Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
RONG CHƠI NGÀY THÁNG
TRÀM CÀ MAU

 

Dẫn nhập: Anh Nam đi vượt biên, bị bão đánh đắm thuyền. Trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ. Trên đảo chỉ có một gia đình sinh sống, ông Tư và hai người con là cô Hai, tuổi chừng đôi mươi, và cậu Ba khoảng mười lăm. Gần trăm năm trước, cụ nội của ông Tư cùng đám tùy tùng bị bão trên con đường đi Thái Lan lánh giặc Pháp, sau khi phong trào Văn Thân tan rã. Mấy gia đình sống tại đảo nầy, nuôi mộng có ngày về diệt giặc Tây. Họ chết dần mòn, chỉ còn lại ba người. Nam được cứu vớt và nhập vào gia đình nầy. Anh Nam lại kể đoạn đời trên đảo vắng:

 

“Ông Tư cho biết, từ nhiều chục năm nay, ông không hề liên lạc với xã hội bên ngoài, sống riêng trên đảo, không có ai ghé lại. Thỉnh thoảng thấy có thuyền bè đi ngang qua ngoài xa xa, rồi khuất bóng. Ðảo nầy là một trong nhóm hoang đảo nằm về phía tây nam, ông cũng không biết đảo nầy thuộc Xiêm, Miên hay Việt Nam.

 

Tôi được chấp nhận làm một thành viên của gia đình ông Tư trên hải đảo hoang vắng nầy. Sinh hoạt của gia đình dường như chẳng có việc gì, cứ thong dong, mỗi ngày ra bãi đào vài bụi khoai mì, cắt thân cây ghim xuống, và nhóm lửa nướng khoai. Việc rẫy nương cũng không có nhiều, việc săn bắt cá thì quá dễ dàng, chẳng ai bận tâm cực khổ, cứ xách cái xiên ra dọc bờ biển, nhắm con cá nào thích thì phóng xuống, kéo lên đem nướng.

 

Cô Hai và chú Ba bắt cá tài tình như vớt cá nuôi trong hồ. Trứng chim thì đầy bãi núi, cứ thấy tổ không có chim mẹ thì lấy bớt vài cái. Chim thì tràn đầy, muốn bắt con nào, cứ cho nó miếng cá, xòe bàn tay ra nâng dưới lườn bụng chim mà đem về. Con chim ngoan ngoãn nằm trong tay ôm. Mọi thức ăn đều nướng chín, như người thượng cổ. Hình như gia đình nầy không biết nấu là gì, mà có lẽ cũng vì không có nồi niêu để nấu. Họ sống đơn sơ, thanh thản, nhàn hạ. Không chút lo lắng vì cơm áo, tiền tài, danh vọng.

 

Tôi khôi hài thầm nghĩ, có cơm ăn đâu mà lo cơm, có áo mặc đâu mà lo áo, ở trên hoang đảo nầy mà có tiền cũng không ai bán, ai mua, danh vọng cũng chẳng cần khi cùng nhau ở trần trùng trục. Hoàn toàn tự do, muốn làm bất cứ việc gì cũng không ai ngăn cản. Họ đã quen, không ai thấy buồn, quạnh hiu, đơn chiếc giữa trời đất, thiên nhiên. Tôi thì cảm nhận được cái may mắn, thoát chết, có đời sống tự do, nhưng đôi khi cũng nhìn về bốn hướng mông mênh mà lòng thoáng buồn. Không biết đâu là quê hương, không biết bao giờ thấy lại bà con, bạn bè thân thiết.

 

Ðêm đêm, trước khi ngủ, tôi nằm kể chuyện cho cả nhà nghe. Kể đủ thứ chuyện xẩy ra trên thế giới trong nhiều chục năm qua. Vừa kể, vừa giải thích, vì câu chuyện đối với họ quá xa lạ, và đôi khi họ không biết ý nghĩa những danh từ trừu tượng.

 

Mỗi sáng sớm, tôi cùng cô Hai và chú Ba ra bờ biển, nhìn mặt trời đang lên, ánh sáng chói lòa, không khí ban mai mát mẻ. Chúng tôi cùng lội xuống nước nô đùa, và cầm lao nhọn đâm cá. Chọn lựa những con cá lớn, loại ăn ngon, chỉ cần một hay hai con là vừa đủ ăn trong ngày. Cá rất dạn dĩ, không bỏ chạy trốn khi người đến gần. Có khi tay chúng tôi còn sờ và vuốt ve được cá. Những con cá màu sắc đủ loại bơi lội thảnh thơi. Chúng tôi đùa nghịch, dìm nhau xuống nước, té nước vào nhau. Tiếng cô Hai cười vang dội trên vùng biển vắng. Rồi hai chị em tập cho tôi phóng lao, ném đá. Nàng đặt những viên đá ở một tầm xa, rồi dùng đá cuội to bằng nắm tay, ném vụt tới. Nàng ném chính xác, không trật một viên nào. Những viên đá chạm mạnh vào nhau vang dội và vỡ vụn.

 

Tôi cũng tập ném, đứng từ gần đến xa, sức ném vừa yếu, vừa thiếu chính xác. Nàng thích tôi ném bỗng đá lên trời, để nàng dùng đá cục ném theo, đá chạm nhau trong không trung vỡ tung tóe. Mỗi lần ném trúng, chúng tôi cùng la lên vui sướng. Chúng tôi cùng đùa chơi cho đến khi mồ hôi thấm đầy, xuống biển tắm lại, xách cá về lều nhóm lửa nướng, mùi cá cháy thơm ngát  làm  ông Tư ở đâu đó đánh hơi được quay về ăn trưa.

 

Buổi trưa nắng, chúng tôi nằm trong bóng mát, tôi kể chuyện tiếu lâm cho cả ba cha con nghe. Ông Tư thì hiểu chuyện nhiều hơn cô Hai và chú Ba. Có những chuyện khôi hài phải giải thích và phụ đề thêm, thế nhưng họ vẫn không hiểu nỗi. Nhưng thường nghe tiếng cười của tôi và ông Tư, thì tất cả đều cười theo dòn dã.

 

Nhiều lúc đang kể chuyện, tôi chợp mắt đi lúc nào không biết, và đánh một giấc trên cát cho đến chiều. Khi tỉnh dậy, tôi thường thấy cô Hai đang ngồi như canh giấc cho tôi, đuổi mấy con ruồi đang muốn sà xuống trên tôi. Thấy tôi thức giấc, cô Hai cười, nụ cười để lộ cái răng khểnh duyên dáng trên đôi má da dòn nắng. Tôi cảm thấy trong lòng niềm hạnh phúc êm ái lâng lâng, không hề nghĩ là mình đang lạc lõng cô lập ngoài đảo khơi.

 

Nơi nầy tuy vắng vẻ, nhưng không bị chính quyền kềm chế ngột ngạt, không bị công an dòm ngó, canh chừng, tôi cảm thấy thực sự sung sướng, không cần đi tìm đâu xa.

 

Buổi chiều, khi nắng nhạt, Ông Tư dạy cho chúng tôi những thế võ mới, và giải thích thêm về những biến thế của các bài quyền cước. Ông Tư cho biết, từ khi có tôi, thì hai chị em ham thích luyện tập võ nghệ hơn. Ông Tư dạy lại con cái theo di huấn của ông cụ tổ nội, đừng để thất truyền những võ học. Ðể đánh đuổi Tây. Hai chị em chán học là phải, vì trên đảo nầy, đâu cần chiến đấu mà luyện tập làm chi. Tôi thì tập cho thân thể cường tráng, chống với bệnh tật, và lãnh hội được những thế côn quyền mới cũng vui.

 

Chúng tôi cùng luyện tập, những đụng chạm, thân thiết cũng tạo khoái cảm trong lòng. Có khi tôi cùng cô Hai song đấu, đi những bài quyền, những thế võ khắc chế nhau, múa lui múa tới đến năm ba lần mà không thấy chán. Trong mắt cô Hai rực rỡ niềm vui, nụ cười chúm chím. Da thịt cô chắc như đồng, hai gò ngực cong lên, rung động khi vung tay múa chân mạnh. Bóng nắng chiếu lên mặt đất hai hình nhân xoắn xít nhau với những động tác vùn vụt mau lẹ. Khi mồ hôi thấm đầy người, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi trên tảng đá. Tôi lại nói chuyện khôi hài, tất cả chúng tôi cười vang, tiếng cười bay theo gió chiều trên bờ biển vắng.

 

Ðời sống trên đảo rất đơn sơ, thiếu thốn dụng cụ thiết dụng. Nồi niêu cũng vỡ nát từ lâu, phải nướng chín thức ăn, không có dụng cụ để nấu, không có vò chứa nước, ngoại trừ cái thùng nhỏ bằng gỗ ghép rò rỉ trát nhựa cây, thức ăn chứa đựng trong muỗng dừa và vỏ sò. Ngay cả muối cũng không có mà ăn. Ðời sống đơn sơ như thời thượng cổ. Thế mà trông họ vẫn an nhàn, khỏe mạnh, và không thấy thiếu thốn chút nào.

 

Tôi thấy mình đã bị phụ thuộc vào đời  sống văn minh quá nhiều, nên ban đầu cảm thấy chật vật, lúng túng, không thoải mái. Trong đầu tôi vẫn suy nghĩ mông lung, làm sao để tạo nên những tiện nghi tối thiểu. Phải có một cái bồn chứa nước dự trữ, không thể mỗi khi cần thì ra suối. Hoặc phải dọn nhà về ở sát bờ suối cho tiện lợi. Sau đó, cần phải có nồi niêu để nấu ăn, không thể ăn thức nướng mãi được. Tôi nêu ý kiến, ông Tư và hai chị em đều cười, có lẽ họ nghĩ là tôi rắc rối, bao nhiên năm nay, họ vẫn sống như thế nầy, có sao đâu.

 

Nhiều khi tôi nằm suy nghĩ mông lung, làm sao tạo nên những vật dụng tối cần thiết, cho đời sống thêm chút tiện nghi. Nhưng nghĩ mãi vẫn không ra. Có lần tôi dùng cái mai rùa lớn làm nồi, nấu cá, cua, nghêu, rau, khoai, và các thứ lá, như một nồi xúp. Ba người ăn nhưng không hợp khẩu vị của họ, chỉ có mình tôi là cảm thấy ngon, nhưng cái mai rùa chỉ dùng được một lần mà thôi, vì mùi cháy khét không chịu nổi.

 

Thấy vỏ sò chất đống bên bờ biển, tôi nảy ý nung vôi. Tôi cùng hai chị em đào hầm chứa vỏ sò, chất củi khô và nung. Ông Tư cũng không ngăn cản, nhưng cũng không tán thành, cứ xem như tôi bày trò chơi. Thật tình, chính tôi cũng không tin tưởng, và cũng chưa biết làm vôi bao giờ. Tôi hy vọng khi nhiệt độ tăng cao thì vỏ sò bị phân hóa và tôi sẽ có vôi sống. Thử nghiệm đến lần thứ hai, thì tôi thành công, có được vôi sống mà dùng.  

 

Tôi cùng hai chị em dùng báu kiếm đẽo đá mềm, trộn vôi với cát làm vữa xây một bồn chứa nước, mỗi bề chừng thước rưỡi. Mặt trong của bồn được tráng bằng một lớp hồ vữa mỏng. Chúng tôi mang nước về đổ đầy bồn. Tôi thích thú lắm, nhưng ông Tư thì chỉ mỉm cười, không lộ vẻ hoan hỉ nào. Có lẽ ông cũng chẳng cần dự trữ nước làm gì.

 

Khi nhìn vào đáy lò vôi, tôi khám phá ra đất bị nung cứng thành gạch, và vài nơi long lanh như tráng men. Nhờ đó, tôi nảy ý, nung một ít đồ gốm. Tôi trộn đất, xây lò, nặn một ít chén, bát, nồi, vò, đem phơi khô trước khi nung. Nhưng khi nung xong thì tất cả nều rạn nứt, vỡ hai vỡ ba. Tôi thí nghiệm lại nhiều lần, chọn phân lượng đất, nước, chọn thời gian nung khác nhau, cuối cùng tôi thành công, làm được một số nồi chảo, chén, đĩa.

