin được cái chuyện cọp lại sợ cóc tía, con chồn lừa phỉnh được con cọp. Ta cũng không thể tin được là có một anh học trò ngu ngốc đến cái độ tháo bẫy cho cọp để rồi sau đó bị cọp đòi ăn thịt…Ta không tin đây là sự thực nhưng ta chấp nhận nó vì biết nó là một nhân vật ngụ ngôn, và nhân vật ngụ ngôn bao giờ cũng là một nhân vật biểu trưng do óc tưởng tượng phong phú của dân gian sáng tác nên nhằm gửi gắm một ngụ ý nào đó.

 

Do đó, ta thấy cùng thuộc vào loại truyện kể dân gian nhưng cách cấu tạo nhân vật của truyện cổ tích không giống như cách cấu tạo nhân vật của truyện tiếu lâm. Cách cấu tạo nhân vật của truyện tiếu lâm hoàn toàn khác với cách cấu tạo nhân vật của truyện ngụ ngôn.

 

Trong truyện cổ tích, nhân vật tuy là nhân vật hư cấu nhưng vẫn phản ảnh những đặc tính của con người ngoài xã hội – nếu là truyện loài vật thì loài vật cũng đã được nhân cách hóa và nhân vật cổ tích thường là nhân vật lãng mạn, mang đủ thất tình của con người đời thường. Dĩ nhiên, trong truyện cổ tích, đôi khi còn có những nhân vật thần thoại, những Tiên Phật Thần Thánh, nhưng những nhân vật thần thoại nầy, những Tiên Phật Thần Thánh nầy đều mang tính cách nhân bản. Sự xuất hiện cùa những nhân vật nầy thường nhằm giải quyết những bế tắc của câu chuyện, giúp kẻ yếu đuối vượt thắng những thế lực bạo tàn cho hợp với ước vọng nhân đạo của dân gian. Trong truyện tiếu lâm, nhân vật của truyện đều là con người, những nhân vật nầy phải nhằm mô tả một hạng người, một tính chất đặc thù của con người và cường điệu hóa nó lên thành một nhân vật điển hình tiêu biểu cho những tính chất xấu xa, bỉ ổi cần phải đả phá.

 

Trong lúc đó, ở truyện ngụ ngôn, nhân vệt đều do trí tưởng tượng bay bổng của dân gian cấu thành nhằm mục đích ngụ một điều răn dạy, nêu lên một quan niệm triết lý đạo đức, một quan niệm về nhân sinh hay một nhận xét nào đó về xã hội.

 

Vả lại, như ta đã thấy, truyện ngụ ngôn là một loại truyện kể trong đó cốt truyện chỉ là phương tiện nhằm chuyên chở một ngụ ý nào đó và ngụ ý trong truyện mới là mục đích chính của truyện ngụ ngôn.

 

Truyện ngụ ngôn đã có một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Các nhà hoạt động tôn giáo, các văn gia, triết gia thường dùng truyện ngụ ngôn trong các bài giảng, bài viết của mình. Ở Trung Hoa xưa, Trang Tử và Liệt Tử là hai nhà viết ngụ ngôn danh tiếng. Ở Tây phương cũng có những nhà viết ngụ ngôn lừng danh như Esope của Hy Lạp cổ đại, Phèdre của La Mã cổ đại, La Fontaine của Pháp thời cận đại. Trong kinh sách Phật giáo cũng có nhiều truyện ngụ ngôn và những truyện nầy đã du nhập vào nước ta khá sớm. Ở nước ta,  tuy không có những nhà viết ngụ ngôn danh tiếng, nhưng chúng ta cũng đã có những tác phẩm ngụ ngôn với tác giả khuyết danh như truyện Trinh Thử, truyện Trê Cóc, Hoa điểu tranh năng, Lục súc tranh công, tuồng Nghêu Sò Ốc Hến.

 

*  *  *

 

Trở lại với những câu truyện ngụ ngôn kể trên.

 

Như ta đã biết, người sáng tác ngụ ngôn luôn luôn gởi vào truyện một ngụ ý rõ rệt. Những ngụ ngôn đó, hoặc thể hiện bàng bạc trong toàn truyện, hoặc chỉ thể hiện ở một vài câu đối thoại, ở một vài hành vi tiêu biểu của nhân vật.

 

Truyện “Trí khôn tao đây”, bằng một lối kể truyện đơn giản nhưng hóm hỉnh đã nói lên cái nhận thức của dân gian về giá trị cao quý của con người đối với muôn loài.

 

Pascal, một triết gia của Pháp đã nói “Con người là một cây sậy có tư tưởng”. Người bình dân Việt Nam đã có một quan niệm tương tự và đã được phát biểu trước Pascal hàng nhiều thế kỷ. Đó là, con người tuy bé nhỏ nhưng nhờ có trí khôn nên con người có thể chế ngự và điều khiển được những thế lực mạnh hơn mình.

 

Phèdre, một nhà viết ngụ ngôn lỗi lạc của La Mã cổ đại đã từng phát biểu: “Người nô lệ không có khí giới, không dám nói theo cách mình muốn nói. Ngụ ngôn giống như một cái màn để che tư tưởng của họ. Họ tránh được sự trừng phạt nhờ những hư cấu mỹ lệ”. Quả thực, đây là một trong số lý do chính yếu tạo nên thể loại truyện ngụ ngôn trong văn học…Đối với những câu truyện ngụ ngôn được kể ở trên thì đây là một nguyên do xác đáng.

 

Truyện ngụ ngôn Việt Nam là một trong những loại vũ khí tinh thần mà dân gian đã sử dụng để nêu lên những thực trạng đen tối của xã hội, trong đó bọn người ngu dốt nhưng có thế lực, hợm mình, cậy quyền ỷ thế hà hiếp dân lành hay để bọn người “cơ hội” lợi dụng làm hại đồng loại.

 

Tính chất ngu dân thấy thể hiện ngay trong lời kể truyện, như trong truyện “Cáo mượn oai hùm” đã viết: “Quả nhiên, các muông thú trong rừng thấy cọp đi đến đâu đều sợ hãi bỏ chạy thục mạng. Cọp tưởng là chúng sợ chồn, bèn cúi đầu xin chồn tha tội”.

 

Hay “Cọp nhìn thấy ở miệng cóc tía chòm lông của chính đuôi nó lại ngỡ là cóc đã ăn thịt cọp thật bèn sợ quá mà chạy biến vào rừng” (truyện “Gan cóc tía”)

 

Tính chất giảo hoạt, tráo trở của cọp có thể thấy xuất hiện trong toàn bộ câu truyện từ chỗ gạt dê, lừa nai đến cho mình ăn thịt rồi lại ăn thịt cả dê là kẻ đã từng phục vụ mình, làm bạn đồng hành với mình (truyện “Con cọp và con dê”).

 

Tính chất tráo trở và vô ơn của con cọp được thể hiện qua lời phat biểu của thần núi: “Mày là đồ bội ước. Người ta cứu mày, mày lại lấy oán báo ân. Tội mày đáng chết”. Và bài học được nêu lên  cũng từ lời phát biểu của thần núi với người học trò: “Nhà ngươi nên nhớ: Lòng tốt chỉ để dành cho kẻ hiền lành.  Đối với kẻ độc ác thì phải biết cách trừng trị” (truyện Con cọp và người học trò).

 

Cái tư cách ỷ thế cậy quyền của bọn người có thế lực bàng bạc trong toàn truyện “Chúa sơn lâm ngọa bệnh”, nhất là trong lời đối thoại đầy hách dịch của cọp, và ta cũng thấy rõ ràng là, đối với những kẻ có thế lực mà hợm mình thì không ai có thể làm cho chúng vừa lòng được. Thẳng thắn như cò, nịnh hót như chồn, ma lanh như chuột đều bị xua đuổi. Trong xã hội loài người, loại người này không phải là hiếm.

 

Cọp là biểu trưng của một thế lực hùng mạnh nhưng thế lực đó chỉ có thể uy hiếp được những lực lượng rời rạc ; những lực lượng nào biết đoàn kết thì sẽ gây được sức mạnh để chống lại bất cứ thế lực tàn bạo nào khác (truyện Con cọp và bầy trâu).

 

Tuy nhiên, cọp không phải là nhân vật ngụ ngôn duy nhất trong các truyện kể trên. Ngoài con cọp với những đặc tính tiêu biểu đã được phân tích, còn các con vật khác cũng đã được dân gian gán cho một số đặc tính tiêu biểu có thể đại diện cho một hạng người nào đó trong xã hội.

 

Trong truyện “Cáo mượn oai hùm”, ngay trong nhan đề ta cũng đã thấy ngay cái tính chất tinh ranh của con chồn biết “mượn oai” của cọp để hăm dọa các loài thú khác. Trong xã hội loài người có vô số hạng người mang tâm lý của loài chồn trong truyện ngụ ngôn, lợi dụng thế lực của kẻ khác, có thể là thế lực của cường quyền, để hù dọa, ức hiếp đồng loại.

 

Nếu con chồn đã lợi dụng được cái oai của cọp để hăm dọa, ức hiếp đồng loại thì trong truyện “Con cọp và con dê”, dê cũng biết lợi dụng cái oai của con cọp để thủ lợi cho riêng mình. Thế nhưng, cuối cùng dê cũng bị chính cái thế lực mình nương tựa đó đã tiêu diệt mình. Đây là một bài học để đời cho hạng người cơ hội lợi dụng thế lực của cường quyền để thủ lợi, nhưng rồi  chính cái cường quyền đó cũng nghiền nát luôn kẻ lợi dụng nó.

 

Trong truyện “Gan cóc tía”, con cóc là biểu tượng của hạng người gan dạ, có mưu lược, dám làm những việc kẻ khác không dám làm. Hơn thế nữa,  ở đây ta thấy cóc tía đại biểu cho hạng người biết thương yêu đồng loại. Chính tình thương yêu đó đã khiến cho cóc căm thù cọp vì cọp đã giết những con vật hiền lành. Sự căm thù đã tạo nên một nguồn năng lực tinh thần đáng quý khiến cho cóc tía có một sự can đảm phi thường,  đề ra nhiều mưu lược để đương đầu với một thế lực mạnh hơn mình gấp ngàn lần mà vẫn thắng.

 

Trong truyện “Con cọp và bầy trâu”, nếu con cọp là tượng trưng cho thế lực thống trị gian manh thì bầy trâu là biểu tượng của đám quần chúng, ban đầu không ý thức được sức mạnh của sự hợp quần, nhưng đến khi có chú trâu tơ – là tiêu biểu cho một thế lực lãnh đạo mới, kêu gọi sự đoàn kết để chiến đấu và đám quần chúng đó đã nhất tề quay lại tạo sự hợp quần và đánh bại được thế lực tàn ác.

 

Tóm lại, những truyện ngụ ngôn kể trên đã nêu lên một số nhận thức của dân ta về giá trị của con người, về một vài hạng người trong xã hội và về cách ứng xử cần thiết của con người trong cuộc sống hằng ngày.

 

TINH HUY

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trang Biên khảo: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh