Vương triều Nguyễn (1558-1945) gồm 9 chúa và 13 vua. Trước 1802 thì các chúa cát cứ từ bờ nam sông Gianh (Quảng Bình) trở vào; sau khi Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, các vua Nguyễn trị vì toàn bộ đất nước mà thời kỳ lãnh thổ rộng nhất là vào thời Vua Minh Mạng. Có cơ nghiệp như thế là nhờ tài thao lược của các vua chúa và đóng góp của bách tính, trong đó người nổi bật là Đào Duy Từ (1572-1634).
Đào Duy Từ vốn sinh ra và trưởng thành tại Đàng Ngoài nhưng vì không được trọng dụng nên đến năm 53 tuổi vào Đàng Trong phụng sự Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Kế sách ông dâng Chúa Sãi ngay buổi đầu diện kiến gồm 5 điểm chính sau:
(1) Thống nhất giang sơn: Ông khuyên Chúa Sãi nên nối nghiệp Tiên Vương Nguyễn Hoàng diệt Chúa Trịnh để thống nhất sơn hà.
(2) Mở mang bờ cõi: Đánh chiếm Chiêm Thành để mở mang bờ cõi phương Nam, làm thành một nước rộng lớn hơn Đàng Ngoài của Chúa Trịnh.
(3) Phát triển dân số và dân sinh: Chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang để sản xuất nông nghiệp; trước là có nhiều thóc gạo làm lương thực, sau là có nhiều người để tăng quân số. Giảm bớt sưu thuế cho dân đỡ khổ, nâng cao đời sống của dân, giúp đỡ họ làm ăn cày cấy, buôn bán. Mở nhiều trường học, ra lệnh cho mọi người đều phải đi học, dân có biết chữ mới biết yêu nước thiết tha. Làm được như thế dân không bị áp bức, lại được sống sung túc thì bao giờ cũng tận tâm phò Chúa.
(4) Chỉnh đốn nội trị: Chọn người tài giỏi có công tâm không kể thân sơ ra giúp nước còn những kẻ tham nhũng thì trừng phạt và thải hồi.
(5) Xây dựng quân đội: Muốn cho quân đội hùng hậu phải mộ thêm lính, xây đắp đồn lũy, huấn luyện cho quân lính có tinh thần, có kỷ luật.
Chỉ vỏn vẹn 8 năm phò Chúa Sãi từ 1627 đến 1634 nhưng Đào Duy Từ đã khắc hoạ hình ảnh đặc dị một người thầy của Chúa Sãi, một học giả, một chính trị gia, một chiến lược gia, một kiến trúc gia, một kỹ thuật gia, một nghệ sư tài hoa, là người góp phần định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong.
Lăng Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn,
tỉnh Bình Định. Ảnh: Trần Đức Nghị, hậu duệ đời thứ 12 của
Cống Quận Công Trần Đức Hòa.
Thế các vua chúa Nhà Nguyễn trọng thị Đào Duy Từ như thế nào?
1. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Ngay sau khi diện kiến năm 1627, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên “tức thì trao cho Đào Duy Từ chức Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê Hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính” [1].
Khi Đào Duy Từ mất 1634, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thương tiếc không nguôi, tặng là Hiệp mưu Đồng đức Công thần đặc tiến Kim tử Vinh Lộc Đại phu, đưa về táng ở Tùng Châu, sai lập đền thờ [1, 2]. “Cha là Đào Tá Hán, mẹ là Vũ Thị Kim Chi sau đều được phong tặng” [1]. “Đào Duy Từ có tài lược văn võ, phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm thì trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà công nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu công thần khai quốc” [1].
2. Vua Gia Long.
Năm Gia Long năm thứ 4 (1805), “công nhận Đào Duy Từ là công thần bậc trên và cho tòng tự tại Thái miếu; cho một người cháu tập ấm làm đội trưởng, được mộ phu 6 người và tự điền 15 mẫu” [1]. Chức đội trưởng thời ấy tương đương tỉnh trưởng thời nay.
Năm Gia Long năm thứ 9 (1810), Vua định thứ vị những công thần khai quốc, công thần trung tiết và công thần trung hưng thì Đào Duy Từ là một trong bốn công thần khai quốc và là người đứng đầu.
3. Vua Minh Mạng.
Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), xảy chuyện “bọn tập ấm Chánh Đội trưởng Nguyễn Hữu Tài (con cháu Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến) và Đội trưởng Đào Duy Thanh (con cháu Nội tán Đào Duy Từ) có đơn kêu rằng ở hai xã Bồ Đề và Tùng Châu (thuộc phủ Quy Nhân) có 19 mẫu ruộng của tổ để lại, sau cuộc loạn bị tịch thu vào quan trại, xin cấp trở lại làm ruộng thế nghiệp để nộp thuế. Vua dụ Bộ Hộ rằng: “Tiên tổ chúng là công thần khai quốc, công nghiệp rõ, chính nên suy ân cho đến con cháu đời sau. Huống chi ruộng ấy tiên triều đã ngự phê làm ruộng tư rồi. Vậy thì bỏ ở ngạch trại đi, trả ruộng cho chúng.” [1].
Năm Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), Vua truy phong “Đào Duy Từ là Khai quốc Công thần, Đặc tiến Vinh Lộc Đại phu, Đông các Đại học sĩ, Thái sư, vẫn thuỵ là Trung Lương, phong Hoằng Quốc Công” [1].
Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) Vua cho “Đào Duy Nhẫm, dòng dõi Khai quốc Công thần, Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ được tập ấm, làm đội trưởng coi giữ việc thờ cúng” [1].
Năm Minh Mệnh năm thứ 17 (1836) Vua “chuẩn định cho 20 người là bậc có công lao rõ ràng hơn hết trong số công thần khai quốc và công thần trung hưng là đáng được để phu coi mộ có tầng bậc khác nhau. (Nghĩa Hưng Quận Vương Tôn Thất Khê, Quốc Uy Công Tôn Thất Hiệp, Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, Anh Quốc Công Nguyễn Hữu Tiến, Tĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Dật, đều được 6 người” đồng thời xây lại mộ Đào Duy Từ do năm trước đắp đất nên sai “tỉnh thần xây lại bằng gạch” [1].
Năm Minh Mệnh năm thứ 20 (1839), dù có việc thu hồi ruộng nhưng “duy có ruộng của Khai quốc công thần là Đào Duy Từ để lại làm ruộng hương hoả, nên cắt lấy thì chuẩn giả cho mỗi mẫu 50 quan tiền, giao cho con cháu là Đào Duy Nhẫm để sắm sửa việc thờ cúng.” [1].
Đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài, xã Hoài Phú,
huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đào Duy An.
4. Vua Thiệu Trị.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhân thăm lũy Thầy tại Quảng Bình do Đào Duy Từ đắp, Vua nói: “Việc đắp ra trường luỹ, bắt đầu từ đời Hiếu Văn Hoàng Đế ta, do một công thần khai quốc là Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ bắt đầu mưu tính việc ấy; sau Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế ta 2 lần đánh được quân Bắc và Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta đại thắng giặc Bắc, đều ở chỗ này cho nên đặt tên cho Luỹ là ‘Định Bắc trường thành’ để cho danh nghĩa được chính đáng” [1].
5. Vua Tự Đức.
Năm Tự Đức thứ 3 (1850), vào tháng 6 Vua cho “Đào Duy Thông ấm thụ đội trưởng, coi giữ việc thờ tự công thần Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ” [1].
Năm 1859, Vua cho xây từ đường Đào Duy Từ. Đây là nơi thờ chính cha mẹ ông (Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim Chi), viễn tổ và hậu duệ của ông. Các bàn thờ tại Từ đường được đặt như sau: Bàn thờ chính giữa là thờ Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim Chi; bàn thờ phía bên tay trái nhìn từ ngoài vào là thờ viễn tổ ông nội Đào Duy Từ-Đào Duy Trung…; bàn thờ bên tay phải là thờ Đào Duy Từ và Cao Thị Nguyên còn bàn thờ hai bên là thờ hậu duệ Đào Duy Từ.
Từ đường Đào Duy Từ tại thôn Tài Lương (Ngọc Sơn), xã Hoài
Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đào Duy An.
6. Vua Bảo Đại.
Nhân người Kinh ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk xây sửa đình Lạc Giao, xin sắc phong cho thờ một vị thần hoàng; năm 1932 Vua phong Đào Duy Từ làm thần hoàng đình Lạc Giao [3, 4].
Vậy có một chúa và 5 vua Nhà Nguyễn phong và truy phong cho Đào Duy Từ, cho con cháu Đào Duy Từ để tỏ lòng biết ơn người giúp Nhà Nguyễn nên cơ nghiệp.
Hiện tại: (1) Lăng Đào Duy Từ tại thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; (2) Đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và (3) Từ đường Đào Duy Từ tại thôn Tài Lương (Ngọc Sơn), xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; đây là nơi mà ngày 15 tháng 10 năm 1994 Bộ Văn hoá-Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia “Đền thờ Đào Duy Từ”; trớ trêu?
Soi trang sử xưa và ngẫm thực trạng mà chợt nhớ câu cuối trong bài thơ “Định Bắc trường thành (Lũy Thầy)” của Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng: “Nghìn thu mấy kẻ biết trông gương?” [5].
Tài liệu tham khảo.
1. Đại Nam thực lục. [https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-thuc-luc]. Truy cập 28/8/2019.
2. Đại Nam liệt truyện. [https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-liet-truyen]. Truy cập 28/8/2019.
3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Äình_Lạc_Giao.
4. https://bazantravel.com/dinh-lac-giao-buon-ma-thuot/.
5. https://dukhach.quangbinh.gov.vn/3cms/dinh-bac-truong-thanh-â-vo-thang-quan.htm.
Xóm Gà 28/8/2019
Đào Duy An
* * *
Xem các bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu, click vào đây
Về trang chính: http://www.nuiansongtra.net