 

Bây giờ tôi có thể luộc khoai mì, nấu xúp. Kho cá với nước biển, ban đầu thì có vị đắng, nhưng sau quen dần. Món ăn được gia đình ông Tư thích nhất là hổ lốn đồ biển. Trộn cá, cua, tôm, nghêu, sò, trứng chim, rùa, rong biển, và khoai sắn, cơm dừa, nước dừa, nấu chung cho chín nhừ. Ăn những món nầy mà tôi thầm nghĩ đến món xúp đồ biển nổi danh của người Pháp.

 

Có lẽ từ khi sinh ra đến nay, cô Hai và chú Ba mới được ăn thức ăn có nước. Cả gia đình hân hoan vui cười ăn uống thỏa thích mỗi khi tôi nấu mấy món nầy. Tôi còn mài khoai mì thành bột, nấu bánh với xác dừa. Pha trộn các thứ hải sản làm các món ăn thay đổi cho khẩu vị khỏi nhàm.

 

Bây giờ thì ông Tư phục tôi lắm, và tán thành bất cứ điều gì tôi đề nghị. Hai chị em cô Hai thì khi nào cũng nhiệt tình lăng xăng phụ tôi làm việc. Mặc dù họ không biết kết quả việc tôi làm. Tôi phơi khô một mớ cá, treo trong nhà. Nhiều lúc nướng ăn khi đêm về bên bếp lửa, lúc cả nhà lắng nghe tôi kể chuyện. Ban đầu, tôi kể chuyện thần tiên cho chú Ba, nhưng cô Hai cũng thích nghe, đến ngồi gần chăm chú, và đôi khi không hiểu, hỏi nhiều câu rất ngây thơ. Có lẽ kiến thức của họ thu nhỏ lại trên hòn đảo nầy, và những gì do ông Tư truyền lại mà thôi. Ngôn từ của họ cũng rất hạn chế. Cả ông Tư cũng thích nghe kể chuyện.

 

Những đêm trời tối, trước khi ngủ, nằm trong căn chòi, tôi kể chuyện. Ban đầu thì chuyện cổ tích, chuyện thần tiên, sau đó lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng cho đến ngày tôi vượt thuyền ra đi. Kể cho họ nghe đời sống xã hội, văn hóa, suy tư. Chỉ có chú Ba là thích nghe về tổ chức đời sống bên ngoài, Ông Tư và cô Hai thì thờ ơ, không chú ý lắm. Hình như hai người nầy không có trí tò mò, không muốn biết nhiều về cuộc sống bên ngoài.

 

Nhiều lúc tôi phải đặt chuyện ra mà kể, bày ra nhiều tình tiết éo le, gay cấn. Những lúc nầy thì trí óc tôi làm việc rất mệt. Vì nghĩ đến đâu thì kể đến đó, câu chuyện phải liên tục, không gián đoạn, không mâu thuẫn, có lý. Trí nhớ của cô Hai rất bén nhạy, cô nhớ hết những tình tiết mà tôi đã kể ra và hỏi lại khi những đoạn sau của câu chuyện khó móc nối với phần trước. Còn chú Ba thì tuy thích thú nghe, nhưng không nhớ gì cả, trí óc của chú đơn giản, tự nhiên như tiếng gió thổi qua trời.

 

Khi hết chuyện kể, tôi lần qua chuyện Tàu như Thủy Hử, Tam Quốc, những chuyện nầy, trường giang đại hải, nhân vật đông đảo, tôi cố nhớ mà kể cho mạch lạc, ăn khớp. Thỉnh thoảng, tôi phải phụ đề, giải thích thêm về phong tục tập quán của xã hội bên ngoài vào thời các nhân vật đang sống.

 

Những chuyện như Chiến Tranh Hòa Bình, Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Trà Hoa Nữ, Một thời Ðể Yêu Một Thời Ðể Chết, Về Miền Ðất Hứa, cũng được lần lượt kể. Khi kho chuyện trong đầu tôi vơi dần, thì tôi đọc truyện Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, và đọc cả thơ mới, thơ cũ...Cả ba người vẫn thích thú nghe, dù có khi họ không hiểu gì cả.

 

Chú Ba đôi khi yêu cầu tôi kể lại những chuyện cũ, nhất là những câu chuyện tôi có “thêm mắm thêm muối” để tạo nên tiếng cười. Những đêm không trăng, thì nằm trên giường kể chuyện cho đến khuya, khi tôi buồn ngủ, mệt mỏi, kể rời rạc và phải hẹn hôm sau kể tiếp. Những khi trăng sáng, chúng tôi ngồi trên đá tảng, gió thổi hiu hiu và nhai cá khô nướng, tôi chầm chậm kể chuyện, thỉnh thoảng Ông Tư chen vào vài câu hỏi, vì không theo kịp câu chuyện và không hiểu hết.

 

Có lẽ những câu chuyện tôi kể làm mở mang thêm hiểu biết của cả ba người.  Họ học thêm nhiều từ ngữ, nhiều ý niệm trừu tượng. Trong trí họ phong phú hơn và hiểu biết hơn, nhờ tôi giải thích những hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, giông bão, bệnh hoạn... Nhưng ông Tư vẫn không tin trái đất tròn và quay quanh mặt trời. Không tin nhiều chuyện về tiến bộ văn minh khoa học, họ cho đó là  chuyện huyễn hoặc. Mỗi khi ngồi trên cát biển chuyện trò, tôi dạy cho hai chị em học viết. Vẽ lên cát. Chỉ một thời gian ngắn, họ có thể viết nguệch ngoạc và đọc được chữ tôi viết trên vách đá, trên cát. Tôi như thần tượng của hai chị em, cô Hai và chú Ba bám sát tôi ngày đêm, đi đâu cũng có ba người, việc cũng làm chung. Tôi luôn nói chuyện tiếu lâm cho cả hai cùng cười vui vẻ.

 

Tôi gánh phân chim về vun những vồng khoai sắn, nên cành lá mọc tươi tốt sum sê, và củ khoai củ sắn lớn dài làm ông Tư ngạc nhiên khâm phục. Trước đây, vì đất đã tốt sẵn, nên chưa ai nghĩ đến chuyện bón phân. Sau nhiều năm khai thác, mầu mỡ đã cạn kiệt. Từ ngày có tôi, cuộc sống trên đảo thêm nhiều tiện nghi, thêm nhiều lý thú, và nụ cười trên môi ông Tư nở thường hơn. Hai chị em cô Hai ca hát luôn miệng. Tôi đã dạy cho họ những bài hát vui, thời tôi còn đi hướng đạo, dạy cho họ hát cả những bài ca tình cảm, có lẽ họ cũng chỉ lờ mờ hiểu ý của bản nhạc mà thôi. Có những lúc chúng tôi cùng vỗ tay ca chung, làm vang động cả miền hoang đảo. Rồi nắm tay nhau nhảy múa. Ông Tư nhìn và sung sướng cười theo. Ông chỉ nghe và nhìn, không tham gia múa hát.

 

Phía nam của đảo là vùng chim cư ngụ và đẻ trứng. Chim làm tổ la liệt trên đá, đủ các loài chim biển. Chim lớn, chim bé, trứng chim. Chim không biết sợ người, chúng tôi đi qua chỗ chim nằm ấp trứng, chúng chỉ yên lặng nhìn rồi không cần để ý đến con người. Cô Hai thường đem theo một ít cá, mồi cho chim con ăn, đút cho những con chim lớn bị thương tích đói khát, rồi bồng nó lên tay vuốt ve.

 

Thường chúng tôi chỉ trộm bớt trứng chim khi vắng chim mẹ, và nhặt những chim con bị lạc, ẵm những con chim lớn bị thương tích về chòi, để làm thực phẩm. Chúng tôi tránh làm chim sợ hãi, dường như loài chim không biết chúng tôi ăn thịt chúng, không hề sợ, và có khi sà đến xin ăn. Có những chiều im nắng, tôi ngồi giữa đàn chim nhìn sinh hoạt của chúng, chim mẹ đút mồi cho con, chim hải âu nuốt chửng những chú chim non khác, những con chim mỏ dài tư lự như triết gia suy ngẫm chuyện đời. Cô Hai ngồi dựa tảng đá nhìn tôi, thỉnh thoảng mỉm cười. Tôi thấy mình như thoát tục, đi vào một cõi sống khác, ở đây không có lo âu cho cơm áo, không bị xã hội ràng buộc đàn áp, không có công an cọng sản canh chừng, không có chính sách nầy, chính sách nọ, làm rối bời cuộc sống.

 

Cái thấp thỏm, bất ổn, âu lo trong xã hội cọng sản làm cuộc sống thành địa ngục. Cọng sản tạo nên đói kém, để mỗi người không suy nghĩ được gì xa hơn cái bao tử. Ý chí mỗi người cùn mằn trong cái đói liên tục triền miên. Hải đảo nầy, chính là nơi có tràn đầy tự do mà tôi hằng mong ước, không cần đi đâu xa xôi. Nơi đây, tràn đầy tình thương, tràn đầy vui thú, yên ổn từ tâm thần cho đến vật chất.

 

Những lúc thèm muối, tôi nấu nước biển cho bay hơi, dồn lại, cạo được một ít muối trắng dưới đáy nồi. Nhưng cuối cùng, tôi quyết tâm làm một ruộng muối. San bằng một thửa đất phía sau núi, lát đất sét chống thấm, mặt đáy nghiêng về một phía. Chia làm hai ô, rồi dẫn nước biển vào. Khi nước ở ô thứ nhất bốc hơi, nồng độ của muối cao, thì dẫn nước ấy qua ô thứ hai, sau một thời gian, nước bão hòa, muối đọng lại ở đáy hồ, vớt lên trữ vào hũ. Ngoại trừ ông Tư, ba người trẻ chúng tôi rất thích ăn mặn, có muối, chúng tôi ướp cá, ướp thịt chim và nướng ăn ngon hơn trước.

 

Tình cờ mà chúng tôi có rượu uống, chú  Ba bỏ quên trái cây chín trong hũ nước đậy kín, thời gian sau lên men và có mùi rượu. Tôi dùng rượu nầy làm mồi, gầy thêm được nhiều thứ rượu khác. Cô Hai không thích rượu, nếm vào thì nhăn mặt, còn ba người đàn ông thì thưởng thức tận tình. Có khi uống đến ngà ngà say, và nằm ngủ mê man trên phiến đá trước nhà chòi.

 

Một hôm, ông Tư bảo muốn nói chuyện riêng với tôi. Chúng tôi đi ra phía sau bãi xa. Ông Tư ngần ngại lắm mới mở được lời. Ðại ý ông muốn tác thành cho tôi và cô Hai, muốn chúng tôi thành vợ chồng, và hứa sẽ cho cô Hai đi theo tôi, nếu mai đây tôi muốn rời đảo về đất liền. Tôi cảm động, nói với ông là không muốn đi đâu nữa cả. Nơi đây cuộc sống thần tiên, dứt bỏ những âu lo phiền toái của xã hội, của những chính quyền tàn bạo. Khi còn ở trong đất liền, tôi đã từng có ý nghĩ tìm một hoang đảo sống tự do một mình. Nơi đây, điều kiện sống đã dễ dàng, thoải mái, lại có tình thương, có gia đình ông Tư. Không nơi đâu trên trái đất được sung sướng ấm êm như thế nầy.

 

Ông Tư cũng đã thấy rõ tình quyến luyến giữa đôi trai gái. Cô Hai thương tôi, nhưng bản chất ngây thơ, không nói, chỉ biểu lộ qua đôi mắt, lời nói, hành động. Phần tôi thì mang ơn gia đình nầy, đã cứu vớt cả cuộc đời lẫn linh hồn tôi. Tôi không muốn làm gì có thể vẫn đục cái tấm chân tình, hoen ố cái đời thanh khiết mà chúng tôi đang sống, nếu tình yêu đó chưa có đồng ý của tất cả mọi người.

