Đại Hội của Sĩ Quan Hải Quân (SQ/HQ) Các Khóa Lưu Đày (LĐ) và Thân Hữu, hay còn được gọi là Lưu Đày Hội Ngộ lần thứ 16, đã được tổ chức long trọng tại Nam California, từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 7 năm 2019, với chủ đề "Biển Động, Sóng Bạc Đầu". Nghi thức tổ chức của Đại Hội đã dựa theo các tiêu chuẩn và truyền thống của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ.VNCH).
Đặc biệt kỳ Hội ngộ năm nay, khác với “cứ mỗi 2 năm hợp mặt một lần”, còn mang thêm 3 ý nghĩa chính: Thứ Nhất là để kỷ niệm 30 năm kể từ năm 1989, thành lập Hội SQ/HQ các Khóa Lưu Đày và Thân Hữu (30 năm lập hội). Thứ Hai là để đánh dấu 50 năm kể từ khi gia nhập QL.VNCH kể từ năm 1969 (50 năm nhập ngũ). Thứ Ba là để kỷ niệm những người trai thời loạn, đã xếp bút nghiêng theo việc binh đao, trước đây ở tuổi 20, bây giờ đang cùng ở lứa tuổi 70, lứa tuổi của “Thất Thập Cổ Lai Hy” (70 năm tuổi đời).
Chương trình buổi họp mặt gồm có 3 ngày chính:
1. Ngày “tiền hội ngộ” (warm up) hay “Đêm Tình Nghĩa” (lúc 6 giờ chiều, thứ Sáu, ngày 26/7/2019, tại nhà hàng Hoàng Sa,15583-89 Brookhurt St., Westminter, CA.92683).
2. Ngày “hội ngộ” hay “Đêm Họp Mặt” (lúc 6 giờ chiều, thứ Bảy, ngày 27/7/2019, tại nhà hàng Golden Sea Restaurant & Bouquet, 9802 Katella Ave., Anaheim, CA. 92804).
3. Ngày “hậu hội ngộ” hay “Đêm Chia Tay” (lúc 5 giờ chiều, Chúa Nhật, ngày 28/7/2019, tại tư gia của LĐ Nguyễn Thái Nhiên, 8 Pala Mesa Dr., Pomona, CA. 91766).
Những ngày tiếp theo sau đó là những ngày tự do “thăm viếng”, đi cruise và chấm dứt vào Thứ Sáu, ngày 2 tháng 8 năm 2019.
Tham dự kỳ họp mặt lần này, trong ngày hội ngộ chính thức, ngày 27 tháng 7 năm 2019, bắt đầu từ 6 giờ chiều, tại nhà hàng Golden Sea Restaurant & Banquet (9802 Katella Ave., Anaheim, CA. 92804), ngoài khoảng 300 cựu Sĩ quan Hải Quân và Thân Hữu khắp nơi (đa số là cựu SVSQ/HQ thuộc tài khóa 21 & 22, đã tốt nghiệp, hoặc từ các khóa Đặc Biệt/ SQHQ tại TTHL/HQ/NT, hoặc từ SVSQ/HQ khóa 21 tại TTHL/HQ/NT, hoặc từ SVSQ/HQ các khóa tại trường OCS...), đã từ Âu châu, Úc châu, Canada, và các tiểu bang Hoa Kỳ, còn có sự hiện diện của các chiến hữu, hội đoàn, nhân sĩ, đại diện của các quân binh chủng, thân hữu và thân nhân tại Nam Cali.
Đặc biệt, trong ngày hội ngộ chính thức lần này, còn có sự hiện diện của các niên trưởng HQ như: Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu CHT Đặc Khu Rừng Sát Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, cựu HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp, cựu HQ Trung Tá Trần Đức Cử, cựu HQ Trung Tá Võ Hữu Danh, cựu Trung Tá KQ Nguyễn Văn Ức.
Điều đáng ghi nhận ở đây là Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và phu nhân đã dành nhiều thì giờ quý báu, tham dự đủ tất cả 3 ngày “Tiền – Chính - Hậu” trong kỳ LĐHN lần này. Đặc biệt hơn nữa, vị Cựu Phó Đề Đốc tư lệnh (Cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải và Tư Lệnh của Trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974), đầy khả kính, đã ở cùng khách sạn, hòa đồng chung vui, góp ý kiến xây dựng, chia xẻ tâm tư với LĐ. Những yếu tố này đã nói lên niềm ưu ái và tấm thâm tình của “một niên trưởng” dành riêng cho SQHQ các khóa Lưu Đày và Thân Hữu. Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết cảm tưởng như sau (trích nguyên văn):
"Được dịp gặp lại các anh em từ bên Úc, Canada và các tiểu bang ở Hoa Kỳ, cùng nhắc nhớ lại những kỷ niệm trong thời chiến tranh tôi rất là thích thú, rất là vui. Tôi muốn các anh em nên đoàn kết, giữ gìn “huynh đệ chi binh”. Bây giờ anh em mỗi ngày một già yếu, nên có nhiều cuộc gặp gỡ, càng nhiều càng tốt và phải đoàn kết với nhau để khi tình hình đất nước có thay đổi thì anh em còn đủ sức để tranh đấu cho tất cả đồng bào trong nước...".
Trong ngày chính của Đại Hội, sau phần tuyên bố khai mạc của LĐ Trần Xuân Tin, trưởng ban Tổ chức của hội HQ các khóa LĐ và Thân Hữu, chương trình của buổi lễ được điều hợp rất linh động bởi hai MC LĐ Đinh Quang Tiến và MC LĐ Lưu Văn Lễ. Những nghi thức lễ Rước Quốc Kỳ VNCH và Quốc Kỳ USA, Chào Quốc Kỳ (VNCH & USA), Phút Mặc niệm, Chiêu Hồn Tử Sĩ, Chào Kiếm và Trình Kiếm vô cùng trang nghiêm, đúng theo truyền thống HQVNCH.
Với tiếng nhạc hùng tráng khởi đầu cho buổi lễ chào quốc quân kỳ, trong tư thế nghiêm trang, từng bàn, từng hàng người, đứng yên chào kính. Các SQHQ/LĐ, trong bộ lễ phục Đại lễ và Tiểu lễ, đã từng bước từng bước, cử hành đúng theo quân cách của Hải Quân. Tuy mái tóc đã bạc màu, phong sương của tuổi 70, nhưng ánh mắt vẫn còn trong sáng long lanh, những bước đi vẫn còn oai phong, kiêu hùng trong bộ Đại lễ và Tiểu lễ trắng toát, như lúc còn thanh xuân, trước tháng tư đen năm 1975.
Nhìn lại bộ Đại lễ và kiếm đeo ngang hông, lúc chào kiếm, những ai đã tham dự cũng có thể đã tưởng nhớ đến những câu thơ trong Chinh Phụ ngâm "chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt...". Sau khi Hội trưởng sáng lập LĐ Đàm Văn Hòa hoàn thành nghi lễ “Xả cờ” và “Gát cờ”, Hội trưởng đương nhiệm Nguyễn Duy Thành, và Trưởng ban Tổ chức Trần Xuân Tin cùng lên đặt vòng hoa trước Đài Tưởng Niệm “Nhớ Bạn”.
Về phần niệm hương trước bàn thờ, bà quả phụ LĐ Võ Trường Xuân được mời làm đại diện cho tất cả các qủa phụ Lưu Đày và Thân Hữu, lên dâng hương. Khung cảnh của phút mặc niệm, và giây phút tưởng nhớ “bạn đồng đội” đã hy sinh và đã quá vãng vì nhiều lý do, trường hợp khác nhau, từng tên từng tên trong danh sách thương nhớ bạn hiền nghẹn ngào, từ từ được đọc lên, kèm theo là kèn truy điệu.
Tính đến hôm nay, tổng số 79 Lưu Đày đã quá vãng. Không khí thật cảm động, đã khiến tâm tư của người tham dự bùi ngùi, xúc động, và thương tiếc. Tất cả như chìm vào trong biển xưa. Tất cả như bừng lên một bầu trời đầy bi tráng của những hình ảnh ngày Hải Quân ra khơi, của 44 năm về trước. Trái tim người tham dự như đập mạnh, như thoát ra một ngọn lửa hồng, bốc cháy từ tâm hồn, từ một bầu nhiệt huyết, những sôi nổi của thời trai trẻ, săn sàng hy sinh, chiến đấu với tình yêu non sông đất nước, yêu đời lính biển, yêu gia đình, yêu tình đồng đội… Những ngày xưa cũ, của quá khứ tưởng đã chìm sâu vào tiềm thức, lần lượt quay về... Bầu không khí như phãng phất đâu đây ý thơ của chí sĩ Đặng Dung năm xưa "Thù nước chưa xong đầu đã bạc. Gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày".
Tưởng cũng để nhắc lại là sau Tết Mậu Thân, nhất là vào khoảng thời gian từ 1968-1970, đất nước ở vào giai đoạn “cao điểm”, chiến tranh khốc liệt, dầu sôi lứa bỏng. Lệnh Tổng Động Viên ban hành và được thực thi trên khắp lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Nhằm gia tăng quân số và tăng cường lực lượng, đã có nhiều trung tâm tuyển mộ dành để đào tạo tân Sĩ Quan cho các quân binh chủng (Hải, Lục, Không quân), thuộc QLVNCH, được mở ra. Đa số những người trai ở lứa tuổi 20, hoặc đã hoàn tất chương trình bậc trung học (có văn bằng Tú tài toàn phần, Tú Tài 2), hoặc có trình độ bậc Đại học, hoặc đang theo học ở các trường Đại học, đã theo tiếng gọi của núi sông, xếp bỏ bút nghiêng, tình nguyện đăng trình nhập ngũ, theo thụ huấn tại các quân trường đào tạo dành cho SVSQ, và sau khi tốt nghiệp, trở thành những tân SQ cấp “úy”, nồng cốt của QLVNCH.
Riêng về trường hợp SQHQ các khóa Lưu Đày và Thân Hữu thì rất đặc thù và đa dạng. Họ là những chàng trai bắt đầu cuộc đời binh nghiệp vào giai đoạn đất nước “lâm nguy”, sau Tết Mậu Thân. Họ đã được Hải Quân tuyển chọn (SVSQ/HQ tài khóa 21 & 22, SVSQ các khóa từ các trường Bộ Binh và từ trường Võ Bị Quốc Gia), Họ đã được huấn luyện và tốt nghiệp từ các quân trường nổi tiếng như trường Bộ Binh Thủ Đức, Đồng Đế, và Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt...
Sau khoảng thời gian trên dưới 2 năm, xông pha trận mạc, dạng dày sương gió, học hỏi, trao dồi thêm kinh nghiệm chiến đấu, đã từng phục vụ tại những Giang Đoàn và Duyên Đoàn trên khắp 4 vùng Chiến Thuật, 5 vùng Duyên Hải và những Sông Rạch của miền Nam Việt Nam, họ đã lần lượt trở về TTHL/HQ/NT thụ huấn thêm về hải nghiệp, và đã tốt nghiệp với ngành Chỉ Huy từ các khóa Đặc Biệt Sĩ Quan Hải Quân (Có tất cả 5 khóa ĐB/SQHQ huấn luyện dành cho các SQHQ chưa được thụ huấn Hải Nghiệp. Thời gian huấn luyện là 6 tháng, ngành Chỉ Huy. Tên của các khóa học được dựa vào chùm sao “Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ”). Nói tóm lại, những cựu Sĩ Quan Hải Quân Lưu Đày đã tốt nghiệp từ 2 quân trường, với 2 bằng Tốt Nghiệp: Bộ Binh và Hải Quân. Vì thế họ đã là những chiến binh đa năng đa hiệu. Đây là một trong những nét “đặc thù”, có một không hai, của Sĩ quan Hải Quân, được gọi là Sĩ Quan Hải Quân các khóa Lưu Đày và Thân Hữu. Họ có đủ khả năng và đầy kinh nghiệm đánh giặc trên bờ, trên sông và trên biển, đúng theo tiêu chuẩn, mục đich của BTL/HQ/VNCH vạch ra, và đây cũng là niềm kiêu hãnh, tự hào chung của quân chủng HQ/VNCH.
Quân Sử QL/VNCH và HQVNCH đã ghi ơn công trạng của những người trai “một thời tung hoành ngang dọc” này. Trong suốt thời gian từ năm 1969 đến ngày di tản năm 1975, họ đã phục vụ, góp phần lớn vào những chiến thắng vẻ vang, những chiến công hiển hách, dũng cảm oai hùng, noi gương các bậc tiền nhân như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ..., thề quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, gìn giữ nước nhà, đã tô son trong chiến sử của QLVNCH nói chung, và của quân sử HQVNCH nói riêng.
Trong Bầu không khí trang nghiêm của đêm Hội Ngộ, âm thanh văng vẳng đâu đây những danh ngôn, những khí thế bất khuất và chiến tích lẩy lừng của tiền nhân như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo với những trận hải chiến, chiến thắng oai hùng, bạt vía quân thù.
Sau phần nghi lễ và mặc niệm là phần văn nghệ, “ẩm thực” và “dạ vũ”. Trước khi mở đầu chương trình văn nghệ, Hội Trưởng Nguyễn Duy Thành, Trưởng Ban tổ chức Trần Xuân Tin và LĐ Đàm Văn Hòa, đã đại diện các bạn bè Lưu Đày và Thân Hữu, cùng cắt bánh sinh nhật. Bánh sinh nhật của lần Hội năm nay (2019) có ba tầng. 1) Tầng 30 năm lập hội. 2) Tầng 50 năm nhập ngũ. 3) Tầng 70 năm tuổi đời.
Bầu không khí từ trang nghiêm trở nên ồn ào, náo nhiệt, tiếng cười tiếng nói "mày tao" pha lẫn tiếng hát, tịếng nhạc, rượu bia mở “đôm đốp” và tiếng cụng ly, tạo nên cảnh vui mừng, tưng bừng như pháo nổ. Những chân tình, những "mày tao, tao mày" sảng khoái, tràn đầy tình nghĩa huynh đệ chi binh, đã dấy lên những cảm xúc "rất bạn bè", có cảm tưởng thấy mình “trẻ lại”, của một thời oanh liệt...
Hai bản họp ca Hải Quân Hành Khúc và Tiếng Sóng Vân Đồn được chọn để mở đầu chương trình văn nghệ. Trong phần văn nghệ và “dạ vũ”, ngoài các ca sĩ nỗi tiếng như Mai Lệ Huyền, Carol Kim... còn thấy có sự đóng góp của các ca nhạc sĩ “cây nhà lá vườn”, những nhạc cảnh điệu múa nên thơ, những màn họp ca, những màn vũ trình diễn rất hào hứng, ngoạn mục và sống động... như sóng nước Bach Đằng giang khi xưa.
Theo “thông lệ” của HQ, người lính thủy thuộc quân chủng Hải Quân Việt Nam Công Hoà, thường có 4 thứ “gối đầu” giống như là “nhật tụng”: 1) Khi chơi thì chơi cho hay, chơi cho đẹp “tuyệt cú mèo”, chơi với tình bạn thân đầy thoải mái, chơi hết mình, chơi xả láng, vô tư. 2) Khi yêu thì rất lãng mạn, rất da diết, rất đam mê, và rất tuyệt vời. 3) Khi đánh giặc, xông pha trận mạc, hay khi hải chiến thì dũng cảm, hiên ngang, hào hùng, cương quyết, nêu gương hy sinh và quyết chiến thắng. 4) Khi thi hành công vụ hay mệnh lệnh, thì nghiêm chỉnh, hoàn tất. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Mọi khó khăn nào cũng vượt qua. Công tác nào cũng hoàn tất. Tổ Quốc, Danh dự và Trách nhiệm. Tự Thắng để Chỉ Huy là những gì các cựu SQHQ Lưu Đày và Thân Hữu đã học được tại các quân trường và thực hành trong suốt thời gian tại ngũ.
Trong những ngày hội ngộ như lần này, các cựu Sĩ Quan Hải Quân Lưu Đày đã tìm thấy lại giấc mộng hải hồ và những bước chân lãng tử năm xưa. Những giọng hát ngọt ngào, những khúc nhạc quen dĩ vãng "... biển khơi... trăng đại dương không đủ viết thư đêm... lắc lư con tàu đi… trăng nhô lên cao trăng gác trên đầu núi... lính mà em... nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ ngây thơ... ".
Cũng như những lần Hội Ngộ trước đây, Lưu Đày Hội Ngộ lần thứ 16 năm 2019 này thật đúng với ý nghĩa của nó. Nhất là trong “Đêm Tình Nghĩa”, các cựu Sĩ Quan Hải Quân Lưu Đày và Thân Hữu gặp nhau, say sưa chuyện trò, hỏi han, kể cho nhau nghe những mẫu chuyện vui buồn đã và đang xảy ra, kể từ lúc còn là tân khóa sinh (1969) cho đến ngày phải bỏ nước ra đi, sau biến cố của tháng tư năm 1975.
Trước tháng 4 đen năm 1975, có nhiều bạn đã từng tham dự hoặc anh dũng chỉ huy những trận đánh, làm khiếp vía quân thù trên khắp 5 vùng Duyên Hải và sông rạch, đã hiên ngang một thời. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có bạn phải vào tù cải tạo, bị VC gắn cho là sĩ quan “ngụy”, vì là sĩ quan của QLVNCH. Có bạn phải ăn cơm tù lao động ít nhất trên dưới 7 năm. Có bạn vượt biên không thành bị bắt và bị đánh đập một cách rất tàn nhẫn, dã man. Có người phải tìm cách vượt biên hoặc bằng đường biển, hoặc bằng đường bộ 3, 4, 5 lần mới thành công, đến bến bờ tự do.
Vài người bạn đã tâm sự những cảnh huống, cảnh chia lìa, thống khổ, đoạn trường đã phải chịu đựng, đã trải qua, với trăm cay nghìn đắng, không thể kể hết được. Điều đáng nói là những gì nghe được, cảm thấy qua ánh mắt chân tình, được biết là cho dù trong bất cứ trường hợp nào, hoàn cảnh nào, các cựu Sĩ Quan Hải Quân Lưu Đày và Thân Hữu đã luôn luôn giữ vững lập trường, nêu cao tinh thần bất khuất, hiên ngang, mãi mãi xứng đáng là những sĩ quan của QLVNCH nói chung và quân chủng Hải Quân nói riêng. Biết ứng biến, thích hợp với mọi hoàn cảnh là những đặc điểm của người lính chiến Hải Quân gốc Lưu Đày.
Ai ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ai đã nếm mùi "làm tù cải tạo" mới biết oan trái là gì! Những chân tình, hiên ngang, kiêu hãnh, tự hào của các bạn trong khi "bị làm tù" đã thể hiện vào thời điểm này. Khi bị dồn vào đường cùng, khốn cực, con người thường biểu lộ chân tướng, cá tính của chính riêng mình. Những kỷ niệm lúc còn ở quê nhà, những cuộc di tản, vượt ngục, vượt biên, đời sống mới, số phận, định mệnh, sóng biển mênh mang, gió sông dạt dào, dòng đời trôi chảy, thân phận lưu đày và cuộc sống lưu vong, tuổi đời chồng chất... tất cả đã đi qua như những khúc nhạc buồn đầy bi tráng.
Nói chung, mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi cuộc đời khác nhau, mỗi số phận và mỗi định mệnh khác nhau, mỗi đau thương khác nhau, mỗi dĩ vãng và hiện tại đều khác nhau... Nhưng đặc biệt hơn, các cựu Sĩ Quan Hải Quân Lưu Đày và Thân Hữu có những tình huynh đệ chi binh, “tình bạn”, thì... rất giống nhau. Trong “Đêm Họp Mặt” của lần Lưu Đày Hội Ngộ lần thứ 16 này, nhìn thấy các phu nhân của các sĩ quan Lưu Đày với những tà áo dài lượt là, rực rỡ, xinh đẹp, tươi cười dường như đã "thầm" đồng ý, “hết lòng” hổ trợ các phu quân Lưu Đày trong "bất cứ vấn đề gì".
Những câu nói được nghe như "chuyện dài Lưu Đày của các ông sẽ không bao giờ hết", "Chỉ có chừng đó thôi mà đã kể tới kể lui hơn 40 năm… không biết chán". "Chuyện của mấy ổng, chúng tôi nghe hoài vào những lần họp mặt, hoặc những khi mấy ổng gặp nhau", "Chúng tôi đã lấy nhau được mấy mặt con, cháu… đành vậy thôi", "Đã là vợ của Lưu Đày… thì mình cũng phải chấp nhận và chịu đựng, kiếp sống của Lưu Đày"… Những quí "phu nhân" đó đã từng là người yêu, người vợ, người mẹ và người bà, đã một đời hy sinh, quên đi chính bản thân mình, âm thầm chịu đựng, lo lắng, chăm sóc cho người yêu, cho đấng "phu quân” của mình, và luôn luôn tìm cách gây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình cho trọn vẹn.
Trong thi ca, văn chương và ca dao Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam được tôn vinh như những “cánh cò, cánh vạc”. Cụ thể nhất là thi sĩ Trần Tế Xương và rất nhiều thi văn hào, nhạc sĩ nổi tiếng cũng đã trân trọng tôn vinh thân phận cao quý của “con cò”, trong thi ca, nhạc kịch, tác phẩm, và sáng tác của họ. Thường thường, sau lưng người chồng thành công là người vợ chung thủy đảm đang. Những đức tính của người phụ nữ Việt Nam rất đặc thù, rất ư là tuyệt vời, không có ai trên thế giới sánh bằng. Nhân dịp, người viết, với tư cách “cá nhân” gốc Lưu Đày, xin được phép gởi đến tất cả các quí phu nhân Lưu Đày và Thân Hữu với tấm lòng đầy ngưỡng mộ, trân trọng, thán phục, chân thành, và biết ơn.
Chương trình được tiếp tục với phần văn nghệ và dạ vũ. Nghe như đâu đây có tiếng hát từ hai bản nhạc nào đó đầy trữ tình, có câu "Lỡ yêu rồi làm sao... anh ơi"..."lính mà em"... Những gì xảy ra trong quá khứ đã là dĩ vãng. Những người trai lính biển năm xưa bây giờ ở lứa tuổi 7 bó. Điều cần đáng nhớ và cần phải biết đó là những câu chuyện của Lưu Đày sẽ không bao giờ kết thúc, và sẽ mãi mãi không bao giờ kết thúc.
Những kỷ niệm và hoài bão của Lưu Đày sẽ sống mãi trong kiếp Lưu Vong, của những chàng trai lính biển còn nặng nợ núi sông. Ngoài tình yêu nước, họ còn tình yêu vợ con, yêu gia quyến và thương mến bạn bè. Họ vẫn mãi mãi mang theo quê hương, và luôn luôn hãnh diện đã là những người lính biển của quân chủng Hải Quân với những cuộc tình Lưu Đày muôn thuở.
Những chuyện của “Lưu Đày” sẽ tiếp nối, trong suốt kiếp lưu vong này. Tự Thắng Để Chỉ Huy. Tổ Quốc. Danh Dự. Trách Nhiệm. Thời gian họp mặt trôi qua mau. Lưu Đày Hội Ngộ lần thứ XVI đã chính thức kết thúc và được ghi nhận thành công mỹ mãn. LĐ Trần Xuân Tin và Ban Tổ Chức của SQHQ/LĐ và Thân Hữu đã hoàn thành công tác được giao phó.
“Đêm Chia Tay” đã được tổ tại tư gia của LĐ Nguyễn Thái Nhiên. Với sự tiếp đãi nồng nhiệt, chân thành và chu đáo của gia chủ và phu nhân, các Lưu Đày và Thân Hữu hiện diện, lại một lần nữa, đã cùng nhau vui say “thoải mái”, kể cho nhau nghe “những bước chân lưu đày”, hàn huyên và chia xẻ “tâm tư”, trọn tình “bằng hữu”, cho đến gần 12 giờ khuya.
Cuộc họp nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Sau lời cảm tạ và tuyên bố bế mạc của Ban Tổ Chức, tất cả Lưu Đày và Thân Hữu tạm thời chia tay, trở về với đời sống riêng tư, cố gắng giữ gìn sức khỏe, và tiếp tục vui hưởng “tuổi thọ”, sống trọn vẹn với hạnh phúc gia đình. Lần Hội Ngộ kỳ này đã để lại những dư âm của tình bằng hữu, tình huynh đệ chi binh, chân tình, luyến tiếc và hẹn ngày tái ngộ... vào lần Họp Mặt kỳ tới, dự định tại... Houston, năm 2021.
Hoài Quốc Nhân
Khởi viết tại Nam Cali, Ngày 29 tháng 7 năm 2019
Viết riêng cho Đặc San Lưu Đày 2020.
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây
Xem trang “Hải Quân VNCH”, click tại đây
Xem trang “Hải Quân Thế giới”, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com