THE 1974 PARACELS SEA BATTLE: A CAMPAIN APPRAISAL
By Toshi Yoshihara
Châu Giang dịch
Naval War College Review, Số 2, Tập 69/ 2016.
Vào ngày 19/1/1974, hải quân Trung Quốc và miền Nam Việt Nam đã đụng độ gần quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Cuộc hải chiến ngắn ngủi nhưng với cường độ lớn và kết quả là Trung Quốc đã kiểm soát các thực thể có vẻ không thực sự mang nhiều ý nghĩa ở Biển Đông. Cuộc chiến xảy ra với các loại vũ khí cũ kỹ, nhỏ và đều lỗi thời. Cuộc chiến chỉ kéo dài trong vài giờ với tổn thất không nhiều về phương tiện và con người. Cuộc chiến lúc đó không thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng, đặc biệt là khi so với các cuộc chiến lớn trên biển như trong hai cuộc chiến thế giới. Không ngạc nhiên khi cuộc chiến này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nếu không muốn nói là bị lãng quên, trong suốt lịch sử hải chiến của thế giới.
Thật tiếc khi bí ẩn về cuộc chiến vẫn chưa được khai phá. Theo các nguồn tài liệu Hoa ngữ công khai gần đây, cuộc chiến cho thấy đây là một cuộc hải chiến phức tạp hơn nhiều so với những gì thường được các học giả phương Tây mô tả. 2 Những chi tiết khuyết danh cho đến nay về cuộc chiến đã minh họa cho cách thức các nhà chiến lược Trung Quốc thực hiện các chiến thuật như thế nào để cưỡng ép, ngăn chặn và đánh bại đối thủ yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc đã triển khai kết hợp các lượng lượng thông thường và không chính quy để đạt được các mục tiêu tác chiến của mình. Các phương pháp kết hợp như vậy không chỉ phổ biến trong lịch sử hải quân Trung Quốc, mà nó còn là dấu hiệu về các phương thức hải chiến kết hợp mà Trung Quốc sử dụng gần đây để đối phó với các quốc gia biển láng giềng ở châu Á như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Trên thực tế, những hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy một nguyên mẫu mà Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải chú tâm đến quá khứ hải chiến của Trung Quốc.
Cuộc hải chiến Trường Sa năm 1974 là bước đi đầu tiên trong nỗ lực hàng thập kỷ của Trung Quốc nhằm thiết lập và mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Năm 1988, Trung Quốc đã chiếm 6 bãi đá và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa sau cuộc hải chiến với Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Cuối năm 1994, Trung Quốc xây dựng các công trình trên bãi Vành Khăn mà Philippines cũng có yêu sách, buộc một Philippines yếu kếm không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sự đã rồi. Năm 2012, Trung Quốc đã cưỡng bức Philippines phải đi đến kết cục mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng về quyền đánh bắt cá tại bãi cạn này. Bắt đầu từ cuối năm 2013, Trung Quốc tiến hành dự án cải tạo đảo trên quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các đảo nhân tạo, mở rộng lên hàng ngàn mẫu. Một số đảo nhân tạo có đường băng ở cấp độ quân sự, cảng nước sâu kết hợp với tàu chiến, phương tiện để xây dựng các tiền đồn quân sự và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác. Sự phát triển về sức mạnh trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, một sự phát triển được tiếp đà trong những năm gần đây, bắt đầu với thế đứng chân vững chắc có được ở quần đảo Hoàng Sa.
Cuộc xung đột và hệ quả của nó cũng để lại một di sản kéo dài và tác động rất lớn đến các mối quan hệ hệ quốc tế ở Châu Á. Các tranh chấp lãnh thổ vốn nổi lên từ cuộc chiến 40 năm trước hiện vẫn chưa được giải quyết và vẫn tiếp tục hun đúc lòng thù hận giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trong vùng biển gần với quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014, biểu tình phản đối đập phá các doanh nghiệp của Trung Quốc đã nổ ra khắp nơi ở Việt Nam. Trên biển, tàu của lực lượng chấp pháp biển Việt Nam đã nỗ lực phá vỡ hàng rào an ninh được các tàu hải quân, bán quân sự và dân sự Trung Quốc lập nên. Trong thời gian diễn ra căng thẳng, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã rơi xuống các đáy mới. Cuộc khủng hoảng tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa chấm dứt và chúng vẫn khuấy động các mối quan hệ vốn xuất phát từ cuộc chiến năm 1974.
Cuộc hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào đúng ngã rẽ trong lịch sử chính trị hỗn loạn của Trung Quốc. Thời điểm đó, quốc gia này vẫn đang quay cuồng trong cuộc Cách mạng Văn hóa khi cuộc hải chiến nổ ra. Phong trào chính trị cấp tiến khiến cho lực lượng quân đội bị suy yếu đến mức độ hải quân Trung Quốc gần như phải trả giá cho điều đó bằng sự thất bại trong chiến dịch ở Hoàng Sa. Mao Trạch Đông lúc này đã giành sự lưu tâm cho cuộc khủng hoảng, đưa ra những mệnh lệnh quân sự cuối cùng trong suốt cuộc xung đột trước khi qua đời hai năm sau đó. Đặng Tiểu Bình, sau khi được phục hồi quyền lực trong cuộc thanh trừng của cuộc Cách mạng Văn hóa, đã tiếp quản chiến dịch này. Lưu Hoa Thanh sau đó đã xây dựng củng cố cho kế hoạch ở quần đảo Hoàng Sa không lâu sau khi cuộc hải chiến kết thúc. Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư cho sự đổi mới và mở cửa của Trung Quốc, cùng với Lưu Hoa Thanh, cha đẻ của hải quân hiện đại Trung Quốc, sau đó đã lèo lái đất nước vượt ra khỏi thời kỳ đen tối mà Mao Trạch Động để lại. Vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng này dường như đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho họ khi tự bổ nhiệm mình thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc.
Đối với Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), chiến dịch này đã khắc sâu vào lịch sử ngành của PLAN, trở thành một phần thiết yếu về một “chiến thắng vinh quang” của hải quân Trung Quốc. 3 Cuộc “Phản công tự vệ” đã đánh bại miền Nam Việt Nam và khôi phục lại quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. 4 Đây được xem là một cuộc hải chiến đầu tiên của PLAN đối với một đối phương bên ngoài. (Cuộc chiến chống lại Quốc dân Đảng dọc theo bờ biển đại lục Trung Quốc những năm 1950 và 1960 được xem là sự mở rộng của nội chiến Trung Quốc). Cuộc chiến cũng là lần đầu tiên mà PLAN - phần lớn lực lượng phòng vệ bờ biển đều là các tàu cũ kỹ của Liên Xô - hoạt động xa bờ. Sự chênh lệch về sức mạnh hải quân dường như nghiêng về miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa - RVN) đã tạo điều kiện cho các nhà bình luận Trung Quốc thần thánh hóa chiến thắng này.
Những di sản cuộc hải chiến, từ thái độ thù địch trong khu vực cho đến vị thế chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, đòi hỏi phải có một nghiên cứu đánh giá lại sâu sắc hơn nữa. Các nguồn tư liệu công khai của Trung Quốc hiện tại có thể giúp làm rõ nhiều vấn đề của cuộc chiến. Việc tái hiện lại một bức tranh rõ ràng hơn về cuộc hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được các thành phần cấu thành nên sự thành công trong chiến dịch này của hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, một phân tích về quá khứ cũng sẽ vạch ra được sự tiếp nối trong việc Trung Quốc sự dụng vũ lực và sự cưỡng ép trên biển. Cụ thể, việc Trung Quốc triển khai sử dụng kết hợp tàu dân sự và quân sự năm 1974 cho thấy mức độ ưu tiên về tác chiến về chiến tranh kết hợp, điều đó được chứng minh trong tranh chấp lãnh thổ hiện nay của Trung Quốc. Khuynh hướng như vậy có những tác động đối với các quốc gia yêu sách khác ở Biển Đông và đối với cả Mỹ, quốc gia đóng vai trò bảo trợ cho an ninh và ổn định biển Châu Á.
Nhằm tối đa hóa được giá trị phân tích về cuộc hải chiến, phần đầu bài viết sẽ đánh giá lại bối cảnh địa lý và lịch sử của tranh chấp quần đảo Hoàng Sa. Bài phân tích sẽ tường thuật thật chi tiết về các hoạt động quân sự “ăn miếng trả miếng” gần quần đảo Hoàng Sa đã gây ra xung đột giữa Trung Quốc và miền Nam Việt Nam. Tiếp đến, bài phân tích đánh giá chi tiết về cuộc hải chiến và hệ quả của nó từ những tường thuật của người Trung Quốc. Bài viết sẽ đưa ra nhận định về cuộc chiến, phân tích về mối quan hệ quân sự - dân sự của Trung Quốc, sự thể hiện về mặt hoạt động của PLAN, vai trò của sự va chạm và cơ hội, tầm quan trọng của các lực lượng bán quân sự đối với Bắc Kinh. Cuối cùng, bài phân tích đưa ra kết luận với một vài suy nghĩ về việc cuộc hải chiến có thể cho thấy dấu hiệu như thế nào về chiến lược tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông và tác động của nó đối với các bên liên quan trong khu vực biển Châu Á.
NGUỒN VÀ PHƯƠNG PHÁP
Trong những năm gần đây, các tài liệu lịch sử về cuộc hải chiến Hoàng Sa xuất hiện trên khắp các nguồn công khai, trong đó có các ấn phẩm của PLAN, bài viết học thuật, các ấn phẩm định kỳ của các chuyên gia và các tạp chí phổ biến. Thành phần tham gia chiến dịch, từ chỉ huy bộ phận cho tới lính chiến thuật đều chấp thuận phỏng vấn hay đưa ra các bài viết về những gì họ tham gia và chứng kiến, phản ánh trải nghiệm cá nhân của mình. Những bài viết có những chi tiết thú vị về sự tham gia và đưa ra những đánh giá quan trọng về việc Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến như thế nào.
Mức độ công khai nhìn chung đối với cuộc thảo luận về các chủ đề chính trị trung lập, bao gồm cả các chủ đề về hải quân, một phần giải thích cho việc sẵn sàng tham gia vào cuộc thảo luận thẳng thắn về cuộc chiến. Trong hàng thập kỷ, lãnh đạo Trung Quốc đã cho phép thảo luận tương đối tự do giữa các quan chức, học giả và các nhà bình luận đối với nhiều vấn đề, khuyến khích họ tiếp tục thảo luận về tương lai sức mạnh biển của Trung Quốc. Cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình về việc biến Trung Quốc thành một cường quốc biển càng làm tăng thêm động lực cho những người ủng hộ tuyên truyền về những vấn đề giúp cổ vũ cho việc quốc gia hướng về biển. Sự thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến 1974 đem lại một câu chuyện được nâng tầm ăn khớp với những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hải quân trở thành một dự án tầm quốc gia quan trọng, thúc đẩy “nhận thức về biển” của xã hội. Và với tham vọng của Bắc Kinh và việc tăng cường năng lực nhằm gây ảnh hưởng đối với các sự việc ở Biển Đông, lịch sử về cuộc hải chiến Hoàng Sa đã tạo ra tiếng vang đối với công chúng Trung Quốc. Việc tập trung nhiều vào cuộc hải chiến này mở ra cánh cửa về cách diễn giải của Trung Quốc đối với lịch sử hải quân của nước này. 5 Thực tế, nguồn tài liệu này sẽ giúp hiểu rõ được các bài học mà Trung Quốc đã rút ra từ cuộc chiến cũng như xác định được các bài học mà Trung Quốc có thể đã bỏ qua hoặc cố ý bỏ qua. Nếu như những bài học này, và cả các bài học sai lầm, có giá trị đối với các nhà chỉ huy quân sự và hoạch định chính sách Trung Quốc, cuộc hải chiến có thể sẽ cung cập một cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược hiện nay của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp xa bờ. Điều quan trọng không kém là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển Châu Á, kể cả hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, có lẽ sẽ làm tăng thêm nhu cầu ở Mỹ và các quốc gia Châu Á khác muốn hiểu rõ hơn về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề biển cho hoạch định chính sách.
Có một số cảnh báo về nguồn và phương pháp về các dữ kiện, đánh giá đề cập trong bài. Bài phân tích chủ yếu dựa vào gần như toàn bộ ghi chép của Trung Quốc về cuộc chiến, bao gồm ghi chép của PLAN, hồi ký của những người tham gia và nguồn tài liệu thứ cấp. Với kinh nghiệm ít ỏi hoạt động trên biển của Trung Quốc, đặc biệt trong thập kỷ đầu cầm quyền của đảng cộng sản Trung Quốc, điều đó có thể buộc các nhà phân tích Trung Quốc phải “tiểu thuyết hóa” quá mức, và do đó có thể là bóp méo về thành công của họ. Cũng không có gì ngạc nhiên, nguồn tư liệu Trung Quốc thường “hạ thấp” kẻ thù trong khi “nâng tầm” phẩm chất của Trung Quốc lên. Ở Trung Quốc, tồn tại đầy rẫy tư tường thiên kiến bài ngoại và luận điệu tuyên truyền không thực sự đúng sự thật. Do đó, những dữ liệu, đánh giá không thể là một quan điểm trung lập.
Trong khi đó, câu chuyện về phía Việt Nam sẽ không được trình bày ở đây, bài phân tích sẽ đưa ra một số hồi ký tiếng Anh của các chỉ huy hải quân RVN, họ là những người đã tham gia cuộc chiến này. 6 Cần phải đặc biệt chú ý tới những hồi ký có sự khác biệt lớn trong các phiên bản của Trung Quốc đối với các sự kiện. Ngoài ra, rất nhiều ghi chép về cuộc chiến ở Trung Quốc cũng tồn tại sự khác biệt. Trong phạm vi có thể, bài phân tích sẽ xác định những khác biệt này với nhận định rằng sự thực của câu chuyện sẽ không thể được khám phá nếu như không tiếp cận các nguồn chính thức của Việt Nam và Trung Quốc. Đây là lát cắt quan trọng đầu tiên nhưng phần lớn lại không được đánh giá đúng mức trong các miêu tả về bước tiến ra biển của Trung Quốc.
BỐI CẢNH ĐỊA CHIẾN LƯỢC
Quần đào Hoàng Sa (西沙) nằm cách đều Trung Quốc và Việt Nam, cách phía nam Vũ Lâm thuộc đảo Hải Nam 300 km, cách phía tây của Đà Nẵng 370 km. Quần đảo này bao gồm các đảo san hô, đá ngầm, bãi cạn và được chia thành hai nhóm đảo. Phía đông bắc là Nhóm An Vĩnh (Amphitrite/宣德), trong đó đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm (永兴). Phía tây nam là Nhóm Lưỡi liềm (Crescent/永乐), bao gồm các đảo Hoàng Sa (Pattle/珊瑚), Quang Ánh (Money/金银), đảo Hữu Nhật (Robert/甘泉) ở phía tây, các đảo Duy Mộng (Drummond/晋卿), Quang Hòa (Duncan/ (琛航), đảo Quang Hòa Tây (Palm/广金) nằm phía đông. Hai nhóm đảo An Vĩnh và Lưỡi liềm nằm cách nhau khoảng 80 km.
BẢN ĐỒ 1: QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
Nguồn: “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,” Perry-Castaneda
Libray Map Collection, www.lib.utexas.edu/maps/.
Các ghi chép của Trung Quốc đều nhấn mạnh đến giá trị địa chính trị của quần đảo Hoàng Sa, là khu vực án ngữ các tuyến đường giao thông quan trọng. Theo bách khoa toàn thư chính thức của PLAN thì “Quần đảo Hoàng Sa được xem như là một tiền đồn và bức bình phong bảo vệ tự nhiên đối với Trung Quốc. Các tuyến đường từ bờ biển Trung Quốc tới Singapore và Jakarta đều phải đi qua khu vực này, điều đó khiến cho nó chiếm vị thế quan trọng”. 7 Nằm cách phía tây nam quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) khoảng 660 km, cách phía tây bãi Scarborough 550 km và cách tây bắc quần đảo Trường Sa khoảng 700 km, vị thế trung tâm của quần đảo Hoàng Sa được xem như là một bàn đạp vũng chắc cực kỳ quan trọng đối với các đảo khác ở Biển Đông mà Trung Quốc có yêu sách.
BẢN ĐỒ 2
Nguồn: “Quần đảo Hoàng Sa” tại CIA, The World Factbook, www.cia.gov/.
BẢN ĐỒ 3
Nguồn: “Quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông,” ([CartoGIS] Maps Online:
ANU [Australian National University] College of Asia & the Pacific,
asiapacific.anu.edu.au/mapsonline/.
Sau Chiến tranh thế giới 2, sự kiểm soát đối với quần đảo Hoàng Sa liên tục có sự thay đổi và phức tạp khi các quốc gia đều khẳng định các yêu sách của mình và phản đối yêu sách của nhau. Năm 1947, Quốc dân Đảng ở Trung Quốc đại lục chiếm quyền kiểm soát đối với đảo Phú Lâm trong khi đó Pháp triển khai quân địa phương Việt Nam chiếm đóng đảo Hoàng Sa ở phía còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Cuộc chinh phục đảo Hải Nam, một trong những trận đánh giằng co cuối cùng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, khiến cho Quốc dân Đảng không còn khả năng giữ được tiền đồn trên đảo Phú Lâm. Lực lượng của PLA đã đánh chiếm hòn đảo này sau khi lực lượng Quốc dân Đảng rút lui vào năm 1950. Vào năm 1951, khi ký Hiệp ước Hòa bình San Francisco, Nhật Bản từ bỏ mọi quyền và yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng lại không đề cập đến việc chuyển giao chủ quyền đối với hai quần đảo này. Sau đó cả miền Nam Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chính thức sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào lãnh thổ của mình, Việt Nam đưa tuyên bố vào năm 1956 và Trung Quốc là 1958. 8
Trong thời gian này, Trung Quốc và miền Nam Việt Nam chiếm giữ hai nửa quần đảo Hoàng Sa. Vào năm 1955, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bắt đầu khai thác phân chim trên đảo Phú Lâm để dùng làm phân bón xuất trở về đại lục. Vào năm 1956, Pháp đã trao trả đảo Hoàng Sa cho Việt Nam Cộng hòa. Đầu năm 1959, hải quân Sài Gòn đã xua đuổi ngư dân Trung Quốc ra khỏi đảo Quang Hòa và thiết lập quyền kiểm soát của miền Nam Việt Nam đối với Nhóm Lưỡi Liềm. Trong suốt những năm 1960, sự bế tắc âm ỉ xuất hiện khi cả hai bên đều xây dựng một số công trình cơ bản và đều đặn tuần tra xung quanh quần đảo Hoàng Sa. 9 Vào thời điểm đó, có thể là sự hiện thường xuyên của hải quân Mỹ tại đây và sự hỗ trợ của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn đã ngăn cản Trung Quốc xâm chiếm với những hòn đảo tranh chấp mà miền Nam Việt Nam đang kiểm soát. Vào những năm 1970, những hứa hẹn về nguồn dầu khí xa bờ đã làm tăng thêm nguồn cơn tranh chấp ở Biển Đông. Vào giữa năm 1973, Sài Gòn đã cấp phép quyền khai thác năng lượng cho các công ty của phương Tây và tiến hành các cuộc khảo sát địa chất tại các vùng biền gần Nhóm Lưỡi liềm. Cũng trong năm đó, Bắc Kinh cũng đưa ra yêu sách một cách rõ ràng đối với các nguồn tài nguyên biển trong các vùng biển giáp với lãnh thổ của Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng bắt đầu khoan một giếng dầu trên đảo Phú Lâm vào tháng 12/1973. 10 Sự hội tụ về địa chính trị, kinh tế và yêu sách lãnh thổ đối lập chẳng mấy chốc khiến cho Trung Quốc và Việt Nam rơi vào tình trạng căng thẳng gia tăng.
KHÚC DẠO ĐẦU CHO CUỘC HẢI CHIẾN
Vào mùa hè năm 1973, một loạt các sự kiện khiêu khích và những hành động đáp trả khiến cho hai bên rơi vào quỹ đạo xung đột. Vào tháng 8, miền Nam Việt Nam đã chiếm 6 hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, và một tháng sau đó đưa ra tuyên bố chính thức mở rộng kiểm soát hành chính của chính quyền Sài Gòn đối với 10 hòn đảo ở đây. Vào tháng 10, hai tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 402 và 407 đã xuất hiện gần Nhóm Lưới liềm và bắt đầu tiến hành đánh bắt tại đây. Thủy thủ đoàn của hai con tàu đã cắm cờ Trung Quốc trên các hòn đảo mà Việt Nam đã thiết lập quyền danh nghĩa trước đó. Họ cũng thành lập một đội hậu cần trên đảo Quang Hòa, tái thiết lập sự hiện diện của mình mà trước đó miền Nam Việt Nam đã xua đuổi họ hơn 10 năm trước. 11 Vào tháng 11, các tàu chiến của miền Nam Việt Nam bắt đầu va chạm với tàu đánh cá của Trung Quốc, tàu của miền Nam Việt Nam đã va đâm và bắt giữ ngư dân trên tàu Trung Quốc. Một số ngư dân Trung Quốc bị bắt được cho là đã được đưa về Đà Nẵng, tại đó họ buộc phải thừa nhận hành vi phạm tội và thừa nhận chủ quyền của Sài Gòn đối với quần đảo Hoàng Sa. Vào ngày 10/1/1974, các thủy thủ đoàn hai tàu cá Trung Quốc đã xây dựng một xưởng chế xuất hải sản trên đảo Hữu Nhật. 12 Ngày hôm sau, bộ ngoại giao Trung Quốc tái
khẳng định lại chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa (南沙) và bãi ngầm Trung Sa (Macclesfield Bank/中沙). Bốn ngày sau đó, hải quân Việt Nam Cộng hòa (RVN) đã điều tàu khu trục loại nhỏ HQ-16 tới Nhóm Lưỡi liềm. Khi gặp 2 tàu đánh cá của Trung Quốc mang số hiệu 402 và 407 gần đảo Hữu Nhật, tàu HQ-16 đã lệnh cho hai tàu này phải rời khỏi khu vực. 13 Tàu HQ-16 sau đó đã bắn cảnh báo vào hai tàu và bắn pháo vào đảo Hữu Nhật, phá hủy cờ Trung Quốc đã được cắm trước đó. Vào ngày 17/1, tàu khu trục HQ-14 đã tới khu vực này để hỗ trợ cho tàu HQ-16. Lính biệt kích trên tàu HQ-04 đã đổ bộ lên đảo Hữu Nhật và Quang Ánh và gỡ cờ Trung Quốc. Ngày hôm sau, hai tàu HQ-4 và HQ-16 đã đâm va với tàu đánh cá Trung Quốc mang số hiệu 407 và phá hủy con tàu này. Tối ngày hôm đó, tàu HQ-5 và tàu quét thủy lôi HQ-10 cùng tham gia vào hoạt động này. 14
Sau khi nhận được thông báo từ hai tàu đánh bắt 402 và 406 về hoạt động của hải quân RVN, Trung Quốc bắt đầu giải vây cho hai tàu. Vào ngày 16/1, Hạm đội Nam Hải đã điều hai tàu săn ngầm lớp Kronshtadt mang số hiệu 271 và 274 tới đảo Phú Lâm càng sớm càng tốt. Hai tàu này đã nhanh chóng từ căn cứ hải quân Du Lâm, đảo Hải Nam tới hiện trường. Sau khi tiếp nhận lực lượng dân quân trên biển được vũ trang, đạn dược và tiếp tế trên đảo Phú Lâm vào ngày hôm sau, hai tàu 271 và 274 di chuyển tới Nhóm Lưỡi liềm. Chỉ huy của hai tàu đều được chỉ định phải nghiêm ngặt tuân theo “ba không”: (1) không làm lộn xộn tình hình; (2) không nổ súng trước; và (3) không làm cho tình hình tồi tệ hơn. 15 Các máy bay chiến đấu J-6 (phiên bản của Trung Quốc từ máy bay MiG-19 của Nga) yểm trợ trên không trong khi các tàu nhỏ di chuyển nhưng giới hạn thời gian chỉ được 5 phút khi bay qua quần đảo Hoàng Sa. 16 Sau đó các tàu chiến sẽ phải tự lo cho bản thân.
Hai tàu săn ngầm tới Nhóm Lưỡi liềm vào tối ngày 17/1 và độ bộ lên đây 10 trung đội dân quân có trang bị vũ trang (mỗi trung đội gồm 10 người) trên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Quang Hòa Tây ngay trong sáng sớm ngày 18/1. 17 Khoảng cùng thời gian đó, hai chiếc tàu quét thủy lôi thuộc căn cứ Quảng Châu đang di chuyển trên biển là tàu Loại 101 có số hiệu là 389 và 396 cũng nhanh chóng tới quần đảo Hoàng Sa để hỗ trợ cho hai tàu 271 và 274.
Một dấu hiệu thể hiện sự liều lĩnh đến tuyệt vọng của PLAN là chiếc tàu số hiệu 389 chỉ vừa mới được sủa chữa tại nhà máy đóng tàu và vẫn chưa được chứng thực về khả năng thực thi nhiệm vụ. Tồi tệ hơn là chiếc tàu khu trục Loại 065 loại nhỏ hiện đại nhất của Hạm đội Nam Hải lại không thể tham gia do vấn đề về động cơ vẫn chưa sửa chữa được. Thay vào đó, PLAN đã phải sử dụng hai chiếc tàu săn ngầm thuộc căn cứ Hải Nam có số hiệu là 281 và 282 cùng với một hải đội trên một đơn vị đồn trú ven biển ở Sán Đầu, cách Hải Nam gần 900 km. Hai chiếc tàu này đã tức tốc lên đường đến đảo Phú Lâm, tiếp nhiên liệu ngay trên hải trình tại Trạm Giang và Ngọc Lâm.
Rõ ràng, Hải quân Trung Quốc đã vội vã huy động lực lượng. Cuộc cách mạng văn hoá là nguyên nhân cơ bản đã dẫn đến trạng thái ọp ẹp của các hạm đội. Tuy nhiên, tất cả các quân cờ rốt cuộc cũng vào sẵn sàng vị trí chiến đấu. Các đội tàu được sắp xếp vội vàng, hai tàu tiền tiêu, hai tàu bọc hậu, để bảo vệ các tàu cá và tiếp vận cho lực lượng dân quân biển trên các đảo.
LOẠI TÀU THAM GIA TÁC CHIẾN CỦA PLAN
Tàu số hiệu 271 và 274
Lớp: tàu sân ngầm lớp Kronshtadt
Lượng rẽ nước: 310 tấn
Trang bị vũ khí: một súng 3,5 inch
Tàu số hiệu 389 và 396
Lớp: Tàu quét thủy lôi Loại 010
Lượng rẽ nước: 500 tấn
Trang bị: hai khẩu 37 mm
Tàu số hiệu 281 và 282
Lớp: tàu săn ngầm lớm Hải Nam
Lượng rẽ nước: 500 tấn
Trang bị: hai khẩu 3 inch
Nguồn: John E. Moore, ed., Jane’s Fighting Ships, 1975–76 (New York: Franklin Watts, 1975).
LOẠI TÀU THAM GIA TÁC CHIẾN CỦA RVN
HQ-5 và HQ-16
Lớp: tàu mang thủy phi cơ cỡ nhỏ lớp Barregat
Lượng rẽ nước: 1.766 tấn
Trang bị vũ khí: một súng 5 inch
HQ-4
Lớp: Tàu khu trục hộ tống lớp Edsall
Lượng rẽ nước: 1.590 tấn
Trang bị: hai khẩu 3 inch
HQ-10
Lớp: tàu quét thủy lôi lớp Admirable
Lượng rẽ nước: 650 tấn
Trang bị: một khẩu 3 inch
Nguồn: Moore, Jane’s Fighting Ships, 1975–76
TRẬN HẢI CHIẾN
Vào sáng ngày 19/1, tàu chiến của miền Nam Việt Nam đã tiếp cận tàu đội tàu của Trung Quốc theo hai hướng. Tàu HQ-4 và HQ-5 đi quanh đảo Quang Ánh và Bãi ngầm Sơn Dương (Antelope) từ phía nam hướng tới đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây, trong khi đó hai tàu HQ-10 và HQ-16 từ hướng tây bắc đi cắt ngang qua trung tâm Nhóm Lưỡi liềm. Chiếc tàu săn ngầm số hiệu 271 và 274 được lệnh theo dõi hai tàu HQ-4 và HQ-5 trong khi đó hai tàu số hiệu 396 và 398 theo dõi tàu HQ-10 và HQ-16. Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc, HQ-16 buộc phải vượt qua hai chiếc tàu chiến Trung Quốc và hạ hai chiếc tàu cao su chở lính biệt kích độ bộ lên đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây. 18 Lực lượng tấn công của miền Nam Việt Nam hướng thẳng vào đội dân quân trang bị vũ khí của Trung Quốc. Trên Đảo Quang Hòa, nhóm dân quân Trung Quốc dùng lưỡi lê đánh đuổi lính biệt kích của RVN ra khỏi bãi biển. Trên đảo Quang Hòa Tây, lực lượng bảo vệ của Trung Quốc đã bắn chết một lính biệt kích của Nam Việt Nam và làm bị thương ba lính khác, buộc lực lượng đổ bội phải rút lui về tàu. Trong suốt hoạt động động đổ bộ của lực lượng biệt kích, tàu HQ-16 đã đâm va và phá hủy tàu số hiệu 389 của Trung Quốc. 19
Đến thời điểm này, cuộc đối đầu trên biển chỉ diễn ra ở mức độ di chuyển vận động, không có tiếng súng vang lên. Hơn nữa, chỉ huy của Trung Quốc được lệnh không được khơi mào cho cuộc chiến. Không thể đánh bật kẻ thù trên biển và trên bờ, tàu chiến của RVN đã tái bố trí lại đội hình chiến đấu và tấn công các đơn vị lực lượng của PLAN. Nhằm đánh gục tàu của Trung Quốc, RVN đã khai khai hỏa loạt đạn đầu tiên. Phía miền Nam Việt Nam đã nhắm thẳng vào các đài chỉ huy, tiêu diệt ngay tại chỗ chính ủy Feng Songbai của tàu số hiệu 247. 20 Sau loạt đạn đó, tàu quét thủy lôi số hiệu 389 của Trung Quốc đã bị dính đạn và bắt đầu chìm.
Các đơn vị của PLAN ngay lập tức bắn trả và lao tới tàu chiến của đối phương. Các chỉ huy phía Trung Quốc nhận được lệnh phải “tăng tốc, tiếp cận thật gần mục tiêu và đánh mạnh” (speed forward, fight close, and hit hard). 21 Các tàu có tốc độ nhanh và nhỏ gọn của được lệnh tìm cách tiếp cận chiến trường gần hơn (nghĩa tiếng Trung: 贴身战, tạm dịch nghĩa tiếng Việt “Bám lấy thắt lưng địch mà đánh” - ND) để đối phó với các tàu lớn hơn, tốc độ chậm và hỏa lực yếu của RVN. 22 Chiến thuật là di chuyển đến thật gần ở mức độ bệ súng máy trên boong tàu của đối phương sẽ không thể ngắm bắn mục tiêu (do quá gần - ND). Với phương thức chiến đấu ẩn nấp trong những điểm mù như vậy, Trung Quốc đã vô hiệu một cách hiệu quả được sự vượt trội về phạm vi tầm bắn và sức mạnh sát thương của hỏa lực đối phương. Các chỉ huy PLAN đã lựa chọn cuộc đối đầu bằng dao để chống lại đối phương đang mong muốn cuộc đọ sức bằng súng.
Tàu của RVN đã tìm cách giữ khoảng cách, nhưng tàu phía Trung Quốc đã nhanh chóng di chuyển để thu hẹp khoảng cách từ vài nghìn mét xuống còn vài trăm mét. 23 Tàu săn ngầm số hiệu 271 và 274 của Trung Quốc tập trung hỏa lực vào tàu HQ-4 của RVN trong khi tàu 396 và 389 tấn công vào tàu HQ-16 của RVN. Các đơn vị của PLAN đều nhắm vào thiết bị liên lạc, radar và đài chỉ huy nhằm làm “mù” và “điếc” đối phương. Trong thời điểm làn đạn giao tranh dữ dội, tàu HQ-4 của RVN bắt đầu bốc khói. 24 Ở hướng bắc, hai tàu Trung Quốc là 396 và 389 bỏ mục tiêu là tàu HQ-16 của RVN sau khi giao tranh dữ dội để chuyển mục tiêu sang tàu HQ-10. 25 Trong tình huống hỗn loạn, kho vũ khí trên tàu HQ-10 đã bốc cháy bởi một phát bắn trực tiếp từ tàu của Trung Quốc. Đến thời điểm này, khung cảnh của binh lính trở nên hỗn loạn bởi khoảng cách lúc này giữa họ chỉ cách nhau 10 m. Ở một phạm vi gần như vậy, thủy thủ đoản trên tàu 389 của Trung Quốc đã vơ một khẩu súng lục trên boong tàu HQ-10 và hạ sát thuyền trưởng của tàu. 26
Tàu HQ-16 đã rút lui hướng ra phía biển sau khi tàu 396 của Trung Quốc lại quay lại tấn công tàu HQ-10. Sau một loạt giao tranh, tàu HQ-4 và HQ-5 cũng rời khỏi cuộc giao tranh và bỏ rơi tàu HQ-10 bị hư hỏng nặng. Trong khi đó, tàu 389 của Trung Quốc cũng gặp phải vấn đề. Cú đâm mạnh đã khiến tàu hư hỏng nặng và thủy thủ đoản không thể dập tắt đám cháy. Dù nguy cơ nổ tàu có thể xảy ra, thủy thủ đoàn tàu 402 và 407 của Trung Quốc vẫn trợ giúp tàu quét thủy lôi bị hư hỏng nặng mắc cạn trên đảo Quang Hòa. Tàu săn ngầm số 281 và 282 của Trung Quốc từ đảo Phú Lâm đến hiện trường vào giữa trưa và tấn công tàu HQ-10 ba lần, đánh chìm con tàu ngay phía nam Bãi ngầm Sơn Dương. 27 Các tàu HQ 16, HQ-4 và HQ-5 của RVN đi lảng vảng ở phía đông Nhóm Lưỡi liềm nhưng không có nỗ lực nào để đối đầu lại với các đơn vị tàu của PLAN. 28
Phía Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm lại các đảo mà Việt Nam đã chiếm đóng trước đó. Họ muốn củng cố chiến thắng của mình; chỉ huy hải quân Trung Quốc cũng lo ngại rằng đối thủ có thể đáp trả khi có thêm tiếp viện. Hạm đội Nam Hải đã điều một tàu khu trục nhỏ, 5 tàu phóng ngư lôi và 8 tàu tuần tra để chuẩn bị cho hoạt động tác chiến tiếp theo. Hạm đội tàu tấn công đổ bộ, được tổ chức thành 3 đội tàu vận tải nhỏ, được lệnh điều lên bờ 3 đại đội bộ binh (số lượng mỗi đại đội khoảng 100 người), một đội trinh sát đổ bộ, và dân quân vũ trang, tổng số lên đến 500 lính. Đội tàu thứ nhất bao gồm 4 máy bay tuần tra cùng với hai tàu số hiệu 402 và 407, vận chuyển một đại đội bộ binh. Bốn máy bay tuần tra và tàu quét thủy lôi số 396 tập hợp thành đội tàu thứ hai, cùng với một đại đội bộ binh và một đội do thám trên tàu. Chiếc tàu khu trục nhỏ duy nhất được bổ sung thêm đội tàu thứ ba và tàu chỉ huy, vận chuyển một đại đội bộ binh. 29
Đội tàu thứ nhất tập hợp trước đảo Hữu Nhật vào sáng ngày 20/1. Các tàu tuần tra nã pháo vào hòn đảo để đánh sập hệ thống phòng thủ trên đảo. Tàu cao su chở ba trung đội tiến hành cuộc tấn công đổ bộ, đánh chiếm hòn đảo trong khoảng 10 phút. Ngay sau đó, tàu tuần tra và tàu quét thủy lôi của đội tàu thứ hai đã nã đạn vào đảo Hoàng Sa. Khi lực lượng PLA đổ bộ lên đảo, có khoảng 30 lính Việt Nam rút vào giữa hòn đảo và đây cũng là địa điểm mà họ đầu hàng. Trong số những lĩnh bị bắt, chủ yếu là lĩnh miền Nam Việt Nam và một sỹ quan liên lạc Mỹ của đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Trong thời gian đó, PLAN cũng đổ bộ lên đảo Quang Ánh và phát hiện lính biệt kích của RVN đã hoàn toàn bị bỏ rơi tại đây. 30
Khi cuộc chiến kết thúc, lúc này thắng thua đã rõ ràng. PLAN đã đánh chìm một tàu quét thủy lôi, phá hủy 3 tàu chiến, giết hại và làm bị thương hơn 100 binh lính và sỹ quan của miền Nam Việt Nam, bắt giữ 48 lính và chiếm 3 đảo, đặt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Hải quân RVN làm tê liệt và loại khỏi cuộc chiến một tàu quét thủy lôi Trung Quốc, gây hư hỏng nặng ba tàu chiến khác, tiêu diệt 18 lính Trung Quốc cùng với 67 lính khác bị thương. 31
HỆ QUẢ CỦA CUỘC CHIẾN
Cay đắng trong thất bại, Sài Gòn đã đe dọa leo thang cuộc chiến. Hải quân miền Nam Việt Nam được cho là đã điều 2 tàu khu trục chi viện cho Đã Nẵng và 6 tàu chiến hướng thẳng tới quần đảo Hoàng Sa. 32 Chỉ huy cấp cao của RVN cũng cảnh báo cho toàn bộ hải quân và không quân sẵn sàng cho cuộc chiến. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, lúc này đã đến Đà Nẵng để tự mình giám sát cuộc chiến, được cho là đã lệnh cho không quân miền Nam Việt Nam đánh bom các vị trí của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa – trước khi ông hủy bỏ quyết định. Cùng lúc đó, Sài Gòn đã yêu cầu sự trợ giúp từ Hạm đội 7 của Mỹ nhưng không có phản hồi.
Phía Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho cuộc phản công của miền Nam Việt Nam. Ủy ban Quân sự Trung Quốc (MAC) đã chỉ thị cho Quân khu Quảng Đông chi viện binh lính để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Căn cứ hải quân Vũ Lâm nhanh chóng trở thành trung tâm hậu cần, cơ cấu với số lượng lớn đạn dượng, vũ khí, nhiên liệu, thuốc men, lương thực, nước và các đồ tiếp viện khác để chi viện cho cuộc chiến. MAC đặt tất cả các đơn vị trong tình trạng cảnh báo cao và điều 3 tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Thành Đô Loại 01 từ Hạm đội Đông Hải để hỗ trợ cho các đồng nghiệp. Được trang bị tên lửa hành trình chống tàu dưới tốc độ âm thanh SY-1, tàu khu trục Loại-01 đã trang bị một sức mạnh mà hạm đội Nam hải còn thiếu. Đích thân Mao Trạch Đông đã lệnh cho 3 tàu chiến này đi qua eo biển Đài Loan - lộ trình gần nhất tới quần đảo Hoàng Sa – mặc dù có những quan ngại cho rằng lực lượng Quốc dân Đảng ở Đài Loan và các hòn đảo xa bờ có thể sẽ phục kích đội tàu trên đường đi. 33 Quyết định liều lĩnh của Mao cuối cùng cũng thành công khi 3 chiếc tàu đến nơi an toàn mặc dù đây là chuyến hành trình dài và đầy lo lắng. 34
Hạm đội Nam Hải cũng điều động các tàu ngầm lớp Romeo Loại 033, gồm các tàu số hiệu 157, 158 và 159, neo tại căn cứ Vũ Lâm. 35 Vào ngày 20/1, tàu ngầm 157 đã thực hiện sứ mệnh tiếp nhiên liệu bất thường sau khi một tàu chở dầu bị mắc cạn trên Đá Bắc (North Reef). Sau khi tiếp nhiên liệu gần đảo Phú Lâm, chiếc tàu ngầm đã quay trở lại cảng 36. Tàu ngầm 158 khởi hành từ căn cứ Vũ Lâm vào ngày 22/1 đi tuần tra các vùng biển giữa khu vực Đà Nẵng và đảo Hoàng Sa. Nhằm xác nhận cho những mối lo về một cuộc phản công từ miền Nam Việt Nam, con tàu này thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của tàu đối phương và đánh chìm - không cần xin lệnh trước từ chỉ huy cấp cao - bất cứ con tàu nào của RVN di chuyển hướng tới quần đảo Hoàng Sa. 37 Nằm trong mưu đồ tính toán của mình, một viên sỹ quan định vị thủy âm của PLAN đã tuyên bố rằng ông đã phát hiện ra một chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đã “theo dõi chúng tôi từ lâu”. 38 Do đó, tàu ngầm 159 đã được điều đến thay thế cho tàu ngầm 158 - tuân thủ nghiêm ngặt các quy định giao tranh, vì e ngại cuộc phản công của RVN đã dần lùi xa.
Sự phô trương này, đặc biệt là sự xuất hiện của các tàu khu trục tên lửa, khiến cho cán cân sức mạnh hải quân quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa nghiêng hẳn theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Sài Gòn đã sớm nhận ra rằng mình không thể đảo ngược được thực tế mới trên thực địa và cuối cùng đã phải từ bỏ.
Sau khi bụi khói lắng xuống, lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu tính toán đến những bước đi củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng 7/1974, Quốc vụ Viện và MAC đưa ra tuyên bố chung về kế hoạch củng cố chính thức. Bức Kinh đã giao cho Lưu Hoa Thanh, khi đó là phó tham mưu trưởng PLAN, chịu trách nhiệm bố trí các lực lượng đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng 10/1974, Lưu dẫn đầu cùng với nhóm 10 thành viên tới đảo Phú Lâm thị sát cho công việc xây dựng. Vào tháng 11/1974, Lưu đã báo cáo vắn tắt tình hình cho lãnh đạo PLAN. Những nội dung báo cáo của Lưu sau đó đã trở thành nền tảng cơ bản cho việc xây dựng các phương tiện trên bở, bao gồm một sân bay và một cảng biển, và chúng cũng là nền tảng cho việc quản lý hành chính cho các đơn vị đồn trú trên đảo trong những năm tiếp theo. 39
ĐÁNH GIÁ VỀ TRẬN CHIẾN
Các bài xuất bản về cuộc chiến gần đây của Trung Quốc đã cho thấy một chiến dịch phức tạp bao gồm nhiều nhân tố về sức mạnh trên biển, từ tàu cá, tàu dân quân cho đến tàu ngầm. Các lý giải ban đầu làm rõ là không dễ để dành thắng lợi. Các nhà lãnh đạo đã phải rất có tài xoay sở, cải biến tình hình để tìm cách cải thiện cơ sở vật chất cho hải quân Trung Quốc (PLAN). Các nhà chỉ huy Trung Quốc mắc sai lầm ngớ ngẩn thậm chí cả khi họ gặp nhiều may mắn lớn. Sự xích mích làm suy yếu hải quân Trung Quốc. Bức tranh hoàn thiện hơn về sự kiện cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chiến dịch và các bài học rút ra cho hải quân Trung Quốc.
Thượng tôn của Chính trị:
Giới lãnh đạo Trung Quốc duy trì quyền kiểm soát với khía cạnh của chiến dịch 40. Mệnh lệnh tác chiến liên tục phải nhường chỗ cho các tính toán chiến lược rộng hơn. Vào ngày lính Việt đến các đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh, cá nhân Mao Trạch Đông đã đồng ý cho quyết định ban đầu đáp trả bằng vũ lực. 41 Mao sẽ theo dõi toàn bộ quá trình trận chiến. Khi PLAN huy động lực lượng, MAC thiết lập một tiểu tô gồm sáu thành viên dẫn đầu bởi Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình giám sát toàn bộ chiến dịch 42. Hoạt động dưới sự điều khiển của Trung tâm Chỉ huy thuộc Bộ Tổng Tham mưu (Generall Staff Department), tiểu tổ chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp và báo cáo trực tiếp lên chủ tịch Mao và Bộ Chính Trị. Ye và Đặng thiết lập chiến dịch và đã đưa quan điểm ý chí của mình trong suốt trận chiến và sau trận chiến.
Sự không chắc chắn về khả năng phản ứng của Mỹ đối với leo thang xung đột tại Hoàng Sa có thể một phần lý giải việc theo dõi chính trị sát sao đối với trận chiến. Một mặt, Hiệp định Hoà Bình Paris 1973 và việc Mỹ rút hết lực lượng chiến đấu ra khỏi Nam Việt Nam sau đó đã giảm đáng kể lợi ích của Mỹ về số phận của đồng minh. Gánh nặng đã chuyển sang cho Sài Gòn phải tự chịu trách nhiệm cho an ninh của mình. Sự tiêu hao trong chiến tranh cũng tác động đến giới hoạch định về chính sách tại Washington. Đồng thời, mối quan hệ giữ Trung - Mỹ đang trong quá trình hồi phục sau hoạt động ngoại giao bóng bàn 1972. Cả hai bên đã tích cực tìm cách ủng hộ lẫn nhau chống lại mối đe doạ cộng sản Liên Xô. Trung Quốc phản ứng nhẹ nhàng đối với việc Mỹ ném bom Hải Phòng sau khi Hà Nội tấn công trong lễ phục sinh cho thấy rằng lợi ích quan hệ cường quốc làm lu mờ lợi ích của các nước trong khu vực. Khủng hoảng tại Hoàng Sa tạo ra cơ hội vàng để chiếm các đảo trong khi giá trị chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ vấn đang rất cao.
Mặt khác, Sài Gòn trong lúc này vẫn đang là đồng minh của Mỹ. Trung Quốc cũng lo, Mỹ dường như ngầm ủng hộ quan điểm của Sài Gòn thông qua việc sử dụng cụm từ "Cuộc chiến Việt Nam" (Viet Nam War); các chuyến bay tuần thám của Mỹ tại Hoàng Sa vào những năm 1960 đã bị Trung Quốc phản đối. Nếu có xung đột vũ trang chắc chắn sẽ là điều Mỹ không muốn. Hơn thế nữa, bất cứ ủng hộ về ngoại giao hoặc quân sự nào của Mỹ cho Việt Nam Cộng Hoà hầu như đều làm thay đổi bối cảnh chiến lược và sự cân bằng sức mạnh trong khu vực. Mong muốn giữ chân Mỹ ra bên ngoài, thậm chí là làm cho sự can dự trực tiếp của Mỹ không thể thực hiện được, có lẽ đã nhân tố quyết định cách thức triển khai chiến dịch.
Những giải thích gần đây của Trung Quốc về cuộc chiến cho thấy rằng giới hoạch định chính sách Bắc Kinh đã cẩn thận đánh giá rủi ro Mỹ sẽ can dự trong cuộc khủng hoảng khi triển khai các bước hoạt động. Theo như Đô đốc Khổng Triệu Niên, sau này là phó chỉ huy hải quân Trung Quốc, nguyên tắc chiến thuật không bắn phát súng đầu tiên vì lo ngại sự can dự của bên thứ ba 43. Bằng việc thừa nhận bước đi chiến thuật đầu tiên đối với Việt Nam Cộng hoà - theo lô-gic - Trung Quốc cũng có thể tuyên truyền rằng Việt Nam là bên gây chiến trước, theo đó làm phức tạp thêm lập trường về mặt ngoại giao của Mỹ. Trung Quốc do đó, sẽ viện cớ (và vẫn sử dụng) là tự vệ đánh trả. Ngược lại, bằng chứng là Trung Quốc đã tấn công đầu tiên có thể để cho Washington có lý do rõ ràng hơn để ủng hộ Sài Gòn.
Sự thận trọng được tiếp tục ngay cả khi trận chiến kết thúc. Trong hào quang chiến thắng, chỉ huy Hạm đội Nam Hải, Trương Nguyên Bồi, đã ra lệnh cho các tàu chiến của mình truy đuổi và đánh chìm các tàu còn lại của Việt Nam đang trốn chạy; nhưng chỉ huy của Quân đội Quảng Châu, Hứa Thế Hữu, phát ngôn cho MAC, đã huỷ bỏ lệnh của Trương. 44 PLAN lo sợ leo thang căng thẳng.
Lo ngại về phản ứng thù địch của Mỹ đã gây ra tranh luận về khả năng tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hoà tại các đảo Robert, Hoàng Sa, và Quang Ảnh. Các báo cáo tình báo cho biết tàu chiến Mỹ đã chạy đến Hoàng Sa từ Philippines đã làm nhóm tăng thêm lo ngại 45. Trong khi PLAN dường như đang hân hoan với chiến thắng trên biển, việc chiếm đảo như vậy có thể gây nên leo thang căng thẳng lớn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng Washington có thể diễn giải các hành động như vậy là leo thang thay đổi nguyên trạng trước cuộc chiến. Đô đốc Kong đã hồi tưởng lại rằng mặc dù các kế hoạch và lực lượng đã được đưa vào vị trí để thực hiện đổ bộ lên đảo, các chỉ huy địa phương đã trì hoãn cho đến tận khi giới chóp bu chính trị đưa ra quyết định. Các thành viên của tiểu tổ dường như khắc khoải đối với quyết định dừng quân đội trên bờ biển. Cuối cùng, Ye Jianying và Đặng Tiểu Bình đã dừng tranh luận và ra lệnh Quân đội Quảng Châu tấn công đổ bộ lên đảo 46.
Việc không có sự can dự từ bên ngoài là yếu tố vô cùng quan trọng cho thành công có tính chiến lược của trận hải chiến này.
Chàng David chiến đấu với gã khổng lồ Goliath.
Cuộc chiến cũng thể hiện sự yếu kém của Trung Quốc ở khu vực phía Nam. Do căng thẳng Xô-Trung và căng thẳng tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc chỉ tập trung được vào phía bắc và phía đông. Không ngạc nhiên lắm, các tàu mạnh nhất của PLAN thuộc hạm đội Biển Bắc và Biển Đông. Hạm đội Biển Nam có trang bị lạc hâu hơn. Khi khủng hoảng xảy ra, hạm đội chỉ có một vài lực lượng trên biển đáp ứng được cho hoạt động tại Hoàng Sa. Tàu khu trục Nam Ninh được chuyển đổi từ tàu hải quân hoàng gia Nhật Bản trước đây đã phục vụ tốt cho quân đội. Như đã nói trước đây, ba loại tàu khu trục 065 không sẵn sàng phục vụ trên biển. Các tàu đổ bộ tấn công nhanh của PLAN thì có phạm vi hoạt động hạn chế và khả năng tác chiến trên biển cũng là một câu hỏi lớn. Chỉ có các tàu săn ngầm và quét mìn có đủ khả năng tuần tra xa về phía nam trên Biển Đông.
Các nhà bình luận Trung Quốc thường chỉ ra các tình huống chiến thuật không thuận lợi đối đầu với các chỉ huy của PLAN khi trận chiến sắp diễn ra. 47 Hải quân Việt Nam Cộng hoà rõ ràng có lực lượng và hoả lực mạnh hơn PLAN: tàu HQ-4 có tải trọng chứa được gần 16.000 tấn và trang bị hai sung cỡ 3 inch; tàu HQ-5 và HQ-16 có khả năng tải 1.766 tấn mỗi tàu và được trang bị một súng 5 inch.; tàu HQ-10 tải được 650 tấn và trang bị một súng 3 inch. Ngược lại, tàu săn ngầm lớp Kronshtadt của PLAN, Tàu quét mìn Kiểu 010, và tàu săn ngầm lớp Hải Nam có tải trọng 31, 500 và 500 tấn tương ứng. Tất cả các tàu này được trang bị các súng cỡ nhỏ hơn so với tàu của Việt Nam. Theo như nghiên cứu đã từng chỉ ra, thậm chí cả tàu lớn nhất của PLAN thì vẫn nhỏ hơn tàu nhỏ nhất của Việt Nam Cộng hoà 48.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã giành chiến thắng. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng đó là nhờ kỹ chiến thuật và nhuệ khí của các sĩ quan và thuỷ thủ 49. Theo họ, những phẩm chất đó đã bù đắp cho thiếu hụt lực lượn và hoả lực thấp. Trên thực tế tinh thần chiến đấu của thủy thủ đoàn tàu Số 398, đã giao tranh một trận giáp lá cà với tàu HQ-10, được coi là làm lên truyền thuyết về hải quân Trung Quốc. Việc hải Quân Trung Quốc đã vượt qua được sự bất đối xứng về vật chất phù hơp với chiến thuật “lấy nhỏ thắng lớn”. Kể từ khi thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, hải quân Trung Quốc đã phải đấu tranh với vị thế yếu kém hơn về trang thiết bị so với Quốc dân Đảng được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên vào những năm 1950 và 1960, PLAN vượt qua các đối thủ, sử dụng tốc độ, sự táo bạo và mưu lược. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng, hải chiến Hoàng Sa là một ví dụ nữa về cách thức một bên lực lượng yếu nhưng quyết tâm và quả cảm hơn có thể thắng một lực lượng mạnh và hiện đại hơn.
Tuy nhiên, một câu chuyện nghe có vẻ hay như vậy thường bị đơn giản hoá hoặc nếu không nói là cố tính đánh lạc hướng. Sự thành công của PLAN là kết quả phần nhiều do sự thiếu năng lực và sai lầm từ phía Việt Nam Cộng hoà cũng như ưu thế chiến thuật của Trung Quốc 50. Ví dụ, một số nhà phân tích Trung Quốc đã chỉ trích Hải quân Việt Nam Cộng hoà về việc chia tách đội tàu trong giai đoạn đầu chiến dịch buổi sáng ngày 19/1. Nếu như Việt Nam Cộng hoà đã tập trung lực lượng và hoả lực – theo như cách diễn giải này – Việt Nam Cộng hoà đã có thể tiêu diệt từng tàu của PLAN một. 51 Đồng thời, quyết định tấn công các vị trí của Trung Quốc là thiếu thận trọng. Khoảng cách gần là lợi thế cho Trung Quốc và làm giảm ưu thế của Việt Nam Cộng hoà về tầm bắn và hoả lực. Nếu như Việt Nam đánh Trung Quốc từ khoảng cách xa hơn (giả sử là các chiến sỹ hải quân có kỹ năng bắn xa) thì họ đã có thể tránh được cuộc chiến ở cự ly gần mà Trung Quốc có lợi thế về chiến thuật. Nói cách khác, kẻ thù mạnh về năng lực nhưng thiếu kỹ năng hiệp đồng tác chiến đã làm thay đổi kết quả trận đánh. Một bài học thất bại được che dấu cho người Trung Quốc.
Sương mù, Va chạm và Cơ hội.
Trong trận chiến này, chiến lược gia Carl von Clausezitz có thể ngay lập tức nhận ra “nhiều sự vụ nhỏ” mà làm giảm “khả năng tác chiến” 52. Những hư hỏng về cơ khí đúng khi cần của các Tàu hộ vệ hỏa tiễn 065 – các tàu chiến của Hạm đội Nam Hải phù hợp nhất cho chiến dịch – đã làm chậm kế hoạch của PLAN ngay khi căng thẳng gia tăng tại Hoàng Sa. Nếu như các tàu hộ vệ tên lửa này sẵn sàng tham chiến, thì Trung Quốc đã có lợi thế hơn nhiều. Hơn thế nữa, sự hiện diện của tàu khu trục sẽ có thể đã răn đe hải quân Việt Nam tấn công trước tiên 53.
Tuy nhiên Trung Quốc đã ứng biến và kịp sắp xếp một đội hình tàu chiến để đối phó với sự hiện diện của Việt Nam Cộng hoà. Mặc dù vậy, PLAN đã rất may mắn vì thời tiết ủng hộ họ. Trận chiến diễn ra trong thời điểm mùa bão đông bắc, khi mà sóng cồn – bao gồm gió giật ở tốc độ 40 hải lý trên giờ – có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu như thời tiết không thuận lợi với PLA, các tàu chiến cỡ nhỏ khó mà có thể trụ lại được trong sóng biển lớn, làm hỏng toàn bộ chiến dịch. PLAN đã gặp may là thời tiết tốt.
Chỉ huy và kiểm soát cũng là vấn đề đối với Trung Quốc. Vào đêm 17 tháng 1, quân tiếp viện bao gồm các tàu ngư lôi đang trên đường đến Hoàng Sa nhưng được gọi trở lại vì có sự chồng chéo lệnh chỉ huy. Phó chỉ huy PLAN đã sắp xếp cho tàu đổ bộ nạp nhiên lieu tại đảo Phú Lâm trước khi di chuyển đến vùng chiến sự. Không hiểu về kế hoạch, chỉ huy Quân đội Khu vực Quảng Châu đã ra lệnh cho các tàu quay lại cảng với lý do thiếu nhiên liệu. 54 Nếu như tàu chở thuỷ lôi đã có có mặt khi trận chiến nổ ra, PLAN đã có thể thắng nhanh hơn. Hoặc cũng có thể, Việt Nam Cộng hoà cũng có thể lùi bước thay vì nổ súng.
Việc tàu săn ngầm Số 281 và 282 đến chậm cũng là một ví dụ khác về việc giao tiếp liên lạc kém. Vào đêm 18 tháng 1, Ngụy Minh Sâm chỉ huy tàu chiến đã nhận được thông tin tình báo rằng Việt Nam có kế hoạch tấn công trong ngày tới. Do vậy Ông ta đã yêu cầu tổng hành dinh hạm đội điều tàu Số 281 và 282 đang chờ chỉ thị tại Đảo Phú Lâm, chỉ cách đó khoảng 3 đến 4 giờ. Tuy nhiên hai tàu này mất 12 tiếng mới có thể đến được địa điểm trận chiến sau khi giao tranh ác liệt nhất đã kết thúc. Điều tra sau trận chiến cho biết Sở chỉ huy Hạm đội Nam Hải ở Trạm Giang đã không tuân theo quy định về thông tin làm trậm chễ trong việc tuân theo lệnh triển khai55. Nếu như các tàu chiến đã đến được Hoàng Sa sớm hơn, cuộc chiến có thể có diễn biến khác.
Do PLAN không có không lực xuất phát từ đất liền, chủ yếu là máy bay chiến đấu j-6, để duy trì các hoạt động tuần tra tác chiến trên không đã khiến hạm đội của Trung Quốc trở thành mục tiêu của không lực đối phương. Các máy bay chiến đấu F-5 của Nam Việt Nam tương tự như vậy không đủ khả năng xuất hiện ở khu vực Hoàng Sa trong khoảng 5 -> 15 phút. Một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng sự xuất hiện của các máy bay J-6 tại Hoàng Sa thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn thôi có thể có nâng cao sĩ khí và tạo ra hiệu ứng răn đe nhất định đối với đối phương. 56 Nhưng nhận định này cũng khó để kiểm tra và thẩm định. Trung Quốc đơn giản may mắn là đã không phải diện với không lực của đối phương.
Thời cơ ủng hộ hải quân Trung Quốc khi Mao đã ra lệnh cho Hạm đội Hoa Đông cử lực lượng bổ sung đến Hoàng Sa. Sự hợp tác giữa các hạm đội với nhau là ít khi xảy ra, thậm chí là chưa từng nghe thấy, với hạm đội địa phương có quyền tự trị riêng. Vẫn chưa rõ liệu việc thiếu hiệp đồng tác chiến đã làm gia tăng căng thẳng. Điều đáng lạ là Đài Loan đã không phản đối việc Trung Quốc di chuyển qua eo biển và không có hành động gì ngăn cản hành động qua lại mặc dù lập trường của Đài Loan là ngăn cản các tàu Hải quân của Trung Quốc đi qua eo biển 57. Giới lãnh đạo Trung Quốc mà thường nghi ngờ khả năng bị tấn công bất ngờ bởi Quốc Dân Đảng đã bất ngờ và không lý giải được tại sao Đài Loan đã không làm gì cả 58. Đài Loan rõ ràng có thể là một nhân tố làm phức tạp them tình hình vì họ có thể làm chậm quá trình di chuyển của các tàu khu trục. Khả năng Bắc Kinh có thể điều chuyển lực lượng qua hàng lang biển phụ thuộc vào sự đồng ý ngầm của Đài Bắc nếu không nói là thiện chí. Có thể, giới lãnh đạo của cả hai bờ eo biển đã ngầm đồng thuận rằng cần tập trung đối phó với Nam Việt Nam ở Biển Đông.
Một ví dụ khác về nhân tố sương mù và va chạm do Clausewitz đã chỉ ra là tàu chở dầu của Trung Quốc lại do các thuỷ thuỷ không quen thuỷ thổ địa phương đã chạy mắc cạn vào đá ngầm. Tàu chở dầu này đang trên đường đến để nạp nhiên liệu cho tàu tấn công nhanh đã được tập hợp để chiếm đánh các đảo mà Việt Nam chiếm giữ vào ngày 20/1. Các tàu chiến chỉ đủ nhiên liệu để đi một chiều đến khu vực chiến sự, do đó nhiên liệu trầm trọng. Không có các cơ sở tiếp nhiên liệu không có ở trên đảo Phú Lâm do đó tàu chở dầu phải tiếp nhiên liệu ở ngoài khơi. Dường như không có lựa chọn nào khác, Hạm đội Nam Hải đã ra lệnh bổ sung tàu ngầm 157 vào trận chiến. Sau khi đã được tiếp dầu, tàu chạy thẳng đến Hoàng Sa ở tốc độ cao nhất ở trên mặt biển, đặc biệt nguy hiểm trong thời điểm chiến tranh. Cách tiếp nhiên liệu ngẫu hứng và kỳ lạ này đã có hiệu quả, giảm nỗi lo lắng của các chỉ huy hải quân. Mặc dù vậy, những thất bại trong công tác hậu cần đã dễ khiến cho PLAN bị nguy hiểm nếu hải quân Việt Nam phản công mạnh trở lại. Nếu như đánh nhau ngoài đảo, sự thiếu thốn về nhiên liệu như vậy sẽ là thảm hoạ cho hải quân Trung Quốc.
Lực lượng bán quân sự của cuờng quốc biển.
Việc kết hợp dân sự - quân sự để triển khai sức mạnh trên biển của Trung Quốc, với sự tham gia của dân quân tự vệ và các tàu đánh cá, đã giúp cho chiến dịch thành công. Dân quân tự vệ đóng trên đảo Phú Lâm đã chiến đấu ngay khi có thông báo trong một thời gian ngắn. Giống như là lực lượng phản ứng nhanh, dân quân vượt qua phía đông nam Nhóm đảo Lưỡi Liềm vào đêm khuya đánh úp hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Trên thực tế, dân quân tự vệ đã đẩy lùi Việt Nam Cộng hoà đang tìm cách chiếm các đảo trong ngày tiếp theo. Khả năng hành động nhanh chóng và hiệu quả chặn đứng sự tấn công của kẻ thù đã giúp câu giờ cho quân đội chính quy được huy động từ đại lục. Cuối cùng, dân quân tự vệ đã tham gia vào việc chiếm giữ đảo Hữu Nhật và Hoàng Sa giúp cho Trung Quốc đảm bảo kiểm soát toàn bộ quần đảo. Trên biển, các tàu cá Số 402 và 407 đóng vai trò là chốt phản ứng đầu tiên. Nhiều tháng trước trận chiến, các tàu cá đã duy trì sự hiện diện ban đầu ở Hoàng Sa trong khi khẳng định yêu sách về chủ quyền bằng cách cắm cờ lên các đảo. Các tàu cá sau đó gửi cảnh báo sớm đến sở chỉ huy trên bộ khi các tàu chiến Việt Nam Cộng hoà tiếp cận Hoàng Sa. Thuyền trưởng các tàu cũng thông tin tình báo tác chiến cho các chỉ huy địa phương của PLAN trên biển. Các tàu giúp chuyển dân quân sang đảo Quang Hoà, Duy Mộng và Quang Hoà Tây đêm trước trận chiến và đã cung cấp phương tiện đổ bộ lên các đảo Việt Nam chiếm giữ sau khi các tàu chiến của Việt Nam Cộng hoà chạy ra khỏi khu vực. Các tàu cá là trụ cột trong việc cứu tàu phá mìn Số 389 bị thiệt hại nặng.
Phân tích kỹ hơn về biên chế của tàu Số 402 và 407 sẽ giúp giải thích việc tham gia tích cực của các tàu này trong toàn bộ trận chiến. Các tàu đánh cá thuộc Công ty Sản xuất Thuỷ hải sản Biển Đông, một doanh nghiệp đã hoạt động ở Hoàng Sa từ năm 1955. 59 Công ty thuộc quản lý của Cơ quan quản lý các đảo Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa ở cấp quận huyện thuộc tỉnh Quảng Đông. Cơ quan quản lý hành chính chịu trách nhiệm thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với các đảo và vùng nước xung quanh. Được thành lập năm 1959, cho đến tận năm 2012 thành phố Tam Sa mới được thành lập ở trên đảo Phú Lâm đảm nhận chức năng quản lý hành chính với tất cả các đảo và thực thể ở Biển Đông.
Công ty đánh bắt thuỷ hải sản và toàn bộ tàu cá đang được vận hành đều có liên quan đến lực lượng dân quân biển. Dân quân thuộc quản lý của cả huyện Hải Nam và Uỷ ban Lao động của Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, và Trung Sa. Cơ quan nói trên chịu trách nhiệm quản lý các công ty đánh bắt hải sản các đảo ở Biển Đông, và uỷ ban lao động đã hình thành một uỷ ban liên cai quản các đảo ở Biển Đông do Trung Quốc kiểm soát. Do đó, không ngạc nhiên khi các tàu số 402 và 407 phối hợp chặt chẽ với dân quân và PLA. PLAN có được sức mạnh từ hợp tác liên ngành.
Ngụy Minh Sâm tiết lộ rằng phó giám đốc công ty đánh bắt cá Trương Bình Lâm đã đích thân có mặt ở trên tàu 407 để giám sát các tàu cá. Trên thực tế, Trương đã lên tàu của Ngụy để chia sẻ thông tin tình báo về Việt Nam trước trận chiến và đã tổ chức các cuộc đổ bộ lên các đảo của dân quân vào ngày 18/1. Theo như Ngụy, Trương là một người lính giải ngũ của PLA được biết đến là nhiều kinh nghiệm chiến trường. 60 Dương Quý, thuyền trưởng thuyền 407 và là lãnh đạo của dân quân ở trên thuyền cũng hỏi Ngụy để xác nhận sự hiện diện của HQ-16. 61 Dương đã miêu tả lực lượng ngư dân của mình là “dân quân hạng nhất” 62. Cả Vĩ và Dương đều kể lại rằng dân quân tự vệ đã sử dụng lựu đạn, sung trường hoả lực cao, súng máy dưới bong tàu.
Đối lập lại sự hiện diện của hải quân có thể là biểu hiện của hiếu chiến, các tàu cá cho Trung Quốc một công cụ để duy trì sự hiện diện đối đầu ở mức thấp hơn giúp củng cố yêu sách lãnh thổ. Mặc dù các tàu cá cũng tham dự vào các hoạt động khiêu chiến nhưng do tính pháp lý mơ hồ của các lực lượng này và giới lãnh đạo Trung Quốc không thừa nhận vị trí pháp lý các tàu một cách có chủ ý. Việc sử dụng tàu có vẻ bề ngoài là dân sự trong trận chiến giúp Bắc Kinh đổ lỗi cho Sài Gòn là bên hiếu chiến. Trên thực tế, báo cáo tình báo Mỹ đã cho biết tình hình quân đội Sài Gòn đáp trả lại sự xâm nhập của ngư dân Trung Quốc vào Nhóm đảo Lưỡi Liềm là nguyên nhân chính gây leo thang căng thẳng. 63 Cách diễn giải này phù hợp với câu chuyện mà Bắc Kinh muốn kể.
LỊCH SỬ TÁI HIỆN?
Cách ứng xử của Trung Quốc trong sự vụ bãi Hoàng Nham năm 2012 cho thấy cách tiếp cận tương tự giống như những gì đã xảy ra tại đụng độ Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1974. Khủng hoảng gần đây bắt đầu khi một máy bay tuần tra của Philippines phát hiện ra năm tàu đánh bắt cá của Trung Quốc đang đánh bắt gần bãi Hoàng Nham cách phía tây đảo Luzon 200 km. Để điều tra các hoạt động mà Philippines cho là nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình, Manila đã cử tàu hải quân mang tên BRP Gregorio del Pilar (tàu trước đây thuộc Lực lượng Tuần duyên của Mỹ). Việc phát hiện ra san hô, sò tai tượng và cá mập trên các tàu cá của Trung Quốc đã châm ngòi cho vòng luẩn quẩn chuỗi hành động - đáp trả. Khi Hải quân Philippines tìm cách kéo các tàu đánh trộm hải sản, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã can thiệp ngăn không cho tàu Philippines thực hiện quyền chấp pháp. Để giảm căng thẳng, Manila đã gọi tàu chiến về và điều một tàu cảnh sát biển ra thay thế. Thay vì có hành động ứng xử tương hỗ phù hợp, Bắc Kinh đã tăng thêm căng thẳng bằng cách cử tàu Chỉ huy Quản lý Nghề cá mới nhất để thể hiện quyết tâm của mình.
Với ít nhất là tám tàu Trung Quốc đối diện với một tàu của Philippines, so sánh lực lượng đã nghiêng về phía Trung Quốc. Hơn thế nữa, trong trường hợp căng thẳng leo thang, các tàu dân sự cửa Trung Quốc và lực lượng bán quân sự cũng có thể được tính là cánh tay nối dài cho lực lượng chiến đấu của PLAN. Trong khi các tàu chiến của Trung Quốc cơ bản đứng ngoài cuộc khủng hoảng, nhưng sự hiện diện của các tàu chiến sẽ có tác động về tính toán chiến lược của Philippines. Mặc dù vậy, Philippine cũng đã từ chối không lùi bước và sự kiện căng thẳng đã kéo dài cả tháng trên biển. Để chấm dứt vụ căng thẳng và không để tổn hại thêm quan hệ song phương hai nước, Mỹ đã làm vai trò điều đình đứng đằng sau hoà giải cả hai bên rút tàu ra khỏi khu vực có tranh chấp. Nhưng chỉ ngay sau cả hai bên rút tàu ra khỏi khu vực, Trung Quốc đã cử tàu chấp pháp quay trở lại và chắn toàn bộ các lối vào Bãi Hoàng Nham. Kể từ đó, Bắc Kinh đã duy trì sự hiện diện của mình tại đây, kiểm soát trên thực tế đối với Bãi Hoàng Nham và các vùng nước xung quanh.
Cũng giống như là các tàu cá có vũ trang trong sự kiện Hoàng Sa năm 1974, các tàu dân sự và bán quân sự đã tham gia vào sự vụ Hoàng Nham. Các tàu các Trung Quốc đã gây ra khủng hoảng mà ít nhất trong mắt của các bên có yêu sách là cả trái pháp luật và kích động. Các tàu dân quân trong hải chiến Hoàng Sa 1974 và tàu bán quân sự trong khủng hoảng Hoàng Nham năm 2012 đóng vai trò như là quân tiên phong giúp điều tra ý đồ và khả năng của đối phương trong khi khẳng định yêu sách của Bắc Kinh. Các tàu phi tác chiến được PLAN bảo vệ và đóng vai trò như là tai và mắt của hải quân Trung Quốc. Kiểu hỗ trợ qua lại như vậy cho phép Trung Quốc đánh giá được tình thế chiến thuật; thể hiện quyết tâm mà không cần quân sự hoá thế đối đầu trong giai đoạn đầu tiên; điều chỉnh mức độ áp lực để trấn áp ý chí của đối phương; và khi răn đe thất bại, sức mạnh sẽ được sử dụng.
Cái mác dân sự của các tàu Trung Quốc đã kiềm chế hải quân của đối thủ. Hải quân Nam Việt Nam và Philippines rõ ràng không muốn bắn thẳng vào các tàu dân sự được trang bị vũ khí hạng nhẹ hoặc không trang bị vũ khí do lo ngại xung đột leo thang hoặc hệ luỵ về ngoại giao. Hai lực lượng này dù đã nỗ lực nhưng không thể đẩy lùi các tàu Trung Quốc. Mặc dù sự hiện diện của lực lượng dân sự của Trung Quốc đã tạo ra tình thế lưỡng nan, Bắc Kinh vẫn mô tả hành động của hải quân đối phương là “kích động”, mở đường cho việc phô diễn sức mạnh. Việc sử dụng các lực lượng phi quân sự vừa giúp cũng ngăn cản sự can dự của các cường quốc bên ngoài, trong đó có Mỹ - không có đủ lý do để can thiệp - nhưng lại vừa đủ để thể hiện quyết tâm với các đối thủ ở khu vực.
Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đã đợi bên kia vượt qua ranh giới đỏ trước khi ra tay quyết đoán để giải quyết tranh chấp the hướng có lợi cho mình. Các binh chủng hải quân của Trung Quốc tham chiến ngay sau khi Nam Việt Nam và Philippines đã sử dụng hải quân đối đầu với các tàu Trung Quốc. Liệu Bắc Kinh có chủ ý tìm cách đẩy đối thủ của mình hành động trước hoặc bị phạm sai lầm hành động trước hay không thì vẫn chưa rõ. Lợi thế từ việc là người “hành động sau” có lợi hơn cho Trung Quốc về mặt đạo đức để đạt được mục tiêu lãnh thổ đầy tham vọng. Như nhà quan sát Thomas Christensen miêu tả “Dường như Bắc Kinh đợi các hành động hiếu chiến của các bên khác để hợp pháp hoá hành động của mình nhằm củng cố quyền kiểm soát đối với các đảo mà Trung Quốc yêu sách hàng thập kỷ nhưng vẫn chưa kiểm soát trong quá khứ” 64. Tương tự như vậy, Christopher Yung và Patrick McNulty đã lập luận rằng Trung Quốc có thể tìm cách tạo ra “nguyên trạng cộng” đối với việc quản lý tranh chấp lãnh thổ, nghĩa là duy trì nguyên trạng cho đến khi đối phương có hành động thực thi yêu sách lãnh thổ và sau đó đáp trả một cách mạnh mẽ để đối thủ của mình rơi vào thế bất lợi. 65
Trong cả hai lần đối đầu, việc Trung Quốc thường nhường đối phương đi bước đầu tiên được coi như quy tắc giao chiến của Trung Quốc. Năm 1974, quân lính Trung Quốc được chỉ thị nghiêm ngặt không được bắn phát súng đầu tiên. Thể hiện kỉ luật nghiêm ngặt trong tình thế nguy hiểm, PLAN chỉ bắn sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hoà bắn loạt súng đầu tiên. Trong khi đối đầu năm 2012 tránh nổ súng, gánh nặng đặt trên vai Philippines phải đuổi các tàu phi quân sự của Trung Quốc mà không viện đến hoả lực và vũ lực. Bắc Kinh đã thách thức Philippines tấn công trước, tự tin rằng Trung Quốc có thể nhấn chìm hoả lực của Philippines khi trả đũa. Manila đã không mắc lừa. Một mô thức tương tự có thể nhận thấy rõ trong căng thẳng giữa Trung – Nhật về vấn đề Senkaku/ Điếu Ngư. Các tàu tuần duyên của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào các vùng nước hoặc gần các vùng nước của các đảo, có thể là hi vọng sẽ có sự phản ứng quá đáng từ Nhật Bản.
Sau khi Bắc Kinh sử dụng vũ lực hất cẳng Sài Gòn và Manila thông qua can dự của bên thứ ba, Bắc Kinh đã xây dựng sức mạnh áp đảo tại các khu vực có tranh chấp để các bên có yêu sách đối kháng không thể nào tiếp cận được. Sự kết hợp lực lượng dân sự và quân sự ở Hoàng Sa không chỉ củng cố lợi thế tác chiến của Trung Quốc mà còn tạo ra được nguyên trạng mới. Trương Triệu Chung, đô đốc nghỉ hưu và diễn giả có tiếng trong giới truyền thông Trung Quốc miêu tả việc củng cố vị thế của Trung Quốc sau khủng hoảng tại Hoàng Nham là “chiến lược cải bắp”. Lối ẩn dụ này được sử dụng để chỉ các lớp an ninh đồng tâm – từ hải quân đứng từ vòng ngoài quan sát và các tàu chấp pháp, tàu cá hoạt động ở vòng trong của sự kiện – bao quanh khu vực bãi có tranh chấp. Bằng cách gia tăng hiện diện để bảo vệ nguyên trạng mới, Trung Quốc muốn chuyển đến các nước khác một thông điệp là “không thể đảo ngược thực tế đã diễn ra”.
Các thách thức ở phía trước
Mỹ và các đối tác khu vực đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn về môi trường an ninh biển. Từ quan điểm hiện thực, hải quân Trung Quốc ngày nay mạnh hơn nhiều so với năm 1974. Sự tái diễn bài của một Trung Quốc yếu, không có chuẩn bị đối mặt với đối thủ trong khu vực được trang bị tốt hơn là điều khó có thể tưởng tượng được.
Ở cấp độ chiến thuật, vai trò đã đảo ngược một cách ngoạn mục: PLAN có vũ trang vượt hơn xa các nước láng giềng Châu Á bao gồm Việt Nam. Hạm đội Nam Hải không còn là như hạm đội bị bỏ quên, trang bị nghèo nàn lạc hậu như bốn thập kỷ trước đây. Hạm đội này hiện nay điều hành một số lượng lớn hơn các trang thiết bị, tàu chiến, dịch vụ tối tân nhất và được đóng quân tại Hải Nam, nơi đặt căn cứ cho các tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lương nguyên tử.
Từ một tiền đồn sơ khai, Đảo Phú Lâm đã trở thành địa bàn bàn đạp nơi mà các máy bay chiến đấu và tàu chiến có thể xuất kích. Xa hơn về phía Nam, một nhóm các đảo nhân tạo mới được xây dựng có đường băng và các cảng có thể hỗ trợ lực lượng hải và không quân của PLA. Nếu như một mạng lưới các căn cứ hỗ tương, được phòng vệ tốt được thiết lập trên khắp Biển Đông, sự hiện diện thường trực của lực lượng tiền phương sẽ tăng cường sức mạnh trấn áp cho Trung Quốc trong các tranh chấp biển.
Nói chung, Trung Quốc hiện giờ sở hữu sức mạnh quân sự mạnh có thể gây thiệt hại lớn cho Mỹ mà giới lãnh đạo Trung Quốc năm 1974 chỉ dám mơ ước. Các tàu khu trục, tàu hộ vệ hỏa tiễn, tàu tấn công nhanh và các tàu ngầm có hỏa tiễn hành trình tầm bắn xa có thể tấn công từ khoảng cách xa. Máy bay chiến đấu đặt trên bờ và các hỏa tiễn hành trình có thể tấn công vào các mục tiêu xa hơn trên Biển Đông, hoàn thiện lớp phòng vệ mà các đơn vị hải quân Trung Quốc năm 1974 không thể có được.
Có cái gì đó trái với trực giác, một PLA hùng mạnh hơn có thể không cần kiểu sử dụng vũ lực như trong hải chiến ở Hoàng Sa. Thay vào đó, Trung Quốc có thể sử dụng các tàu chấp pháp – biểu tượng của sức mạnh cưỡng bức trên biển của Trung Quốc trong những năm gần đây – để khẳng định yêu sách lãnh thổ trong khi đó hải quân có thể hỗ trợ cho các đơn vị này từ vòng ngoài. Sự kiện Hoàng Nham và các vụ đối đầu tại đảo Điếu Ngư đã minh chứng cho việc kết hợp sức mạnh quân sự với dân sự. Các lực lượng quân sự thông thường theo đó sẽ tăng cường sức mạnh cho các lực lượng không chính quy để trấn áp các nước có yêu sách đối kháng. Và nếu như tất cả biện pháp trên đều thất bại, Bắc Kinh vẫn có thể điều hải quân đến để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc – không giống như các đối thủ yếu hơn – có sự lựa chọn leo thang căng thẳng để gia tăng sự hăm doạ. Trên thực tế, việc hải quân không ra mặt có thể khiến đối thủ phải lùi bước trong một cuộc khủng hoảng, như là Trung Quốc đã làm trong vụ đối đầu căng thẳng tại Hoàng Nham.
Kể cả PLAN tăng cường thêm các hệ thống vũ khí có sức mạnh lớn hơn, thì các lực lượng chấp pháp biển bán quân sự của Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hoá ở tốc độ ngoạn mục. Theo như báo cáo năm 2015 của Ngũ Giác Đài, Trung Quốc đang theo đuổi “nỗ lực xây dựng lực lượng MLE (Lực lượng chấp pháp biển) lớn nhất ở Châu Á” và “lực lượng MLE của Trung Quốc có thể đã tăng 25% về số lượng và lớn hơn lực lượng của tất cả các nước có yêu sách biển cộng lại”. 66 Hải chiến Hoàng Sa cho thấy việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự trên biển không phải là hiện tượng mới. Hơn thế nữa, trận chiến cũng cho thấy sự kết hợp liên ngành hoàn hảo giữa quân đội và dân quân biển. Nhiều thập kỷ theo đuổi học thuyết chiến tranh nhân dân dưới thời Mao đã giúp hoàn thiện lý thuyết, nhân sự, chỉ huy – kiểm soát và các cấu trúc hành chính phù hợp với các cuộc chiến bằng lực lượng chính quy và không chính quy. Việc sử dụng một cách sáng tạo lực lượng dân sự và quân sự có từ nhiều thế kỷ trước; có thể có nhiều tiếp nối trong chiến lược biển hiện tại của Trung Quốc hơn mức chúng ta thừa nhận 67. Mỹ và các nước khác, các nước Châu Á nên nhận thức rằng sự phối hợp phức tạp của hải quân và các lực lượng phi quân sự trên biển của Trung Quốc có thể sẽ là nhân tố thường trực trong các tranh chấp biển trong khu vực.
Phương thức chiến tranh hỗn hợp, theo ngôn ngữ hiện đại không mới và duy nhất với Trung Quốc. Nga cũng vậy, Nga đã sử dụng lực bán quân sự để chia tách Ucraina trong khi tránh xung đột lớn hơn với Phương Tây. Cũng có lôgic ngầm về chiến lược vượt qua đặc thù riêng biệt cho chiến tranh kiểu Trung Quốc. Hiệu quả thấy rõ trong việc kết hợp các biện pháp không chính thống với các công cụ chiến tranh truyền thống cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng lại phương thức này trong các cuộc xung đột trong tương lai ở Biển Đông. Với lực lượng quân sự thông thường đáng gờm đứng sau yểm trợ cho lực lượng bán quân sự đang ngày càng lớn mạnh, chiến tranh hỗn hợp có thể trở thành lựa chọn hiệu quả và hấp dẫn hơn với Bắc Kinh trong những năm tới. Mỹ và các nước khác có lợi ích trong khu vực nên được cảnh báo về khả năng này.
Toshi Yoshihara
Châu Giang dịch
Naval War College Review, Số 2, Tập 69/2016.
Giáo sư Yoshihara, thuộc khoa Chính sách và Chiến lược tại Trường Đại Học Hải Chiến (Naval War College) Mỹ, hiện là giám đốc John A. van Beuren của chương trình Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, thành viên liên kế Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc tại Trường Hải chiến Mỹ. Ông là đồng tác giả của công trình nghiên cứu gần đây nhất: Red Star over the Pacific: China’s Rise and the Challenge to U.S. Maritime Strategy (2010) và là đồng biên tập công trình Strategy in the Second Nuclear Age: Power, Ambition, and the Ultimate Weapon (2012). Bài viết được đăng trên Naval War College Review, Số 2, Tập 69/2016.
Chú thích:
Tác giả xin chân thành cảm ơn June Dreyer, Andrew Erickson, John Maurer, Carl Thayer và Arthur Waldron vì những đóng góp cho các bản thảo trước đây.
Notes:
1 Một phân tích khác rất hay là của tác giả Taylor Fravel về cuộc hải chiến và giải thích về sự bùng phát thái độ thù địch giữa Trung Quốc và miền nam Việt Nam. Xem M. Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation (Princeton, N.J.: Princeton Univ. Press, 2008), tr. 272-87. Xem tường thuật về cuộc chiến của Bill Hayton, The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (New Haven, Conn.: Yale Univ. Press, 2014), tr. 70-78.
2 Về những phân tích tiêu chuẩn trước đây về cuộc chiến, xem Bruce Swanson, Eighth Voyage of the Dragon: A History of China's Quest for Seapower (Annapolis, Md.: Naval Institute Press, 1982), tr. 268-69, và David G. Muller, China as a Maritime Power (Boulder, Colo.: Westview, 1983), tr. 152-54.
3 Thảo luận về lịch sử hoạt động tác chiến của PLAN, xem杜景臣 [Du Jingchen], biên tập, 中 国海军军人手册 [Handbook for Officers and Enlisted of the Chinese Navy] (Beijing: Haichao, 2012), tr. 7-16.
4 Tlđd, tr.609
5 Về tổng thể cuộc chiến, xem王传友 胡延波 郭红彬 [Wang Chuanyou, Hu Yanbo, and Guo Hongbin], 海防安全论 [On Coastal Defense] (Beijing: Haiyang, 2007), tr. 86–88; 房功利 杨学军 相违 [Fang Gongli, Yang Xuejun, and Xiang Wei], 中国人民解放军海军60年 (1949–2009) [China People’s Liberation Army Navy, 60 Years (1949–2009)] (Qingdao: Qingdao, 2009), tr. 204–206; and 李明春 吉国 [Li Mingchun and Ji Guo], 海洋强国梦 [Maritime Power Dream] (Beijing: Haiyang, 2014), tr. 114–18
6 Hai trích dẫn của phía miền nam Việt Nam được sử dụng trong bài viết này là của Kiem Do và Julie Kane, Counterpart: A South Vietnamese Naval Officers War (Annapolis, Md.: Naval Institute Press, 1998), và Ha Van Ngac, "The January 19, 1974, Naval Battle for the Paracels against the People's Republic of China Navy in the East Sea," HQHH Dallas, 2015, vnnavydallas.com. Vào thời điểm diễn ra cuộc chiến, thuyền trưởng Kiêm là phó tổng tham mưu tác chiến của hải quân RVN, quan chức đứng thứ ba trong hải quân RVN, trong khi đó thuyền trưởng Ngac là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm trong cuộc chiến Hoàng Sa.
7 石云生 [Shi Yunsheng], biên tập, 中国海军百科 全书 [Encyclopedia of the Chinese Navy] (Beijing: Haichao, 1999), tr. 1746
8 Bruce A. Elleman, "China's 1974 Naval Expedition to the Paracel Islands," in Naval Power and Expeditionary Warfare: Peripheral Campaigns and New Theatres of Naval Warfare, ed. Bruce A. Elleman and S. C. M. Paine (London: Routledge, 2011), tr. 143-44.
9 Quân lính miền nam Việt Nam đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa có thể lúc đó đang thực hiện hoạt động cung cấp dữ liệu khí tượng học cho Mỹ.
10 李炳夫 [Li Bingfu], 西沙海战中的永兴 岛钻探 [Drilling at Woody Island during the Paracels Battle], China Petrochem, Số 16 (tháng 8/2012), tr. 80–83. Li là thành viên của đội thăm dò dầu khí trên đảo Phú Lâm. Đội thăm dò này đã không tìm thấy dầu trên đảo.
11 郭富文 [Guo Fuwen], 那场英勇的海战 [That Heroic Sea Battle], People’s Navy, 21 January 2014, tr. 4
12 Tlđd.
13 Theo phân tích từ phía Việt Nam, các tàu đánh cá này được mô tả là các tàu dân sự được trang bị vũ trang, vỏ thép cải trang thành tàu đánh bắt cá. Kiem and Kane, Counterpart, tr. 176; Ngac, "Battle for the Paracels," tr. 46 and 57.
14 Tất cả tàu chiến miền nam Việt Nam đều là tàu cũ của hải quân Mỹ. Tàu HQ-16 vốn là tàu USS Chincoteague, một tàu mang thủy phi cơ cỡ nhỏ trong chiến tranh thế giới 2; tàu khu trục HQ-4 vốn là tàu hộ tống khu trục USS Forster, tàu khu trục loại nhỏ HQ-5 vốn là tàu tiếp liệu loại nhỏ của hải quân Mỹ, tàu quét thủy lôi HQ-10 vốn là tàu quét thủy lôi USS Serene
15 魏鸣森 [Wei Mingsen], 我是怎么指挥西 沙海战的 [How I Commanded the Paracels Sea Battle], Modern Ships, Số 8 (2007), tr. 26. Ngụy Minh Sâm đã nắm quyền chỉ huy đội tàu và triển khai tới tiền duyên tàu 271, đi đầu trong cuộc chiến.
16 ―海军司令员谈西沙海战‖ [Navy Commander Discusses Paracels Battle], Modern Ships, Số 1A (2008), tr. 16. Bài phân tích này dựa trên cuộc phỏng vấn với phó chỉ huy PLAN trong cuộc hải chiến này, ông là người thuật lại chi tiết các nhân tố chính của cuộc đụng độ.
17 Du Jingchen, Handbook for Officers and Enlisted, tr. 610.
18 杨贵华 [Yang Guihua], biên tập, 中国人民解放军 战史教程 [Chinese People’s Liberation Army War History Course] (Beijing: Academy of Military Science, 2013), tr. 233. Theo thuyền trưởng Kiem và Nga, HQ-05 đưa một đội lính đổ bộ lên đảo Quang Hòa. Kiem and Kane, Counterpart, tr. 176; Ngac, ―Battle for the Paracels,‖ tr. 54.
19 Về vụ đâm va, xem Shi Yunsheng, Encyclopedia of the Chinese Navy, tr. 1747. Phân tích khác cho rằng đó tàu HQ-5 đã đam va hai tàu của Trung Quốc là 396 và 389. Xem [Liang Fang], ed., 海战史与未来海战研[Sea Battle History and Research on Future Sea Battles] (Beijing: Haiyang, 2007), tr. 199.
20 Guo Fuwen, “That Heroic Sea Battle”, tr.4
21 杜作义 张云卿 [Du Zuoyi and Zhang Yunqing], 维护海洋权益 痛歼入侵之敌 [Defending Maritime Rights, Annihilating Invading Enemy], Journal of Political Work, Số 7 (1994), tr.17. Journal of Political Work được xuất bản hàng tháng thông qua Học viện Hải quân Đại Liên, đại diện cho Ban Chính trị của PLAN. Du là hoa tiêu của tàu 389, trong khi đó Zhang là chính ủy trên tàu số 271
22 李兆心 [Li Zhaoxin], 我所经历的西沙海 战 [What I Experienced during the Paracels Sea Battle], Party History Collection, Số 7 (2009), tr. 35.Li là nhà mật mã công tác tại ban tình báo sở chỉ huy của hạm đội Nam hải.
23 Ngụy Minh Sâm kể lại rằng, tàu số 271 lúc đó cách tàu Việt Nam 2000m khi bắt đầu nổ súng. Phía Trung Quốc lúc đó đã thu hẹp khoảng cách xuống còn 10m. Xem Wei Mingsen, ”How I Commanded the Paracels Sea Battle”, tr. 30. Tài liệu của PLAN thì thuật lại khoảng cách hai bên được thu hẹp lúc đó từ 1000m xuống còn 300 m. Xem Du Jingchen, Handbook for Officers and Enlisted, tr. 610.
24 Thuyền trưởng Ngac chứng minh thêm về hư hại đối với tàu HQ-4. Xem Ngac, “Battle for the Paracels”, tr. 60.
25 Những tường thuật về hoạt động của tàu 389 cho thấy là rất thực chất. Du Zuoyi và Zhang Yunqing thuật lại rằng, hai tàu 396 và 389 đã chuyển hướng nhắm vào tàu HQ-10 sau khi vô hiệu hóa súng của tàu HQ-16. Xem Du Zuoyi and Zhang Yunqing, “Defending Maritime Rights, Annihilating Invading Enemy”, tr.17. Tương tự, Ngụy Minh Sâm đã nhìn thấy tàu 396 và 389 bắn vào tàu HQ-10 sau khi rời bỏ mục tiêu là tàu HQ-16. Xem Wei Mingsen, “How I Commanded the Paracels Sea Battle”, tr.31. Các tường thuật khác thì cho rằng tàu HQ-10 đã tấn công tàu quét thủy lôi số 389 để giai vây cho tàu HQ-16 lúc đo bị hai tàu 396 và 389 tấn công rất dữ dội. Theo phiên bản này thì tàu HQ-10 đã bị bắn trong khi có gắng giải vây tàu HQ-16. Xem Liang Fang, Sea Battle History and Research on Future Sea Battles, tr.199. Theo bộ bách khoa chính thức của PLAN thì tàu tấn công tàu HQ-10 là tàu số hiệu 389. Tài liệu trong People’s Navy chứng minh cho bộ bách khoa này. Xem Shi Yunsheng, Encyclopedia of the Chinese Navy, tr. 1747, and Guo Fuwen, “That Heroic Sea Battle”, tr. 4
26 Du Zuoyi and Zhang Yunqing, “Defending Maritime Rights, Annihilating Invading Enemy”, tr. 17; Guo Fuwen, Encyclopedia of the Chinese Navy, tr. 4.
27 Thuyền trưởng Kiem cho rằng một quả tên lửa hành trình chống tàu đã đánh chìm tàu HQ-10, trong khi đó thuyền trưởng Ngac cho rằng ông đã nhìn thấy tàu tên lửa hành trình lớp Komar. Có thể Ngac đã nhầm lẫn đối với tàu săn ngầm đến để hỗ trợ cho tàu tên lửa. Kiem and Kane, Counterpart, tr. 178; Ngac, “Battle for the Paracels”, tr. 63 and 72.
28 Guo Fuwen, Encyclopedia of the Chinese Navy, tr. 4
29 刘礼峰 丁伟 [Liu Lifeng and Ding Wei], “西沙自卫反击作战 终极解密” [Paracels Self-defense Counterattack Operations Decoded], Military History, Số 6 (2005), tr. 13
30 Tlđd
31 Liang Fang, Sea Battle History and Research on Future Sea Battles, tr.200. Kiem cho rằng hải quân RVN đã đánh chìm một tàu phóng lôi và một tàu cá của Trung Quốc, trong khi đó Ngac cho rằng lực lượng của ông đã đánh chìm tàu số hiệu 271. Kiem and Kane, Counterpart, tr.178; Ngac, “Battle for the Paracels”, tr. 70.
32 Thuyền trường Ngac thuật lại rằng ông được giao nhiệm vụ phụ trách một lực lượng đặc nhiệm mới, bao gồm tàu HQ-5, HQ-6 và HQ-17, để đánh chiếm lại quần đảo Hoàng Sa. Do những mối lo ngại về việc tàu chiến không đủ khả năng thực hiện sứ mệnh, kế hoạch cuối cùng đã bị hủy bỏ. Ngac, “Battle for the Paracels”, tr.77.
33 张伟 [Zhang Wei], 毛泽东一生中决策的最 后一仗—西沙群岛保卫战 [Mao Zedong’s Strategic Decisions in the Last Battle: Defensive Battle for the Paracel Islands], Party History Collection, Số 10 (2008), tr. 41. Các tàu của hải quân Trung Quốc thường tránh đi qua eo biển Đài Loan, thay vào đó chủ yếu là đi đường vòng qua bờ biển phía tây của Đài Loan để tới khu vực Biển Đông.
34 Về tính nhạy cảm khi đi qua eo biển Đài Loan, xem 李兆新 [Li Zhaoxin], 西沙海战中我支援军舰顺利通过台湾海峡的真实过程 [The Real Story behind Our Warships Successfully Passing through the Taiwan Strait during the Paracels Battle], Party History Collection, Số 10 (2010), tr. 46–48. Li đã thực hiện nhiệm vụ này trong suốt hành trình này của ba đội tàu, chứng kiến toàn bộ sự kiện.
35 Các tàu này thuộc thành phần của hạm đội Tàu ngầm Loại nhỏ thứ 32
36 Xem tổng thể tại杨宝林 [Yang Baolin] được ghi chép tại 林儒生 [Lin Rusheng], “西沙海 战中的潜艇兵” [A Submariner during the Paracels Battle], Ordnance Knowledge, Số. 11 (2014), tr. 76–79. Yang là nhân viên kỹ thuật điện trên tàu 159. Sau đó ông trở thành chính ủy trên tàu ngầm 296.
37 Thuyền trưởng Ngac nhớ lại mối lo ngại của mình rằng tàu ngầm lớp Whiskey và Romeo có thể đã ngầm di chuyển suốt chặng đường giữa Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa. Về vấn đề này, mối lo ngại của thuyền trưởng dường như đã được xác định. Ngac, “Battle for the Paracels”, tr. 64.
38 Xem tổng thể tường thuật của thủy thủ đoàn trên tàu ngầm 158 trong 林儒生 [Lin Rusheng], “西沙海战中的潜艇预伏战” [Submarine Patrols during the Paracels Battle], Ordnance Knowledge, Số 4 (2015), tr. 81
39 刘华清 [Liu Huaqing], 刘华清回忆录 [Memoirs of Liu Huaqing] (Beijing: Liberation Army Press, 2007), tr. 338– 43.
40 Xem giải thích về hướng dẫn của Quân uỷ Trung Ương đối với các lực lượng hải quân ở Hoàng Sa tại “Nghiên cứu Quốc phòng biển” của 41 Trương Vĩ, ”Mao Zedong’s Strategic Decisions in the Last Battle”, tr 39.
42 Yen Jianying, sau này là phó Chủ nhiệm Trung ương Đảng và là Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, đã quản lý công việc hàng ngày của Quân Uỷ. Chu Ân Lai đã bổ nhiệm Ye giữ chức vụ chỉ huy tiển ban. Xem Fan Shuo, Tiểu sử Ye Jianying. (Bắc Kinh: Contemporary China Press, 2015), trang 378. Xem thêm Deng Xiaoping and Ye Jianying during the 1974 Paracels Self-defense Counterattack], Party History Collection, no 7 (2014), trang 11.
43 “Navy Commander Discusses Paracels Battle”, trang 15.
44 Li Zhaoxin, ―Real Story behind Our Warships Successfully Passing through the Taiwan Strait,‖ trang 33
45 Tiểu sử của Ye Jianying trong thông tin tình báo, Xem thêm Fan Shuo, Biogra- phy of Ye Jianying, trang 378, Cũng xem thêm 赵小平 [Zhao Xiaoping], “叶剑英指挥西沙海战” [Ye Jianying Commands the Paracels Battle], Modern Navy, no 6 (2000), trang 16
46 Zhao Xiaoping, “Ye Jianying Commands the Paracels Battle”, trang 16
47 Đánh giá về chỉ huy trận chiến từ hai phía, xem 远林 唐毓瑨 [Yuan Lin and Tang Yujin], 图说西沙海战 [Giải thích về trận chiến Hoàng Sa], Modern Ships, no 10 (2001), trang 35–37
48 Liang Fang, Sea Battle History and Research on Future Sea Battles, trang 199
49 Chiến thuật của PLAN đặc biệt đáng chú ý mặc dù trong bối cảnh của Cách mạng Văn hoá, hai nhân tố được lý giải cho thành công của Trung Quốc năm 1974 là chủ nghĩa dân tộc duy trì động lực khuyến khích chiến đấu.
50 Nguồn tin Việt Nam cho biết lực lượng Việt Nam Cộng hoà đã mắc phải các sai lầm về chiến thuật và kỹ thuật, HQ 10 đã chỉ chạy một động cơ khi chiến đấu, xem Kiem and Kane, Counterpart, trang 177, và Ngac, “Battle for the Paracels”, trang 40 hệ thống súng chính của HQ-4 đã không hoạt động tốt trong các phút quan trọng đầu tiên của trận chiến Xem Kiem and Kane, Counterpart, trang 177, và Ngac, “Battle for the Paracels”, trang 59 và 76 In the confusion of the skirmish, HQ-16 đã bị hạ bởi súng tầm gần xem Kiem và Kane, Counterpart, trang 178, và Ngac, “Battle for the Paracels”, trang 76 Cuối cùng, các máy bay chiến đấu F5 của Việt Nam Cộng hoà the RVN Air Force đã không hoạt động đủ tầm hỗ trợ cho các đơn vị hải quân xem Kiem and Kane, Counterpart, trang 176, và Ngac, “Battle for the Paracels”, trang 61
51 刘振华 [Liu Zhenhua], 西沙海战胜利原因 分析及对当前南海争端的启示 [Analysis of the Reasons behind the Victory in the Paracels Battle and Lessons for the Current South China Sea Disputes], Legal System and Society, no 9 (2009), trang 367
52 Carl von Clausewitz, On War (Princeton, NJ: Princeton Univ Press, 1984), trang 119
53 Xem phân tích tại 镭射 [Lei She], “如果65型护卫舰参加西沙海战” [If the Type 65 Frigate Had Joined the Paracels Sea Battle], Modern Ships, no 11 (2012), trang 3
54 Phỏng vấn với Đô đốc Khổng Triệu Niên, Navy Commander Discusses Paracels Battle, trang 15
55 张毓清 [Zhang Yuqing], “亲历西沙之战” [Witness to the Paracels Battle], History, no 7 (2011), trang 69 Zhang là thuỷ thủ số 281. Theo như Zhang, khi số 281 đến đảo Phú Lâm, các thuỷ thủ đã tắt radio và chuyển thông tin để kết nối ngoài khơi phù hợp theo quy định tuy nhiên vì lý do nào đó, trụ sở của Hạm đội Nam Hải đã tiếp tục giữ radio số 281. Theo như chuẩn hoạt động trụ sở hạm đội nên liên lạc với chỉ huy bờ thay vì liên lạc với phó Đô Đốc. Zhang sau này là chỉ huy của vụ huuấn luyện thuộc trụ sở của PLAN đặt tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
56 尹恩忠 李楠 [Yin Enzhong and Li Nan], ―西沙海战中思想政治工作的经验及启 示‖ [The Experience and Lessons of Political Work during the Paracels Sea Battle], Journal of Political Work, no 7 (2014), trang 34
57 Các lý thuyết về lý do tại sao Đài Loan đã không hành động gì cho rằng Trương Khải Siêu cũng cùng quan điểm về yêu sách chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông nên ngầm cho phép tàu khu trục Trung Quốc đi qua eo biển, xem 张 春英 [Zhang Chunying], “海峡两岸对南沙 和西沙群岛主权的共同维护” [Cross-strait Joint Protection of Spratly and Paracel Islands Sovereignty], Military History, no 5 (2003), trang 27
58 Li Zhaoxin, “Real Story behind Our Warships Successfully Passing through the Taiwan Strait”, trang 47
59 Công ty được thành lập lần đầu tiên ở Quảng Châu năm 1954 và chuyển đến thành phố Baimajing ở Hainan năm 1958, trước đây là Công ty Nhà nước Khai thác Phân dơi tại Biển Đông Formerly known as the State-Owned South China Sea Guano Company, công ty khai thác phân dơi tại PHú Lâm từ năm 1955 -1962, sau khi khai thác hết nguồn phân dơi ở trên đảo năm 1962, công ty đổi tên là Công ty Khai thác thuỷ hải sản Biển Đông, ngày nay Tập đoàn công nghiệp khai thác hải sản tại Biển Đông là tập đoàn chín có trang web nói về đóng góp hoạt động tại Biển Đông trong đó có trận chiến Hoàng Sa đóng góp của tàu số 407, hàng trăm dân quân biển đã được huy động cho công ty. Các tàu số 407, 402, và Dương Quý, thuyền trường tàu 407 tại website wwwnanhaifisherycom
60 Wei Mingsen, “How I Commanded the Paracels Sea Battle”, trang 27
61 黄传友 舟欲行 [Huang Chuanyou and Zhou Yuhang], 海军—征战纪实 [Navy: Campaign Documentary] (Beijing: Liberation Army Literary Press, 2007), trang 328; 舒云 [Shu Yun], “西沙群岛自卫反击战内幕” [The Inside Story of the Paracel Islands Self-defense Counterattack], Party History, no 10 (2000), trang 11
62 郑小红 杨少松 [Zheng Xiaohong and Yang Shaosong], “八旬老船长忆中越西沙海战: 冒险援救受伤战” [Eighty-Year-Old Captain Remembers the Sino-Vietnamese Paracels Sea Battle: Taking Risks to Save Wounded War- riors], China News Online, 18/1/2010.
63 Central Intelligence Agency, “The Paracel Islands Incident”, bản ghi nhớ ngày 21/1/1974, trang 3 tại Digital National Security Archive, wwwsearchproquestcom/ dnsa
64 Thomas J Christensen, The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power (New York: W W Norton, 2015), trang 261
65 Christopher D Yung and Patrick McNulty, “An Empirical Analysis of Claimant Tactics in the South China Sea”, Strategic Forum, no 249 (August 2015), trang 10
66 US Department of Defense, Asia-Pacific Maritime Security Strategy (Washington, DC: Department of Defense, July 2015), trang 11
67 Xem Swanson, Eighth Voyage of the Dragon, trang 216–23.
* * *
Xem bài nầy bằng Anh ngữ, click vào đây
Xem bài liên hệ với đề tài, click vào đây
Xem trang “Hải Quân VNCH”, click tại đây
Xem trang “Hải Quân Thế giới”, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com