 

Lễ thành hôn củùa chúng tôi rườm rà hơn của ông Adam và Eva một chút. Chúng tôi vái bàn thờ tổ tiên, và thề một lòng đuổi giặc Tây ra khỏi nước. Dù tôi đã nói cho ông Tư biết, Tây đã về nước hơn hai mươi năm qua, nhưng ông cũng bắt tôi thề, có lẽ đó là ý nguyện chung của tiền nhân khi lưu lạc ra đây. Cô Hai sung sướng ôm lấy tôi, mừng và khóc sướt mướt. Tay cô vuốt ve bờ vai tôi, kéo từng nắm tóc tôi âu yếm. Chú Ba cũng đặt một tay lên vai tôi, có lẽ chú cũng chỉ biết lờ mờ mối liên hệ mới mẽ giữa tôi với bà chị. Tôi đã có một gia đình ấm cúng nơi đây, đã mãn nguyện mơ ước có đời sống tự do.

 

Tôi vui sướng nghĩ đến ngày tương lai an bình hạnh phúc trên hải đảo thần tiên nầy.

 

Ông Tư vẫn chuyên cần tập luyện và truyền thụ cho chúng tôi những đường côn, quyền, đao, mà ông đã học được. Chúng tôi tập luyện như một trò chơi giải trí, chứ biết mình chẳng sẽ giao đấu với ai bao giờ.

 

Nhiều đêm trăng sáng, tôi cùng Hai đi dọc theo biển, dẫm chân lên nước lấp xấp liếm bờ, nhìn trăng sáng vằng vặc, chúng tôi không nói nhiều, nhưng hạnh phúc tràn đầy cùng nước trùng dương. Rồi chúng tôi đào một hố cát che gió, nằm ngửa, ôm nhau nhìn trăng sao. Mùi da thịt của Hai thơm nồng biển nước mặn. Có khi ngủ quên cho đến khuya, khi trăng gác chênh chếch bên kia, mới dẫn nhau về lều. Nằm trong nệm cỏ khô hôn nhau, vuốt ve trên tay, trên lưng, trên ngực.

 

Tôi quên mất thế giới văn minh bên ngoài, không thiết tha đi đâu nữa, ngày xưa, những người lạc bước thiên thai có lẽ cũng chỉ được an nhàn hạnh phúc như thế nầy mà thôi. Tôi tẩn mẩn chế tạo được một cây đàn sáu dây, rồi tập đánh những bản nhạc còn nhớ mang máng trong đầu. Không chỉ Hai, chú Ba thích thú thưởng thức,  mà ông Tư  cũng rất ưa nghe. Tôi tập cho Hai và chú Ba đánh đàn. Họ như những trang giấy trắng, học rất mau, và đôi khi họ còn sáng tạo ra những đoạn nhạc lạ lùng mà tôi chưa hề nghe bao giờ.

 

Tôi dùng da thú căng thêm cái trống, dùng vỏ sò lớn làm phách. Làm thêm một ống sáo. Chúng tôi thường hòa nhạc vang lừng trong những chiều vàng, những đêm trăng, có khi mải miết ca hát rân vang, những bài ca tự đặt ra trong lúc đàn. Ông Tư ngồi gõ nhịp chân, cười với niềm vui sướng, hạnh phúc.

 

Những đêm biển động, chúng tôi nằm trong hang đá, nghe mưa gió  thét gào, tưởng như đất trời đang  vỡ vụn, tan tành. Chúng tôi vẫn bình thản trong hang, nằm ôm nhau hạnh phúc. Ngày hôm sau trời quang mây tạnh, đời sống lại yên bình.

 

Hơn một năm sống trên hoang đảo, da thịt tôi rắn chắc, tóc dài phủ vai, râu mọc hỗn loạn. Thân ngã màu đồng đen. Có khi nhìn bóng mình soi đáy nước, tôi không nhận ra một nét nào của thời trước. Tôi thấy mình giống hệt người rừng, không còn phảng phất chút văn minh nào của nhân loại ở cuối thế kỷ hai mươi”.

 

Tràm Cà Mau.

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả: click tại đây

Xem bài trên trăng Văn: click tại đây

Trở về trang chính www.nuiansongtra.net 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh