Quảng Ngãi năm 1952. Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn.
Tư Sảng đang chăm chú ấn mạnh lưỡi cày sâu xuống đất trên thửa ruộng của bác Cả Điều vừa mới gặt xong vào tuần lễ trước đây, tay phải cầm chặt cán cày, tay trái cầm roi tre, miệng la “Tá, Ví” để thúc đôi bò đi thẳng lối và nhanh hơn. Bỗng nghe tiếng gọi của Nguyệt, con gái út của bác Cả bay thoáng trong gió vang lên từ bờ ruộng bên kia.
- Chú Tư, chú Tư! Mẹ sai cháu đem cơm trưa cho chú đây. Chú nghỉ chốc lát ăn trưa cái đã.
Tư Sảng ngoảnh mặt lại thấy Nguyệt đang đứng trên bờ ruộng vẫy tay. Anh liền cho đôi bò ngưng nghỉ trong chốc lát, từ từ đi tới mương nước rửa tay, rồi chậm chạp bước lại chỗ Nguyệt, y lên tiếng:
- Cảm ơn cô.
Gia đình bác Cả hiện giờ chỉ còn hai vợ chồng trọng tuổi và cô con gái út là Nguyệt vừa đến tuổi mười bảy. Hai người con trai lớn của bác hiện là bộ đội đang ở chiến trường Tây Nguyên.
Bữa cơm trưa cho người nông dân trẻ cày thuê, và cả gia đình ông Cả Điều chỉ là nồi củ mì xắt lát phơi khô, một hạt cơm phải gánh một lúc năm, bảy lát củ, với bát canh rau muống nấu với cua đồng giả nát, chén mắm nêm và vài ba trái ớt hái trong vườn. Thịt, cá và những món ăn khác chỉ có trong ngày Tết hay giỗ chạp nhưng không phải Tết nào, giỗ nào cũng có!
Mùa lúa đến, gặt hái xong, người dân phải è cổ ra gánh lúa đem nạp thuế nông nghiệp. Mùa vừa qua, gia đình ông Cả Điều thu hoạch được mười gánh lúa, bà Cả và Nguyệt phải liên tục gánh đem đi nạp thuế nông nghiệp trên hợp tác xã hết tám gánh, còn lại trả công cho người cày, thợ cấy. Chỉ còn chút ít dành ra nấu cháo khi trong nhà có người bị đau ốm.
Cuộc sống của người làm nghề nông ở Quảng Ngãi thời ấy rất cơ cực, thuế nông nghiệp quá cao. Lúa gạo làm ra chỉ đủ đóng thuế. Thời tiết thay đổi bất thường. Có những năm hạn hán kéo dài, có những tháng mưa bão triền miên, lụt lội dâng ngập cả ruộng đồng, mùa màng mất sạch, trâu bò, gia súc chết nổi lềnh bềnh trên sông, trôi ra biển, thế mà chính quyền vẫn bắt buộc dân đóng thuế .
Những thanh niên khoẻ mạnh trong làng không còn mấy người, phần lớn phải đi nghĩa vụ quân sự, gia nhập bộ đội, số ít còn lại thì đi dân công, gánh gạo lên dãy Trường Sơn tiếp tế cho chiến trường. Họ thường bị bệnh tật, đói khát dọc đường, có người đi không thấy trở về.
Còn ở địa phương những thành phần mà Cọng sản liệt vào địa chủ, phú nông, quan lại cũ thời phong kiến thường bị theo dõi, và đem ra đấu lý để chuẩn bị cho phong trào “phóng tay phát động quần chúng” vào năm tới. Trường hợp như gia đình ông Phủ S. ở cửa Đông, Ông C. ở Nghĩa Hành v.v… Ban đêm bạo quyền Cọng sản địa phương thường tập trung người dân tại sân trụ sở xã học tập, xúi dục đặt chuyện vu cáo những thành phần nêu trên.
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, một tên văn nô Cọng sản đã sáng tác bài thơ đầy sắt máu, xúi bảo, gây căm thù giai cấp, uất hận, căm phẫn cho những nông dân, công nhân được chúng ghép vào thành phần bần cố nông, nghèo nàn, không có một mảnh đất cắm dùi, nòng cốt của chế độ, khích động họ vu cáo, dựng đứng tội lỗi những thành phần nêu trên, và cho phổ biến khắp thôn làng ở những nơi mà Cọng sản tạm chiếm đặc biệt là Liên Khu 5 gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú để chuẩn bị cho phong trào “Phóng Tay Phát Động Quần Chúng” đấu tố sắt máu sau nầy.
Bạn đọc nào đã từng xem cuốn phim “Chúng Tôi Muốn Sống“ do tài tử Lê Quỳnh, Mai Trâm đóng dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm đệ nhất VNCH, lồng vào những đoạn phim tài liệu, chúng ta mới thấy sự tàn ác, dã man không tiền khoáng hậu của Cọng sản Việt Nam ở miền Bắc nước ta trong thời gian đấu tố mới thấy nó khủng khiếp dường nào! Người viết còn nhớ những câu dưới đây:
“Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”,
Hoặc:
“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta lin bất diệt.”
Hay:
“Yêu biết mấy khi con thơ tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta Lin
Con còn bé dại con ơi!
Mai sau con nhé, đời đời nhớ ông.”
Nơi địa phương, cuộc sống hằng ngày của gia đình cụ Cả Điều thật là khiếp đảm, khó khăn, vất vả cả về vật chất lẫn tinh thần. Công an khủng bố, hăm dọạ mỗi ngày. Gia đình Cụ sống trong thôn làng như đang ngồi trên đống lửa. Họ bị cô lập hoàn toàn với bà con, xóm giềng.
Nhưng ở đời người hiền thường gặp lành. Một điều may mắn lạ lùng, gia đình cụ Cả được Tư Sáng, một thanh niên trẻ với tuổi đời hai mươi ba, thành phần bần cố nông, một giai cấp mà Cọng sản hết sức dụ dỗ, nuông chiều, lợi dụng để làm cốt cán cho chủ trương đấu tranh giai cấp, hy sinh cho đảng, và đặc biệt làm nòng cốt cho cuộc đấu tố, cải cách ruộng đất sau nầy. Y là cán bộ trung kiên của đảng đang nắm chức vụ xã đội trưởng dân quân xã nhà âm thầm che chở, giúp đỡ cho gia đình cụ Cả.
Anh thường bị tên bí thư xã gọi lên kiểm thảo, phê bình, răn đe, và bắt làm tờ cam kết sẽ không còn liên hệ với gia đình Cả Điều nữa. Tư Sảng nghe những lời cảnh báo như nước đổ trên lá khoai môn, trơn tru lăn xuống đất, tuột luốt từ tai nầy qua tai kia, không để lại cho y một ấn tượng gì, một sự quan tâm, thay đổi gì. Y vẫn tỉnh bơ xem như không có chuyện gì xảy ra.
Tư Sảng vẫn tiếp tục giúp đỡ chuyện đồng áng, nông tang cho gia đình bác Cả. Điều nầy làm cho Muôn bí thư xã bực tức quyết tâm tìm ra nguyên nhân. Y âm thầm theo dõi và điều tra hư thực. Cuối cùng tên Muôn tìm ra nguyên nhân mà Tư Sang bất chấp sự cảnh cáo, đe doạ khai trừ ra khỏi đảng. Đó là Nguyệt cô con gái út của bác Cả Điều, tuy sống trong cảnh đói nghèo, cùng cực, làm việc rất vất vả “đầu tắt, mặt tối”, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng nàng có sắc đẹp trời cho, lại thêm nết na, vui vẻ, kính trên, nhường dưới, ai gặp đều quí mến. Tư Sảng đem lòng “thầm yêu trộm nhớ,”
Tư Sảng mồ côi cha mẹ từ thuở lên năm, được người chú ruột đem về nuôi dưỡng, cho đi học. Sảng rất thông minh nhưng chỉ được học tới lớp ba trường làng Nghĩa Lộ, và phải ở nhà cùng chú cày thuê, cuốc mướn sinh sống.
Nhớ lại hai năm trước đây, trong một dịp tình cờ, anh vừa cày xong mảnh ruộng của bác Sáu Cối, chuẩn bị thu xếp ra về thì gặp bác Cả Điều đang gánh hai bó rạ lớn đi ngang qua, đi ngược chiều gió, gặp lúc luồng gió mạnh, ông lạng quạng và vô ý trượt chân ngã xuống ruộng lúa vừa gặt xong. Sảng vội tới đỡ bác dây, và từ đó họ quen biết và thân nhau.
Tư Sảng vốn người hiền lành, bản chất thật thà, chăm chỉ làm ăn, và đặc biệt có lòng thương người, vị tha, và bác ái. Điều ấy rất hiếm xảy ra cho những người Cọng sản, chỉ biết chém giết, gây căm thù giai cấp để phục vụ đảng mà thôi. Sảng biết hoàn cảnh sống thê thảm của gia đình bác Cả Điều nên dốc lòng giúp đỡ, che chở. Thỉnh thoảng Sảng vẫn đến giúp bác Cả cày ruộng, đập lúa.
Một hôm như thường lệ, Nguyệt xách cơm trưa ra ruộng cho Sảng, y ngạc nhiên nhìn chăm chú Nguyệt thấy có gì khác lạ nơi cô bé con bác Cả Điều đang tuổi cập kê nầy. Nàng lớn lên trông thấy, hình ảnh Nguyệt nổi bật trên cánh đồng ruộng mênh mông. Từ đó, Sảng luôn luôn nghĩ đến Nguyệt, chỉ mong gặp mặt.
Cho đến một hôm, Sảng mạnh dạn thố lộ tâm tình, tình cảm với Nguyệt, và nàng đã ngã vào đôi bàn tay rắn chắc của anh xã đội trưởng dân quân Nghĩa Lộ. Lúc đó, người viết cùng đám trẻ em chăn bò mỗi khi thấy anh Sảng vác cày đi ngang qua; thường cùng nhau ngâm nga bài thơ không rõ ai là tác giả để trêu chọc, tôi còn nhớ mấy câu:
“Anh đã trót yêu con địa chủ
Quá yêu rồi dứt bỏ sao đành
Đêm qua trằn trọc năm canh
Sao không dứt nỗi mối tình vấn vương…”
Tư Sảng chỉ mỉm cười, và lặng lẽ đi qua.
Một thời gian sau, trong một cuộc họp, Sảng bị Ban Bí Thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi khai trừ anh ra khỏi đảng. Chuyện của Sảng như câu chuyện “Tái Ông thất mã” hồi xưa (*).
Hiệp định Geneve tháng Bảy năm 1954 ký kết giữa thực dân Pháp và Cọng sản Bắc Việt chia đôi đất nước ta, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc Việt Nam Cọng Hoà, và điều thật may mắn cho người dân Quảng Ngãi là tỉnh nhà nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc vùng quốc gia kiểm soát. Sảng và Nguyệt tổ chức đám cưới, và cuộc sống họ hoà nhịp với người dân Quảng Ngãi, và bắt đầu khởi sắc.
Nguyễn Hữu Thời
(*) “Tái Ông thất mã” (Phú ông mất ngựa). Chuyện kể rằng: Ở làng kia có một ông nhà giàu nuôi một con ngựa chiến, đẹp, người nài ngựa chăm sóc rất kỹ lưỡng. Phú ông rất quí con ngựa. Một đêm, con ngựa bị kẻ trộm dẫn đi mất, dân làng tới chia buồn. Phú ông cảm ơn và nói rằng: “Biết đâu, trong cái rủi có cái may”. Ít lâu sau, người nài ngưạ tìm lại được con ngựa. Dân làng đến chia vui, ông nói rằng: “Trong cái may biết đâu có cái rủi. Thằng con trai út 18 tuổi của phú ông cỡi ngựa bị té gãy cánh tay mặt, tê liệt không cử động mạnh được. Dân làng đến chia buồn. Ông nói: Biết đâu trong cái rủi lại có cái may”. Sau đó, giặc Tàu sang xâm chiếm nước ta, vua ra lệnh tổng động binh chống Tàu, nhiều thanh niên ra trận bị tử vong, con trai ông được miễn dịch.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Văn: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com